Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Năng suất khoa học của giáo sư Hàn Quốc

Trong các cường quốc khoa học mới nổi lên, tôi nghĩ phải kể đến Hàn Quốc (HQ). Ngày xưa chúng tôi gọi là “Đại Hàn” (giống như Việt Nam mình từng là “Đại Việt”). Hôm nọ, tôi đếm thử số bài báo khoa học của Đại học Quốc gia Seoul (SNU, đại học số 1 của HQ) thì thấy đã hơn số bài báo của Đại học New South Wales (UNSW). Đáng phục! Tuy nhiên, về chất lượng khoa học thì SNU vẫn còn kém nhiều so với các đại học phương Tây. 


Hôm nay đọc một phân tích về năng suất khoa học của các giáo sư thuộc Trường Sinh học (School of Biological Sciences - SBS) của SNU thấy có nhiều số liệu thú vị. Trường này có 3 bộ môn chính là sinh học, sinh học phân tử, và vi sinh học. Trường có 39 giáo sư và giảng viên (gọi chung là faculties), vấn đề đặt ra là năng suất của những faculties này ra sao. Để trả lời câu hỏi đó, họ phân tích số bài báo và trích dẫn trong thời gian 2004 đến 2009. Sau đây là vài kết quả chính: 

• Tổng số bài báo trong thời gian 2004-2009 là 640 bài. Trong số này, 541 bài (85%) là công bố trên các tập san quốc tế; phần còn lại là nội địa nhưng có bình duyệt (peer review). Tính trung bình, mỗi giáo sư/giảng viên công bố 16 bài trong thời gian 5 năm. 

• Những công trình nghiên cứu của họ phần lớn tập trung vào sinh học phân tử. Thật vậy, trong số 640 bài, có đến 45% thuộc lĩnh vực sinh học phân tử. Phần còn lại là tế bào học (23%), vi sinh (16%), công nghệ sinh học (6%), và di truyền học (5%).

• Phần lớn (trên 75%) những bài báo được công bố trên các tập san có IF < 4, tức dưới trung bình. Nhưng cũng có những bài được công bố trên các tập san danh tiếng như 9 bài trên Cell (IF 32.4), 14 bài trên PNAS (IF 9.77), và 41 bài trên JBC (IF 5.3). Một số ít được công bố trên các tập san danh giá khác như Nature Medicine, Nature, Science, EMBO, v.v. 

• Khoảng 26% bài báo khoa học là có hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Những nước họ hợp tác nhiều nhất là Mĩ (chiếm 67% các bài báo có hợp tác), Nhật (15%), Đức (8%), Canada (8%), và Anh (5%).

• Về chất lượng có thể đánh giá qua chỉ số trích dẫn. Trong số 614 bài, có 521 bài (tức 81%) được trích dẫn. Tổng số lần trích dẫn là 9204. Tính trung bình, mỗi bài được trích dẫn 14.4 lần. Những bài có hợp tác quốc tế là được trích dẫn nhiều nhất so với những bài của tác giả thuần nội địa. 

• Qua những phân tích trên, chúng ta thấy được những ngôi sao sinh học của SNU. Đó là VN Kim, SH Baek, J Chun, JB Kim. Những người này có công trình được trích dẫn trên 100 lần. Đặc biệt là VN Kim, chỉ 28 bài báo mà có đến 2376 trích dẫn! Người có năng suất cao nhất là J Chun, một mình ông này công bố 62 bài, trung bình >10 bài một năm! Các bạn nghiên cứu sinh cần chú ý đến những sao này để đầu quân! 

Tìm hiểu thêm thì thấy VN Kim là nữ, dân học Oxford về, với H index là 36. Nữ mà giỏi thế!http://www.narrykim.org/en/principal_investigator

Những con số trên đây cho thấy ngành sinh học của SNU đã có một bước tiến ngoạn mục. Họ có những hướng nghiên cứu chuyên sâu và bắt kịp phương Tây. Năng suất khoa học của họ không hề kém, nếu không muốn nói là có phần trội hơn, bên Úc. Họ cũng có những ngôi sao rất đáng nể phục, và đã có nội lực chẳng thua kém bất cứ đại học nào trên thế giới. 

Ở VN chúng ta, năng suất khoa học trong ngành sinh học còn rất thấp. Thống kê ISI cho thấy trong 10 năm 1995-2005, tổng số bài báo về sinh học chỉ xấp xỉ 600 bài. Gần 90% những bài này là do cộng tác với nước ngoài, và tác giả nước ngoài là chủ đề tài. Nói cách khác, số bài báo sinh học 10 năm của VN chưa bằng số bài báo trong 5 năm của một đại học như SNU. Nhưng quan trọng hơn là nội lực về nghiên cứu sinh học của VN còn quá thấp. Anh bạn tôi ở Sài Gòn nói bây giờ rất khó thu hút sinh viên theo học biology, anh ấy còn dùng chữ “sắp tuyệt chủng”. So sánh thêm chỉ thêm buồn, nhưng con số đó buộc chúng ta phải hỏi nên ưu tiên đầu tư cho ngành khoa học nào? Nếu cứ mãi mê chạy theo tính toán thì sẽ có ngày VN hối hận và lúc đó thì đã quá muộn.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét