Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Danh tiếng có ảnh hưởng đến citation!

Trong khoa học, tần số trích dẫn (citation) những công trình nghiên cứu là một chỉ số khá quan trọng vì qua đó mà có cơ may xin tài trợ và thăng tiến trong sự nghiệp khoa bảng. Hôm nọ, tôi chia vui với một anh bạn giáo sư toán bên Pháp có 1000 citations, một thành tích mà tiếng Anh gọi là "significant achievement". Tôi tự hỏi: sự danh tiếng (reputation) có ảnh hưởng đến citation hay không?


Tôi tìm trong Pubmed thì thấy có vài nghiên cứu trả lời câu hỏi này, ví dụ như nghiên cứu (1), và đã được University World News nhắc đến (2). Trong phân tích công bố trên PNAS (1) các nhà nghiên cứu phân tích citation của 450 nhà khoa học có trích dẫn cao, gần 84 ngàn bài báo, và 7.6 triệu citation. Họ đi đến kết luận rằng danh tiếng của tác giả là yếu tố chính có ảnh hưởng lớn đến tần số trích dẫn.

Nhưng "danh tiếng" của tác giả là cái gì? Các tác giả này cho rằng danh tiếng của tác giả là vị trí của tác giả trong cộng đồng khoa học, và vị trí này được xác định bởi số lượng và chất lượng nghiên cứu. Nói cách khác, người nào công bố càng nhiều VÀ có nhiều trích dẫn thì người đó có thể xem là "danh tiếng" (reputation).

Qua quan sát cá nhân, tôi nghĩ nhận xét này đúng, nhưng tôi muốn thêm là người mentor (người hướng dẫn) cũng quan trọng. Có cơ hội làm việc với mentor thuộc hạng đẳng cấp thế giới cũng là một lợi thế. Công bố chung với mentor như thế là một cơ hội để quảng bá tên tuổi, cũng giống như ca sĩ chưa nổi tiếng phải ra CD chung với Mr Đàm hay Mỹ Tâm hay Thanh Lam (hay ai đó có tiếng) để sau này được "thơm lây" trước khi ra CD riêng (độc lập).

Như vậy, chúng ta có thể tiên đoán số lần trích dẫn dựa vào thành tích của tác giả. Thật vậy, một phân tích khác trong ngành khoa học môi trường (3) cho thấy các yếu tố có ảnh hưởng đến citation là hệ số tác động của tập san (impact factor - IF), chỉ số H của tác giả, tổng số citation của tác giả. Trong các yếu tố đó, IF là quan trọng nhất. Công bố trên tập san có IF càng cao thì tần số trích dẫn cũng càng cao. Dĩ nhiên là qui luật này cũng có ngoại lệ, nhưng ngoại lệ không ảnh hưởng gì đến qui luật chung: IF càng cao, trích dẫn càng nhiều.
Cũng giống như người đã giàu thì dễ làm giàu thêm, vì họ có uy tín, và với uy tín, họ vay tiền dễ hơn người nghèo. Tương tự, người đã có danh tiếng sau khi đã công bố nhiều và có nhiều citation, thì trong tương lai dễ công bố bài báo hơn, và khi công bố thì được nhiều trích dẫn. Do đó, có thể nói rằng câu "the winner takes it all" là rất đúng. Dựa vào qui luật này, tôi có thể tiên đoán rằng anh bạn tôi sẽ "giàu" hơn nữa trong tương lai, và tốc độ giàu của anh ấy có thể là đường cong hàm số mũ chứ không phải đường thẳng.

Bài học ở đây là các bạn đang trên đường gập ghềnh lập nghiệp khoa học là phải cố gắng tìm nơi làm việc (affiliation) tốt để "đầu quân", sau đó cố gắng công bố trên tập san có IF càng cao càng tốt, và sau khi đã có "danh gì với núi sông" (Nguyễn Công Trứ) thì các bạn sẽ trên đường hưởng lợi từ citation.

====




(4) Ghi thêm: Đại học tôi đang làm đang có chương trình mời các visiting scholar đến làm việc một thời gian. Bạn nào nghiên cứu về bioinformatics, genetics, bone diseases, và phải có "track record" ngon lành có thể liên lạc tôi để biết thêm chi tiết. Các bạn có thể sẽ làm việc với tôi.

(5) Một bạn đọc chỉ ra một công thức ước tính chỉ số H rất đơn giản: H = 0.54*sqrt(N), N là tổng số citations của tác giả. Công thức này từ bài báo:  http://www.ams.org/notices/201409/rnoti-p1040.pdf

Trước đây cũng có một công thức tiên đoán chỉ số H công bố trên Nature:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét