Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Cuộc đời giáo sư là bể khổ

http://www.phattuvietnam.net/thumbnail.php?file=2011/12/al_387504102.jpg&size=article_mediumMột anh bạn hỏi cảm nghĩ của tôi về “nỗi buồn của một vị giáo sư” Phần Lan. Câu chuyện ông được đề bạt chức danh giáo sư, nhưng sau đó thì năng suất khoa học suy giảm, và bị đại học “hỏi thăm”. Tôi thì nghĩ ở các nước phương Tây, cuộc đời của giáo sư là một bể khổ, chứ không phải sung sướng như nhiều người tưởng. Sau đây là cảm nghĩ của tôi:

Trong hệ thống khoa bảng bậc đại học, giáo sư là chức danh cao nhất, nên rất được xã hội trọng vọng. Đó cũng là cái “đỉnh” khoa bảng mà nhiều người muốn đạt đến. Nhưng khi đã đạt đỉnh thì không phải ai cũng giữ được vị trí đó. Câu chuyện buồn của vị giáo sư này thực ra là khá phổ biến trong đại học phương Tây, và chắc cả ở Việt Nam nữa.
Năng suất khoa học của một cá nhân có khi phụ thuộc vào giai đoạn sự nghiệp. Sau khi xong tiến sĩ (được xem như là xong phần tập sự làm nghiên cứu), ứng viên phải phấn đấu để được đề bạt chức danh Assistant Professor, có lẽ tương đương với “Phó giáo sư” trong hệ thống Việt Nam.  Khi đạt được vị trí Assistant Professor, ứng viên còn phải nỗ lực nhiều để bước vào cấp Associate Professor.  Nhưng từ Associate Professor lên Professor thì cả một quá trình rất gian nan.  Rất nhiều người chỉ dừng ở vị trí Associate Professor cho đến ngày nghỉ hưu.  
Để được đề bạt chức danh Professor, ứng viên phải có nỗ lực gấp 2, 3 lần so với giai đoạn đầu trong sự nghiệp khoa bảng.  Không ít người chẳng nghiên cứu hay công bố gì sau khi đạt được chức danh Professor.  Có nhiều nghiên cứu cho thấy đây là tình trạng chung, và trường hợp vị giáo sư đề cập trong bài không phải là cá biệt.
Tại sao năng suất của Professor thường thấp hơn trước khi họ phấn đấu? Ở Úc, có thời chức danh này là vĩnh viễn, không ai có thể “giáng chức” họ (ngoại trừ đương sự phạm sai lầm nghiêm trọng như sách nhiễu tình dục). Có lẽ vì chức danh này ở mức “đỉnh” nên khi người ta đạt được thì không có động cơ để phấn đấu nữa. Cũng có thể họ “hết hơi”, sức sáng tạo không còn dồi dào như trước kia. Đó có thể là một lí do giải thích tại sao khi một cá nhân được đề bạt chức danh Professor thì năng suất khoa học bắt đầu suy giảm.
Một lí do thực tế khác là sau khi đề bạt họ trở nên bận rộn hơn. Tôi có thể lấy cá nhân mình ra làm ví dụ. Thật ra, ngay từ lúc ở chức Associate Professor, ứng viên đã rất bận với việc hành chính và quản lí. Thêm vào đó là những việc có thể gọi là “vác ngà voi đi làm chuyện thiên hạ” (hiểu theo nghĩa làm việc không có lương bổng). Đó là phục vụ trong các hội đoàn chuyên ngành, các tập san khoa học. Khi đã đạt chức Professor, nhiệm vụ này càng nặng nề hơn.  Thêm vào đó và quan trọng hơn là xin tài trợ. Trong hệ thống khoa học hiện đại, Professor như là một giám đốc một doanh nghiệp khoa học, tức phải lo quản lí nhân sự, quản lí tài chính, quản lí dự án, xin tài trợ, tranh thủ và vận động cho “thương hiệu” trong chuyên ngành, v.v.  Những “việc không tên” này tốn rất nhiều thời gian, và là một yếu tố cho sự suy giảm năng suất khoa học của giáo sư.
Nhưng tất cả những yếu tố đó không đủ thuyết phục các hiệu trưởng đại học! Theo họ, đã là giáo sư thì phải có công trình nghiên cứu và có công bố quốc tế thường xuyên, vì đó là tiêu chuẩn số 1 cho chức danh giáo sư. Do đó, trong 3 thập niên qua đã có một cuộc “cách mạng” trong việc đề bạt các chức danh khoa bảng. Hệ quả là tất cả các giáo sư phải được đánh giá thường kì (ví dụ như mỗi 5 năm), và chức danh giáo sư không phải là vĩnh viễn.  Chẳng hạn như cá nhân tôi, cứ mỗi 5 năm, tôi lại phải trả lời những câu hỏi của hội đồng khoa bảng (academic board) liên quan đến năng suất của tôi trong vòng 5 năm qua, và đặc biệt, tự tôi phải giải thích tại sao tôi có quyền giữ chức danh đó trong 5 năm tới.
Công bằng mà nói, việc tái đánh giá cũng hợp lí. Trong khoa học, đào tạo và nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối rất quan trọng, vì không có thế hệ tiếp nối thì khoa học đi vào ngõ cụt. Do đó, nếu một giáo sư không còn khả năng nghiên cứu và không có lí do tốt để giải thích, thì nên nhường cho thế hệ kế tiếp. Dĩ nhiên, giáo sư là một chức danh quan trọng và họ là một “tài sản” quốc gia, cho nên nhường cho thế hệ kế tiếp không có nghĩa là họ sẽ “khuất bóng”, mà nên đóng vai trò cố vấn, giúp đỡ, và hướng dẫn. Do đó, nếu tôi là vị giáo sư đó, tôi không buồn; ngược lại, tôi rất vui vẻ nhường sân chơi khoa học cho thế hệ sau.
Nếu lấy mức độ phấn đấu từ tiến sĩ hay hậu tiến sĩ lên assistant professor là 1, thì phấn đấu để giữ chức danh professor cần phấn đấu đến 20 lần:
  • Từ tiến sĩ/hậu tiến sĩ à assistant professor: phấn đấu 1.
  • Từ assistant professor à associate professor: phấn đấu 5.
  • Từ associate professor à full professor: phấn đấu 10.
  • Giữ chức danh full professor: phấn đấu 20.
Nói tóm lại, ở thế giới phương Tây, các đại học bóc lột giáo sư rất … tận tình. Áp lực lúc nào cũng đè lên người giáo sư. Mà, không hẳn đại học, mà tất cả các lĩnh vực khác ngoài đại học, người ta khai thác nhân sự rất ư là tuyệt vời. Họ khai thác cho đến khi nào đương sự không còn “productive” nữa thì thôi. Tôi nghiệm ra, chỉ khi nào nghỉ hưu thì mới hết bị bóc lột, hay hết bị áp lực. Nói theo tiếng Việt là vắt chanh bỏ vỏ. Nói ra thì có vẻ phũ phàng, nhưng tôi nghĩ chắc không quá xa rời với thực tế bao nhiêu. Thật ra, trong nhiều trường hợp, đương sự cũng thích được bóc lột.
Mới tuần vừa qua, tôi chứng kiến sự ra đi của một bậc đàn anh làm tôi suy nghĩ hoài về bóc lột và vô thường. Anh lớn hơn tôi 10 tuổi. Hai mươi năm trước, ngày tôi vào Viện Garvan thì anh đã là một giáo sư thành danh. Anh xây dựng nhóm nghiên cứu ung thư thành một nhóm lớn nhất nước Úc, và có lẽ là danh tiếng nhất nước Úc. Dù ở độ tuổi gần "thất thập cổ lai hi", năm ngoái anh vẫn đi xin tài trợ từ NHMRC và được phỏng vấn, nhưng tuần vừa qua anh đột ngột ra đi về cõi vĩnh hằng trước khi biết tin vui (được tài trợ) chỉ 5 ngày! Anh chịu áp lực và bị “bóc lột” đến ngày cuối cùng, mà không có thì giờ để nghỉ hưu và để nhìn thành quả của mình.
Không biết có quá "Trịnh Công Sơn" chăng, nhưng tôi thấy cuộc đời của một giáo sư cũng rất … vô thường. Khi nói “vô thường”, tôi muốn nói đến qui luật sinh, trụ, dị, diệt. Chức danh năm trước không phải là năm nay. Ngay cả chức danh năm nay cũng thay đổi theo ngày tháng: tháng kia thì phấn chấn (như công bố được một công trình), và tháng này thì ưu phiền (lo tài trợ). Vui và buồn cứ nối tiếp nhau. Trong khi ăn mừng cũng nghĩ đến cái buồn. Không bao giờ có niềm vui trọn vẹn. Đúng như câu đời là bể khổ của Nhà Phật.






0 nhận xét:

Đăng nhận xét