Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Nghe viễn kiến của tân hiệu trưởng UNSW Australia

Hôm qua, trong chương trình seminar của Viện Garvan, tôi say sưa nghe những viễn kiến của tân hiệu trưởng Đại học New South Wales (nay đã đổi tên mới là "UNSW Australia"). Ông là Giáo sư Ian Jacobs, một giáo sư y khoa từ Anh, chuyên ngành sản phụ khoa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử UNSW có một giáo sư y khoa được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Ông không chỉ là một nhà khoa học có tiếng trên thế giới, mà còn tỏ ra là một nhà lãnh đạo có viễn kiến tốt, và muốn biến UNSW thành một trong những đại học hàng đầu trên thế giới.


Qua bài nói chuyện của ông, tôi mới biết là UNSW hiện đang có 52,000 sinh viên. Điều làm tôi ngạc nhiên là UNSW có đến 25% sinh viên nước ngoài (tức 13,000). Với con số này, UNSW Australia là trường đại học có số sinh viên ngoại quốc lớn thứ 2 trên thế giới. Tất cả những con số đó chỉ nói lên rằng UNSW Australia là một trong những đại học lớn nhất trên thế giới. Năm 2014, UNSW đứng hạng 48 trong các đại học hàng đầu trên thế giới (theo danh sách QS). Với cái vốn đó, làm gì để đưa UNSW cao hơn nữa trên trường quốc tế? Đó là một thách thức lớn của tân hiệu trưởng.

Dù chỉ mới nhậm chức có 4 tháng mà ông đã tiếp kiến hàng ngàn nhân viên, giảng viên và giáo sư của UNSW và các viện liên quan. Kết quả của những tiếp kiến đó là một Green Paper, vạch ra chiến lược cho UNSW trong 10 năm tới (2015 - 2025). Đây là một chiến lược rất ư là tham vọng. Chiến lược tập trung vào 3 ưu tiên chính là xuất sắc trong học thuật, dấn thân xã hội, và tác động toàn cầu. Một trong những mục tiêu quan trọng là UNSW muốn có 2 giải Nobel trong tương lai. Cho đến nay, UNSW chưa có ai đoạt giải Nobel.

Ông nói về một ý tưởng mà ông gọi là "personalized education" mà tôi thấy rất thú vị. Đằng sau của ý tưởng này là sử dụng công nghệ thông tin để đem học thuật đến mọi người. Không phải là MOOC hay gì đó, mà là một chiến lược lớn hơn và rộng hơn. Dĩ nhiên, ông đặt trọng tâm vào nghiên cứu khoa học, và quyết tâm đầu tư thêm vào lĩnh vực này. Trường sẽ đầu tư thêm 4 tỉ đôla trong vòng 10 năm, và sẽ chú trọng hơn nữa đến nghiên cứu khoa học. Hiện nay, ngân sách của UNSW mỗi năm là 2 tỉ đôla. Là hiệu trưởng, nên ông cũng rất quan tâm đến bảng xếp hạng toàn cầu. Mục tiêu của ông là nâng UNSW thành "top 20" trên thế giới, chứ không phải "top 100" như hiện nay.

Tôi nghĩ khách quan mà nói, đây là một tham vọng (có giải Nobel) khó thành hiện thực. Hiện nay, nghiên cứu khoa học của UNSW vẫn còn thấp hơn các đại học như Sydney, Melbourne, và hình như thấp hơn cả Univ Queensland. Nhưng so với các đại học mới nổi ở Á châu như ĐHQG Singapore (NUS), ĐHQG Seoul thì UNSW vẫn phải phấn đấu nhiều hơn về chất lượng. Nếu tính theo "Nature Index", UNSW và tất cả các đại học hàng đầu của Úc đều thua các đại học Á châu vừa kể (1). Chẳng hạn như năm 2013 NUS có 486 bài trên các tập san IF cao (tức tương đương với ĐH Sydney), nhưng chỉ số WFC của NUS là 206.1, cao hơn 2 lần so với Sydney (91.6). Điều này cho thấy các đại học quốc gia ở Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan có "nội lực" cao hơn đại học Úc. Tôi thấy hình như ông chưa biết con số này, và tôi chưa có dịp đề cập phân tích này cho ông hiệu trưởng biết.

Tôi nghĩ để thực hiện tham vọng này, ông tân hiệu trưởng chắc sẽ phải bận rộn hô hào các giáo sư dưới trướng. Không chỉ hô hào mà đích thân ông cũng phải làm gương. Khác với hiệu trưởng trước vốn là một doanh nhân (businessman), Gs Jacobs là một nhà khoa học thành danh, nên ông có tư cách để nói về viễn kiến học thuật. Như nói trên, ông là một giáo sư y khoa, chuyên ngành sản phụ khoa. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là truy tầm ung thư buồng trứng. Ông đang chủ trì một công trình nghiên cứu gồm 200 ngàn phụ nữ, với ngân sách 25 triệu bảng Anh. Khi mới vào giảng seminar, ông nói đùa rằng ông là người không khách quan, vì ông bỏ ra gần như 80% sự nghiệp làm về ... buồng trứng!

Ông không phải chỉ là một nhà lãnh đạo đại học, mà còn là một nhà khoa học có tên tuổi trên trường quốc tế. Tính đến nay, ông đã công bố hơn 200 bài báo khoa học, và có hơn 17 ngàn trích dẫn, với chỉ số H là 66. Với chỉ số H đó, ông đứng vào hạng top 0.1% trên thế giới. Một điều vui vui là khi giới thiệu khách mời, ông viện trưởng Garvan có nói [lầm] rằng Gs Ian Jacobs có trên 15 ngàn bài báo khoa học, làm cả hội trường sửng sốt. Thế là khi lên podium, ông phải đính chính là trên 15000 trích dẫn, chứ không phải 15000 bài báo. Các bạn có thể tham khảo trang Google Scholar (2) để biết qua những công trình của ông tân hiệu trưởng UNSW Australia.

Về mặt cá nhân, ông không ngần ngại tuyên bố ông là một fan cuồng của câu lạc bộ bóng đá Arsenal. Ông hỏi trong hội trường có ai là fan của Arsenal, thì chỉ có vài người dơ tay, làm ông ồ lên ... thất vọng.

Trong lúc trả lời các câu hỏi, ông tân hiệu trưởng tiết lộ một thông tin nhỏ nhưng rất thú vị về mối liên hệ với Đại học Sydney. Ông cho biết là cách đây 2 tuần, ông và ban giám hiệu đã có một buổi ăn tối với ban giám hiệu Đại học Sydney. Đây là buổi giao lưu lịch sử, vì từ ngày thành lập Đại học New South Wales đến hôm đó, chưa bao giờ lãnh đạo hai trường nhìn nhau bằng mắt! Thật ra, chẳng có thù oán gì cả. Tất cả chỉ là cảm nhận cạnh tranh mà thôi. Đại học Sydney là đại học lâu đời nhất, uy danh cao nhất của Úc, nhưng lại là láng giềng của Đại học New South Wales, một đại học đang vươn lên rất nhanh. Có lẽ sự vươn lên của UNSW làm cho Sydney thấy ... nhột và khó chịu. Nhưng qua buổi ăn tối đó, hi vọng hai trường sẽ không còn nghi kị nhau nữa.

Nghe qua bài nói chuyện, phân nửa là về viễn kiến và phân nửa là về công trình nghiên cứu của ông, tôi không thể không so sánh với các đại học VN. Dĩ nhiên, tôi không thể so sánh một đại học giàu có với ngân sách hàng tỉ USD với một đại học bên nhà được, nhưng tôi muốn nói đến viễn kiến (vision). Rất khó tìm một lãnh đạo đại học VN có những viễn kiến làm cho chúng ta quan tâm và hào hứng. Nhìn qua viễn kiến của một đại học hàng đầu của VN, người ta chỉ mơ đến sứ mệnh "được quản trị, điều hành, quản lý theo mô hình hệ thống đại học mẫu mực với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trước xã hội đồng thời tự kiểm soát và xây dựng môi trường sáng tạo khoa học, tự do học thuật trong khu đô thị đại học kiểu mẫu." Thật khó nói đó là cái nhìn cao xa.

Vấn đề của các hiệu trưởng bên nhà là một phần họ quá bận rộn với những vấn đề chính trị địa phương và giữ cái ghế cùng với tư duy nhiệm kì, nên chẳng có thì giờ đâu mà đầu tư cho những suy nghĩ cao xa. Ngoài ra, phần lớn họ không có cơ hội làm nghiên cứu khoa học ở đẳng cấp quốc tế, nên rất khó có cái nhìn chuyên sâu. Thêm vào đó là bên nhà, các lãnh đạo đại học được bổ nhiệm theo qui trình "qui hoạch" cán bộ; còn bên này, họ "truy tìm" nhân tài khắp thế giới để bổ nhiệm. Những khác biệt đó, theo tôi, giải thích tại sao hiệu trưởng đại học ở ngoài này có viễn kiến rất khác so với đồng nghiệp của họ ở Việt Nam.

===

(1) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/12/cong-bo-quoc-te-tren-cac-tap-san-danh.html

(2) https://scholar.google.com.au/citations?user=INZvL8oAAAAJ&hl=en

0 nhận xét:

Đăng nhận xét