Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Những khó khăn trong việc thu hút chuyên gia nước ngoài

Hôm trước, báo Thanh Niên (phiên bản tiếng Anh) hỏi tôi nghĩ gì về dự án thu hút các chuyên gia nước ngoài và kiều bào về VN làm việc. Phóng viên kèm theo một câu là cứ nói thật, đừng ngại. Dĩ nhiên là tôi nói thật suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ đó là một chính sách hay, nhưng thấy một số khó khăn trước mắt. 


Việc thu hút các chuyên gia và kiều bào từ nước ngoài về VN không phải là mới. Tôi nhớ từ thập niên 1990, đã có chương trình TOKIEN (?) nhằm thu hút kiều bào về VN đóng góp, nhưng không thành công. Sau đó, có vài chương trình khác cũng có cùng mục đích như thập niên 1990 nhưng cũng không thành công. Sau hơn nữa là Nghị Quyết 36 gì đó của Bộ Chính trị, nhưng rồi cũng chìm vào quên lãng. Nay thì có thêm một chương trình mới, mà quả thật đọc qua thì thấy có vài điểm mới và tích cực hơn các chương trình cũ. Nhưng kết quả ra sao thì tôi nghĩ còn chịu sự thử thách của thời gian. Trước mắt có thể thấy vài khó khăn:

Thứ nhất là khó tìm được chuyên gia hàng đầu. Các chuyên gia hàng đầu, tức là những người có lab nghiên cứu riêng, có danh tiếng trong trường khoa học quốc tế và đang ổn định, là những đối tượng được mời gọi từ nhiều nơi trên thế giới. Những người này thường được gọi tắt là PI. Việt Nam chưa đủ cái "prestige" để thu hút họ (ngoại trừ kiều bào có lòng yêu nước thì khác). Ví dụ như giữa Việt Nam và Singapore, Singapore có prestige cao hơn VN nên người ta sẽ chọn Singapore thay vì VN.

Thứ hai là vấn đề xây dựng lab, cơ sở vật chất. Thu hút chuyên gia nước ngoài về VN có hai hình thức. Hình thức thứ nhất là họ dọn toàn bộ lab và nhân sự sang VN. Hình thức thứ hai là chỉ có người đứng đầu lab sang VN. Đối với hình thức thứ nhất, rất khó xảy ra vì những người trong lab có thể không muốn rời nước họ để sống ở VN. Với hình thức thứ hai, nhà khoa học phải xây dựng lab từ con số 0, và điều này đòi hỏi đầu tư của trường đại học. Có bao nhiêu đại học sẵn sàng đầu tư như thế thì chúng ta không biết được.

Thứ ba là vấn đề lương bổng. Một PI có uy tín trên thế giới và mang hàm giáo sư thường hưởng lương (chưa tính trợ cấp) khoảng 150 đến 200 ngàn USD một năm. Nhưng hiện nay VN khó có thể trả mức lương đó cho họ. Mặt khác, rất hiếm thấy ai đang có mức lương 200 ngàn USD chịu dời lab sang một nước không có danh tiếng về khoa học và sẵn sàng nhận mức lương [ví dụ như] 100 ngàn USD/năm. Ngay cả kiều bào có lòng yêu nước họ vẫn phải đối đầu với thực tế (lo cho gia đình, con cái, nhà cửa, v.v.) và khó có lòng yêu nước nào có thể thúc đẩy họ chấp nhận mức lương bằng phân nửa mức lương hiện tại.

Thứ tư là môi trường làm việc và văn hoá. Nhiều người học ở nước ngoài và về VN đã nói đến môi trường làm việc ở VN chưa được chuyên nghiệp, tính đố kị và ganh tị là những khó khăn họ phải đương đầu. Kế đến là những thói quen, lề lối, tư duy tàn dư thời bao cấp còn tồn tại làm khó biết bao nhiêu người chân chính, làm họ phải tìm đường bỏ nước ra đi lần nữa. Ngay cả nghiên cứu sinh về nước một thời gian rốt cuộc cũng tìm đường ra đi. Trong môi trường như thế, tôi không biết các chuyên gia nước ngoài có thể "sống sót" được bao lâu. Hi vọng rằng tình hình đã tốt hơn.

Nói tóm lại, chính sách thu hút kiều bào và chuyên gia nước ngoài về làm việc ở VN là hoàn toàn hợp lí. Thật ra, chính sách này đáng lí ra nên được áp dụng mấy mươi năm trước. China, và trước đó là Hàn Quốc và Đài Loan đã từng có chính sách thu hút kiều bào của họ và các chuyên gia nước ngoài. Nhưng cái khác biệt chính giữa VN và các nước vừa kể là thể chế của họ có phần cởi mở hơn VN và kinh tế của họ cũng giàu hơn VN. Có lẽ cuối cùng nên giao về cho đại học tự lo, chứ chẳng cần nghị quyết hay dự án gì to tát cả. Đại học họ tự thương lượng với các nhà khoa học đối tác và đi đến đồng thuận là chắc ăn nhất, và Bộ chỉ cần tạo cái khung pháp lí chung mà thôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét