Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Tiến sĩ: xứ người thừa, xứ ta thiếu

Tôi nhớ nhạc sĩ Từ Công Phụng có lần trả lời phỏng vấn nói rằng ông lúc nào cũng quan tâm đến cái buồn, sau cái vui lúc nào cũng đến cái buồn, thậm chí trong lúc vui ông cũng nghĩ đến cái buồn. Nghĩ về giải Nobel cũng thế. Sau cái vui, hồ hởi, hứng thú, khích lệ khi thấy người ta được trao giải Nobel, là đến lúc nghĩ về thực tại: nỗi buồn thân phận của người postdoc.



Một bài báo trên tờ Boston Globe cung cấp cho chúng ta một bức tranh màu đen về số phận của các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (dân trong nghề gọi là "postdoc" – tức "postdoctoral fellow"). Nói một cách ngắn gọn: Mĩ đào tạo quá nhiều tiến sĩ, làm cho các đại học không kịp "tiêu hoá", nên nhiều postdoc phải sống vất vưởng.

Chỉ tính riêng ngành y sinh, mỗi năm các đại học Mĩ ghi danh 16000 nghiên cứu sinh tiến sĩ; trong số này, khoảng 9000 người tốt nghiệp sau 6-7 năm miệt mài nghiên cứu. Trong số 9000 tốt nghiệp, khoảng 5800 có vị trí postdoc, và 30% không làm postdoc. Tính trung bình, mỗi tiến sĩ tiêu ra 4 năm làm nghiên cứu postdoc, trước khi trở thành độc lập (xuống núi hành hiệp). Hiện nay, chỉ tính riêng ngành y sinh học, có khoảng 37000 đến 68000 postdoc, và họ phải cạnh tranh tìm việc làm.

Tuy chẳng ai biết Mĩ hiện đang có bao nhiêu postdoc cho tất cả các bộ môn khoa học, nhưng con số ước tính có thể lên đến 90000, và phân nửa số này là người nước ngoài (2). Theo một chuyên gia kinh tế, trong thời gian 2005-2009, các đại học Mĩ chỉ có 16,000 vị trí giáo sư còn trống. Do đó, mỗi khi một vị trí giáo sư được quảng cáo, có hàng trăm đơn xin việc từ các postdoc. Tình trạng này không chỉ ở Mĩ mà còn ở Canada. Chỉ tính năm 2007, các đại học Canada sản xuất ra 4800 tiến sĩ, nhưng cả nước chỉ có 2616 vị trí cho chức danh giáo sư (3).
Dù may mắn có được vị trí giáo sư (Assistant Professor) rồi, postdoc vẫn phải cạnh tranh để xin tài trợ làm nghiên cứu. Ở các nước như Mĩ, Canada, và Úc, một giáo sư trẻ mà không tìm được tài trợ (grant) thì coi chừng bị mất việc. Một thống kê bên Mĩ cho thấy tuổi trung bình xin được grant R01 (loại grant dành cho nhà khoa học độc lập) là 42 tuổi! Còn nếu học MD-PhD thì con số này là 44 tuổi! Đầu thập niên 1990, tuổi trung bình xin được R01 chỉ 39 tuổi. Nói cách khác, nhà khoa học càng ngày càng lão hoá.

Những con số trên đây cho thấy một bức tranh ảm đạm về sự nghiệp khoa học ở Mĩ. Trớ trêu thay, Mĩ vẫn là nơi thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới, và tình hình cạnh tranh càng ngày càng ác liệt. Mà, trong thực tế, chẳng phải Mĩ, các nước khác ở Âu châu, Úc, Canada cũng có tình trạng như thế. Nhiều người bắt đầu lên tiếng phải làm gì với các postdoc, chẳng lẽ để họ vất vưởng sau bao nhiêu năm đào tạo? Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là "tiền đâu" mà mướn họ, trong khi ngân sách dành cho khoa học càng ngày càng eo hẹp.

Ở VN ta và các nước phát triển thì tình hình ngược lại. Việt Nam đang thiếu tiến sĩ thật trầm trọng. Trong số hơn 60,000 giảng viên đại học hiện nay, chỉ có khoảng 15% là có bằng tiến sĩ. Nhà nước định nâng con số này lên 25% trong vòng 5-10 năm nữa, và đó là một mục tiêu khó đạt.

Do đó, tôi nghĩ tại sao mình không nhân dịp này mà thu hút postdoc từ nước ngoài. Họ là những người được đào tạo bài bản, hay nói theo tiếng Việt là "xịn" (chứ không phải dỏm), và là một nguồn nhân lực rất tốt. Thế thì câu hỏi là VN có thể thu hút postdoc từ nước ngoài không? Thật ra, đã có trường như ĐH Tôn Đức Thắng đang ráo riết tuyển postdoc từ nước ngoài, nhưng chưa biết lương họ trả là bao nhiêu vì chỉ thấy để "negotiable" (4).

Tôi nghĩ câu hỏi đúng ra phải là: VN có tiền mướn postdoc hay không. Một postdoc hiện nay lương trung bình khoảng 60,000 đến 70,000 USD một năm. Nếu họ chấp nhận đến VN làm việc, thì đồng lương vẫn phải từ 30,000 USD trở lên (tức 2500 USD/tháng). Số tiền này tính ra Đồng thì chẳng phải là nhỏ, nhưng tôi nghĩ VN có thể trả được. Ở Thái Lan, tôi biết họ trả lương cho postdoc trong nước là khoảng 3000 USD/tháng, còn postdoc nước ngoài là 4000 USD/tháng. VN mình còn nghèo, trả 2500 USD là ok, là quá "đẹp" rồi. Tôi nghĩ một cách khác mình có thể làm trội hơn Thái Lan là đặt chế độ miễn thuế thu nhập cho postdoc từ nước ngoài đến VN, và hỗ trợ nơi ăn ở cho họ. Với chính sách như thế tôi nghĩ có thể giúp VN nhanh chóng "catch-up" các nước trong vùng.

=====

(4) Email: Ton Duc Thang University is inviting applications for a number of full-time research positions based at the Ho Chi Minh City campus. Applicants should have a PhD degree and a good track record of peer-reviewed publications. The University is also looking for candidates with innovative research programs that can contribute to the internationalization of the University. 

While applicants from any research field are welcome, the University gives priority to the following research fields: Information technology, data science and system engineering, electronics and electrical engineering, biotechnology, economics, nuclear physics, mechanics, mathematics, statistics, civil engineering, environmental sciences, healthcare supporting technologies, bones and muscle, pharmacy, law, art and humanity, and social sciences.
Kindly circulate this information among your colleagues that might be interested.

Thank you very much.

Yours sincerely,

Nguyen Thi Mai Huong, MSc
Department for Management of Science and Technology Development
Address: Nguyen Huu Tho St., Tan Phong Ward, Dist. 7, HCM City, Vietnam
Website: www.tdt.edu.vn/
E-mail: nguyenthimaihuong1@tdt.edu.vn;

0 nhận xét:

Đăng nhận xét