Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Trần Đức Thảo viết về người Hà Nội mới


Vài lời mở: Hồi xưa, khi chưa đi thăm Hà Nội, tôi chỉ biết Hà Nội qua … sách. Nhất là sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (như Thạch Lam), những tác phẩm của Nguyễn Tuân, và vài tác giả khác. Đọc và cứ tưởng tượng đó là một thành phố êm đềm, dễ thương, với những con người văn minh, ăn nói nhỏ nhẹ, "dáng kiều thơm". Ôi, nghe qua đã thích. Nghe Thái Thanh ca và những những văn nghệ sĩ tài ba từ miền Bắc như Phạm Duy, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, v.v. tôi càng tin đó là cái nôi văn hoá. 



Cho đến năm 1977 hay 1978 (tôi không nhớ rõ) lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi mới hỡi ôi. Hà Nội lúc đó tiêu điều, phụ nữ con gái toàn mặc áo trắng kiểu Tàu và cái quần đen cũn cỡn, ai cũng giông giống nhau vì cái phong cách nhà quê Tàu, đàn ông thì toàn đội nón cối dù họ không phải dân nhà binh, đường phố chỉ xe đạp là chính (nhưng nói cho ngay lúc đó đường xá còn tương đối sạch). Nói chung, tôi chẳng có ấn tượng gì đẹp về Hà Nội. Từ đó, tôi vỡ mộng về Hà Nội, và thầm trách mấy ông văn sĩ toàn viết bậy. Nhưng có lẽ họ không viết bậy, vì cái mà tôi thấy là Hà Nội đã qua 20 năm vùi dập dưới chế độ mới. Hà Nội xưa của Thạch Lam chỉ còn trong kí ức.

Xin trích tiếp một số đoạn trong "Những lời trăn trối" của GS Trần Đức Thảo viết về người "Hà Nội mới" và con người mới XHCN. Đọc qua những đoạn này tôi mới biết hoá ra hiện tượng "cơm chửi cháo mắng" ở Hà Nội đã có từ lâu chứ không phải mới đây. Đọc qua đoạn này, nếu Hồ chủ tịch có sống lại chắc ông cũng ngậm ngùi cho công trình "trồng người" XHCN mà ông từng nói đến trước đây.

=========

Con người Hà Nội cũng lột xác

Cùng với Hà Nội không còn nữa, con người thanh lịch, đài các của Hà Nội xưa cũng dần dần biến chất một cách tệ hại. Người lịch sự, đài các trở thành một mẫu loài quí hiếm, đi dần tới tuyệt chủng. Người tứ xứ nay tiến về làm chủ Hà Nội. Có những khu trước đây là của công chức cao cấp chế độ thực dân, phong kiến cũ, nay dân ngụ cư lúc nhúc ở đó đều toàn là dân "Hà Nội mới", nói giọng đặc sệt các địa phương xa xôi, không mang chính giọng và chính tả (từ cách viết đến phát âm).

Đến nỗi ở đó đã hình thành lần đầu tiên hàng loạt các hội ái hữu của các nhóm dân gốc ở tận đâu đâu! Ngay khi nói đến nét thanh lịch của người Hà Nội, thì người ta liên tưởng tới những đường phố có vỉa hè ngăn nắp, sạch sẽ, với những thiếu nữ, thiếu phụ mặc áo dài kiểu mới, kiểu "Lơ-muya", nói năng nhẹ nhàng, đi đứng thướt tha.

Còn khi nói tới Hà Nội mới thì người ta liên tưởng tới cái thời thời Hà Nội nhem nhuốc, với đường phố lúc nhúc, chen lấn, lộn xộn, nói năng ầm ĩ, lỗ mãng y như trong giữa một phiên chợ, có khi là những lời lẽ cục cằn, tục tĩu. Tại sao lại xuống cấp như thế? Tại vì qui luật sinh vật luôn luôn mang ảnh hưởng, dấu ấn của môi trường.

Con người mới XHCN

Trong thực tại, con người mới XHCN, sản phẩm của chế độ mới, là con người mưu mẹo, khéo xoay xở, biết chui lách qua qui định và luật pháp, ngoài mặt thì có vẻ nể nang chế độ, nhưng trong đầu thì chẳng sợ cái gì, chẳng sợ ai, chỉ tin vào tài tháo vát, nghĩa là chẳng nể phục một ai. Đấy có thể là con người bất mãn, mà không dám phản kháng, trăn trở mà không dám nói ra, cứ ấm ức, dồn nén đến mức phải văng một câu tục cho nó hả! Phản ảnh cái sự ấm ức không nể phục ấy là những hành động bất tuân luật lệ vụn vặt, nói năng thô lỗ, chửi chó, mắng mèo, "ba que, xỏ lá", đểu cáng. Có những bà, những cô bán hàng vừa bán vừa như xua đuổi khách:

- Chỉ có vậy thôi, mua thì mua, không mua thì cút! 
- Ông cút thì ông "đ …" mua
- Mày về mà "đ …" mẹ mầy ấy! 
- …

Trong Hà Nội mới XHCN này lần đầu tiên xuất hiện cảnh vừa bán, vừa mắng chửi, mà vẫn có người mua! Hiện tượng ấy, Thảo [Trần Đức Thảo] cho đó là một biểu hiện thô bạo, phản ánh sự bực bội của xã hội. Chứ nếu cuộc sống êm thắm, vui vẻ, bình thường thì đâu có ai lại chửi đổng bâng quơ như thế.

Hà Nội mới nay là nơi không còn chú ý đến thanh lịch, nói chi tới đức hạnh. Lịch sự, lễ phép là điều xa xỉ, lạc hậu. Một cử chỉ kính trên, nhường dưới bị coi là đã lỗi thời. Không còn ai dám nói đến nhân phẩm, đạo đức nữa. Cứ như thế, cả một nền "văn hoá đểu giả" phát triển; với thời gian đã tạo ra một xã hội tàn nhẫn đến mức thô bạo. Vậy mà chưa một ngòi bút tả thực của nhà văn nào dám đụng tới. Họ biết đụng đến đó là đụng đến chế độ. Vì ai cũng dư biết trách nhiệm đối với tình trạng thô bạo ấy là của chế độ.

[…]

Người Hà Nội mới chê lối sống cũ là truỵ lạc, cổ hủ. Còn dân Hà Nội cũ chê dân mới là "cả quỷnh", có nghĩa là vừa quê mùa, vừa rừng rú. Có lần công an đã tới hỏi cả giấy giá thú khi thấy cặp tình nhân, khoác vai nhau, ngồi ngắm trăng bên bờ hồ! Vì công an coi ngồi tình tứ với nhau như thế là "truỵ lạc"!
Trong tâm tư người Hà Nội cũ, nay chỉ còn một nỗi niềm cay đắng, tiếc nhớ âm thầm! Nhớ những tà áo dài thon thả bay lượn bên bờ hồ thanh vắng, trong gió chiều thơ mộng … Họ chỉ biết nhớ thương, nhớ tiếc cái Hà Nội lãng mạn xa xưa ấy, qua những âm điệu du dương, thầm hát trong đầu của những nhạc điệu tiền chiến! "Tiền chiến" là dư âm, là vang bóng một thời của Hà Nội nên thơ, Hà Nội đẹp, Hà Nội thanh lịch nay đã mất, đã chết!

Người Hà Nội mới hôm nay lúc nào cũng gồng mình lên để tỏ ra vẻ kiêu binh, tiên tiến của những anh hùng chiến thắng, lúc nào cũng sẵn sàng để hoan hô! Hoan hô Hà Nội cách mạng! Hoan hô Hà Nội anh hùng! Dân Hà Nội cũ cũng phải hoan hô theo, nhưng trong lòng thì u buồn, lo lắng vô cùng. Lo lắng vì trật tự mới không đúng như lời nói, lời hứa: lý luận cái gì cũng rất lý tưởng, nhưng trong việc làm thục tế thì cái gì cũng hỗn loạn, cũng tham lam, gian dối, tranh giành, ti tiện. Các khẩu hiệu vang dội từ loa, từ những chữ đỏ trên băng rôn chỉ là những trống rỗng khổng lồ. Trật tự mới kiểm soát mọi tứ, cấm cản đủ điều, nhưng cứ đút loát thì cái gì cũng thoát, cũng qua! Luật lệ cách mạng rất nghiêm minh, rất khó sống, nhưng nhờ đồng tiền khôn, biết chui, biết luồn, nên luật lệ nghiêm minh ấy cũng rất dễ qua mặt.

[…]

Sự thật là trong cái thủ đô cách mạng "tiên tiến", "anh hùng", đang sục sôi một sự tranh giành, lấn chiếm, tranh thủ, tước đạt một khoảng không gian sống, một vị trí cho riêng mình, cho gia đình mình. Hà Nội sôi sục một làn sóng vận động ngấm ngầm, rất tích cực để giành một chức vụ trong guồng máy hành chính đang được phát triển ngày càng phình ra để kiểm soát toàn xã hội và nhất là để thoả mãn những gửi gấm của các đồng chí "bên trên". Ai cũng nghĩ trong đầu: hoà bình rồi, nay là thời cơ để tranh thủ một chút địa vị, một chút của cải cho riêng mình! Chẳng lẽ chiến đấu gian khổ trong bao nhiêu năm, mà nay chiến thắng trở về tay trắng lại hoàn trắng tay? Tranh đấu để có một cái gì chứm chẳng lẽ tranh đấu để rồi không được một cái gì sao? […] Họ không phải là thứ cán bộ biến chất, họ chỉ là những con người đang bộc bạch những nhu cầu tự nhiên, bộc lộ ra cái bản chất chân thật của mình: vì ai cũng mong tìm cái no, cái ấm mà thôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét