Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Du học Singapore có khó khăn thuận lợi nào

Những vấn đề chi phí khi đi du học :

Những bỡ ngơ của du học sinh khi đi du học tại singapore bao gồm:

Bắt đầu xuống sân bay: bạn có thể bị thất lạc hành lý, tâm lý hoang mang là điều mà các du học sinh gặp phải, bạn nên bình tĩnh và tìm cách giải quyết như là: nhờ các sự trợ giúp của bộ phận dịch vụ hỗ trợ hành lý thất lạc.

Du học Singapore bạn sẽ cảm thấy nhờ nhà nhất vào đêm đầu tiên

Khi nhận phòng bạn phải sắp xếp đồ đạc trong phòng ổn định, kiếm 1 địa chỉ để ăn.

Thay đổi cuộc sống mới bạn có thể sẽ bị ốm: Trước khi đi bạn cần chuẩn bị những loại thuốc về các bệnh nhẹ như là: cảm cúm, đau đầu,… Sống một mình nơi đất khách quê người nên nỗi lực tự chăm lo cho bạn thân. Và nhớ trước khi sang Singapore du học thì bạn nên tập nấu các món Việt Nam, vì nếu bạn thường xuyên ăn ngoài thì chi phí dành cho ăn uống sẽ tăng lên, và bạn cũng không thể ăn mãi được những món lạ tại Singapore, bạn sẽ nhớ những món ăn quê nhà, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy được những thực phẩm của việt nam trên các siêu thị, của hàng, và giá của nó cũng không đắt, việc bạn tự nấu ăn sẽ giảm được chi phí xuống đáng kể.


Bắt đầu đi nhập học và thủ tục khai báo với sở di trú, với bước này thì sinh viên được hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của các anh chị bên Trung tâm sinh viên của trường nhanh chóng được xong xuôi.

=> Bạn phải làm tất cả mọi việc

Phương pháp học tập ở Singapore cũng khiến bạn ngạc nhiên: với 70% là do sinh viên tự học, trong giờ học cả lớp im lặng nghe giảng viên giảng bài, số lượng sinh viên trong 1 lớp chỉ có 14 người, và mỗi người ngồi 1 bàn. Vì mình là sinh viên Việt Nam nên vừa phải cố gắng nghe những gì giáo viên nói và hiểu được nội dung đó. Nội dung bài giảng và assignments và exams đều được thiết kế chi tiết về nội dung, timeline và thông báo trước cho sinh viên chuẩn bị và có kế hoạch học tập ngay từ đầu cho phép bạn có thể chủ động trong việc học tập hơn. Tất cả các môn học đều có một hoặc nhiều hơn một bài tập làm theo nhóm và những bài tập cá nhân.

Lợi thế khi đi du học ở Singapore đối với người Việt nam là:

Bạn có thể nhanh chóng đặt vé máy bay về nước sau 2 tiếng đồng hồ đã có mặt tại quê nhà.

Với số dân: 77% là người Hoa, đông đảo kế tiếp là người gốc Mã Lai, người Ấn độ,… cho nên có nét tương đồng với văn hóa của người việt nam,

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Tấm lòng của bác Trọng

Phải nói một cách khách quan là chuyến Mĩ du của bác Trọng lần này “êm thuyền xuôi mái” hơn các vị trước như các bác Triết, Khải, Phiêu, Nghị. Bác Trọng không vấp phải những “sự cố” linh tinh như các bác ấy. Những phát biểu của bác Trọng trong Oval Office và các cuộc gặp mặt khác, dù chỉ là ngôn ngữ ngoại giao, làm cho nhiều người có lí do để hi vọng. Tuy nhiên, hôm nay xem qua bài diễn văn bác Trọng đọc trước CSIS (1) về người Việt trên đất Mĩ làm tôi rất … tâm tư.


Nói về cộng đồng người Việt ở Mĩ, bác Trọng nhắn nhủ chính quyền Mĩ là nên lo lắng cho “thần dân” Việt của bác ấy. Bác nói: “Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”

Câu này nghe quen quen. Thật vậy, bác Trọng không phải là người lãnh đạo VN nói câu này lần đầu; trước bác đã có các vị khác cũng nói tương tự khi đi công cán bên Âu châu và Úc châu. Điều này chứng tỏ rằng cái câu văn đó là sản phẩm của một người nào đó chuyên soạn diễn văn cho các bác lãnh đạo. Người đó chỉ việc cắt và dán câu văn kinh điển đó cho bất cứ ai đi thăm chính thức một nước có đông người Việt cư ngụ. Nói cách khác, nó không chỉ là câu văn sáo ngữ (rhetoric), mà còn là một câu văn vô hồn (mới có chuyện cắt và dán), chứ nó không thể hiện cái tâm thật của người viết, càng chưa chắc phản ảnh cái suy nghĩ thật của người nói.

Nhưng công bằng mà nói, tôi nghĩ với sự hiện diện của gần 2 triệu người Việt trên nước Mĩ, bác Trọng cảm thấy cần thiết nói một câu gì đó. Một câu để chứng tỏ cho người Mĩ thấy là bác cũng là một người lãnh đạo đang hội nhập thế giới văn minh, cái thế giới thân thiện và quan tâm đến sự an sinh và lợi ích của con người (chứ không dùng con người như là một công cụ chiến tranh). Tôi nghĩ câu phát ngôn của bác Trọng ra đời trong bối cảnh đó.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn câu nói kinh điển đó, nếu 40 năm trước đa số người Việt định cư ở Mĩ ra đi một cách êm thắm và trật tự, và còn giữ tình cảm đẹp với nhà cầm quyền. Nhưng trong thực tế, chúng ta biết rằng đại đa số người Việt định cư ở Mĩ đã ra đi trong tình cảnh đau đớn, đau khổ, cay đắng, và đầy nước mắt. Họ mất cha, mất chồng, mất người thân, mất nhà cửa, mất tài sản, có khi mất tất cả. Họ ra đi trong bối cảnh “vĩnh biệt” quê hương. Thử nghe một ca khúc nổi tiếng thời thập niên 1980 thì biết:

Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau. 

Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một ngày qua là một ngày li biệt
Một ngày qua là ta mất nhau rồi
Một ngày qua là muôn kiếp chia phôi.

Rồi họ sống sót. Một thời gian sau, bằng đôi tay cùng ý chí tự lực cánh sinh cũng như sự bao dung của cộng đồng người Mĩ, người Việt cũng ổn định cuộc sống, lập ra những khu phố phồn thịnh như ngày nay. Người Việt ở Mĩ ngày nay đã ổn định, và đóng góp nhiều tỉ USD cho bên nhà. Đó là số tiền có thể xem là “viện trợ không hoàn lại” lớn nhất so với các nước khác tài trợ. Thật vậy, chưa có một nước nào trên thế giới đã và đang "viện trợ" bền bỉ cho VN mỗi năm hơn 15 tỉ USD như người Việt ở nước ngoài.

Trong thời gian 40 năm qua, người Việt ở Mĩ và khắp nơi trên thế giới đã định cư và phát triển hoàn toàn chẳng có dính dáng gì với chính quyền trong nước, chứ nói gì đến “giúp đỡ” của chính quyền hiện hành. Đó là chưa kể đến lúc người Việt bỏ nước ra đi, vị thủ tướng thời đó là Phạm Văn Đồng đã phỉ báng rằng họ là thành phần ma cô, đĩ điếm. Trớ trêu thay, ngày nay bác Trọng, người trong hệ thống chính quyền đó, lại nhắn nhủ chính quyền Mĩ là nên chăm sóc cộng đồng người Việt ở Mĩ! Thật không có gì trớ trêu hơn, nếu không muốn nói là … trơ trẽn.

Tôi tưởng tượng rằng sáng nay, mấy bác HO và tị nạn ở Quận Cam đang nhâm nhi cà phê và bàn râm ran câu phát ngôn của bác Trọng. Có lẽ họ xem đó là một câu tiếu lâm hiện đại. Đối với những người đã về VN làm việc hay kinh doanh hay nghỉ hưu, có lẽ câu đó nên là câu của ông Obama: “Tôi mong chính quyền Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các người Mĩ gốc Việt có một cuộc sống an bình, làm việc và kinh doanh, để họ đóng góp tích cực cho sự mối bang giao giữa Hoa Kì và Việt Nam.” Dĩ nhiên, tôi chỉ nói đùa, chứ ông Obama đâu có nói theo kiểu… hối lộ như thế.

Thật ra, tôi nghĩ câu nhắn nhủ đó không cần thiết. Thứ nhất, đó là một câu phát biểu mang tính nhờ vả, hối lộ. Nó cũng giống như cách nói gửi gắm: này, chúng nó là thần dân của tôi đấy nhé, các anh nhớ quan tâm chăm sóc chúng nó dùm tôi. Nó cũng giống như quan lớn gửi gắm con cháu cho một cơ quan khác dưới quyền. Thành ra, đó cũng là cách nói của một kẻ có quyền cao chức trọng nói với kẻ có quyền thế thấp hơn, và như thế là trịch thượng. Thứ hai là nó không thích hợp, bởi vì ở Mĩ, nơi các thiết chế pháp lí khá hoàn chỉnh, nơi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nơi có chế độ an sinh đàng hoàng, thì chuyện gửi gắm chỉ làm cho người Mĩ khó chịu, nếu không muốn nói là mỉm cười. Mang cái tư duy Việt Nam (gửi gắm) sang một xã hội văn minh rất ư là không thích hợp, và hành động đó nói lên rằng thời gian hội nhập hình như chưa đủ. Và, sau cùng là câu nói đó chỉ làm cho người Việt ở nước ngoài nhìn bác Trọng một cách tội nghiệp, vì bác ấy bị mấy người viết diễn văn làm người khác nhìn bác ấy như chẳng biết gì về quá khứ và lịch sử của cộng đồng người Việt ở Mĩ.

Lần sau, tôi đề nghị các vị lãnh đạo đi công cán ở nước ngoài, và nếu họ muốn nói câu gì đó đến người Việt ở địa phương, họ nên tự mình viết ra. Không nên để cho những người soạn diễn văn chuyên nghiệp chấp bút, vì họ chỉ là những cái máy viết, mà cái máy thì nó vô hồn, vô cảm, và không hay.

Tôi thử tưởng tượng mình là bác Trọng, và đang công cán bên Mĩ, tôi sẽ viết gì cho đồng hương bên đó. Có lẽ tôi sẽ viết: “Nhân danh là một người Việt, tôi muốn chân thành gửi đến tất cả đồng hương người Việt trên đất Mĩ lời chúc sức khoẻ. Tôi biết và hiểu rằng một số trong các bạn vẫn còn bị quá khứ chi phối đến tình cảm của các bạn dành cho Việt Nam ngày nay. Tôi không kêu gọi các bạn quên đi quá khứ đau buồn, tôi chỉ mong muốn các bạn hãy bỏ quá khứ sau lưng, và cùng chúng tôi ở trong nước chung tay bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, tự do, dân chủ, và bác ái. Tôi cũng hi vọng các bạn đóng vai trò cầu nối tích cực cho mối bang giao Việt – Mĩ đang càng ngày càng tốt đẹp.

Tôi muốn lặp lại câu Kiều mà ông Biden đã nói với tôi (nhưng thiết nghĩ giữa người Việt với nhau, câu đó không cần thiết), nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng các bạn và tôi đang ở ngay một thời điểm lịch sử, khởi đầu cho cuộc hành trình vì một Việt Nam tươi sáng. Tôi chân thành kính mời các bạn cùng tôi tham dự vào cuộc hành trình lịch sử này.”

Các bạn đọc những ‘rhetoric’ đó thấy thuyết phục chưa? :-) 

====

Một nửa sự thật

Chiều nay, nhân đọc một bình luận của một trang web lề dân về chuyến đi của bác Trọng, tôi chú ý đến đoạn trích dẫn báo Tuổi Trẻ viết về bài tuyên bố của Thượng nghị sĩ John McCain (1). Khi kiểm tra nguồn thì báo Tuổi Trẻ trích Thông tấn xã VN (TTXVN). Nhưng khi so sánh bài trên TTXVN và bản tuyên bố bằng tiếng Anh của McCain thì thấy rõ ràng TTXVN đã đưa tin một cách ... chọn lọc.


Bản tin trên TTXVN viết rằng "Thượng Nghị sĩ cũng đánh giá những tiến triển hai nước cùng đạt được trong 20 năm qua là đáng kinh ngạc. Hoa Kỳ và Việt Nam đang ở thời điểm tốt hơn bao giờ hết để tiếp tục những tiến triển này. Ông McCain cũng ca ngợi Việt Nam gần đây đã tiến hành các bước đi đáng khích lệ nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền."

Thật ra, bản tuyên bố của McCain dài hơn và hay hơn nhiều so với trích dẫn của TTXVN. Ông McCain nhắc đến vấn đề Tàu đang hung hăng trên Biển Đông, và Chính phủ Mĩ đang phê chuẩn một ngân sách 425 triệu USD để giúp nâng cao năng lực quốc phòng cho ASEAN, kể cả Việt Nam. McCain còn nhắc đến giàn khoan HD-981 mà TTXVN không dám nói đến. Còn trong nước, McCain đề cập đến quyền con người 2 lần. 

Ông cũng nói đến ấn tượng tốt của ông về một thế hệ trẻ đĩnh đạc đang xuất hiện ở VN. Ông nói về nỗ lực đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới cho VN, và yểm trợ các hoạt động vì xã hội dân sự. Ông kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Ông kêu gọi Chính phủ Mĩ nên tháo gỡ những qui định về bán vũ khí cho VN, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc xoá bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí chỉ với điều kiện VN phải tỏ ra tôn trọng quyền con người, trả tự do cho các tù nhân lương tâm, và cải cách pháp lí.

Rất tiếc là TTXVN không dịch những đoạn đáng chú ý đó cho bạn đọc. Do đó, tôi bỏ ra vài phút dịch cho các bạn biết rõ. Bản tuyên bố của McCain có ở đây (2), và trong đó ông viết:

(Bắt đầu trích): "Hơn bao giờ hết, Hoa Kì và Việt Nam đang ở vị thế để tiếp tục xây dựng dựa trên sự tiến bộ này. Ngày nay, mỗi năm Việt Nam gửi sinh viên sang Mĩ du học nhiều hơn bất cứ nước Đông Nam Á nào. Trong tháng 5 vừa qua, tôi đã chứng kiến sự đĩnh đạc và kĩ năng của một thế hệ Việt Nam đang nổi lên được biểu hiện tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Thêm vào đó, sự hỗ trợ của Hoa Kì cho Việt Nam trong nỗ lực đào tạo những thế hệ lãnh đạo mới sẽ đạt những đỉnh điểm mới khi Đại học Fulbright ra đời ở TPHCM. Đại học độc lập này sẽ phục vụ như là một chất xúc tác để nâng cao nền giáo dục đại học ở Việt Nam, và khuyến khích những tiếp xúc ở mức độ cá nhân giữa hai quốc gia.

Ngoài sự cam kết đó ra, Hoa Kì phải tiếp tục yểm trợ xã hội dân sự ở Việt Nam, kể cả xiển dương tự do tôn giáo, tự do báo chí, và quyền lao động. Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp khiêm tốn nhưng đáng khuyến khích để cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, và Hoa Kì phải tiếp tục yểm trợ tất cả công dân Việt Nam đang tìm cách sử dụng những biện pháp ôn hoà để xây dựng một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng, một đất nước tôn trọng quyền con người và luật pháp.

Hoa Kì và Việt Nam chia sẻ một sự dấn thân sâu sắc vì hoà bình và an ninh vùng Châu Á Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong khi Trung Cộng [China] tiếp tục lấn chiếm và quân sự hoá vùng Biển Đông và một lần nữa triển khai giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) ở vùng biển gần Việt Nam. Để yểm trợ Việt Nam và các nước trong vùng Đông Nam Á, những nước đang có những nỗ lực giải quyết những tranh chấp biển đảo một cách ôn hoà, Quốc hội Mĩ đang xem xét phê chuẩn một ngân sách 425 triệu USD cho Bộ Quốc Phòng nhằm giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang của các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực bảo vệ biển.

Ngoài ra, tôi tin rằng ngay lúc này Hoa Kì phải tháo gỡ bớt những cấm đoán về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam [...] Sau khi tháo gỡ bớt những qui định, và tiến đến xoá bỏ cấm vận, Hoa Kì yêu cầu Chính phủ Việt Nam có những bước đi có ý nghĩa và vững vàng để bảo vệ nhân quyền, kể cả trả tự do cho các tù nhân lương tâm, và cải cách pháp lí. Đó nên là mục tiêu của chúng ta, và chúng ta nên làm việc với nhau để hoàn tất mục tiêu đó càng sớm càng tốt nhằm đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Hai mươi năm qua đã chứng kiến sự phát triển phi thường trong mối quan hệ giữa chúng ta, những phát triển cao hơn bất cứ ai trong chúng ta có thể kì vọng. Tôi mong đợi được tiếp kiến tổng bí thư Trọng trong tuần này, trong khi hai nước chúng ta đang tìm cách tiếp tục xây dựng một mối quan hệ dựa trên nền tảng của một viễn kiến mà chúng ta chia sẻ. Đó là viễn kiến một Châu Á Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng." (Hết trích).

Dĩ nhiên, không ai ngạc nhiên khi TTXVN lược bỏ những đoạn "tế nhị". Ngạc nhiên là ở thời đại internet và thông tin mở mà "báo chí cách mạng" lại làm như thế, có thể hiểu là một cách khinh thường độc giả. Người phương Tây có câu đại khái là một nửa ổ bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì là một lời nói dối (a half loaf of bread is half loaf of bread, but a half truth is a whole lie). Có thể nói rằng bản tin trên TTXVN chỉ phản ảnh nửa sự thật.

====



(3) Chú ý rằng người dịch không dùng chữ "Trung Quốc" cho chữ China.

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Chia sẻ bài báo khoa học trên mạng: coi chừng!

Diego Gomez là một sinh viên cao học (thạc sĩ) ở Colombia đang bị hầu toà, và có nguy cơ đi tù 8 năm vì anh ta upload một bài báo khoa học lên Scribd vài năm trước để chia sẻ với các sinh viên khác (1). Phải nói đây là một trường hợp khá hi hữu. Trường hợp của Diego Gomez đã dấy lên một cuộc vận động trong giới khoa học đòi quyền truy cập các bài báo khoa học và ủng hộ phong trào xuất bản Mở (Open Access).


Tôi theo dõi câu chuyện mà vẫn chưa rõ hết vì cách viết tiếng Anh rất ư mù mờ của họ. Bài báo nói rằng Diego Gomez chia sẻ bài báo khoa học, nhưng trong một bài do chính anh ta viết thì đó là một luận án cao học của một sinh viên khác. Nếu là luận án thì đâu có chuyện vi phạm bản quyền (ít ra là theo qui định ở Úc và Mĩ mà tôi biết). Nhưng cái phức tạp ở đây là website mà anh ta tải luận án lên lại lấy tiền của những download luận án. Gomez có thể chẳng có lời, nhưng website có lời từ luận án. Nếu là bài báo khoa học thì là một câu chuyện khác, vì quả thật bản quyền của bài báo thuộc về nhà xuất bản, nên việc chia sẻ bài báo trên phương tiện công cộng dễ dẫn đến vi phạm luật pháp. Ở Colombia vi phạm bản quyền được xem là tội hình sự! Hiện nay, nhà xuất bản khởi tối Gomez theo điều luật Colombia năm 2006 sau khi Colombia và Mĩ kí một hiệp định về tự do thương mại (2).

Câu chuyện của Diego Gomez còn có liên quan đến hiệp định thương mại TPP (Trans-Pacific Partnership). Phía Mĩ đang thương lượng với các đối tác trong khuôn khổ TPP để đưa vào điều luật về vi phạm bản quyền học thuật (như bài báo khoa học) như là tội phạm hình sự. Các nước đang phát triển không hài lòng trước áp lực này của Mĩ vì họ cho rằng Mĩ không công bằng. Tôi cũng nghĩ là không công bằng. Cần phải giúp đỡ các nước đang phát triển để họ có thể truy cập thông tin khoa học tốt hơn. Hình thức giúp đỡ có thể là giảm giá hay giới hạn thời gian truy cập.

Tôi nghĩ câu chuyện cũng có ý nghĩa đối với Việt Nam chúng ta. Ở VN, không nói ra ai cũng biết tình trạng vi phạm bản quyền quá phổ biến, quá tràn lan. Phần lớn các softwares máy tính đều là ăn cắp (hiểu theo nghĩa “piracy”). Ngay cả các đại học lớn, đại học quốc gia, người ta cũng vô tư dùng software ăn cắp. Chẳng những ăn cắp mà còn khoe ra nữa! Chẳng hạn như nhiều bài báo khoa học từ VN tự hào khoe rằng họ dùng SPSS để phân tích dữ liệu, nhưng phần lớn đều là dùng bản ăn cắp. Còn các bài báo khoa học thì được phân phát vô tư và upload lên mạng chia sẻ nhau thoải mái. Có thời người ta còn buôn bán bài báo khoa học! Nhưng nhiều khi các nhà xuất bản biết, nhưng họ lờ đi vì dù sao thì VN vẫn còn là nước nghèo, nên họ thông cảm. Nhưng tôi nghĩ tình trạng này không thể kéo dài mãi, nhất là ở các đại học, và chúng ta phải “chơi” đúng luật cho chắc ăn. Một khi TPP có hiệu lực thì VN cũng phải quan tâm đến vấn đề tác quyền.

===

(1) https://www.eff.org/deeplinks/2015/06/diego-stands-trial-today-show-your-support-open-access

(2) https://www.eff.org/deeplinks/2014/07/colombian-student-faces-prison-charges-sharing-academic-article-online

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Ăn cơm Australia, thờ ma china


Sáng hôm qua có chuyện phải đi chợ, và thấy hai cảnh hay hay, nên ghi lại cái note. Cảnh thứ nhất là trái vải của VN đã có mặt ở Sydney (với cái giá hơi đắt, 16 đôla/kí). Cảnh thứ hai là thấy một nhóm activists (nhà hoạt động) vận động người Úc lên tiếng ngăn chận chính sách mà họ cho là thù hận với Tàu. Thấy cách họ làm làm tôi phải nhại câu nói nổi tiếng trước 1975 và đặt tên cho họ là "Ăn cơm Australia, thờ ma china".

Vải Hưng Yên, 16 AUD/kí có mặt tại Úc (hình trắng đen) [*]

Ở Úc, cũng như trong các xã hội dân chủ khác ở phương Tây, có rất nhiều nhóm đấu tranh cho rất nhiều vấn đề họ quan tâm. Có những nhóm đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, có nhóm đấu tranh để được quyền mua súng, có nhóm mời gọi người ta theo đạo, có nhóm đấu tranh đòi giảm học phí, v.v. Nói chung là rất phong phú, thật sự là một xã hội tự do và dân chủ, ai cũng có tiếng nói (còn nói có ai nghe hay không là chuyện khác). Phương thức làm việc của họ cũng đơn giản. Họ thường xuất hiện trong các trung tâm shopping, thường là kê một cái bàn, và một đống tờ rơi để phát cho người qua đường. Có khi họ cũng có những thảo luận bỏ túi với người quan tâm.

Nhưng sáng qua tôi thấy có một nhóm ... lạ. Lạ là vì họ đấu tranh cho Tàu. Nói là "nhóm", nhưng trong thực tế chỉ có 3 người, tất cả đều là da trắng tóc vàng, chứ không phải tóc đen da vàng. Trong khi chờ đèn xanh qua đường, tôi nghe loáng thoáng họ hỏi một người là "Bạn có quan tâm đến tình hình Chính phủ Úc càng ngày càng tỏ thái độ thù địch với Tàu?" Anh chàng kia nói "Không". Anh chàng tuyên truyền nhấn mạnh "Bạn không quan tâm? Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả chúng ta và sự tồn tại của Úc". Anh chàng kia trả lời tỉnh queo: "Không, tôi không quan tâm, và tôi nói cho anh biết nhé: tôi không thích China, OK."

Thấy không chiêu dụ được anh kia, anh ta quay sang tôi, và cũng hỏi câu đó: Bạn có quan tâm. Tôi thấy chắc phải tiêu ra vài phút với anh chàng này, tôi tạm gọi là anh chàng China. Chàng China hỏi tôi là có biết Chính phủ Úc đang có chính sách thù địch với Tàu, tôi trả lời là biết. Chàng China hỏi tôi vậy chứ biết, thì phải làm gì. Tôi nói rằng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Úc trong nỗ lực ngăn chận sự bành trướng của Tàu.

Anh chàng China có vẻ khựng lại và nói rằng đó là một chính sách nguy hiểm vì sẽ đẩy Úc đối đầu với Tàu, không tốt cho kinh tế Úc. Tôi trả lời rằng Úc và Tàu đã làm ăn mấy mươi năm nay, trong thời gian đó có lúc "up", có lúc "down", nhưng chưa bao giờ kinh tế Úc bị đe doạ như bây giờ. Đe doạ là vì Tàu đang mua mỏ, mua nhà, và mua đất của Úc, để rồi mai mốt con cháu chúng ta khó có khả năng mua được một căn nhà để ở. Tôi hỏi anh China rằng anh có muốn thấy cái viễn cảnh anh hay con cháu anh phải đạp xích lô cho mấy người Tàu cộng ngay trên đất Úc này không?

Anh ta nói rằng Chính phủ Úc không bán mỏ cho Tàu là một sai lầm vì kinh tế Úc cần Tàu, ngay cả Mĩ còn chơi với Tàu mà Úc dám chống Tàu là tự sát. Tôi không đồng ý, vì mối quan hệ Mĩ - Tàu không đơn giản như anh ta nghĩ. Còn Tàu là một nước chauvin, nó đang bành trướng, nó đang thực hiện cái gọi là "giấc mơ China" của Tập Cận Bình, và nếu giấc mơ đó thành hiện thực thì đó là thảm hoạ cho thế giới vì một chế độ fascist mới sẽ xuất hiện, và vì thế phải ngăn chận Tàu.

Anh China hỏi tôi là bằng chứng Tàu bành trướng ở đâu? Tôi vỗ vai anh China và nói anh thử đọc tình hình Biển Đông nhé, Tàu nó đang muốn nuốt hết vùng biển Đông Nam Á, nó đang xây thành phố nhân tạo trên đảo mà nó ăn cướp từ Việt Nam, nó đang ăn cướp ngư dân Việt Nam, Phi Luật Tân. Tôi nói thêm rằng anh China làm nghề tuyên truyền này mà không biết đến những việc Tàu nó làm ở Biển Đông thì tốt nhất là anh China nên đi đọc thêm. Thấy tôi nói một mạch, có đầu có đuôi, và có vẻ am hiểu tình hình, nên anh chàng China khựng lại vì thấy rõ ràng là khó tuyên truyền với tôi, nên tỏ vẻ lảng đi ...

Nhưng tôi không tha. Tôi hỏi lớn anh chàng China đang làm cho ai, ai đứng đằng sau việc làm của anh. Tôi nói rằng tôi không nói anh là người của Tàu cộng, nhưng anh China đang làm lợi cho Tàu cộng. Tôi hỏi anh rằng anh đang ăn lương hay trợ cấp của ai? Của Úc phải không? Tôi bắt đầu nóng máu, tôi đưa mắt nhìn quanh (lúc này đã có đông người chú ý), rồi nói lớn: tôi đây này, và các bạn đang đứng chung quanh tôi đây, chúng tôi đã và đang đóng thuế để nuôi những người như anh, để rồi các anh quay lại chống lại chúng tôi, các anh thấy như thế là hợp lí không?

Anh chàng China nói lại: Nhưng anh không phải là người Úc. Làm tôi nóng mặt hơn và nói: Anh định nghĩa thế nào là người Úc? Là người định cư ở đây hơn 1000 năm trước? Nếu thế thì tôi và anh đều không phải là người Úc. Nếu định nghĩa là quốc tịch Úc, thì tôi là người Úc đây. Nhưng câu hỏi của anh lạc đề, vì câu hỏi đáng lẽ phải là tôi và anh đã và đang làm gì đem lại lợi ích cho đất nước này. Tôi đem lại lợi ích cho Úc, còn anh thì chống Úc và tôi xem đó là một việc làm thiếu suy nghĩ. Chào anh, tôi phải đi chợ cái đã. Ngạc nhiên là khi tôi hết câu đó, thấy vài người vỗ tay đồng tình. Một buổi sáng mát dạ.

Chế độ tự do dân chủ như Úc có cái hay là nó cho mọi người có quyền tự do ngôn luận và có quyền phát biểu ý kiến đi ngược lại chính quyền. Nhưng cũng chính cái thể chế này đang nuôi ong tay áo, và tôi chợt nhận ra câu "Ăn cơm Australia, thờ ma china" quá thích hợp cho những kẻ như anh chàng China đó.  Buồn một điều là mình phải đóng thuế nuôi anh chàng vô dụng đó. Tôi chợt tự hỏi ở VN mình có bao nhiêu người đang ăn cơm Việt Nam mà thờ ma Tàu. Con số chắc là nhiều, nhưng khác với Úc là những kẻ này có thể đã chui sâu và leo cao trong hệ thống công quyền VN nên chúng rất nguy hiểm.

==

[*] Mới thử vải Việt Nam thì phát hiện chất lượng không tốt như hình. Lí do có lẽ là người ta làm đông lạnh trước khi chuyển sang Sydney, nên khi hết đông lạnh thì trái vải trở nên mềm và mất chất ngọt (?) Sáng hôm nay đi chợ khác thấy vải của Thái Lan chỉ 5 đôla/kí, tức chỉ bằng 1/3 giá của vải Việt Nam! Như vậy vải Việt Nam lại khó có cơ cạnh tranh nổi với vải Thái Lan. 





Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Đến với Linh Bảo: Từ gió bấc đến mây tần



Xin giới thiệu đến các bạn một bài viết của Nhà văn Ngô Thế Vinh. Kì này, tác giả viết về Nhà văn Linh Bảo, một tác gia mà ngày nay có lẽ ít người còn nhớ đến. Ngay cả tôi, một người có thể nói là yêu văn chương, mà đọc bài của Nhà văn Ngô Thế Vinh mới nhớ đến Linh Bảo. Một phần là nhà văn không gây "ồn ào" trong văn đàn như các đồng nghiệp khác, nhưng một phần khác là do tính khiêm tốn của nhà văn. Thật vậy, văn chương của Linh Bảo nhẹ nhàng, ý nhị trong từng câu chữ, và thường chất chứa nội tâm cao. Nếu nhà văn là nhà tâm lí học thì Linh Bảo là một trong những nhà văn như thế. Nếu có dịp, các bạn thử đọc "Tàu ngựa cũ" của Linh Bảo sẽ cảm nhận được cái khác và độc đáo của bà.

NVT



* * * * * * * * * * *  

Đến với Linh Bảo: Từ gió bấc đến mây tần


Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
                                     Nguyễn Du

NGÔ THẾ VINH

     Sau các nhà văn nữ tiền chiến như Thuỵ An, Mộng Sơn của thập niên 1940s, Linh Bảo và Nguyễn Thị Vinh là hai nhà văn đi trước thế hệ đông đảo các nhà văn nữ của thập niên 1960s về sau này như Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Trần Thị NgH...   

     Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tầnlà tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.  

TIỂU SỬ

     Nhà văn Linh Bảo, tên Võ thị Diệu Viên, sinh 14 tháng 4, 1926 trong một gia đình quan lại triều đình Huế: cha Võ Chuẩn nguyên tổng đốc Quảng Nam, mẹ gốc hoàng tộc Tôn Nữ Thị Lịch. Từ thời rất trẻ, Linh Bảo đã nuôi tham vọng được đi du học, rời xa gia đình sớm, sống lưu lạc qua nhiều quốc gia ngoài Việt Nam: Nam Kinh, Quảng Châu, Hương Cảng, Anh, Pháp, và Mỹ. Linh Bảo còn có hai tên khác: Lại Cẩm Hoa là tên trên chiếc vé xuống tàu vượt biển sang Hương Cảng, Vũ Trung Thư / Mo Chung Shu là tên ghi danh đi học ở Nam Kinh và Quảng Châu. Các bức thư nhà văn Nhất Linh gửi Linh Bảo khi còn ở Hương Cảng đều gửi với tên Lại Cẩm Hoa. [Hình II]

     Mới xong năm thứ hai (1947-1949) Đại học Tôn Trung Sơn [do tôn kính người Hoa không gọi tên Tôn Dật Tiên / Sun Yat Sen University], thì Hồng quân của Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục 1950, Linh Bảo một lần nữa từ Quảng Châu chạy tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây, cô đã làm mọi việc để kiếm sống: từ phụ tá nha sĩ / dental tech tới lồng âm tiếng Việt cho các bộ phim Tàu đang thịnh hành thời bấy giờ.

    Năm 1951, Linh Bảo lập gia đình với một người Hoa mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh do cuộc hôn nhân này. Bút hiệu Linh Bảo, có nguồn gốc rất đơn giản, đó chỉ là tên người chồng Trần Linh Bảo / Ling Po Chan và bút hiệu ấy gắn mãi với văn nghiệp của chị trong văn học sử Việt Nam.        

      Đến 1954, khi Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hoà mới được thành lập, Linh Bảo là người Việt Nam hiếm hoi lúc đó biết tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại, tiếng Anh và dĩ nhiên cả tiếng Việt, cô được tuyển làm nhân viên của toà Lãnh Sự Việt Nam tại Hương Cảng. Làm việc tới 1957, trở về nước và chỉ sau 2 năm, 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà.


HÌNH I_ nữ sinh viên Vũ Trung Thư (Linh Bảo) tại Đại Học Tôn Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc  [nguồn: do Linh Bảo cung cấp]

    
    
     Từ Hương Cảng, qua Pháp rồi qua Anh một thời gian, cuối cùng Linh Bảo chọn định cư ở Mỹ sau khi được tuyển dụng vào giảng dạy môn Việt ngữ 14 năm [1962-1976] tại trường Sinh ngữ Quân đội Mỹ / Defense Language Institute, Monterey, California cho đến khi ngôi trường bị giải thể sau Chiến tranh Việt Nam. 
     Linh Bảo hiện sống tại Nam California.
  
     Tác phẩm:
- Gió Bấc, truyện dài, Nxb Phượng Giang 1953
- Tầu Ngựa Cũ, tập truyện ngắn, Nxb Đời Nay 1961
- Những Đêm Mưa, truyện dài, Nxb Đời Nay 1961
- Những Cánh Diều, tập truyện ngắn, Nxb Trí Đăng 1971
- Mây Tần, tuyển tập đoản văn, Nxb Việt Nam Hải Ngoại 1981
     Sách Nhi đồng:
- Chiếc áo nhung lam, Sách Hồng, Nxb Đời Nay 1953
- Con Chồn Tinh Quái, truyện Nhi đồng, Nxb Ngày Mới 1967

     Tác phẩm Tàu Ngựa Cũ được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1961. [Hình V] Trừ truyện dài Gió Bấc và truyện nhi đồng Chiếc áo nhung lam được in từ 1953, các tác phẩm chính của Linh Bảo đều được xuất bản trong thời kỳ 1954-1975.

TỪ GIÓ BẮC TỚI GIÓ BẤC

     Tại Hương Cảng, Linh Bảo được dịp làm quen với hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Trương Bảo Sơn. Bản thảo Gió Bắc [chưa phải là Gió Bấc] như một tự truyện viết theo ngôi thứ nhất kể lại cuộc sống lưu lạc của cô sinh viên Linh Bảo, được trao cho chị Nguyễn Thị Vinh và sau đó tới tay nhà văn Nhất Linh.

     Sau khi đọc bản thảo Gió Bắc, thấy được "cốt cách nhà văn - chữ của Nhất Linh" của tác giả, Nhất Linh đã viết thư khuyến khích Linh Bảo với hai gợi ý: viết lại cuốn tự truyện theo ngôi thứ ba và sửa nhan đề cuốn sách là Gió Bấc thay vì Gió Bắc. Linh Bảo đã làm theo lời khuyên của nhà văn Nhất Linh. [Hình II]


Hình II_ phải: thư nhà văn Nhất Linh gửi Linh Bảo,
trái: hình bìa Gió Bấc do Phượng Giang xuất bản 1953
[nguồn: do Linh Bảo cung cấp]

     Từ Sài Gòn, ngày 29 tháng 5 năm 1953 nhà văn Nhất Linh đã viết thư cho Linh Bảo lúc đó vẫn đang còn ở Hương Cảng, với tên Lại Cẩm Hoa:

     Kính gửi chị Hoa,

     Tôi đã nhận được cuốn Gió Bấc và đã đọc hết. Khá lắm và hay hơn lần viết đầu. Xin gửi lời khen chị. Các nhân vật quốc nội và hải ngoại cũng rõ ràng linh hoạt hơn, đoạn kết cũng rất khéo và vừa vặn. Sách chị ra chắc sẽ được hoan nghênh, có lẽ ra đồng thời với Thương Yêu và Gió Mát [của Nguyễn Thị Vinh và Tường Hùng, ghi chú của người viết]. Ba cuốn, ba tâm sự và mỗi cuốn một vẻ.

     Tôi sẽ chữa lại văn, xoá bỏ ít đoạn (việc này cũng mất độ mươi hôm) rồi đánh máy đưa kiểm duyệt. Cái chính là hay, còn văn là phụ; song hoàn toàn thì vẫn hơn.

     Trong 3 cuốn Thương Yêu, Gió Mát, Gió Bấc cuốn của chị ít sắp đặt, ít tiểu thuyết hoá nhất; những cuốn sau cần phải bố cục... nhưng thôi để khi chị viết cuốn thứ hai. Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị.   

     Chúc chị mạnh và nếu tiếng đàn vẫn còn văng vẳng (chỉ cơn hen suyễn của Linh Bảo, trong một thư khác Nhất Linh còn gọi đó là tiếng đàn violon, ghi chú của người viết) cũng không sao vì cái đó có ngăn cản gì đâu việc chị viết Gió Bấc.
Nhất Linh

     Chẳng thể ngờ rằng chỉ 10 năm sau khi viết bức thư này, nhà văn Nhất  Linh đã tuẫn tiết ở tuổi 57 [1906-1963]. 

     Gió Bấc là tác phẩm đầu tay của Linh Bảo được Phượng Giang xuất bản năm 1953. [Hình II] Có thể coi đây như bước khởi đầu vững vàng trên con đường văn nghiệp của Linh Bảo. Vừa mới thành danh với Gió Bấc, vì một lý do tâm cảnh, Linh Bảo muốn đổi bút hiệu, nhưng được nhà văn Nhất Linh khuyên can và cô đã nghe theo. 

TỪ GIÓ BẤC TỚI NHỮNG ĐÊM MƯA

     Gió Bấc là truyện một cô gái tên Trang sinh ra và lớn lên ở Huế, thể chất yếu đuối do từ nhỏ đã mắc phải căn bệnh suyễn kinh niên, và trở nặng theo mùa và mỗi lần gió bấc thổi về thì cơn hen suyễn lại nổi lên thê thảm; tuy vậy tinh thần cô gái thì mạnh mẽ. Do quan niệm xưa cũ, mẹ Trang không khuyến khích sự học của con gái nhưng Trang thì vẫn nuôi mơ ước được đi du học. Chiến tranh ly tán, Trang xa gia đình rất sớm, lưu lạc vào Sài Gòn, bị bắt và cả tù đầy và rồi cơ hội tới, cô kiếm được một vé xuống tàu với một tên Trung Hoa và qua được Hương Cảng, rồi Nam Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Cô gái mảnh mai ấy đã sống sót qua những biến cố lịch sử: cách mạng ở Việt Nam, cách mạng ở Trung Hoa, trải qua những ngày đầy chiến tranh loạn lạc. Ở đâu thì cô cũng phải làm việc cật lực để mưu sinh. Rồi cô cũng vào được Đại học Tôn Trung Sơn Quảng Châu, chưa được bao lâu thì Hồng quân của Mao Trạch Đông toàn chiếm Hoa lục, một lần nữa lại phải tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây cô đã phải làm đủ nghề để kiếm sống cho đến khi gặp được một người đàn ông Hương Cảng gốc Hoa không tham vọng hiền lành tên Bình, tìm tới muốn chia sẻ cuộc sống với Trang.

     Trang cuối của Gió Bấc: "Và Bình bỗng nắm chặt tay Trang: Trang, Trang cho phép tôi... được săn sóc Trang ... suốt đời nhé?" Nàng đã không chống cự và siêu lòng.

      Gió Bấc viết xong tại Hương Cảng 1952 khi ấy Linh Bảo vừa mới 26 tuổi.

     Những Đêm Mưa có thể coi như tiếp nối “Gió Bấc”, vẫn cô gái tên Trang. Trang và Bình hai người cưới nhau, cuộc sống lứa đôi ngay sau đó đã chẳng thơ mộng hay hạnh phúc như người con gái từng hy vọng; nhiều xung khắc trái nghịch xảy ra nhất là khi nàng sinh đứa con gái đầu tiên trong cảnh gia đình thiếu hụt đưa tới sự bế tắc. Không thể tiếp tục sống với một người đàn ông mà nàng cho là tầm thường, Trang lại thu xếp hành trang đem theo đứa con gái nhỏ và cái bụng đang mang thai trở về Huế sống với cha mẹ trong một thời gian không hạn định.    

     Đã thất vọng với cuộc hôn nhân nhưng khi về tới quê nhà, Trang lại phải chứng kiến những tấn bi kịch khác của gia đình: người cha đã bỏ mẹ nàng trong nỗi đau buồn tủi vì mê say sống với mấy người vợ bé trẻ trung hơn mẹ. Chính Trang cũng bị người cha ruột ruồng rẫy. Rồi người cha ngã bệnh chết, bà mẹ quá chán chường tìm chốn nương thân nơi cửa Phật. Người phụ nữ tên Trang ấy, ở đâu cũng thấy cô đơn, chẳng còn trông cậy vào một ai khác, và Trang lần này lại ra đi, chưa biết đi đâu nhưng không có dự tính trở lại với người chồng cũ ở bên Hương Cảng.

     Trang cuối của Những Đêm Mưa: "Trang không cần đọc cũng biết nội dung trong thư có những gì [những bức thư của Bình, người chồng cũ]. Trong những năm tháng xa nhau, Bình đã viết đều đều cho Trang mỗi tuần lễ hai bức thư như thế... văn tài của anh dù "yên sĩ" có lên độ cuối cùng cũng không bao giờ đủ hứng để viết thành một cái chuyện ngắn chuyện dài nào... Trang nhìn theo con như cố tìm can đảm để phấn đấu, để chịu đựng những thử thách của một cuộc phiêu lưu sắp tới ngày mai..."

     Những Đêm Mưa cũng viết xong tại Hương Cảng 1957, năm năm sau Gió Bấc khi ấy Linh Bảo 31 tuổi.

     Cả hai cuốn tiểu thuyết đều bao gồm rất nhiều kinh nghiệm sống của Linh Bảo. Không phải là do câu chuyện mà nghệ thuật viết đã làm nên giá trị độc đáo của tác phẩm Linh Bảo. Ngòi bút của Linh Bảo thông minh sắc sảo, diễu cợt lật ra những mặt trái của cuộc sống, một cách tàn nhẫn với giọng nghịch ngợm tinh quái bất cần đời nhưng cũng thật là chua chát. Người phụ nữ trong tác phẩm Linh Bảo tuy cứng cỏi, chịu đựng nhưng vẫn luôn luôn là nạn nhân đáng thương của những hoàn cảnh. 
   Nhìn xa hơn nữa, có thể nói qua các tác phẩm Linh Bảo rất sớm là ngòi bút đấu tranh cho nữ quyền.

LINH BẢO NHỮNG NGÀY SÀI GÒN

     Dù ở trong nước hay ở hải ngoại, Linh Bảo viết khá đều tay trong khoảng hai thập niên 1950s và 1970s. Cùng với Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo là một trong hai cây viết nữ chủ lực của tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, báo Tân Phong của Nguyễn Thị Vinh Trương Bảo Sơn, và tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu và một số báo khác.     

Hình III_ [nguồn: do nhà văn Nhật Tiến cung cấp]

     Sau Gió Bấc, tên tuổi Linh Bảo một thời sáng chói với các truyện ngắn truyện dài xuất hiện sau đó. Những Đêm MưaTầu Ngựa Cũ là hai tác phẩm văn học giá trị của nhà văn Linh Bảo.  

     Tưởng cũng nên ghi lại đây nhận xét của nhà văn Bình Nguyên Lộc, một cây viết thuần Nam Bộ viết về Linh Bảo qua một thư riêng. [Hình IV]

     Sài Gòn 21/9/1958

    Chị Linh Bảo,

     Hôm nọ tôi có đến thăm chị nhưng chị đi vắng...

     Một điều sau đây tôi được biết, nói ra sợ chị không tin nhưng không thể không nói được: là rất nhiều bạn văn, bên phe không cọng, nói với tôi rằng các tiểu thuyết đăng ở Văn Hoá Ngày Nay chỉ có tiểu thuyết của Linh Bảo là hay. Họ không nói là hay hơn hết mà chỉ nói là hay thôi. Thế nghĩa là còn hơn là hay hơn hết nữa kia.

     Riêng tôi, tôi thấy chị hay hơn Gió Bấc nhiều lắm [Bình Nguyên Lộc muốn nói tới tiểu thuyết Những Đêm Mưa, đang đăng định kỳ trên Văn Hoá Ngày Nay, ghi chú của người viết] và giọng văn của chị đã rõ nét ra, một giọng văn mà ba mươi năm nữa chưa chắc đã có người làm theo được...

     Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những Đêm Mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng. Sợ đây không phải là phục. Đành là phục rồi, khỏi phải nói, mà sợ bị chị quan sát và cười, mặc dầu chỉ cười thầm thôi...

Bình Nguyên Lộc

T.B. Xin mời chị có đi đâu ngoài nầy, ghé qua nhà tôi một bận. Tôi ở phố Võ tánh, gần chợ Thái Bình. Buổi chiều tôi luôn luôn có nhà, trừ chiều thứ bảy và chiều chúa nhựt.  

Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã mất năm ông 73 tuổi [1914-1987]. 


HÌNH IV_ phải: thư gửi nhà văn Bình Nguyên Lộc gửi Linh Bảo
trái: bìa tiểu thuyết Những Đêm Mưa
[nguồn: do Linh Bảo cung cấp]

     Sau Nhất Linh và Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến cũng đã viết về Linh Bảo trên tạp chí Bách Khoa [số 161, năm 1962] như sau: "Trong số những người đàn bà viết văn ở ta hiện nay, có lẽ Linh Bảo có tài nhất: có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát. Quan sát và phân tích tâm lý, Linh Bảo đã trình bầy được mỗi nhân vật với một hình dạng, một cá tính rõ ràng, một lối sinh sống và ăn nói riêng biệt... Linh Bảo thường hay tìm ra cơ hội để làm người đọc mỉm cười, dù là trong những trường hợp buồn thảm: nhà ngập lụt, vợ chồng giận nhau. Giữ được nét mặt tươi tắn cả trong khi buồn, đó là một lối làm đẹp rất khéo của đàn bà, nhất là đàn bà 'lịch sự': vì vậy mà cái cười do Linh Bảo gợi lên lắm lúc có chua chát, người đọc vẫn dễ có cảm tình với giọng văn của tác giả."

     Rất tình cờ từ ba địa phương, cả ba tác giả Bắc Nam Trung đều có chung một nhận định: Linh Bảo là một cây bút có văn tài. Linh Bảo viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào cũng đặc sắc. Chỉ có tiếc là từ hơn bốn chục năm qua, Linh Bảo hầu như không còn quan tâm tới chuyện viết lách và sáng tác thêm nữa.  

TÀU NGỰA CŨ GIẢI VĂN CHƯƠNG 1961

     Tầu Ngựa Cũ được trao giải văn chương 1961. Năm đó có ba giải văn học, nhà xuất bản Ngày Nay chiếm hai giải: cuốn Thềm Hoang giải nhất truyện dài của Nhật Tiến, Tầu Ngựa Cũ tuyển tập truyện ngắn của Linh Bảo, Gìn Vàng Giữ Ngọc của Doãn Quốc Sỹ do Sáng Tạo xuất bản.  
    


HÌNH V_ trái: bìa tác phẩm Tầu Ngựa Cũ của Linh Bảo
phải: Giải thưởng Văn chương 1961
[nguồn: do Linh Bảo cung cấp]

     Tầu Ngựa Cũ là tuyển tập chín truyện ngắn của Linh Bảo đã đăng tải trên tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh và Tân Phong của Nguyễn Thị Vinh Trương Bảo Sơn. Tầu Ngựa Cũ được trao giải thưởng Văn chương 1961. Học giả Nghiêm Xuân Việt, Văn bút Việt Nam "với thiện chí trao đổi văn hoá với ngoại quốc" đã chọn hai truyện Người Quân TửÁo Mới trong Tầu Ngựa Cũdịch ra Anh ngữ với tên truyện The Noble ManOur Brand New Robesvà gửi đi dự cuộc thi truyện ngắn do International PEN tổ chức 1961. Thành phần ban giám khảo gồm những tên tuổi như: Storm Jameson (Anh), André Maurois (Pháp), và Whit Burnett (Mỹ).  

     Kết quả là cả hai truyện ngắn này được tuyển chọn vào chung kết trong số 26 truyện ngắn quốc tế hay nhất năm đó. Cũng thời gian đó Linh Bảo đang sống ở Luân Đôn. Hình như sau đó, hai truyện ngắn này được PEN Vietnam Centre dịch sang tiếng Pháp: L' homme noble, và Robles Nouvellesđể in trong tuyển tập truyện ngắn của Văn Bút Việt Nam.

     Tầu Ngựa Cũ là một truyện ngắn được lấy tên cho toàn tập truyện. Đó là  truyện tình nhẹ nhàng cảm động. Kỳ trong một chuyến tàu đi suốt từ Huế vào Sài Gòn, anh ao ước có một người bạn đồng hành để có thể truyện trò. Rất tình cờ từ một ga xép, một thiếu nữ lên tàu ngồi bên cạnh Kỳ. Với nốt ruồi đỏ như son trên cổ tay thiếu nữ, Kỳ bỗng nhận ra Thơ người bạn gái xa cách từ lâu, thuở hai người rất yêu nhau. Họ nhận ra nhau và hạnh phúc được ngồi bên nhau trong những kỷ niệm hồi tưởng. Nhưng khi con tàu ghé Nha Trang thì người vợ của Kỳ xuất hiện. Cô gái lặng lẽ bước xuống tàu, không nói một lời chia tay. Tất cả thoáng diễn ra như một giấc mơ. Kỳ trở lại cuộc sống thực tế với một người đàn bà ngồi bên cạnh là vợ chàng. Kỳ có cảm giác mình như một con ngựa đã thuần hoá và từ nay chỉ có một con đường trở về như con ngựa trở về tầu ngựa cũ. 

     Người Quân Tử là câu chuyện của một cô gái trẻ đẹp tên Dung, đang  làm cho một hãng hàng không, sống độc lập bỗng dưng rơi vào nghịch cảnh trong vòng kiềm toả của một người đàn ông đã có vợ nhưng nhiều thủ đoạn, nham hiểm và cả bạo hành; hắn đã biến Dung thành cô "thư ký vạn năng" cùng lúc đóng nhiều vai người tình, người vợ không bao giờ cưới vẫn phải đẻ con lấy họ mẹ, Dung được người đàn ông ấy đối xử như người đầy tớ gái nhưng vẫn nhồi sọ Dung rằng chính hắn mới là kẻ gia ơn và bao bọc, hắn là người quân tử đến mức chính Dung cũng tin là như vậy và khuất phục cam chịu.

     Áo Mới với bối cảnh một gia đình của một thời vang bóng nơi kinh đô Huế cổ xưa của một triều đại phong kiến đang suy tàn. Truyện kể về sự tích một chiếc áo do mẹ vua ban mà bà mẹ đem về cho các con. Do gốc tích cao sang chiếc áo được giữ gìn chuyền qua tay những đứa con từ lớn xuống bé và chỉ được dùng trong những dịp giỗ tết nhưng khi đến phiên Hoa đứa con gái nhỏ nhất vì qua thời gian chiếc áo ấy đã bị mục nát. Hoa đã khóc trong ngày Tết năm đó vì không được mặc chiếc áo mơ ước, để rồi sau này lớn lên cô gái đi làm có tiền có thể mua sắm bao nhiêu chiếc áo mới nhưng lúc đó đã mất mẹ nên cô gái chẳng còn thấy đâu niềm vui để khoác lên những chiếc áo mới ấy.

     Gió Bấc  (1953) là truyện dài đầu tay của Linh Bảo, nhưng Những Đêm Mưa (1961) và Tầu Ngựa Cũ (1961) là hai tác phẩm biểu lộ hết tài năng của Linh Bảo.

     Tài năng và cơ hội, Linh Bảo đã có cả hai. Sau này Linh Bảo tâm sự là nếu không có buổi gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì bản thảo Gió Bấc sẽ chẳng thể đến tay nhà văn Nhất Linh và không chắc đã có một Linh Bảo sau này. Chính Nhất Linh đã khám phá ra tài năng của tác giả Gió Bấc và đồng thời tạo cơ hội cho Linh Bảo đi những bước tiếp theo vững vàng trên con đường văn nghiệp.

NHỮNG NGÀY MONTEREY

     Năm 1972, tôi đi tu nghiệp ở Mỹ về ngành Y khoa Phục hồi / Rehabilitation Medicine tại quân y viện Letterman General Hospital, Presidio San Francisco. Trước khi đi, anh Lê Ngộ Châu đã dặn dò: "Anh Vinh sang đó phải tới thăm cho được chị Linh Bảo" cùng với một bức thư tay như một cái cớ để tôi có nhiệm vụ trao lại cho chị.

     Một buổi sáng thứ Bảy cuối tuần, do có hẹn trước qua phone, chị Linh Bảo lái xe đến đón tôi tại một trạm xe bus Greyhound. Đã gặp chị ở Sài Gòn, nên không có chút gì ngỡ ngàng khi gặp lại nhưng lần này là trên đất Mỹ. Chị Linh Bảo lúc đó đang ở tuổi 46 có lẽ là thời gian đẹp nhất của chị. Linh Bảo có nét cứng cỏi khoẻ mạnh của một phụ nữ Tây phương nhưng vẫn giữ được nét đẹp hiền dịu Đông phương. Sáng hôm đó, cùng với chị đi thăm biển Monterey một ngày nắng đẹp, trời trong xanh, bãi biển với những thảm hoa đỏ rực, thấp thoáng nóc mấy nhà thờ cổ theo lối kiến trúc Tây Ban Nha. Đến buổi trưa mới về đến nhà, nhà chị trên một lưng đồi, tại đây tôi được gặp "ông Linh Bảo", là giáo sư Đại học Berkeley về sinh thái học/ ecology, cũng là lãnh vực mà tôi quan tâm. Được biết anh chị cũng vừa đi dự một hội nghị của American Institute of Biological Sciences ở Đại học Vermont từ miền Đông về.  Ông ấy rất yêu thiên nhiên và quan tâm bảo vệ sự nguyên vẹn của các hệ sinh thái trên hành tinh này. Vẫn mơ một giấc mơ không thể được/ impossible dream, ông được Linh bảo gọi đùa là mad scientist; nhưng với tôi, ông mang tất cả vẻ đẹp trí tuệ của giới trí thức đại học Mỹ. Cao nguyên Tây Tạng luôn luôn được ông nhắc tới, là vùng ông quan tâm và chuẩn bị một fieldtrip tới đó nghiên cứu [đó là một xứ tuyết Tây Tạng của năm 1972 cách đây 43 năm, chưa bị Trung Quốc tàn phá đến tan hoang như bây giờ, ghi chú của người viết].


HÌNH VI_ Ngô Thế Vinh tới thăm nhà văn Linh Bảo
Monterey, California 1972 [photo by Adams, L.]

      Về tới nhà, chị Linh Bảo quấn ngay tấm tabliervào bếp chăm sóc bữa ăn trưa cho ba người. Trong bận rộn nhưng không có vẻ gì tất bật, chị vẫn tươi cười ra vào hiện diện. Bữa ăn dọn ra đơn giản như một thứ fusion-cuisine nửa Việt nửa Mỹ, có món thịt nhưng không thiếu phần rau đậu, rất ngon miệng và giữa chủ và khách đã có ngay được mối thân tình.

    Hai người đàn ông thì vẫn đằm mình trong những câu chuyện môi sinh mà chị Linh Bảo thì rất ít tham gia; sau bữa ăn bên ly cà phê, nghĩ rằng cũng đủ thân để chia xẻ chút riêng tư, với một chút hài hước "ông Linh Bảo" chuyển sang một câu chuyện khác, ông nói về kinh nghiệm khi cưới một người vợ Á Đông, khởi từ ý niệm về một phụ nữ hiền thục và tuân phục, rồi ông dí dỏm đưa ra nhận xét: "nhưng khi lấy Linh Bảo rồi, thì mới thấy họ là những người đàn bà có bàn tay sắt bọc nhung/ an iron hand in a velvet glove." Cả ba chúng tôi đều bật cười, nhưng cảm tưởng của khách viếng thăm là "ông Linh Bảo" đang sống những ngày rất hạnh phúc trong bàn tay sắt kìm kẹp ấy.

     Buổi chiều, cả ba chúng tôi cùng đi thăm trường Defense Language Institute, Monterey, California, rất lớn nơi đây giảng dậy hơn ba chục ngôn ngữ trong đó có Việt ngữ, cho những người Mỹ trước khi tung họ đi các quốc gia trên khắp thế giới. Tới thăm một khu chăm sóc trẻ thương tật là nơi chị Linh Bảo tới làm thiện nguyện/ volunteer những ngày cuối tuần. Sau đó đi thăm một vòng bên trong thành phố Monterey, cho mãi tới sẩm chiều trước khi anh chị đưa tôi ra trạm Greyhound về lại San Francisco.

     Trở về Việt Nam, ít lâu sau đó tôi nhận được thư chị Linh Bảo viết ngày 23-01-1973 gửi qua toà soạn Bách Khoa, chị viết: "Được thư và sách của anh, tôi mừng quá vì cứ tưởng anh đã bị ai bỏ bùa ngải quyến rũ đi Canada mất rồi. Anh có cách gì để tôi có thể mua số sách của anh cho sinh viên của tôi đọc được không? Đọc Vòng Đai Xanh tôi thích lắm vì đúng loại sách tôi đang muốn đọc để hiểu. Tại sao anh không nói chuyện về cô Như Nguyện của anh cho tôi nghe? Cô ấy chắc là tu nhiều kiếp rồi phải không? [Như Nguyện là nhân vật nữ trong Vòng Đai Xanh, ghi chú của người viết]. Tôi muốn về thăm nhà một chuyến... Monterey vừa rồi có tuyết, đó là chuyện mấy chục năm chưa từng có..." Linh Bảo.

LINH BẢO LITTLE SAIGON 1991

     Sau những năm đèn sách "cải tạo" từ New York trở về California, tôi mới có dịp gặp lại chị Linh Bảo. Lần này qua một người bạn chung là chị Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, chị Nha Trang một Ph.D. của Đại học Berkeley có thời gian ở với chị Linh Bảo, để hoàn tất tác phẩm Women's Writers of South Vietnam 1954- 1975. Chị Nha Trang và chồng William L. Pensinger là hai dịch giả cuốn Vòng Đai Xanh của tôi về sau này. [The Green Belt, Ivy House 2004].

HÌNH VII_ Nhà văn Linh Bảo đang nặn tượng Mẹ trong xưởng tranh tượng
của một đại học California [nguồn: Linh Bảo cung cấp]

     Sau 1975, Linh Bảo hầu như hoàn toàn không viết và chị cũng chẳng mấy quan tâm tới những tác phẩm đã tạo nên văn nghiệp của mình. Linh Bảo thì lúc nào cũng vẫn như Một Cánh Diều sống lưu lạc ngoài Việt Nam, nhưng lòng thì vẫn khắc khoải hướng về quê nhà.

      Linh Bảo đã ví thân phận những người Việt tha hương như những cánh diều, chỉ vì một cơn cuồng phong, cơn bão thời đại đã thổi bạt họ đi khắp mọi nơi trên thế giới:

     "Trời đang xanh biếc, những đám mây nhẹ như tơ, trắng như tuyết, đang theo làn gió bay lang thang, vương vấn làm quen với bọn diều thì bỗng dưng có một trận gió lạ cuồn cuộn thổi đến. Bọn diều băng băng vượt mây lên thật cao: một số lớn bị đứt dây, và một số khác bị tuột. Cánh diều ngũ sắc không còn bị kiềm chế, tự do bay vùn vụt. Chúng như những chấm nhỏ li ti in trên nền trời xanh biếc. Gió thổi chúng lên núi, ra bể, đến thành thị, về thôn quê, gió thổi bạt chúng đi khắp mọi nơi...

     Những cánh diều là những bọn người tha hương, một số đã bị đứt dây, đã thành mồ côi, đã mất liên lạc với quê hương, đã không còn một ai thân mến nữa... Một số bất đắc dĩ, hay tự nguyện làm cho mất gốc. Cảnh mất gốc này có người đau khổ mà chịu, có người tự tạo ra, cũng có người lấy làm hãnh diện về sự mất gốc của mình và cố tranh đấu để xoá tan những tàn tích còn vương lại. Có người còn liên lạc với gia đình, với quê hương, nhưng liệu tình yêu gia đình và quê hương có mạnh hơn lòng tham thụ hưởng những sung sướng vật chất và an nhàn nơi xứ người...

     Lạy trời thổi ngọn gió hiền, ngày mai đưa những cánh diều tha hương trở về đất mẹ!"  Những Cánh Diều, tr.5-7, Nxb Trí Đăng Saigon 1971

     Nhưng chừng nào mà Đất Mẹ vẫn còn một chế độ "Nhốt Gió - tên một tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc" ngăn chặn những ngọn gió hiền Dân Chủ thổi về, thì vẫn còn hơn ba triệu cánh diều tha hương vẫn cứ khắc khoải với " Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa" như câu thơ của văn hào Nguyễn Du từ hơn 200 năm cũ. 



HÌNH VIII_ Chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu thăm nhà văn Linh Bảo (1995) từ phải: Ngô Thế Vinh, Linh Bảo, Lê Ngộ Châu, Võ Phiến

TÌM LẠI THỜI GIAN ĐÃ MẤT 2015

     Không còn cảm hứng viết văn, Linh Bảo có thêm nhiều thú vui mới khác: theo học các lớp vẽ tranh nặn tượng, làm đồ men sứ, học in hình trên đĩa, làm vườn, tập Yoga và cả luyện võ. Điều ít ai biết, nhà văn nữ Linh Bảo giỏi võ nghệ đã có huyền đai từ một võ đường của Bảo Truyền.

     Linh Bảo hiện sống trong một ngôi nhà nhỏ nơi Thị trấn Giữa đường / Midway City, có vườn cây trái phía sau, một hồ cá Koi. Cùng sống trong ngôi nhà ấy là ba thế hệ cũng là ba thế giới: Linh Bảo, con gái và một cháu ngoại nay cũng tới cái tuổi tam thập nhi lập.

     Nhà văn Linh Bảo sắp bước vào tuổi 90 [chị sinh sau nhà văn Nguyễn Thị Vinh hai năm, chỉ sau nhà văn Võ Phiến có 6 tháng - 20 tháng 10, 1925], chị còn minh mẫn, vẫn với giọng nói của Linh Bảo ngày nào, đọc sách không cần kính, lưng vẫn thẳng, dáng đi vững vàng, chị còn sinh hoạt độc lập.   
  
     Bài viết với cả chút riêng tư, như món quà sinh nhật sớm gửi tặng nhà văn Linh Bảo trước khi chị bước vào ngưỡng tuổi 90 xưa nay là hiếm.  


NGÔ THẾ VINH
California, 4th of July 2015