Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Ân nhân người Việt tị nạn: Malcolm Fraser (21/5/1930 – 20/3/2015)

Báo chí Úc mới loan tin rằng ông Malcolm Fraser, cựu thủ tướng Úc từ 1975 đến 1983, mới qua đời hôm nay (20/3/2015) tại tư gia (1). Ông Fraser là một trong những chính khách Úc tôi mến mộ nhất, là một đại ân nhân của rất nhiều (hàng vạn) người tị nạn Việt Nam trong thập niên 1980. Trong thời gian ông làm thủ tướng, Chính phủ của ông đã nhận biết bao nhiêu người Việt, trong đó có tôi, từ các trại tị nạn Đông Nam Á.


Sau 1975, như chúng ta biết, có làn sóng người Việt vượt biên và vượt biển đi tị nạn ở các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và Phi Luật Tân. Những ai may mắn trốn thoát và sống sót sau chuyến hải hành thì phải trải qua một thời gian đầy khó khăn ở các trại tị nạn. Trong thời gian ở trại tị nạn, thuyền nhân được các phái đoàn từ các nước phương Tây đến phỏng vấn, và nếu được chấp nhận, sẽ cho đi định cư ở một nước thứ ba.

Thời đó, ở Úc đảng Lao Động đang nắm chính quyền, và đứng đầu Chính phủ là ông Gough Whitlam. Ông Whitlam có cảm tình với những người cộng sản, và có lẽ do đó ông không có cảm tình với người Việt tị nạn. Ông miễn cưỡng nhận người Việt vào Úc. Câu nói để đời của ông về người Việt tị nạn là: "I'm not having hundreds of fucking Vietnamese Balts coming into this country with their political and religious hatreds against us" (Tạm dịch: Tôi không muốn có cả trăm người trong cái đám người Việt chết tiệt đó vào Úc với những thù hận mang tính chính trị và tôn giáo chống lại chúng ta). Khi ông này qua đời năm ngoái, báo chí Việt Nam có những bài ca ngợi ông ấy!

Đến khi Chính phủ của Whitlam bị truất phế (nói đúng ra là bị đuổi), thì ông Malcolm Fraser lên thay thế. Ông Fraser là người của Đảng Liberal (nhiều người dịch là đảng "Tự Do" nhưng tôi không nghĩ thế), tức đảng bảo thủ. Bảo thủ không có nghĩa là xấu; ngược lại, ông Fraser là người rất tình cảm, rất nhân từ, và ông mở cửa Úc cho người tị nạn Việt Nam chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Tôi là người may mắn đến Úc trong thời ông làm thủ tướng. Không có ông, chưa chắc tôi có dịp đến Úc, mà có thể đã định cư một nơi nào đó bên Mĩ. Tôi lúc nào cũng xem cái tờ giấy quốc tịch có chữ kí của ông Fraser như là một kỉ niệm, một dấu ấn của ông trong đời mình. Do đó, báo chí Úc nói ông là một “unsung hero” (2) của người tị nạn là không hề thậm xưng chút nào.

Quyết định của ông Fraser nhận người Việt tị nạn gây cho ông không ít khó khăn. Sau này tôi biết (qua hồi kí của Fraser) là khi nội các bàn về việc nhận người tị nạn, ông Fraser nói về ý định mở cửa Úc cho người tị nạn Việt Nam, nhiều người bàn ra tán vào, nhưng John Howard thì ngồi im không nói gì. (Howard, sau này trở thành thủ tướng, nổi tiếng là người không ưa người Á châu). Fraser kể rằng trong buổi giải lao, Howard đến bên cạnh Fraser và hỏi là có thật ông Fraser muốn nhận hàng vạn người Việt vào Úc, hay là chỉ nói điêu. Ông Fraser kể là ông nhìn thẳng vào mắt của Howard và nói: “Nếu anh phản đối tôi thì anh phải nói trong nội các, những gì anh nói ở đây với tôi là vô nghĩa. Tôi đã nói là nhận người tị nạn thì tôi sẽ làm theo những gì tôi nói.” Nên nhớ rằng lúc đó bên VN thì ông Phạm Văn Đồng tuyên bố rằng người tị nạn Việt Nam là một đám đĩ điếm và trộm cướp.

Tôi có một ấn tượng rất khó quên về ông Fraser là lúc ông thất cử. Năm đó, hình như là 1983 hay 1982, khi đảng Liberal của ông thất cử về tay đảng Lao Động của Bob Hawke, ông Fraser lên đài truyền hình đọc diễn văn thú nhận thất cử và chúc mừng đối phương. Bổng nhiên ông … khóc. Ông khóc ngay trên đài truyền hình. Ông nói một câu nổi tiếng mà sau này nhiều người hay nhắc đến "Life was not meant to be easy" (có thể hiểu là "Cuộc đời không có nghĩa là dễ dàng").  Lúc đó, tiếng Anh của tôi không tốt mấy, nên tôi chẳng hiểu sao ông khóc. Vả lại, với tôi, ấn tượng về một chính khách là một “người hùng”, hay ít ra là người lạnh lùng, mưu mẹo, chứ sao lại khóc. Đàn ông mà khóc thì kì quá, tôi nghĩ vậy. Nhưng sau này tôi mới biết là ông Fraser là người rất tình cảm, nên ông dễ bị xúc động. Sau này, khi Úc dưới thời John Howard tỏ ra cứng rắn với người tị nạn, ông Fraser từng lên tiếng phê bình và chỉ trích “đệ tử” Howard khá nhiều lần. Tôi nghĩ nếu có một nét son dành cho ông Fraser thì đó chính là lòng nhân từ của ông dành cho người tị nạn Việt Nam.

Người kế nhiệm ông là Bob Hawke cũng thế, tuy bề ngoài nhìn có vẻ phong trần và “hard man” nhưng ông từng khóc nức nở khi thấy người Tàu bị bắn giết trong sự kiện Thiên An Môn. Chính Hawke lại một lần nữa mở cửa Úc cho người tị nạn Tàu vào định cư. Tôi nghiệm ra rằng chính khách phương Tây rất nhân từ và họ có cảm xúc cao lắm. Họ sống thật với cảm xúc, chứ không đóng kịch để mị dân. Nếu đo được, tôi nghĩ độ xúc cảm của họ chắc chắn cao hơn những người mang danh “lãnh đạo” ở Tàu và Việt Nam. Ngay cả ông cụ Hồ tuy có lúc lau nước mắt nhưng người ta vẫn nghi ngờ rằng đằng sau hành vi đó hình như là một màn kịch. Tôi thấy ông Fraser và Bob Hawke không hề đóng kịch khi rơi lệ trước thảm cảnh người tị nạn.

Nay thì ông Malcolm Fraser đã về cõi vĩnh hằng. Xin chia buồn cùng gia đình ông. Cầu chúc ông thanh thản ở bên kia thế giới, nơi mà ông sẽ gặp lại rất nhiều người Việt từng hàm ơn ông.

===


0 nhận xét:

Đăng nhận xét