Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Ngộ nhận về “công bố quốc tế”


Qua người bạn nhờ tìm nguyên bản (fulltext) những bài báo của một đồng nghiệp trong Pubmed, tôi mới nhận ra rằng có một sự ngộ nhận về công bố quốc tế trong khoa học. Nói ngắn gọn, trong y học, báo cáo trong các hội nghị (thường gọi là abstract) không bao giờ được xem là “paper” và không được công nhận là một “công bố quốc tế”.


Tôi nghĩ cụm từ “công bố quốc tế” hình như do Gs Phạm Đức Chính đề cập đến lần đầu tiên (?). Dạo đó, chúng tôi có một forum trao đổi về tình hình khoa học, và anh Chính thường hay dùng cụm từ này để chỉ “peer reviewed publication in international journals”, tức là những bài báo được công bố trên các tập san khoa học có cơ chế bình duyệt. Cá nhân tôi không thích cụm từ này, nhưng đa số thì chấp nhận, và theo thời gian nó dần dà trở thành mặc định.

Cụm từ “công bố quốc tế” không áp dụng cho những báo cáo trong các hội nghị, dù là hội nghị quốc tế. Trong hoạt động khoa học, một khi công trình nghiên cứu xong hay tạm xong, người ta có thể trình bày kết quả trong các hội nghị. Mục đích của việc trình bày đó là để cho đồng nghiệp đánh giá, đặt câu hỏi, và qua đó tác giả chỉnh sửa hay làm thêm, viết thành một paper để gửi đi cho một tập san. Do đó, có thể xem kết quả trình bày trong các hội nghị chỉ là “sơ bộ”. Và, cũng không ngạc nhiên khi chúng ta thấy số liệu trình bày trong hội nghị khác với số liệu trình bày trong bài báo khoa học.

Có rất nhiều (con số hình như là 70%, nhưng tôi phải xem lại) bài báo cáo trong hội nghị không bao giờ thành bài báo hoàn chỉnh và không bao giờ được công bố trên các tập san [1]. Lí do thì nhiều, nhưng trong đó có lí do … đi chơi. Có nhiều người nộp abstract cho các hội nghị, và xem đó là cơ hội đi chơi, đi mua sắm, chứ chẳng phải đi học. Trong các hội nghị y khoa, ban tổ chức không có cơ chế bình duyệt, nên hầu như tất cả các abstract đều được chấp nhận. Được chấp nhận có nghĩa là tác giả có quyền đi, và ban tổ chức có thêm khách dự (tức có thêm thu nhập để trang trải). Phần nhiều đồng nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm này, tức là nộp abstract và đi chơi. Ở VN còn có tình trạng người đi dự hội nghị chỉ là đi chơi (nhưng đây là chuyện khác).

Nhưng nếu là người trong cuộc và “biết chuyện” người ta phân biệt được giá trị của các báo cáo trong hội nghị. Hội nghị khoa học thường có vài loại báo cáo chính như báo cáo được mời (invited presentation), báo cáo bằng miệng (oral presentation), và báo cáo bằng giấy (poster presentation) [2]. Báo cáo mời thường dành cho các chuyên gia có uy tín trong chuyên ngành. Nhưng thỉnh thoảng báo cáo mời không vì lí do uy tính mà vì vì lí do ngoại giao và chính trị (chuyện này hơi ... phức tạp -- dân tổ chức mới biết). Báo cáo oral thì được chọn lọc từ các abstracts nộp đến, thường chỉ 1-5% abstracts được chọn dựa vào chất lượng nghiên cứu. Báo cáo oral thật sự dựa trên chất lượng, chứ không có sự tác động của chính trị và ngoại giao. Phần còn lại (95-99%) là các báo cáo poster. Do đó, ở nước ngoài, khi nhà nghiên cứu được báo cáo oral thì bệnh viện hay trường sẽ trả tiền cho đi, còn báo cáo poster thì tác giả phải lo 50% chi phí vé máy bay và khách sạn. Có nơi họ hoàn toàn không lo chi phí nào cho tác giả có bài báo cáo poster.

Chính vì không có cơ chế bình duyệt, nên abstract trong các hội nghị không bao giờ được xem là paper, và không được đánh giá cao. Không ai liệt kê những abstracts trong lí lịch khoa học để xin đề bạt. Nhưng có lẽ vì hiểu lầm nên nhiều đồng nghiệp vẫn đưa abstracts vào lí lịch như là “papers”, và việc làm này có thể làm cho người biết chuyện mỉm cười.

Ở trên, tôi nói “có thể”, vì còn tuỳ vào đối tượng. Nếu đối tượng là giáo sư, giáo sĩ, tiến sĩ, v.v. mà lí lịch kể cả abstracts thì người ta đánh giá ngay là người này hoặc chưa am hiểu “luật chơi”, hoặc thiếu tự tin nên mới liệt kê “những thứ này”. Nếu đối tượng là nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ, hay sinh viên thì liệt kê abstracts hoàn toàn ok, vì người ta hiểu rằng đây là những người còn trong quá trình phấn đấu, và abstracts là một minh chứng cho điều đó, nên không ai chấp. (Cũng giống như ở cấp giáo sư mà lí lịch còn liệt kê tốt nghiệp trung học, cử nhân, v.v. là khá khác thường; thường, người ta chỉ đề bằng cấp cao nhất.) Nói ra điều này để các bạn biết cách trình bày lí lịch sao cho chuyên nghiệp, và tránh để người ta cười.

Phân biệt abstract và paper có khi cũng quan trọng vì tôi nghe nói là có thời hội đồng chức danh giáo sư xem abstracts là “công bố quốc tế” (nhưng bây giờ thì không còn nhầm lẫn nữa). Tuy nhiên, ở các hội đồng địa phương, cấp bệnh viện, cấp trường, v.v. thì đây đó người ta vẫn nhầm lẫn giữa hai dạng báo cáo này, và dẫn đến nhiều đánh giá thiếu công bằng. Còn những tuyên bố về "công bố quốc tế" trên báo chí phổ thông cũng cần phải được xem xét với những dè dặt cần thiết để tránh ngộ nhận, và trả lại công bằng cho những nhà khoa học có làm thật và có công bố quốc tế thật.

===

[1] Về tỉ lệ bài abstracts được công bố trên tập san, tôi mới tìm trên Pubmed thì thấy một phân tích trong ngành emergency medicine bên Anh cho thấy tính chung chỉ có 30% abstracts trở thành papers. Nhưng nếu báo cáo oral thì con số là 57%. 

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2658283/

Không biết có bao nhiêu bài báo trong hội nghị ở VN trở thành full papers? Đây cũng là đề tài nghiên cứu thú vị! 

[2] Báo cáo bằng poster cũng giống như là một pano, kích thước thường 150 x 200 cm. Trong đó tác giả báo cáo nghiên cứu của mình theo các đề mục như một bài báo khoa học: dẫn nhập, mục tiêu, phương pháp, kết quả, và một kết luận. Mỗi phần cho vào một cái ô. Thời đại bây giờ người ta làm trên Powerpoint để in ra một cách dễ dàng. Báo cáo bằng miệng thì thông thường được dành 10 phút nói và 5 phút thảo luận. Trong các hội nghị tôi thích ghé thăm poster hơn, vì mình có dịp nói chuyện và trao đổi lâu với tác giả. Còn báo cáo oral, nó nói 10 phút xong, mình chỉ có 5 phút để hỏi nên chẳng đi đến đâu. Chỉ khổ cái là báo cáo poster không có giá bằng báo cáo oral!

PS. Xin nhân dịp này quảng cáo một chút: tháng 5 này Đại học Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức một lớp học 4 ngày về cách viết và công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Tôi sẽ tham gia hướng dẫn lớp này, và sẽ có các bạn từng công bố đến chia sẻ kinh nghiệm. Lớp học sẽ thiết kế theo mô hình của Viện Đinh Tiên Hoàng. Bạn nào quan tâm nhớ theo dõi thông báo của trường nhé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét