Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Chocolate và giải Nobel


Tôi mới đọc một bài báo hứa hẹn giải thích tại sao Nhật có nhiều giải Nobel, nhưng 3 lí do nêu ra (tác phong học thuật nghiêm túc, văn hoá tôn sư trọng đạo, và công chúng tôn trọng khoa học) tôi thấy cũng thú vị, nhưng chắc không có ý nghĩa trong thực tế. Trong thực tế, người đoạt giải Nobel thường là outlier, họ kiên trì theo đuổi ý tưởng chứ không chạy theo chủ đề thời sự. Ngoài ra, trường đại học mà họ xuất thân và network trong chuyên môn, và nhất là … may mắn, cũng là những yếu tố quan trọng. Nhưng thực tế nhất là … chocolate.


Một bài báo trên tập san lừng danh New England Journal of Medicine (2012) cho rằng nước nào tiêu thụ chocolate (tính trên đầu người) nhiều thì nước đó có nhiều giải Nobel! Thoạt đầu đọc qua tựa đề bài báo tôi tưởng rằng các tác giả này đùa giỡn cho vui. Nhưng không, họ hoàn toàn nghiêm chỉnh. Họ bắt đầu từ giả thuyết rằng người đoạt giải Nobel phải có cái mà họ gọi là "cognitive ability" tốt (nôm nà là "thông minh"). Thông minh có liên quan đến các chất flavanols (như chocolate, trà, rượu đỏ). Giả thuyết này không đến nổi tệ.

Họ kiểm định giả thuyết đó bằng cách tính hệ số tương quan giữa số giải Nobel (tính trên 1 triệu dân) và lượng chocolate tiêu thụ (tính bằng kg/năm/người). Đơn vị phân tích là quốc gia. Họ trình bày kết quả chính qua biểu đồ dưới đây (1). Nước có ít giải Nobel nhất là Tàu cũng là nước ít ăn chocolate nhất; ngược lại, nước có nhiều giải nhất (tính trên đầu người) là Thuỵ Sĩ, thủ đô của chocolate trên thế giới. Các tác giả kết luận rằng lượng tiêu thụ chocolate là yếu tố có liên quan đến số giải Nobel.



Xin nhắc lại đây là một phân tích được công bố trên New England Journal of Medicine (NEJM), chứ không phải tập san dỏm. Trong giới y khoa, NEJM được ví von như là kinh thánh (bible). Đây là một bài báo mà tôi từng nói là lạ lùng nhất và hài hước nhất trên NEJM. Tôi chưa thấy một tập san nào có uy tín cao mà công bố một phân tích trẻ con đến như thế (2)! Tuy nhiên, cứ theo như kết quả này thì VN chỉ cần ăn uống nhiều chocolate nữa để có giải Nobel.

====


(2) Những ai từng học những lớp về nghiên cứu khoa học chắc đều biết tôi có đem cái biểu đồ này ra làm ví dụ về sự khác biệt giữa causation (liên hệ nhân quả) và correlation (tương quan thống kê). Cái fallacy căn bản của "nghiên cứu" (nếu có thể dùng chữ đó) là đơn vị phân tích là quốc gia, nhưng giải Nobel thì cấp cho cá nhân. Còn cái hệ số tương quan thì chỉ là một exercise thống kê, chứ chưa đủ vì chưa xem xét đến các yếu tố nhiễu (confounders).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét