Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Dự thảo xếp hạng đại học ở Việt Nam: những điểm cần bàn thêm


Ý tưởng về xếp hạng và phân tầng đại học là hợp lí, nhưng trong bối cảnh Việt Nam tôi nghĩ còn quá sớm để thực hiện. Còn rất nhiều vấn đề về tiêu chí xếp hạng và thiếu dữ liệu đòi hỏi nhiều nghiên cứu trước khi đem ra áp dụng.

Trong thời gian gần đây, số trường đại học tăng lên một cách nhanh chóng. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy trong niên học 2012-2013, Việt Nam có 207 trường đại học. Con số này tăng gấp 2.6 lần so với 10 năm trước đó (chỉ có 81 trường đại học). Trong cùng thời gian, số giảng viên tăng 2.2 lần (từ 27393 trog niên học 2002-2003 lên 61674 người trong niên học 2012-2013). Tốc độ tăng số trường đại học cao hơn tốc độ tăng số giảng viên là một tin mừng cho vài người, nhưng là mối quan tâm của những ai từng quan ngại đến chất lượng giáo dục đại học.

Nhu cầu xếp hạng đại học

Dĩ nhiên, ai cũng biết không phải đại học nào cũng như nhau. Các đại học Việt Nam, cũng như ở các nước khác trên thế giới, rất khác biệt về lịch sử ra đời, qui mô đào tạo, số sinh viên, ngành nghề đào tạo, chất lượng giảng viên, năng lực và chất lượng nghiên cứu. Có những đại học được thành lập chưa đầy 10 năm, nhưng cũng có đại học có lịch sử hơn 100 năm. Có đại học đa ngành, nhưng phần lớn là các đại học chuyên ngành. Những khác biệt đó có thể có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, đối với học sinh, sinh viên và phụ huynh có nhiều lựa chọn, dù biết các đại học không phải có chất lượng như nhau, nhưng việc chọn trường đại vẫn là một vấn đề nan giải. Nếu các đại học của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới, thì vấn đề không quá khó khăn. Nhưng ở đây, không một đại học của Việt Nam có tên trong các danh sánh các đại học hàng đầu thế giới, và điều đó dẫn đến khó khăn cho phụ huynh trong việc chọn trường. Dùng tiêu chí gì để đánh giá chất lượng? Tiêu chí đó độ tin cậy và chính xác bao nhiêu? Ai là người đề ra những tiêu chí đó? Đó là một số câu hỏi trong hàng chục câu hỏi về xếp hạng đại học.

Những tiêu chí xếp hạng chưa hợp lí

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo về "Qui đnh vphân tng và xếp hng các cơ sgiáo dc đi hc". Theo Dự thảo, các đại học ở Việt Nam sẽ được xếp thành 5 hạng (hay nhóm?) dựa vào kết quả xếp hạng. Bộ đề xuất 15 tiêu chí dùng cho việc xếp hạng đại học. Xem qua 15 tiêu chí đó, tôi thấy khó thuyết phục. Khó thuyết phục vì cách viết có khi rất khó hiểu, nhưng quan trọng hơn là tính đơn giản, trùng lắp, và không bám sát mục tiêu của việc xếp hạng đại học.

Mục tiêu của xếp hạng đại học, thành thật mà nói, chưa được phát biểu một cách cụ thể và dễ hiểu. Cách viết vẫn theo lề lối cũ, tức là chung chung và rất dài dòng, cố gắng bao quát những tiểu tiết không cần thiết. Tuy nhiên, ở những đoạn có thể đọc được, có thể hiểu rằng mục tiêu của xếp hạng đại học nhằm "đánh giá năng lc, cht lưng đào to, nghiên cu khoa hc ca các cơ sGDĐH một cách khách quan". Một mục tiêu khác là xếp hạng đại học nằm giúp cho Nhà nước "đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống." Dù mục tiêu được phát biểu có liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhưng tất cả 15 tiêu chí xếp hạng chỉ liên quan đến nghiên cứu khoa học hay năng lực nghiên cứu khoa học. Do đó, có thể nói rằng các tiêu chí đề ra rất khó cho phép đánh giá khách quan về đào tạo. 

Tính đơn giản của các tiêu chí do Bộ GDĐT đề ra là ở sự"nhị phân hoá" các yếu tố mang tính liên tục. Có thể lấy tiêu chí về trình độ giảng viên làm một ví dụ minh hoạ. Theo đề nghị, trường đại học có "Ít nhất 40% tổng số ging viên, nghiên cứu viên cơ hu của trường có trình đtiến sĩ" là một tiêu chí xếp hạng. Nói cách khác, tiêu chí này chỉ có 2 giá trị: có hay không. Nhưng trong thực tế, con số tỉ lệ giảng viên và nhà nghiên cứu tính trên tổng số là một biến số liên tục.  Vì tính liên tục của biến số, nên việc cắt thành 2 giá trị "có" hay "không" (hoặc  "cao" hay "thấp") là một ý tưởng rất ... dở. Dở là vì mang tính máy móc, công thức. Máy móc và công thức là thể hiện sự thụ động và lười biếng.  Nếu trường A có tỉ lệ 41% và trường B có tỉ lệ 39.5%, tức cả hai trường trong thực tế đều có tỉ lệ xấp xỉ 40%, chẳng lẽ hai trường được xếp vào hai nhóm khác nhau. Rất nhiều các tiêu chí xếp hạng đều bị "nhị phân hoá" như thế. Tính phi khoa học nằm ở chỗ đơn giản hoá một yếu tố phức tạp.

Có tiêu chí rất khó hiểu và có thể gây ra tranh cãi. Chẳng hạn như tiêu chí "Số chương trình đào to theo đnh hưng nghiên cu chiếm hơn 60% tổng số các chương trình đào tạo của trường." Chưa nói đến con số 60% là sản phẩm của tư duy nhị phân hoá, vấn đề quan trọng hơn là cách hiểu thế nào là "định hướng nghiên cứu". Ở nước ngoài, các chương trình đào tạo tiến sĩ và một số chương trình đào tạo thạc sĩ là nghiên cứu, có nghĩa là sinh viên không theo học các khoá học mà dành toàn thời gian cho nghiên cứu trong một lab của đại học. Nhưng cũng có một số chương trình đào tạo thạc sĩ theo cách thức "course work", tức vẫn theo học một số khoá học. Ở VN rất nhiều trường đại học dù đào tạo tiến sĩ nhưng không có lab nghiên cứu đúng nghĩa, và theo cách hiểu nước ngoài thì không phải là "định hướng nghiên cứu".

Có hai tiêu chí mà tôi nghĩ là thiếu thực tế. Đó là tiêu chí 40% giảng viên và nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ. Đây là một yêu cầu khá cao. Hiện nay, tỉ lệ giảng viên trong các đại học VN có bằng tiến sĩ chỉ 14-15%. Ngay cả các đại học lớn nhất nước như hai đại học quốc gia, theo tôi biết, tỉ lệ giảng viên và nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ cũng chỉ đạt con số 25% mà thôi. Ngay cả ở Úc, sau cả trăm năm xây dựng hệ thống đại học, con số giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng chỉ 50-55%. Do đó, yêu cầu mà Bộ GDĐT đặt ra là quá tầm của các đại học hiện nay. Vả lại, người ta phải hỏi tại sao và cơ sở khoa học nào để đặt ra con số tiêu chuẩn 40%? Thật ra, chẳng có cơ sở khoa học nào cho con số đó cả. Như vậy, có thể xem đây là một tiêu chuẩn tuỳ tiện.

Một tiêu chí khác là "Ít nhất 25% tổng số ging viên, nghiên cứu viên cơ hu của trường có chc danh Giáo sư, Phó giáo sư" cũng có thể bàn thêm vì sự tuỳ tiện và quá cao. Ở Úc, tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư hiện nay là 26%. Ở VN, theo thống kê của Bộ GDĐT, tính chung tỉ lệ giảng viên đại học có chức danh GS/PGS là khoảng 5%. Ngay cả hai đại học quốc gia chỉ có khoảng 6-7% giảng viên có chức danh GS/PGS. Do đó, con số 25% giảng viên là GS/PGS do Bộ GDĐT đề ra rất chênh và rất xa so với thực tế. Với tiêu chuẩn này, không có một đại học VN nào có thể đạt tiêu chuẩn là "đại học định hướng nghiên cứu".

Có thể nói rằng đại đa số các tiêu chí đại học định hướng nghiên cứu chỉ quan tâm đến phần "đầu vào" (input), và chỉ có một tiêu chí liên quan đến "phần ra" (output). Chẳng hạn như tiêu chí qui định rằng "Hằng năm công bố ít nhất 50 bài báo, công trình nghiên cứu kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, SCI" là một vấn đề cần phải xem xét lại, vì sự tuỳ thuộc vào số lượng nhân sự. Ai cũng biết rằng số bài báo khoa học phụ thuộc vào số giảng viên và nhà khoa học cơ hữu. Do đó, trường lớn có nhiều công bố khoa học hơn trường nhỏ là điều không ngạc nhiên. Đáng lí ra, tiêu chí này phải điều chỉnh cho số giảng viên và nhà khoa học mà trường có thì sẽ hợp lí hơn.

Một điểm đáng chú ý là tiêu chí này cũng mang tính số lượng, chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Trong nghiên cứu khoa học, chất lượng còn quan trọng hơn số lượng. Như là một qui luật trong khoa học, một bài báo được công bố trên tập san có uy tín cao (phản ảnh qua chỉ số tác động – impact factor) có giá trị hơn nhiều so với nhiều bài trên những tập san "làng nhàng". Do đó, vấn đề không chỉ là công bố khoa học, mà còn là công bố trên những tập san nào và mức độ tác động của nghiên cứu.

Lược sử xếp hạng đại học 

Xếp hạng đại học có một lịch sử khá lâu đời, nhưng các bảng xếp hạng "hiện đại" chỉ mới xuất hiện và gây ảnh hưởng khoảng trên 10 năm qua. Năm 2003, Nian Cai Liu, một giáo sư hoá học thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, công bố một bảng xếp hạng các đại học hàng đầu trên thế giới có tên là Academic Ranking of World University (ARWU). Mục tiêu của ARWU là nhằm đưa ra một số tiêu chuẩn để các đại học China dựa vào mà phấn đấu. Tác giả cũng xem bảng xếp hạng ARWU là một thước đo mức độ tiến bộ của các đại học China. Các tiêu chí ARWU rất đơn giản nhưng khá cao, như số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Fields; số giáo sư đoạt giải Nobel và Fields;  số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần; số bài báo khoa học trên hai tập san Nature và Science; số bài báo khoa học trên tập san trong thư mục ISI, SCIE, SSCI; và thành tựu của giáo sư, giảng viên và các nhà khoa học.

Bảng xếp hạng đại học ARWU sau đó trở thành nổi tiếng. Một "kĩ nghệ" xếp hạng đại học ra đời, với nhiều nhóm nghiên cứu được thành lập và tham gia vào việc xếp hạng đại học. Nổi tiếng nhất trong các nhóm này có lẽ là QS, THES, và Leiden. Nhưng tất cả các bảng xếp hạng đều không hoàn hảo, vì một phần dữ liệu sử dụng chưa được chính xác, và quan trọng hơn là phương pháp thống kê vẫn chưa được mọi người nhất trí. Bảng xếp hạng ARWU tuy rất nổi tiếng, nhưng phương pháp thống kê lại yếu nhất. Tuy nhiên, dù chưa hoàn hảo, nhưng vị trí của các đại học hàng đầu của các bảng xếp hạng đều rất nhất quán. Các đại học như Harvard, Yale, Stanford, Princeton, MIT, Caltech, Oxford, Cambridge, v.v. vẫn là những đại học hạng "top" cho dù dùng tiêu chí của bảng xếp hạng nào. Sự nhất quán này có thể hiểu được, vì tất cả các bảng xếp hạng đều đặt nặng các tiêu chí về đầu ra của nghiên cứu khoa học. Có nhóm như QS chẳng hạn xem nghiên cứu khoa học quyết định 60% thứ hạng của đại học.

Cho đến nay, dù các bảng xếp hạng đại học bị phê bình rất nhiều, nhưng trong thực tế các ban giám hiệu của đại học nổi tiếng trên thế giới vẫn dựa vào thứ hạng trong các bảng xếp hạng để quảng bá đại học của họ. Có nơi, thậm chí sự nghiệp của hiệu trưởng phụ thuộc vào sự tăng hay giảm về thứ hạng của đại học mà họ quản lí. Như vậy, các bảng xếp hạng đại học, dù còn nhiều khiếm khuyết chúng sẽ tồn tại, và có thể gây ảnh hưởng.

Việt Nam cần nhiều nghiên cứu hơn

Do đó, nỗ lực xếp hạng và phân tầng đại học của Bộ GDĐT nằm trong trào lưu thế giới. Muốn hay không, trước hay sau, thì VN sẽ phải xếp hạng đại học vì nhu cầu không chỉ của Nhà nước, của sinh viên, mà còn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ phải xem lại mục tiêu xếp hạng, vì hiện nay mục tiêu còn quá hạn hẹp. Phải xem xếp hạng đại học là một thước đo cho phát triển khoa học giáo dục bậc cao, chứ không đơn thuần là tăng tính cạnh tranh. Bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải (AWRU) nhắm vào việc đánh động sự yếu kém của các đại học Trung Quốc nên họ đặt tiêu chuẩn rất cao.

Tuy nhiên, dù là mục tiêu hướng đến đại học nghiên cứu hay vươn đến tầm cao của thế giới, tôi nghĩ Việt Nam vẫn nên dựa vào các tiêu chuẩn ở nước ngoài với vài thay đổi cho phù hợp với tình hình trong nước. Tham khảo khá nhiều tiêu chuẩn từ nước ngoài và các bảng xếp hạng quốc tế (1), tôi có vài đề nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất là giữ những tiêu chí mang tính liên tục. Chẳng hạn như các tiêu chí như phần trăm giảng viên có bằng tiến sĩ, hay số bài báo khoa học công bố là những biến số liên tục (từ 0 đến 100), và không có lí do gì để "nhị phân hoá" theo một ngưỡng số nào đó. Nhị phân hoá tuy đơn giản vấn đề nhưng sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng và có thể dẫn đến sai sót trong xếp hạng.

Thứ hai, giảm các tiêu chí mang tính đầu vào (input) và tăng các tiêu chí đầu ra (output).  Hiện nay, trong số 15 tiêu chí được đề ra thì đã có đến 12 tiêu chí mang tính đầu vào, và điều đó làm cho bộ tiêu chí chẳng giống ai trên thế giới!  Tôi đề nghị thêm các tiêu chí liên quan đến giảng dạy (như số sinh viên trung bình tính trên giảng viên, trình độ giảng viên và danh tiếng trong giảng dạy). Ngoài ra, cần phải có những cuộc điều tra xã hội để đánh giá mức độ danh tiếng trong giảng dạy và nghiên cứu.

Một tiêu chí liên quan đến đầu ra mà các nhóm xếp hạng đại học quốc tế thường sử dụng là các cựu sinh viên được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng trong chính phủ và tập đoàn kĩ nghệ, hoặc được trao những giải thưởng danh giá trong chuyên ngành. Những tiêu chí này được xem là một thước đo về chất lượng đào tạo.

Thứ ba, chuyên ngành hoá. Đại học ở VN phần lớn là các đại học chuyên ngành, do đó xếp hạng chung cho một đại học là điều không thực tế và thiếu khách quan. Chẳng hạn như đại học chuyên ngành y sinh học phải khác với đại học chuyên ngành công nghệ và kĩ thuật. Do đó, các tiêu chí xếp hạng phải phản ảnh được chuyên ngành. Và, theo đó, bảng xếp hạng đại học, nếu thực hiện, cũng nên xếp hạng theo từng chuyên ngành thay vì xếp hạng chung.

Thứ tư, cần phải thêm các tiêu chí liên quan đến tầm ảnh hưởng và chất lượng nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học, số lượng bài báo khoa học phản ảnh mức độ hoạt động khoa học, chứ không phản ảnh phần quan trọng hơn là phẩm chất. Rất khó đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học nhưng một số chỉ số có thể chấp nhận được là chỉ số tác động (impact factor) của tập san mà nhà khoa học công bố. Mặc dù chỉ số tác động bị phê phán nhiều, thậm chí bị tẩy chay vài nơi, nhưng trong thực tế đó vẫn là chỉ số phổ biến và vẫn được sử dụng bởi các đại học. Những công trình được công bố trên những tập san có chỉ số IF cao, như là một qui luật, vẫn có ảnh hưởng cao hơn những công trình trên những tập san có IF thấp. Ngoài ra, tần số trích dẫn cũng có thể xem là một chỉ số đánh giá tầm ảnh hưởng của nghiên cứu.

Thứ năm, cần thêm tiêu chí về ứng dụng thực tế. Một trong những thành tựu của nghiên cứu không chỉ là bài báo khoa học, mà còn chuyển giao thành bằng sáng chế (patent). Do đó, các bảng xếp hạng có giá trị thường có tiêu chí về số bằng sáng chế được công nhận bởi các tổ chức tác quyền khoa học quốc tế.  Tiêu chí này trong thực tế cũng là một hình thức khuyến khích việc chuyển giao thành quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế.

Thứ sáu, tính quốc tế hoá. Trong thời đại toàn cầu hoá, đại học ngày nay là một trung tâm xuyên quốc gia, do đó cần phải có tiêu chí phản ảnh số giảng viên, giáo sư, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) và sinh viên từ nước ngoài. 

Thứ bảy, nghiên cứu tìm trọng số thích hợp. Vấn đề không chỉ là đặt ra tiêu chí xếp hạng, nhưng phức tạp hơn là trọng số của mỗi tiêu chí. Trọng số, trong thống kê học, là một cách để đánh giá tầm quan trọng của một tiêu chí. Chẳng hạn như trong bảng xếp hạng AWRU, tiêu chí số bài báo khoa học trên hai tập san ScienceNature có trọng số 20%, tức quan trọng hơn tiêu chí số cựu sinh viên được trao giải Nobel và Fields (có trọng số 10%). Để có trọng số, các nhóm nghiên cứu phải tiến hành những nghiên cứu về đánh giá khoa học hay khoa học trắc (scientometrics), vốn là một bộ môn khoa học tương đối mới. Nghiên cứu khoa học về khoa học trắc hay đánh giá khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc xếp hạng đại học. Những nghiên cứu này không phải chỉ đơn giản phân tích dữ liệu của Bộ GD-ĐT sẵn có hay do trường đại học cung cấp, mà phải là những điều tra qui mô trong cộng đồng và giới kĩ nghệ.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa có những nghiên cứu đánh giá khoa học một cách chuyên nghiệp và chuyên sâu. Các tiêu chí xếp hạng mà Bộ GDĐT đề ra không có giá trị như nhau, thậm chí trùng hợp nhau. Nhưng đồng thời chúng ta không thể phân tầng và xếp hạng đại học dựa vào những tiêu chí nhị phân hoá và thậm chí chưa có trọng số. Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay có lẽ không phải là cho ra bảng xếp hạng đại học, mà là nghiên cứu khoa học về các tiêu chí xếp hạng. Nếu không có cơ sở khoa học, các tiêu chí xếp hạng sẽ không thuyết phục được ai và không thể áp dụng trong thực tế.

Chú thích:

(1) Xem "Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập", Nhà xuất bản Tổng Hợp 2012.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét