Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Những chuyện về bà mẹ Việt Nam

Sáng nay, đọc một câu chuyện, mà dù là đàn ông, tôi cũng thầm rơi nước mắt. Đó là chuyện một người mẹ Long An đoàn tụ cùng con ở … nghĩa trang Arlington (Mĩ). Một bên là bà mẹ Việt Nam khác, cũng ở Long An, đang tất tả tìm cách cứu con là Hồ Duy Hải, người sắp bị hành quyết ...


Chuyện bà mẹ Việt Nam

Câu chuyện được kể trên tờ BaoCaliToday.com qua ngòi bút của Đại tá Vũ Văn Lộc (bút danh Giao Chỉ) thật cảm động (1). Câu chuyện hơi phức tạp, nhưng tôi thích viết theo cách hiểu của tôi. Chị tên là Nguyễn Thị Kim Hoàn, quê ở Long An, có con là Trần Ngọc Bình. Đó là đứa con duy nhất của chị. Năm 1991, lúc đó mới 7 tuổi, hai vợ chồng chị Kim Hoàn đưa Bình đi du học ở Mĩ.

Cô ruột của cháu Bình có chồng (họ Lê) mới trúng số được di dân sang Mĩ. Hai vợ chồng không có con. Do đó, Bình được mẹ gửi cho cô trông nom, và để hợp thức hoá, Bình lấy họ Lê -- Lê Ngọc Bình -- để cùng đi sang Mĩ như là con nuôi của cô dượng. Nhưng khi Bình theo cô dượng đi học bên Mĩ, thì bên VN hai vợ chồng Kim Hoàn bắt đầu lục đục. Cha của Bình li thân và sau này là li dị với vợ để sống với một người khác. Thế là bên Mĩ cắt liên lạc với Kim Hoàn.

Trong lúc đó thì Lê Ngọc Bình ở bên Mĩ vẫn học ở trường và học khá giỏi. Em chơi thể thao, học nhạc, gia nhập đội thiếu sinh quân, tham gia hoạt động xã hội. Trong thời gian đó, hai mẹ con liên lạc qua email, và những lá thư Kim Hoàn viết cho con đọc rất cảm động. Đến năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học, Lê Ngọc Bình về VN thăm mẹ. Khi chia tay mẹ về lại Mĩ, Bình biết mình phải làm gì: em phải bảo lãnh mẹ sang Mĩ. Nhưng em không có tiền để bảo lãnh, nên em nghĩ đến một cách đi vòng, đó là đi lính thuỷ quân lục chiến một thời gian, sau đó sẽ giải ngũ em sẽ có một số vốn hoặc đi học đại học, và bảo lãnh mẹ sang Mĩ. Kế hoạch Bình vạch ra là như thế.

Thế nhưng "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Sau khi gia nhập quân đội, Bình được gửi sang phục vụ ở chiến trường Iraq. Em là một người hạ sĩ gan dạ, anh hùng. Một chiếc xe của bọn khủng bố chở đầy bom đâm thẳng vào trại lính thuỷ quân lục chiến ở Terbit, và hai người lính đã xông ra tiêu diệt tên khủng bố. Nhưng cùng lúc thì bom nổ và hai chiến sĩ đều hi sinh. Một trong hai người đó là Lê Ngọc Bình, lúc đó (2004) là 20 tuổi. Sự hi sinh của hai chiến sĩ này cứu hàng trăm người trong trại, nên họ được thưởng "Anh Dũng Bội Tinh Sao Bạc".

Lời trăn trối của Lê Ngọc Bình trước khi nhắm mắt là được đoàn tụ cùng mẹ. Lời trăn trối này lập tức được Thuỷ quân Lục chiến thi hành. Thế nhưng thủ tục gặp rắc rối, vì các quan chức hành chính hoạnh hoẹ tại sao từ họ Trần chuyển sang họ Lê. Nhưng Thuỷ quân Lục chiến mướn luật sư để lo thủ tục, và kết cục hai vợ chồng Kim Hoàn cũng được sang Mĩ để dự đám tang của con. Sau đám tang, người cha về VN sống với vợ mới, còn mẹ Kim Hoàn xin ở lại Mĩ. Nhưng vì trên giấy tờ, Kim Hoàn không phải là mẹ chính thức, nên Thuỷ quân Lục chiến phải thỉnh cầu dân biểu địa phương trình một luật đặc biệt để Kim Hoàn có Thẻ Xanh. Kể từ đó, cứ mỗi tuần người mẹ đau khổ lái xe vào nghĩa trang thì thầm với con. Như tôi nói từ đầu, chuyện kể rất cảm động, dễ làm người đọc khóc ròng.

Chuyện bên Úc

Một sự tình cờ lạ lùng là khi đọc xong câu chuyện bà mẹ VN, tôi cũng đọc một bài viết cảm động ở Úc, nhưng kết cục thì khác. Đó là chuyện bà mẹ Úc bỏ 4 đứa con một cách bí mật, để rồi sau mấy chục năm các con lại tìm gặp nhau qua mặt báo.

Steve Hardy năm nay đã 65 tuổi, nhưng ông chưa một lần gặp mẹ ruột. Lí do là khi mới sinh (năm 1949), ông bị mẹ bỏ rơi trong một cầu tiêu ở một rạp chiếu bóng tại Hay Market (Sydney). Tháng 5 năm nay, ông viết một tin ngắn trên báo muốn tìm mẹ ruột. Một trong những người đọc bản tin đó là bà Julie Seinor, một cảnh sát viên đã nghỉ hưu. Bà Seinor liên lạc toà soạn và nói rằng bà cũng bị mẹ bỏ rơi trong cầu tiêu ở Hay Market vào năm 1956. Bà Seinor có cảm giác rằng ông Hardy có thể là anh của bà, nhưng không có chứng cứ.

Ngày bà Seinor liên lạc toà soạn báo, thì cũng là ngày ông Gary Sturdy liên lạc toà soạn! Trong thư viết cho toà soạn có đoạn cho biết ông và người em gái là Kim cũng bị bỏ rơi, nhưng ở Melbourne. Gary Sturdy bị mẹ bỏ rơi năm 1960, còn em cùng mẹ khác cha là Kim bị bỏ rơi vào năm 1963. Ông Sturdy viết rằng ông có linh tính rằng Steve Hardy chính là anh của ông. Cũng như ông Steve Hardy và bà Julie Seinor, cả hai anh em Gary Sturdy và Kim Sturdy chưa bao giờ biết mẹ mình là ai.

Thế là toà soạn đứng ra làm người trung để nối kết 4 người. Xét nghiệm DNA cho thấy cả 4 người có cùng mẹ. Bốn người được đoàn tụ trong nước mắt, nhưng người mẹ thì vẫn biệt vô âm tính. Chỉ biết tên người mẹ là Valerie Mirams, sinh năm 1930. Nếu còn sống thì bà mẹ năm nay đã 84 tuổi. Tuy nhiên, không ai biết bà Mirams còn sống hay chết. Bà biến mất không có một dấu vết nào để lại. Tất cả 4 người con mà bà bỏ rơi đều được chăm sóc khá kĩ, quần áo đàng hoàng, có bình sữa bên cạnh, và có kèm theo một tờ giấy nhờ người phát hiện chăm sóc. Ông Steve Hardy nghĩ rằng mẹ ông là một người tốt, nhưng có lẽ vì quá nghèo hay vì lí do nào đó mà bỏ rơi cả 4 người con.

Các bạn thấy hai câu chuyện rất khác nhau. Trong khi bà mẹ VN bằng mọi giá tìm cách đoàn tụ cùng con ở nghĩa trang, thì bà mẹ Úc lại bỏ con mình sinh đẻ ra. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ có ý nói đạo đức của bà mẹ VN hơn bà mẹ Úc. Không bao giờ. Ở VN cũng có tình trạng các bà mẹ bỏ con, chứ chẳng riêng gì ở Úc. Tôi nghĩ chẳng có bà mẹ nào muốn bỏ con mình đã mang nặng đẻ đau; phải là một biến cố gì rất lớn nên các bà mẹ mới bỏ con. Các bạn phải đọc những dòng email bà mẹ VN gửi cho con mới thấm thía tình mẫu tử ra sao. Đó là những tâm sự và khắc khoải rất thật của người mẹ mà có khi chúng ta không bao giờ (hay ít khi nào) biết được. Tình mẫu tử là một mối liên hệ rất thiêng liêng mà cho đến nay khoa học chỉ mới biết chút chút chứ khó giải thích hết được. Tôi thấy trong những lúc tuyệt vọng hay vui mừng, chúng ta đều kêu mẹ (chứ ít khi nào kêu cha), và sự “cầu cứu” đó gần như là một mặc định trời cho.

Chẳng hiểu sao đọc câu chuyện của chị Kim Hoàn, tôi liên tưởng đến bà mẹ có tên là Nguyễn Thị Loan, cũng ở Long An. Bà Loan đang tất tả khắp nơi để minh oan cho con bà là Hồ Duy Hải đang sắp bị hành quyết vì tội giết người. Thế nhưng Hải liên tục kêu oan, và vấn đề còn nghiêm trọng hơn bản án giết người đó có rất nhiều khuất tất đằng sau. Chẳng có dấu vân tay nào của Hồ Duy Hải trùng với dấu vân tay ở hiện trường; không có nhân chứng; người đáng lí ra phải bị tình nghi và nên bị điều tra thì lại không làm; tang vật thì mua … ngoài chợ (2). Nói tóm lại, đây là một vụ án có quá nhiều vấn đề. Báo chí nhà nước đã nhiều lần nêu vấn đề, nhưng các nhà chức trách cứ làm ngơ! Bà Loan gõ cửa khắp nơi thỉnh cầu giải oan cho con suốt 6 năm trời cũng rơi vào im lặng đáng sợ. Luật sư cầu cứu đến Chủ tịch Nước, nhưng chẳng biết kết quả ra sao. Trong khi đó thì người ta nhất định giết Hồ Duy Hải. Hiếm thấy một hệ thống hành pháp nào mà vô cảm đến như thế.

Bà Loan cho biết nếu con bà bị hành quyết, bà sẽ tự thiêu ở Ba Đình. Bà nói bà không còn lí do gì để sống khi con mình bị chết oan. Tôi nghĩ đó không phải là lời đe dọa, mà là một tiếng kêu thống thiết của một bà mẹ VN cùng đường và tuyệt vọng. Bà mẹ Kim Hoàn bằng mọi giá đoàn tụ với con ở nghĩa trang, thì việc bà mẹ Loan tự thiêu không có gì đáng ngạc nhiên. Nên nhớ rằng mẹ của cô Tạ Phong Tần cũng đã tự thiêu vì thấy con bà bị oan ức. Chẳng lẽ cả một xã hội mệnh danh là văn minh và hệ thống hành pháp ưu việt khoanh tay chứng kiến một vụ tự thiêu khác? Tòa án VN trong quá khứ đã từng tạo ra nhiều oan khiên, và sự vô cảm hiện nay chỉ làm cho núi oan khiên thêm chồng chất. Vẫn còn chưa muộn để dừng ngay việc hành quyết, và để đem lại công lí cho Hồ Duy Hải và giảm nỗi thống khổ cho các bà mẹ VN phải mất con một cách oan ức.

=====


0 nhận xét:

Đăng nhận xét