Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Nguy cơ phá hoại sông Mekong


Lời giới thiệu:  Xin trân trọng giới thiệu một bài viết mới của tác giả Ngô Thế Vinh về sự huỷ hoại sông Mekong do những con đập từ thượng nguồn của Tàu. Trong 20 năm qua, Bác sĩ Ngô Thế Vinh dành rất nhiều thì giờ để khảo sát thực địa và văn bản để tìm hiểu về sông Mekong và những tác hại từ những con đập do Tàu và vài nước thượng nguồn xây dựng. Tôi gọi anh là người đi trước thời cuộc. Những tác phẩm của anh về Tây nguyên, về Biển Đông và sông Mekong là những cảnh báo “trouble” trước khi sự việc xảy ra.  Ngay bây giờ, tiếng nói của anh về sông Mekong vẫn chưa được nhiều người lắng nghe, nhưng anh vẫn kiên trì, và một ngày nào đó, sau Biển Đông chúng ta sẽ chứng kiến thảm hoạ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và lúc đó tôi sợ là quá muộn. 




HAI CỰC CỦA SỰ HUỶ HOẠI
TỪ NUOZHADU TỚI DON SAHONG
SÔNG MEKONG TRƯỚC NGUY CƠ


“Trái tim, tâm hồn và trí tuệ của tôi, tất cả đều tập trung để làm sao ngăn chặn những toan tính điên dại đang diễn ra trên Sông Mekong.” Tom Fawthrop, nhà báo Anh, đạo diễn phim Killing the Mekong Dam by Dam. 

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Ngô Thế Vinh

ẢNH HƯỞNG DÂY CHUYỀN TỪ NHỮNG CON ĐẬP


Với 14 con đập Bậc Thềm Vân Nam và 12 con đập Hạ lưu, tổng số 26 con đập dòng chính trên suốt chiều dài hơn 4,800 km sông Mekong, với thời gian là những hậu quả huỷ hoại tích lũy không thể đảo nghịch từ những khúc sông nghẽn mạch, và ảnh hưởng dây chuyền của chuỗi các con đập ấy bao gồm:

1/ Biến đổi bản chất tự nhiên của con sông, dòng sông sẽ không còn giữ được “nhịp đập / flood pulse” theo mùa, cũng là yếu tố sinh tử của Biển Hồ như trái tim của hệ sinh thái Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. 

2/ Biến đổi dòng chảy sẽ ảnh hưởng tới nguồn cá và an toàn lương thực: thu hẹp diện tích các vùng đất ngập / wetland areas và hủy hoại sinh cảnh thiết yếu của các loài cá sông Mekong.

3/ Dòng sông biến dạng đe dọa tính đa dạng của hệ thủy sinh trong đó có các chủng loại quan trọng / flagships species biểu tượng cho sự lành mạnh hệ sinh thái sông Mekong như cá Irrawaddy Dolphin, cá Pla Beuk đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

4/ Các khu rừng hạ lưu sông Mekong được công nhận là Vùng Đa dạng Sinh thái Chủ yếu / key biodiversity zones với các Vùng Đất Ngập được bảo vệ theo Quy ước Ramsar. Những con đập sẽ nhận chìm các vùng đất ngập và gây ảnh hưởng trên hệ sinh thái động vật và thực vật / fauna and flora của toàn lưu vực.

5/ Nông nghiệp bị tổn thất do phần đất bị ngập lụt từ các con đập, mất nguồn thực phẩm do canh tác ven sông, và do lượng phù sa từ thượng nguồn vì bị giữ lại trong các hồ chứa sẽ ảnh hưởng tới tiến trình chuyển tải các dưỡng chất thiết yếu cho ruộng vườn như phốt phát và đạm chất / nitrogen tưới bón cho các dẻo đất ven sông và nhất là các vùng châu thổ (Tonle Sap Cam Bốt, ĐBSCL Việt Nam).

6/ Giảm lượng phù sa cũng có nghĩa là làm mất cân bằng dòng chảy, gây sạt lở các bờ sông và mũi Cà Mau thì đang bị cắt lẹm mỗi năm và trôi dần ra biển. Lưu lượng dòng chảy giảm do những hồ chứa, mực nước biển dâng do thay đổi khí hậu và hậu quả là nạn nhiễm mặn càng ngày càng lấn sâu và tiến xa vào vùng châu thổ. Không có giống lúa và vườn cây trái nào có thể sống còn trên những thửa đất muối mặn.

Witoon Permpongsachareon, chủ tịch nhóm bảo vệ môi sinh TERRA, có văn phòng ở Bangkok phát biểu: “Những con đập là mối đe doạ lớn nhất đối với con sông Mekong và sự trong lành của môi sinh. Xây một con đập thì cũng giống như kẹp một động mạch trên một cơ thể khoẻ mạnh. Nếu máu không lưu thông chắc chắn cơ thể ấy bị tổn hại.” [Strangling the Mekong. Ron Moreau, Richard Ernsberger Jr. Newsweek International, March 19, 2011]

HAI CỰC CỦA SỰ HUỶ HOẠI

Trong số 26 con đập dòng chính Sông Mekong, thì Noạ Trát Độ / Nuozhadu 5,850 MW trên Vân Nam là con đập lớn nhất, và Don Sahong 260 MW là con đập nhỏ và quan trọng nhất thuộc địa phận Nam Lào (không kể tới  Thakho Diversion, cũng của Lào, 50 MW được bảo trở bởi CNR & EDL). Bài viết là một phân tích về hai thái cực của sự huỷ hoại: từ con đập lớn nhất tới con đập nhỏ nhất trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong.



NUOZHADU CON ĐẬP LỚN NHẤT

Chỉ đứng thứ hai sau con đập Tam Hợp / Three Gorges Dam lớn nhất thế giới trên Sông Dương Tử, Nọa Trát Độ / Nuozhadu là một con Khủng long trên Sông Mekong. Con đập được khởi công từ 2006, phải giải tỏa 24,000 cư dân ra khỏi khu xây đập. Hồ chứa của con đập Nọa Trát Độ, có chiều dài 226 km, diện tích mặt hồ chứa 320 km2 (gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore 716 km2) với dung lượng lên tới 22 tỉ m3, (Tiểu Loan / Xiaowan 15 tỉ m3); 30 lần lớn hơn hồ chứa con đập Tokuyama là đập thủy điện lớn nhất của Nhật Bản, với 9 đơn vị phát điện đã hoàn tất vào năm 2014, với tổng công xuất lên tới 5,850 MW, tương đương với hơn 5 lò máy nguyên tử lớn / 5 large nuclear reactors. [Chinese dam projects raise alarm in Asia_ theo Asahi Shimbun, 16/08/2010]
Nọa Trát Độ [261.5 m] tuy không cao nhất thế giới như đập Tiểu Loan [293 m] nhưng lại là “con đập lớn nhất” trên dòng chính sông Mekong. Theo Fred Pearce, sau đập Tiểu Loan, và con đập Nọa Trát Độ hoàn tất, sông Mekong sẽ trở thành tháp nước và nhà máy điện của Trung Quốc. (Damming the Mekong: Major blow to an Epic River, Yale Environment 360, 22 June 2009) [Hình I & II]

Hiroshi Hori là một chuyên gia Nhật, làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong Ủy Ban Sông Mekong, tác giả cuốn sách “The Mekong: Environment and Development”, đã nhận định: “Lưu Vực Trên của sông Mekong là vùng động đất, với những chuyển động địa chấn đáng kể khiến người ta có lý do để sợ rằng động đất sẽ xảy ra khi xây những con đập.” (2) Chính các học giả và chuyên gia môi sinh Trung Quốc cũng đã lên tiếng báo động về nguy cơ vỡ đập này. (3)

Không có gì bảo đảm rằng một thảm họa như vậy sẽ không thể xảy ra trên sông Mekong. Nếu con sông Mekong là mạch sống của ngót 70 triệu cư dân sống trong lưu vực thì mỗi con đập dòng chính là một gót chân Achilles cho toàn vùng. Và hiển nhiên là thảm họa do con người gây ra sẽ lớn hơn gấp bội so với tai ương từ thiên nhiên... 

Nhận định chung về kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt đới Smithsonian (Mỹ) đã phát biểu: “Xây các đập thuỷ điện, khai thông thuỷ lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông… Các bước khai thác của Trung Quốc làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc.” (6)



Hình I _ Đập Thuỷ điện Noạ Trát Độ lớn nhất trên Sông Mekong: Hàng chữ đỏ bên trái: “Hoa Năng Nọa Trát Độ thủy điện trạm” [Trạm thủy điện Nọa Trát Độ của công ti Hoa Năng / Huaneng Power International, Ltd.”]; Hàng chữ trắng bên phải: “Năng nguyên vu thủy -- Hữu dung nãi đại” [Khả năng bắt nguồn từ nước -- Có sức chứa sẽ thành lớn]. (Nguồn: Ying Qiu, International Rivers)


Hình II _ Hồ chứa Đập Thuỷ điện Noạ Trát Độ lớn nhất trên Sông Mekong chiều dài 226 km, diện tích mặt hồ 320 km2 (gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore 716 km2) với dung lượng lên tới 22 tỉ m3 nước. (Nguồn: Ying Qiu, International Rivers)


DON SAHONG CON ĐẬP NHỎ NHẤT

Cách đây gần một năm, ngày 3 tháng 10, 2013, chính phủ Lào thông báo cho Uỷ Hội Sông Mekong / MRC về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, là một con đập-dòng-chảy / run-of-river dam nằm trong vùng Thác Khone / Siphadone thuộc tỉnh Champasak, Nam Lào chỉ cách biên giới Cam Bốt 2 km. Lào chưa công khai đưa ra một đồ án chính thức / project’s final design và chi tiết về con đập Don Sahong. Sơ khởi được biết con đập chỉ có công xuất 260 MW, cao 30m, có chiều ngang rộng 100m, trụ trên suốt chiều dài 5 km của hẻm nước /water channel Hou Sahong. (4)

Thác Khone rất hùng vĩ gốm rất nhiều ghềnh thác và hàng ngàn đảo nối tiếp nhau (do đó còn có tên Tứ Thiên Đảo/ Four thousand islands), nơi mà trong mùa mưa, theo Ts Nguyễn Đức Hiệp một chuyên gia môi trường Úc châu, thì lượng nước và lượng phù sa đổ xuống từ thác Khone còn lớn hơn cả tổng lượng nước của cả hai con thác Niagara ở Bắc Mỹ và Victoria ở Phi châu. (7)

Từ tây sang đông thác Khone có nơi trải rộng tới 14 km, khúc trải rộng nhất của toàn thể chiều dài con sông Mekong. Về phương diện đa dạng sinh học, thác Khone là phần hết sức kỳ lạ của con sông Mekong. Ngay dưới chân thác là một quần thể phong phú nhất về cá, những loài cá nước ngọt không chỉ của Đông Nam Á mà phải nói là của cả thế giới nữa. Không phải chỉ có nguồn nước, nguồn phù sa, mà nguồn thuỷ sản nhất là cá là nguồn protein chính và quan trọng đối với đa số cư dân sống trong lưu vực, nhất là Lào và Cam Bốt. 

Khúc sông Mekong nơi thác Khone chính là trọng điểm hay còn có thể gọi là “ tử huyệt” của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong.

Sự đa dạng sinh học của sông Mekong, với khoảng 1,500 chủng loại cá trong số đó có hơn 2/3 thuộc loại di ngư / migratory fish, theo mùa lội ngược dòng Mekong và lên cả các phụ lưu trong chu kỳ sinh sản và tăng trưởng; đa số thuộc loại cá đánh bắt là nguồn lương thực và trao đổi thương mại.

Sông Mekong với nguồn nước ngọt và trữ lượng phù sa phong phú đã khiến ĐBSCL Việt Nam bấy lâu là cái nôi sản xuất cảng gạo lớn thứ hai của cả thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan và đồng thời cũng là vựa cá nước ngọt lớn nhất với 4 triệu tấn mỗi năm trị giá lên tới 9 tỉ MK, chưa kể tới những tôm cua rùa ốc và cả rong tảo chiếm tới 80% lượng protein của cư dân lưu vực.

      Đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée / Francis Garnier khi ngược dòng sông Mekong (1866) đã phải kinh ngạc khi đối diện với thác Khone. Cảnh tượng thì hùng vĩ với vang ầm tiếng nước đổ vào các ghềnh đá sủi bọt tung tóe.

      Thác Khone từng được ví như một phòng thí nghiệm thiên nhiên lý tưởng, một thế giới vi mô – microcosm của toàn hệ sinh thái sông Mekong,  nơi để cho các nhà sinh học và ngư học nghiên cứu. Do tầm quan trọng độc nhất vô nhị ấy khiến TS Mark Hill đã kêu gọi bằng mọi giá phải bảo vệ sự toàn vẹn của vùng thác Khone trong những kế hoạch phát triển và xây các đập thủy điện trên sông Mekong.

      Ian Baird người Gia Nã Đại, nay là Gs Đại học Wiscosin từ nhiều năm tình nguyện sang sống ở Lào và từ 1993 trực tiếp điều hành một dự án ở Nam Lào – Laos Community Fisheries and Dolphin Protection Project với ngân khoản vỏn vẹn chỉ có 60 ngàn đôla mỗi năm để kết hợp 63 làng xã trong vùng nhằm vận động bảo vệ loài cá Dolphin đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nhưng xa hơn là phát triển một nền ngư nghiệp bền vững –  sustainable fishing vì ai cũng biết “lúa và cá” là xương sống của nền kinh tế lưu vực sông Mekong. (1) [Hình III]




Hình III_ Ian Baird, nhà hoạt động môi sinh, sống nhiều năm trên đất Lào và là chuyên gia bảo vệ nguồn cá sông Mekong. (Nguồn: Tom Fawthrop) 
NIỀM VUI TRONG THIÊN TAI
      Từ hình ảnh ước lệ về  một ĐBSCL “làm chơi ăn thiệt” với ruộng đồng thẳng cánh cò bay, thì nay người dân ĐBSCL phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà vẫn cứ không đủ ăn, và những đứa con của họ phải đi “tha phương cầu thực” sang các xứ Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc… nhưng rồi ngay vẫn trên “vùng đất khổ” đó, người ta vẫn cứ tận khai thác các chuyến Du Lịch Sinh Thái / Ecotourism được quảng cáo tràn ngập với bao nhiêu hình ảnh của một ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi, với các khu nhà vườn, tràm chim rồi tới vô số các món ăn đặc sản Miền Tây với đủ loại cá tôm và hoa trái...

Người xem thì cứ tưởng như là đó mãi mãi một nguồn tài nguyên thiên nhiên bất tận, nhưng có ai biết đó là thứ “niềm vui trong thiên tai” như lời thơ của Nguyễn Đình Toàn, người đã từng ví nước sông Mekong như là máu của đất. Và có ai mà nghĩ được rằng ĐBSCL đang mang hình ảnh một con tàu bấp bênh trên biển lớn và mỗi con đập trên dòng chính sông Mekong là những lỗ thủng lớn nhỏ hai bên thân tàu và nước mặn thì càng ngày càng tràn sâu vào các xoang bên trong. Và hậu quả nhãn tiền là những cánh đồng lúa bị cháy xém vì nhiễm mặn. [Hình IV]

      Và cũng trên chính cánh đồng lúa cháy đó, Gs Võ Tòng Xuân, Nguyên Viện trưởng Đại Học An Giang đã phát biểu: “Sản xuất lúa gạo Đồng Bằng Sông Cửu Long bị đe dọa hơn nữa do xây con đập thứ hai Don Sahong ở Nam Lào. Con đập chắn ngang dòng chính Mekong khi đổ vào vùng Thác Khone, sẽ làm giảm dòng chảy, gây nguy hại cho khu bảo tồn Ramsar Siphadone, cho mùa màng và ngư nghiệp dưới nguồn. Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Cam Bốt, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Lào và các nhà đầu tư Mã Lai hãy tự tiết chế không gây tác hại thêm cho dòng chính sông Mekong nhằm bảo vệ môi sinh và cư dân nơi hạ nguồn.” [26-10-2013]



Hình IV_ Gs Võ Tòng Xuân trên ruộng lúa bị cháy vì nhiễm mặn tại quận Gia Rai,  Đồng Bằng Sông Cửu Long. (nguồn: Gs Võ Tòng Xuân. Đại học An Giang)  
[ Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc về Quy ước Ramsar / Ramsar Convention (1971), nhằm bảo vệ và sử dụng khôn ngoan nguồn tài nguyên các vùng đất ngập / wetlands và cùng xác định những khu bảo tồn, được mỗi quốc gia và quốc tế công nhận. Cả 3 nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam đều có những vùng đất ngập được bảo vệ bởi Quy ước Ramsar này như: vùng Thác Khone, Stung Treng, vùng Sinh Thái Biển Hồ, Tràm Chim Tam Nông, Mũi Cà Mau... ]  

 THAY KẾT TỪ

      Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và sau đó là cả Thượng Viện Mỹ (07/2011) đã từng khẩn thiết kêu gọi các quốc gia Mekong cần tránh những lỗi lầm của Hoa Kỳ từ hơn 100 năm qua khi quyết định vội vã xây các con đập và sau đó phải trả bằng những bài học đắt giá ra sao. (5)

      Không kể đến một nước lớn Trung Quốc đã hành xử một cách vô trách nhiệm, khống chế và tận khai thác nguồn thuỷ điện trên suốt nửa chiều dài trên của con sông Mekong, bất kể hậu quả và cái giá phải trả ra sao với các quốc gia hạ lưu. Nhưng rồi ngay các quốc gia Mekong khác cũng không hơn gì. Cho dù động lực phát triển kinh tế và đáp ứng cơn khát về năng lượng là những nhu cầu chính đáng, nhưng để đi tới mục tiêu ấy, vội vã xây những con đập mà không kể gì tới hậu quả về môi trường cùng với những tác dụng tiêu cực về kinh tế xã hội như an toàn lương thực, phẩm chất môi trường thì đó là những lâu dài xây trên cát lún.

      Chỉ thấy những lợi lộc ngắn hạn trước mắt với những bước “Phát triển Không Bền vững / unsustainable development”, hay đúng hơn là bước “Phát Triển Tự Huỷ” làm mất hết nguồn tài nguyên thiên nhiên với hậu qủa là các thế hệ tương lai sẽ phải sống trên một vùng đất đai cạn kiệt và càng ngày càng nghèo đi.

      Uỷ Hội Sông Mekong/ MRC kể từ ngày thành lập 1995, sau 19 năm hiện diện, khi bị thử thách với điển hình 2 con đập Xayaburi và Don Sahong của Lào, MRC đã chứng tỏ là một tổ chức không có thực lực và cả vô hiệu trong giải quyết các cuộc tranh chấp xuyên biên giới giữa các quốc gia Mekong, nguyên do MRC thiếu hẳn biện pháp cưỡng chế / enforcement mechanism. Nếu không có ngay một tái cấu trúc cho tổ chức này, chúng ta có thể tiên liệu rằng, cũng sẽ tái diễn cùng một kịch bản với 10 con đập dòng chính hạ lưu còn lại, đó sẽ là một thảm hoạ cho hệ sinh thái sông Mekong và cũng là hồi chuông báo tử cho ĐBSCL.  
    
      Với “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung, không bị chia cắt bởi những hàng rào chính trị và quyền lợi cục bộ, các quốc gia Mekong có khả năng cùng chung sức xây dựng một nền tảng phát triển hiệu quả, bền vững, đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo khó nhưng vẫn bảo tồn được nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.  


Cũng để thấy rằng “Sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự lạm dụng nguồn nước và hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không có một chính sách khai thác thận trọng và hợp lý các nguồn tài nguyên sông Mekong, con sông hùng vĩ này không thể nào sống còn”.

Phát biểu cô đọng và nhiều ý nghĩa trên, không phải từ cửa miệng một giới lãnh đạo Việt Nam mà lại là từ một nguyên Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, trong Hội nghị Thượng đỉnh Mekong tại Hua Hin, Thái Lan cách nay cũng đã hơn 4 năm rồi [Hua Hin MRC Summit 2010].




NGÔ THẾ VINH
09 - 14 - 2014 


THAM KHẢO:
1/ The Don Sahong; Potential Impacts on Regional Fish Migrations, Livelihoods, and Human Health. Ian G. Baird. Critical Asian Studies Volume 43, Issue 2, 2011 http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14672715.2011.570567#.Umni5yhYmgF

2/ The Mekong, Environment and Development, Hiroshi Hori, United nations, University Press, Tokyo 2000

3/ Chinese environmentalists and scholars appeal for dam safety assessments in geologically unstable south-west China,, https://probeinternational.org/referenced/chinese-environmentalists-and-scholars-appeal-dam-safety-assessments-geologically-unstabl.

4/ Lao PDR submits notification on Don Sahong Hydropower Project. Vientiane, Lao PDR, 3rd Oct 2013
http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/lao-pdr-submits-notification-on-don-sahong-hydropower-project/

5/ Remarks at the Second Friends of the Lower Mekong Ministerial
Remarks; Hillary Rodham Clinton, Phnom Penh, Cambodia; July 13, 2012 http://www.state.gov/secretary/rm/2012/07/194957.htm

6/  Chinese Dam Project may spell disaster for mighty  Mekong River.
Denis Gray, Nov 2, 2002 [AP]

7/ Dự án xây đập thủy điện Don Sahong và ảnh hưởng môi trường. Nguyễn Đức Hiệp; http://vietecology.org/Article.aspx/Article/75

8/ Lao official, developer differ over dam’s status. Laignee Barronand Vong Sokheng. Phnom Penh Post, 20 Aug 2014

9/ No More Dams on the Mekong. David Roberts. New York Times Sept 3, 2014 http://www.nytimes.com/2014/09/04/opinion/no-more-dams-on-the-mekong.html?emc=eta1&_r=0

0 nhận xét:

Đăng nhận xét