Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Nữ giới bị thiệt thòi trong khoa học

http://capacitybuildingcentreforafrica.org/images/Gender_equality1.jpgLà nữ giới cũng có nghĩa là chịu nhiều thiệt thòi trong sự nghiệp, và tình trạng này thì đã tồn tại rất lâu. Nhưng trong thế kỉ 21, tình trạng đó có được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn? Một công trình phân tích thú vị mới công bố trên Scientometrics (tập san chuyên về đo lường khoa học mà tôi hay đọc) cho thấy trong môi trường đại học, nữ vẫn bị thiệt thòi hơn nam. 


Ở Mĩ, cơ hội sự nghiệp khoa bảng ở nữ giới kém hơn đồng nghiệp nam giới. Nếu lấy cơ hội được đề bạt chức danh giáo sư (full professor) thì nữ khoa học Mĩ có xác suất thấp hơn nam. Chẳng những thấp hơn, mà nữ giới có xu hướng rời sự nghiệp nghiên cứu hay giảng dạy trong đại học sớm hơn nam giới.

Ở Thuỵ Điển, tình trạng thiệt thòi ở nữ giới không khá hơn Mĩ. Chứng cứ mà các nhà nghiên cứu đi đến kết luận được thu thập từ dữ liệu về nhân sự của các trường đại học Thuỵ Điển. Thuỵ Điển được xem là môi trường lí tưởng cho nghiên cứu loại này, vì quốc gia này được đánh giá là một trong những nước có bình đẳng giới tính cao nhất trên thế giới. Thật vậy, năm 2008, OECD xếp Thuỵ Điển hạng 3 trên thế giới về bình đẳng giới tính.

Tỉ lệ nữ giới trong đại học. Số liệu về giảng viên đại học và nhà nghiên cứu (có bằng tiến sĩ) của tất cả các đại học Thuỵ Điển cho thấy năm 2010, nữ giới chiếm 36%. Tỉ lệ này vào năm 1995 chỉ 20%. Nói chung tỉ lệ nữ trong “lực lượng” giảng viên đại học tăng dần theo thời gian.

Cơ hội đề bạt. Tính chung, hai tác giả của báo cáo phát biểu rằng xác suất nữ được đề bạt chức danh giáo sư (full professor) thấp hơn nam đến 37%. Nhưng tỉ lệ này không phải bất biến, mà còn tuỳ thuộc vào thời gian sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và có qua giai đoạn hậu tiến sĩ hay không (Bảng 1).

Bảng 1: Xác suất được đề bạt giữa nam và nữ giảng viên Thụy Điển 

Số năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ
Chưa qua hậu tiến sĩ
Đã qua hậu tiến sĩ
Nam
Nữ
Nam
Nữ
5
0.10
0.05
0.10
0.10
10
0.30
0.18
0.50
0.40
15
0.42
0.35
0.75
0.75

Số liệu bảng trên cho thấy trong nhóm chưa qua giai đoạn hậu tiến sĩ, nữ có xác suất được đề bạt thấp hơn nam, nhưng khoảng cách có vẻ hẹp sau 15 năm tốt nghiệp tiến sĩ. Chẳng hạn như xác suất mà nữ chưa qua hậu tiến sĩ được đề bạt (bất cứ chức danh nào) sau 5 năm chỉ 5%, và xác suất này chỉ bằng phân nửa nam giới; tuy nhiên, sau 15 năm thì xác suất nữ được đề bạt tăng lên 35 nhưng vẫn thấp hơn nam (42%).

Nhưng kết quả trên cho thấy trong nhóm đã qua hậu tiến sĩ, xác suất được đề bạt giữa nữ và nam không khác nhau đáng kể. Nếu có khác nhau thì chỉ ghi nhận trong thời gian sau 10 năm tốt nghiệp tiến sĩ, khi nam có xác suất đề bạt là 50%, cao hơn nữ 10%.

Còn ở Việt Nam thì sao? Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy một xu hướng thú vị tích cực (Bảng 2). Năm 1999, trong số 22606 giảng viên và giáo sư đại học (sẽ gọi tắt là “giảng viên”), có 7697 nữ, tức chiếm khoảng 1/3 tổng số. Tỉ lệ nữ giảng viên tăng liên tục trong thời gian 1999 và 2010. Đến niên học 2010-2011 thì số nữ giảng viên đã lên đến gần phân nửa (46%) tổng số giảng viên đại học.  

Bảng 2: Tỉ lệ nữ trong số giảng viên và giáo sư đại học 1999-2010 

Năm
Tổng số giảng viên
Số nữ giảng viên
Tỉ trọng nữ giảng viên (%)
1999
22606
7697
34
2000
24362
8635
35
2001
25546
9210
36
2002
27393
10105
37
2003
28434
10680
38
2004
33969
12943
38
2005
34294
13575
39
2006
38137
16214
42
2007
38217
16459
43
2008
41007
18185
44
2009
45961
20849
45
2010
50951
23306
46

Nhưng tỉ lệ nữ giảng viên đại học có khác với tỉ lệ giảng viên cao đẳng? Số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy một bức tranh khác: tỉ lệ nữ giảng viên cao đẳng còn cao hơn tỉ lệ ở bậc đại học. Niên học 2010-2011 có 23622 giảng viên cao đẳng, và trong số này có 12051 nữ giảng viên, chiếm hơn phân nửa (51%) tổng số giảng viên cao đẳng. Khác với bậc đại học, tỉ lệ giảng viên nữ từ năm 1999 đến nay chỉ dao động trong khoảng 49-51%.

Dựa vào xu hướng tỉ lệ giảng viên cao đẳng và đại học, có thể rút ra hai nhận xét chính. Thứ nhất, càng lên cao thì tỉ lệ giảng viên nữ càng thấp. Thứ hai, nhưng xu hướng đáng mừng là số nữ giảng viên đại học tiếp tục tăng theo thời gian. Điều đáng chú ý là tỉ lệ nữ giảng viên đại học Việt Nam cao hơn so với Thuỵ Điển (46% và 36%). Những con số này có vẻ phù hợp với giả thuyết rằng ở Việt Nam nữ  không bị thiệt thòi như đồng nghiệp phương Tây.

Chú thích:

Danell R, Hjern M. Career prospects for female university researchers have not improved. Scientometrics 12/9/2012

Tôi cũng tò mò tìm hiểu xem tỉ lệ nữ sinh viên cao đẳng và đại học ra sao thì thu thập được số liệu trong Bảng 3 dưới đây. Bảng này cho thấy tỉ lệ nữ sinh viên cao đẳng nói chung cao hơn tỉ lệ nữ sinh viên đại học. Chẳng hạn như năm học 2010-2011 có trên 726 ngàn sinh viên cao đẳng, và trong số này có 53% là nữ. Trong cùng thời gian, số sinh viên đại học là 1.4 triệu, với 48% là nữ sinh viên. Tôi chỉ ngạc nhiên (hay nghi ngờ) con số tỉ lệ nữ sinh viên đại học năm 2006 quá cao (55%) so với những năm trước và sau đó. Số liệu của Việt Nam nhiều lần làm tôi thấy thót ruột!

Bảng 3: Tỉ lệ nữ trong số sinh viên đại học và cao đẳng 1999-2010
Năm
Sinh viên cao đẳng
Sinh viên đại học
Tổng số
% Nữ
Tổng số
% Nữ
1999
173,912
49
719,842
42
2000
186,723
49
731,505
42
2001
210,863
49
763,256
43
2002
215,544
49
805,123
43
2003
232,263
51
898,767
45
2004
273,463
51
1,046,291
47
2005
299,294
53
1,087,813
47
2006
367,054
54
1,173,147
55
2007
422,937
51
1,180,547
48
2008
476,721
51
1,242,778
48
2009
576,878
53
1,358,861
49
2010
726,219
53
1,435,887
48

0 nhận xét:

Đăng nhận xét