Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Ghi cuối năm Giáp Ngọ (2/2015)


Tôi vừa có một chuyến công tác đúng 1 tuần ở bên VN, và hôm nay mới về đến nhà, nên còn "jet lag" và chông chênh lắm. Cũng như bao lần trước, tôi bận túi bụi từ lúc đến cho đến thời điểm lên máy bay, và vì thế rất ít có thì giờ đọc báo và viết lách gì. Hôm nay, tĩnh tâm lại và ghi chép vài dòng để gọi là "chia sẻ" cùng các bạn, cũng là lời giải thích tại sao tôi vắng bóng trên blog trong thời gian qua.


Những ngày cuối năm – giáp Tết ở VN rất nhộn nhịp. Các công sở Nhà nước, các công ti, các đại học, v.v. đều có tổng kết cuối năm. Năm nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức một buổi họp cuối năm đầy ý nghĩa, và tôi có dịp tham dự với vai trò giáo sư thỉnh giảng và trưởng nhóm nghiên cứu. Trường có 3 lí do để ăn mừng: (1) được Tổ chức kiểm định và xếp hạng đại học QS công nhận là đại học 3 sao; (2) được Cục Sáng chế của Mĩ (USPTO) cấp 2 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ y tế; và (3) quan trọng hơn là được Thủ tướng Chính phủ trao quyền tự chủ. Do đó, Trường tổ chức một buổi lễ, mà tôi đoán là vừa là một tổng kết cuối năm, nhưng cũng có thể xem là một chương trình … PR.

Gắn sao cho đại học

Nhiều người hỏi tôi việc gắn sao có ý nghĩa gì, và khác nhau như thế nào với xếp hạng. Xin nói ngay rằng gắn sao không phải là xếp hạng đại học. Gắn sao là một cách kiểm tra chất lượng giáo dục, một hình thức rating, so sánh thực tế với một bộ tiêu chuẩn do QS đề ra. Còn rankinghay xếp hạng là so sánh giữa đại học này với đại học khác. Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng như tất cả các đại học VN, chưa tham gia xếp hạng vì tự biết chưa đủ điều kiện.

Về gắn sao hay rating, họ dựa trên khoảng 50 tiêu chuẩn, và có thể tóm tắt trong 4 nhóm tiêu chí như nghiên cứu khoa học, giảng dạy, cơ sở vật chất, dịch vụ dành cho sinh viên, v.v. Họ (QS) phải kiểm tra số liệu cụ thể, có khi họ làm survey sinh viên để xác định chứ không nghe báo cáo của Trường. Rất nhiều trường đại học trên thế giới tham gia chương trình này. Nói chung các đại học nổi tiếng ở các nước tiên tiến thường là đại học 4-5 sao (5 sao là tối đa). Ví dụ như ĐH Quốc Gia Úc, Monash, UNSW, Cornell, Harvard, v.v. đều là đại học 5 sao. Các đại học Á châu thường là 3 sao, nhưng cũng có đại học nổi tiếng ở Á châu có 5 sao.

Ở Việt Nam, Đại học FPT tham gia chương trình rating trước hết và được công nhận 3 sao. Trường ĐH Tôn Đức Thắng lần này cũng được công nhận 3 sao, tương đương với ĐH FPT của Việt Nam, và vài đại học ở Thái Lan và Mã Lai. Tôi nghĩ việc gắn sao là một dịp để Trường biết mình đang ở đâu về chất lượng, cũng có ý nghĩa quan trọng. Nhất là biết mình đang còn thiếu cái gì, yếu cái nào là rất cần thiết để phát triển trong tương lai.

Bằng sáng chế

Bằng sáng chế là một thể hiện khả năng chuyển giao công nghệ và sáng tạo. Trước đây, tôi từng viết rằng VN cần phải chú ý đến việc đăng kí bằng sáng chế với các tổ chức quốc tế (đặc biệt là USPTO), nhưng phải một thời gian mới có người lắng nghe.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng là cơ quan Nhà nước đầu tiên của VN được Cục USPTO Mĩ cấp bằng sáng chế. Trên thế giới, có vài nơi cấp bằng sáng chế, nhưng bằng sáng chế do USPTO cấp được xem là danh giá nhất, uy tín nhất (có lẽ giống như được công bố trên tập san khoa học danh giá).

Suốt 50 năm qua, VN chỉ có 9 bằng sáng chế của USPTO, nhưng 7 bằng là của các công ti nước ngoài hay của Việt kiều làm tại VN. Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường đại học đầu tiên của VN được USPTO cấp 2 bằng sáng chế.

Có vài tờ báo dè dặt (hay nghi ngờ) hỏi tôi về sự kiện đó. Tôi chỉ nói sự thật là việc đăng kí bằng sáng chế là một quá trình khá nhiêu khê. Hình như ở VN chưa có (?) luật sư chuyên về bằng sáng chế, nên các nhà khoa học VN chịu nhiều thiệt thòi. Qua sự việc này, tôi có cảm giác là sau những cú "lừa" trước đây, bây giờ báo chí tỏ ra dè dặt khi đối diện với một sự thật, có khi tỏ ra không tin! Tôi rất thông cảm cho giới báo chí, nhưng ở đây bằng sáng chế của Trường tất cả là do người Việt nghiên cứu, thiết kế, và làm thủ tục để được công nhận. Tôi nghĩ phải nói đó là một thành tựu đáng khuyến khích.

Tôi có nói với báo chí rằng thành tựu của Trường có thể nhân rộng ra cho các trường khác. Nếu ĐH Tôn Đức Thắng làm được thì tôi nghĩ các trường khác cũng làm được. Do đó, nên nghĩ tích cực hơn thay vì xem đó là một cạnh tranh hay gì gì đó.

Diện kiến vài VIP

Như tôi nói trên, nhân dịp được gắn sao và cấp bằng sáng chế, nên Trường tổ chức buổi meeting cuối năm. Đến dự cho rất nhiều quan khách là quan chức cao cấp của Tổng liên đoàn lao động, đại diện một số bộ, và các quan chức thuộc liên đoàn lao động từ các tỉnh. Ngoài ra, còn có khách mời từ các đại học đối tác bên Đài Loan, kể cả 2 đại học quốc gia Đài Loan mà tôi quên tên.

Tiếp khách nước ngoài ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng  


Tôi đóng vai trò đại diện bất đắc dĩ cho Trường để tiếp khách. Vì buổi sáng, anh hiệu trưởng và ban giám hiệu rất bận tiếp các quan chức cao cấp và trả lời báo chí, nên họ nhờ tôi đứng ra đại diện tiếp khách nước ngoài. Dĩ nhiên, với khả năng ngoại giao và tiếng Anh, tôi nhận lời ngay. Một khổ tâm của tôi trong vai trò này là phải bắt tay cả 20 người. Bắt tay một vài người thì dễ, nhưng nhiều người quá cũng … mệt, vì còn phải nói một câu chào mừng. Chẳng lẽ chỉ lặp lại 1 câu thì chán quá, nên tôi phải suy nghĩ nói khác. Tôi nhìn khách rồi nhẫm tính độ tuổi và vai vế, rồi nói một câu xã giao. Nhưng chưa hết, còn có phần nói vài câu chào mừng các đồng nghiệp Đài Loan, Đức và Tiệp đến chia vui cùng Trường. Có người sau đó hỏi tôi đã về VN bao lâu rồi, vì họ nghĩ tôi là Việt kiều hồi hương. Nói chung, tôi thấy hài lòng mình đã hoàn tất nhiệm vụ được giao.

Đến khi xuống hội trường dự buổi lễ chính, tôi được sắp xếp ngồi cạnh anh chàng lãnh sự quán Hoa Kì tên là Cameron D. Thomas-Shah. Anh này đến đây để đại diện USPTO trao bằng sáng chế cho Đại học Tôn Đức Thắng, và nói vài câu ngoại giao. Anh ta đang học tiếng Việt, nên cũng "làm" được vài câu thông thường. Anh ta nói rất thích món ăn Việt Nam, nhất là gỏi cuốn và phở. Cái gì anh ta nói là ngoại giao, nhưng nói về thức ăn tôi tin rằng anh ta nói thật lòng.

Với phó lãnh sự Mĩ Cameron Thomas-Shah

Anh chàng này dù có chức danh khá cao, nhưng còn trẻ lắm, chỉ cỡ tuổi 30-35 là cùng. Sau khi trao đổi vài phút, anh ta biết tôi là cựu cư dân Mĩ, nên câu chuyện càng hào hứng hơn. Chúng tôi thậm chí nói đùa bằng ngôn ngữ đặc thù Mĩ, và cười ha hả, làm mọi người chung quanh chẳng hiểu tụi tôi vui cái gì. Anh ta khoe với tôi là trước khi nhận nhiệm vụ ở VN anh đã từng đi qua 20 quốc gia, từng vác ba lô đi bụi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng ăn cơm và ra đồng với nông dân miền Tây. Anh ta nói rằng rất thích món ăn Việt Nam, đặc biệt là gỏi cuốn và phở.

Dù nói chuyện hào hứng, nhưng anh ta rất giữ kẽ, lúc nào cũng tỏ ra rất ngoại giao. Tôi thử test anh ta xem có biết tình trạng vài blogger bị bắt giam, anh ta nói biết, nhưng ngay sau đó anh ta nói "everything will be ok" (mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi). Tôi hỏi anh ta nghĩ gì về tương lai quan hệ Việt – Mĩ, anh ta hào hứng lên và thao thao bất tuyệt cho rằng hai nước đã và sẽ là bạn tốt với nhau. Tôi định ngạo anh ta rằng Việt Nam cũng xem Tàu là "bạn", nhưng nghĩ lại thì không nên nói. (Chứng tỏ tôi cũng tự mình kiểm duyệt!) Anh ta chỉ ra rằng con rể của thủ tướng là công dân Mĩ! Anh ta còn chỉ tôi và nói rằng "đấy, như ông đây cũng là cầu nối tuyệt vời giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài đó". Tôi nghĩ thầm trong bụng "Thằng cha này khôn thật", nói câu gì cũng chẳng làm ai phật lòng.

Sau ngài phó lãnh sự Mĩ phát biểu, tôi được mời nói chuyện với tư cách là giáo sư thỉnh giảng của Trường. Tôi nói bằng tiếng Việt, nhưng bản tiếng Anh thì được gửi cho khách nước ngoài đọc. Tôi nói về sứ mệnh của giáo dục đại học, đặc biệt nhấn mạnh sứ mệnh nghiên cứu khoa học. Tôi cảnh báo rằng khoa học VN đang có nguy cơ bị lệ thuộc nước ngoài vì tỉ lệ "ngoại lực" còn quá cao trong một số ngành khoa học. Tôi kết luận rằng "Một sự thật đơn giản là sự thịnh vượng của một quốc gia phụ thuộc vào nhân tài của quốc gia đó. Tương lai của Việt Nam trong thế kỉ này và mai sau tuỳ thuộc vào mỗi công dân được trang bị kiến thức, kĩ năng, và đạo đức cho một cuộc sống phong phú và trọn vẹn trong một xã hội dân chủ, công bằng, và bác ái. Giáo dục đại học đóng vai trò trung tâm cho lí tưởng đó, qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, và phụng sự xã hội."

Diện kiến Thủ tướng Chính phủ  

Có lẽ một điểm "final" quan trọng là diện kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước buổi lễ trao bằng sáng chế, tôi có đã nghe râm rang rằng ông Thủ tướng có thể ghé thăm, nhưng không ai khẳng định được. Mãi đến sáng mới có tin là ông sẽ đến khoảng 11 giờ, tức đúng lúc buổi lễ sắp kết thúc.

Thế là sau bài nói chuyện của tôi, ban tổ chức dẫn tôi đi lòng vòng để vào phòng họp với Thủ tướng. Vào phòng họp, tôi đã thấy đông nghẹt báo chí, và các quan chức và giáo sư trong Trường. Tìm thấy bảng tên của tôi trên bàn, tôi ngồi vào ghế đã xếp sẵn. Ông Thủ tướng ngồi ghế chủ toạ, bên cạnh ông là Bộ trưởng chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, bên trái là ông Đặng Ngọc Tùng của Tổng liên đoàn Việt Nam. Ông đưa mắt nhìn chung quanh, nhưng không cười. Theo chương trình tiếp kiến, ông hiệu trưởng Lê Vinh Danh báo cáo thành tựu của Trường một cách ngắn gọn, và ông Thủ tướng sẽ "cho ý kiến".

Chụp hình với VIP

Tôi chú ý thấy ông Thủ tướng lắng nghe một cách chăm chú. Tay ông cầm viết ghi xuống giấy những thông tin hay điểm quan trọng. Thỉnh thoảng ông cắt ngang báo cáo của hiệu trưởng để hỏi về những số liệu cụ thể như lương bổng của giảng viên, và ông so sánh với lương bổng của nhân viên quản lí. Ông đòi những thông tin cụ thể, chứ không phải chung chung hay "chém gió". Ông tỏ ra rất nhạy với những thông tin định lượng, nên không thể "qua mặt" hay "nổ" được với ông. Ví dụ như hỏi về liên kết đào tạo, ông hỏi "liên kết" có nghĩa gì, bằng cấp có được nước ngoài công nhận, sinh viên ra trường tìm được việc làm hay không và tỉ lệ là bao nhiêu, v.v. Ông nói rằng không thể kêu gọi người ta yêu nước bằng nước lã và không khí. Nói chung, một cách công bằng, tôi phải nói ông là một người thông tin, nhanh trí, và khá thân thiện.

Buổi gặp diễn ra khoảng 1 giờ, và sau đó, ông kêu mọi người lên chụp hình làm kỉ niệm. Thú thật, tôi không phải típ người thích "photo-op", nhất là chụp hình với VIP, vì tôi không bao giờ cần đến họ để tạo cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Tôi còn đang ngần ngừ, nhưng ông Thủ tướng ngoắt tay ra hiệu lên chụp hình, thì làm sao tôi dám từ chối. Thế là tôi có một bô hình với ngài Thủ tướng. Oách thật!

Retreat

Chuyến về VN lần này, tôi còn có một nhiệm vụ rất quan trọng khác là làm retreatcùng với các anh chị trong Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ở VN, "văn hoá retreat" trong đại học vẫn còn là cái gì quá mới, nhưng ở ngoài này thì là chuyện khá bình thường. Nhiều bạn ngại đó là "kiểm điểm", nhưng tôi trấn an các bạn ấy rằng tôi rất ghét cái văn hoá kiểm điểm, vì tôi thấy cách làm như thế rất ư là man rợ, rừng rú, và thiếu tính nhân văn. Chúng ta phải có cách tiếp cận khác, và đó là … retreat. 

Retreat – tôi chưa biết dịch sang tiếng Việt là gì – là một hội nghị Diên Hồng của đại học, nhưng hội nghị trong kín đáo. Thông thường, chúng tôi chọn một địa điểm lí tưởng, nhưng hẻo lánh, không điện thoại, không fax, không internet (rất khó thời nay) để ngồi xuống và phân tích các vấn đề trong năm qua, rồi đề ra định hướng cho năm tới. Giới doanh nghiệp hay làm retreat, nhưng trong đại học thì còn tương đối mới.

Tôi muốn đem văn hoá retreat về cho đại học VN, và Trường ĐH Tôn Đức Thắng là nơi mà ban giám hiệu rất nồng nhiệt tiếp nhận ý kiến này. Chúng tôi lên chương trình khá chi tiết, và cố gắng tạo môi trường thân thiện cho tất cả các đồng nghiệp. Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các khoa trưởng, vì tôi nghĩ các khoa trưởng như là tướng ngoài trận mạc, và phải cho họ có quyền, chứ không cho mấy người ngồi văn phòng chỉ tay năm ngón ra lệnh.  Tôi nghĩ các đại học VN đã sai lầm khi để cho các phòng ban chi phối quá nhiều đến hoạt động đại học. Do đó, tôi đề nghị phải trao quyền và trách nhiệm cho những người đứng trước "đầu sóng ngọn gió" trong giáo dục đại học, và đó là các khoa. Và, để thực hiện định hướng này, cần phải có một hội nghị diên hồng để chuẩn bị tinh thần.

Tôi không thể nói trong retreat chúng tôi bàn gì và sẽ làm gì hay cách làm ra sao, vì đó là tài sản tri thức của chúng tôi. Nhưng tôi có thể nói rằng qua retreat, chúng tôi nhận dạng hàng loạt vấn đề để khắc phục, thấy được cơ hội để vươn lên, và cũng nhận ra một số mối đe doạ. Tôi hi vọng rằng trong năm con Dê, Trường sẽ có nhiều bước đi ngoạn mục mới.

Tôi nghĩ 2 ngày retreat xảy ra trong thời điểm rất lí tưởng, vì Trường vừa được Thủ tướng trao quyết định quyền tự chủ. Có lẽ Trường ĐH TĐT là trường đầu tiên được trao quyền tự chủ. Vì thế retreat là cơ hội tốt để suy nghĩ phải làm gì để thực hiện quyền quan trọng này.

Họp nhóm

Sau buổi retreat là ngày tôi gặp lab nghiên cứu cơ xương của chúng tôi. Năm vừa qua, chúng tôi đã tiến hành lập một lab nghiên cứu ở Trường ĐH TĐT. Chúng tôi may mắn được Trường phê chuẩn trang thiết bị hiện đại, để chúng tôi có thể trở thành một lab hàng đầu ở châu Á và có tiếng nói nặng kí trên trường quốc tế.

Chúng tôi sắp triển khai một nghiên cứu rất qui mô và toàn diện về loãng xương và thấp khớp.  Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ thu thập rất nhiều dữ liệu mà chưa nghiên cứu nào ở VN có thể làm được hay nghĩ đến. Chúng tôi sẽ có một ngân hàng dữ liệu nhân trắc cho người Việt Nam để chẩn đoán béo phì mà chưa từng có trước đây. Chúng tôi sẽ thiết lập một ngân hàng dữ liệu về gen cho người Việt, bằng công nghệ số 1 hiện nay trên thế giới là WGS hay whole genome sequencing. Qua nghiên cứu này, chẳng những cung cấp những dữ liệu vô giá cho lâm sàng, mà còn mở ra một hướng mới cho ngành bioinformatics và khoa học tính toán cho Trường và cho VN. 

Một khó khăn là tìm kinh phí. Nếu ở một nước có nền khoa học tốt và có chuyên gia có trình độ thích hợp thì dự án của chúng tôi sẽ được chào đón tốt, nhưng ở VN chẳng có bao nhiêu người hiểu hết ý nghĩa của dự án (không phải do chúng tôi giải thích kém, mà do họ không nghĩ đến và cũng chưa đủ kinh nghiệm khoa học để đánh giá) nên chúng tôi đụng phải những bức tường cứng. Những người này chỉ quen với những đề tài loại tủn mủn, những đề tài có hiệu quả tuyệt vời để kìm hãm VN lúc nào cũng lạc hậu và "lẹt đẹt" theo sau thiên hạ; họ chưa quen đến suy nghĩ "big science" hay ý tưởng lớn. Cộng với cơ chế thiếu minh bạch, nên chúng tôi thấy rất khó khăn để đối thoại. Nhưng chúng tôi không đầu hàng, mà vẫn phải tranh thủ mọi nguồn và mọi nơi để thực hiện cho được dự án. Tôi cố gắng thuyết phục nhóm nghiên cứu là chúng ta sẽ cố gắng hết mình.

Mù thông tin

Thời gian ở trong nước thì tôi gần như bị mù thông tin. Các trang web tôi hay đọc đều bị chận. Dĩ nhiên, tôi có thể vượt tường lửa, nhưng tôi không muốn làm thế và cũng chẳng có thì giờ. Các tờ báo ở VN ngày nay thì rất "nhạt", và chẳng có nhiều thông tin đáng xem, nên tôi đành chấp nhận mù thông tin. Phải nói là mù thông tin làm mình rất khó chịu, vì câu hỏi "thế giới có gì mới" cứ lởn vởn trong đầu mà không cách gì trả lời được.

Nhưng trong một buổi "trà dư tửu hậu", tôi mới biết Bọ Lập được tại ngoại! Rồi ngay sau đó lại nghe tin anh Hồng Lê Thọ vừa được tại ngoại. Thật là một tin vui. Nhưng tôi nghĩ Nhà nước sẽ còn được hoan nghênh hơn bằng cách tỏ lòng nhân ái cho anh Ba Sàm và Minh Thuý được hưởng cái Tết ở gia đình. Nói chuyện với vài bạn trong đại học, ai cũng quan tâm đến các "nhà báo" này, và qua đó mới thấy họ nổi tiếng như thế nào trong giới có học.

Có một điều làm tôi không vui, nếu không muốn nói là buồn, là thái độ của những người Việt kiều đã về nước lâu. Họ là những người có học khá (có bằng tiến sĩ), từng ở các nước phương Tây tôn trọng tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Nhưng chẳng hiểu sao khi về VN họ lại có vẻ rất … bảo thủ. Họ nói chuyện chẳng khác gì giới tuyên truyền, tức là chống Mĩ và chống phương Tây đến cùng. Tôi có khi tự hỏi hay là họ thử mình, hoặc họ đã quên tinh thần tự do tư tưởng, hoặc họ đã bị tẩy não. Tôi không muốn tranh luận với họ, mà chỉ ghi nhận ý kiến của họ để suy nghĩ thêm.  Có người tuy không chống Mĩ nhưng lại tỏ ra rất sợ sệt, không dám thốt lên lời nói mang tính phản biện Nhà nước. Mà, có gì ghê gớm đâu chứ, chỉ là chuyện bất công xã hội và bất cập trong giáo dục và đào tạo mà họ thấy rõ ràng nhưng không dám nói. Tôi có cảm giác họ nhu nhược (nếu ở nước ngoài tôi dùng chữ "hèn") hơn rất nhiều so với đồng nghiệp trong nước, nhất là giới trí thức Hà Nội có tinh thần phản biện rất cao. Thôi thì mỗi người một hoàn cảnh, nên tôi cũng không dám phán xét về họ, chỉ ghi nhận ở đây vài cảm nhận cá nhân mà thôi.

Tôi nghĩ nếu chính quyền cứ ngăn chận thông tin như hiện nay thì chỉ kéo đất nước giật lùi mà thôi. Ngài Thủ tướng đã nói (và tôi nghĩ là đúng) rằng không thể ngăn chận thông tin trên mạng; thay vì ngăn chận, tại sao không cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng. Nếu có chính nghĩa thì chẳng việc gì phải sợ và ngăn chận thông tin. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét