Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Sự thật được nói và nói về sự thật


Liên quan đến vấn đề truyền thông và khoa học, tôi lại có hân hạnh tiếp chuyện với phóng viên của Sinh viên Việt Nam (SVVN.vn) qua phóng viên Lê Ngọc Sơn trong chương trình “Khách mời”.  Bài này cũng đã khá lâu, và đa đăng trên báo giấy với cái tựa đề rất hay “Sự thật được nói và nói về sự thật”.  Giới báo chí phải nói là rất tốt trong sáng tạo chữ nghĩa.



Nghĩ nhanh, nghĩ chậm


SVVN: Khi một nhà khoa học đưa ra một thông tin mang tính khẳng định/ hay phủ định  sẽ phải cân nhắc những yếu tố nào, thưa GS? Đâu là điều cấm kỵ đối với một nhà khoa học khi đưa ra một thông tin?

NVT:  Thật ra, trong khoa học ít khi nào có những thông tin mang tính khẳng định.  Những thông tin liên quan đến dự báo, tiên lượng, chẩn đoán, v.v. lại càng mang tính bất định.  Do đó, khi đưa ra một thông tin về dự báo, ví dụ như dự báo động đất, thì nhà khoa học chỉ có thể nói đến xác suất động đất trong tương lai là bao nhiêu, chứ không ai dám nói “sẽ có” hay “sẽ không có” động đất.  Cái mâu thuẫn giữa kì vọng của công chúng (câu trả lời dứt khoát) và nhà khoa học (câu trả lời mang tính bất định) là ở điểm này.

Bởi vì thông tin mang tính bất định, nên việc đưa thông tin cần phải cân nhắc rất cẩn thận.  Chả thế mà trong khoa học có bộ môn risk communication – truyền thông về rủi ro.  Yếu tố cân nhắc là lợi ích và tác hại.  Lợi ích phải lớn hơn tác hại.  Nếu thông tin đưa ra sẽ giúp cho người dân tránh được sự mất mát về sinh mạng và tài sản, dù gây ra bất tiện, thì đó là điều nên làm. 

Ngoài ra, còn có một nguyên lí khi đưa tin khoa học là nguyên lí phòng ngừa. Nguyên lí này có thể tóm lược như sau: khi có những đe doạ hay rủi ro lớn đến môi trường, chúng ta cần phải có những kế sách, chiến lược, hay biện pháp để phòng ngừa tai hoạ, cho dù kiến thức khoa học vẫn còn trong tình trạng bất định. Nói cách khác, theo nguyên lí này, chúng ta cần phải hành động trong tình huống nguy hiểm cho dù chứng cứ khoa học vẫn chưa đầy đủ.


SVV: Việc phản ứng trước các nguy cơ là điều khá dễ hiểu để giải thích cho việc người dân sống chung quanh ku vực Sông Tranh chạy khỏi nhà khi cảm nhận động đất?

NVT:  Cơ chế nghĩ nhanh, nghĩ chậm (fast thinking, slow thinking) là một phát kiến của Giáo sư Daniel Kahneman và Amos Tversky (hai nhà tâm lí học người Do Thái).  Kahneman được trao giải Nobel kinh tế học năm 2002, còn Tversky thì qua đời trước đó vài năm.  Trong một loạt thí nghiệm tâm lí mang tính tiền phong, Kahneman và Tversky chứng minh rằng con người chúng ta suy nghĩ theo hai cơ chế: nghĩ nhanh và nghĩ chậm.  Phát kiến này quan trọng vì nó bác bỏ niềm tin từ bao lâu nay rằng con người suy nghĩ một cách logic và rất “lí trí”, quyết định dựa vào lí lẽ cơ sở khoa học và có tính toán cẩn thận, nhưng Kahneman chứng minh rằng con người chúng ta đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm.

Suy nghĩ nhanh, theo cách nói ví von của người Việt chúng ta, là trông mặt mà bắt hình dong.  Tức là một cơ chế suy nghĩ dựa vào những tín hiệu sơ khởi, thay vì tính toán cẩn thận và suy đoán dựa vào logic.  Khi lái xe gắn máy trên đường đến một ngã tư, chúng ta có khi chỉ cần nhìn vào ánh mắt người lái xe đối diện để quyết định băng qua đường hay không.  Trước thông tin rằng tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn ở vùng nông thôn hơn vùng thành thị, chúng ta có thể nghĩ ngay rằng vì dịch vụ ý tế ở vùng nông thôn còn kém hơn vùng thành thị.  Nhưng nếu có thông tin cho rằng ung thư vùng nông thôn thấp hơn vùng thành thị, có lẽ chúng ta nghĩ rằng cư dân nông thôn không sống trong môi trường ô nhiễm như cư dân thành thị, nên cư dân nông thôn có nguy cơ ung thư thấp hơn thành thị. Việc người dân di tản khỏi khu vực Sông Tranh II có lẽ là một quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh.  Chính cơ chế suy nghĩ nhanh này giúp cho con người tồn tại qua hàng triệu năm tiến hoá, dù cơ chế này có thể dẫn đến sai lầm. 

Sự cẩn trọng

SVV: Giới học thuật có ngầm định quy ước d9a5o đức nào trong việc công bố thông tin khoa học, thưa ông? 

NVT: Trong khoa học, có Qui ước Ingelfinger mà các nhà khoa học phải tuân thủ gần như tuyệt đối.  Theo Qui ước Ingelfinger, nhà khoa học chỉ cung cấp thông tin cho công chúng khi nào thông tin đó đã được công bố trên một tập san khoa học chuyên ngành, đã qua bình duyệt của các đồng nghiệp trong chuyên ngành.  Nếu nhà khoa học tuyên bố rằng tế bào gốc có thể điều trị thành công một bệnh nào đó, mà chưa bao giờ công bố thông tin đó trên một tập san chuyên ngành, thì đó là một vi phạm Qui ước Ingelfinger. 

Trước đây, khi một nhóm nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng thịt chó gây ra bệnh tả, chúng tôi có chất vấn họ vì họ chưa bao giờ công bố một công trình nghiên cứu nào về mắm tôm và thịt chó với bệnh tả trên tập san chuyên ngành (và do đó họ làm không đúng theo Qui ước Ingelfinger).  Tuy nhiên, Qui ước Ingelfinger không áp dụng cho những thông tin dự báo, như về khả năng động đất ở Song Tranh II.

Cũng vì không tuân theo Qui ước Ingelfinger mà nhiều tác hại đã xảy ra ở Việt Nam. Cách đây khoảng 6 năm, người ta dùng điện não đồ để “chẩn đoán” nghiện ma túy, và dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng.  Một đại uý trong quân độ tự tử vì anh được chẩn đoán là dùng ma tuý!  Theo tôi biết thì phương pháp này chưa bao giờ được công bố trên một tập san chuyên ngành có bình duyệt.  Tuy nhiên, theo một giáo sư thì kĩ thuật xét nghiệm điện não đồ đã được nghiên cứu và kết quả đã “được duyệt từ cấp Bộ đến cấp nhà nước. […] Đề tài này được đánh giá xuất sắc, phổ cập trên toàn quốc”. Có thể nghiên cứu này xuất sắc qua thẩm định của các quan chức y tế, nhưng vì kết quả của công trình nghiên cứu này chưa được công bố trên một tập san y học có bình duyệt, nên rất mà khó biết giá trị khoa học của công trình nghiên cứu ra sao, và khi áp dụng cho công chúng thì dẫn đến hệ quả nghiêm trọng.  

SVVN: Có trường hợp mà người dân/ công chúng cần biết sự thật, nhưng nhà khoa học vì một lý do nào đó không thể nói ra. Nếu rơi vào tình huống đó thì ông sẽ làm gì?

NVT:  Tôi nghĩ thông tin khoa học thì phải minh bạch.  Tôi chưa nghĩ đến một tình huống nào mà nhà khoa học giấu thông tin, không chịu cung cấp thông tin cho công chúng. 

Tuy nhiên, cách thức cung cấp thông tin thì còn tuỳ tình huống. Tôi có thể lấy một ví dụ về thuốc để minh hoạ.  Một loại thuốc điều trị loãng xương rất hiệu quả, nhưng bằng chứng gần đây cho thấy thuốc có thể (chỉ “có thể” thôi) tăng nguy cơ rung nhĩ và hoại tử xương hàm, dù nguy cơ này rất thấp.  Trong tình huống đó, bác sĩ vẫn phải báo cho bệnh nhân biết rằng thuốc đem lại lợi ích lớn về giảm nguy cơ gãy xương, nhưng vẫn có nguy cơ thấp về rung nhĩ và hoại tử xương hàm. 

SVVN: Thưa ông, lịch sử truyền thông về các vấn đề khoa học có từ bao giờ? Và ông có suy nghĩ gì khi quy chiếu vấn đề này với hiện thực Việt Nam?

NVT:  Tôi không am hiểu lịch sử truyền thông khoa học, nhưng đọc sách thấy người ta nói lịch sử của truyền thông khoa học có lẽ bắt đầu từ năm 1904, khi tờ New York Times có mục khoa học qua cây bút Carr van Anda. Mấy năm sau thì các báo có mục thông tin khoa học và y tế. Đến nay thì như chúng ta thấy, hầu như báo nào và đài phát thanh nào cũng có mục tin khoa học và y tế.  Phải nói rằng nhờ báo chí và truyền thông khoa học mà công chúng càng ngày càng biết đến khoa học nhiều hơn. Ngày nay, có khi chính nhà khoa học nghe đến những khám phá quan trọng qua báo chí hơn là qua tập san khoa học!

Ở nước ta, sự phát triển của truyền thông khoa học còn hạn chế, vì theo tôi biết, các báo đài vẫn thiếu phóng viên chuyên về mảng khoa học và y tế.  Lại có trường hợp phóng viên phụ trách mảng này nhưng chưa được đào tạo một cách bài bản.  Do đó, phần lớn phóng viên chỉ viết lại những thông cáo báo chí của các trung tâm khoa học.  Có người thậm chí xem phóng viên chỉ là cái loa cho giới khoa học tuyên truyền và tìm … tài trợ cho nghiên cứu. Ở vài nước như Trung Quốc, có phóng viên còn nhận tiền của giới khoa học để “đánh bóng” tên tuổi cho nhà khoa học! 

SVVN: Và khi phóng viên không có kỹ năng đưa tin về thông tin khoa học, sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường? 

NVT:  Đúng vậy.  Vì phóng viên chưa am hiểu hoạt động khoa học nên dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc, như sự cố bưởi và ung thư vú.  Năm 2007, một bản tin về bưởi và ung thư vú làm giảm giá bưởi từ 8.000-10.000 đồng/kílô xuống còn 1.000 đồng/kílô, và gây thiệt hại không ít cho nhiều nông dân sản xuất và doanh nghiệp phân phối bưởi, nhưng nghiên cứu này không đáng tin cậy. 

Tôi muốn nhắc đến một ý mà tôi đã nói trước đây rằng giới truyền thông và khoa học có cùng một mục tiêu: đi tìm sự thật.  Nhưng thẩm định thế nào là sự thật không phải là một việc làm đơn giản.  Khoa học dựa vào sự thật hay dữ liệu thật.  Những sự thật phải được quan sát hay thu thập và đo lường bằng những phương pháp chuẩn.  Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là dữ liệu có liên quan đến vấn đề.  Do đó, đối với báo chí, nếu chỉ đơn thuần cung cấp những dữ liệu, ý kiến, hay thậm chí con số từ một nghiên cứu chưa thể xem là bằng chứng khoa học được.  Phóng viên cần phải vượt ra ngoài những dữ liệu giới khoa học cung cấp, bằng cách phân tích và đối chiếu với bối cảnh cộng đồng để giúp cho người đọc (công chúng) hiểu vấn đề một cách thấu đáo.  Trong chiều hướng đó, hi vọng rằng những tiêu chuẩn trên đây sẽ giúp cho giới phóng viên nước ta, nhất là giới phóng viên khoa học, tiếp cận và thực hành truyền thông theo nguyên lí của truyền thông thực chứng.

SVVN: Xin cám ơn ông!
  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét