Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Thước đo MỚI về ảnh hưởng của bài báo khoa học

Hôm nọ nhân dịp xem CV của một em postdoc xin việc ở Garvan, tôi chú ý đến một thước đo gọi là "altmetric". Thật ra, tôi đã nghe đến chỉ số altmetric này một hai năm nay, nhưng lần đầu tiên thấy người ta dùng nó trong CV! Vì thế tôi phải tìm hiểu xem chỉ số altmetric cụ thể là gì và nó có thể giúp gì cho giới khoa học.


Chỉ số altmetric có khi còn được đề cập bởi các tập san là "article level metric", tức là chỉ số liên quan trực tiếp đến cá thể bài báo. Cần phải phân biệt loại này với các chỉ số liên quan đến tập san. Các chỉ số như impact factor (IF) và chỉ số H phản ảnh tầm ảnh hưởng của một tập san, chứ không phản ảnh mức độ ảnh hưởng của bài báo trong tập san đó. Một bài báo công bố trên một tập san có IF cao có thể chẳng gây tác động gì đáng kể (hiểu theo nghĩa ít ai đề cập đến nó). Ngược lại, một bài báo trên một tập san có IF thấp nhưng có thể gây tác động lớn. Do đó, chỉ số phản ảnh tác động của bài báo ở mức độ cá nhân có giá trị hơn là các chỉ số như IF và H.

Tác động ở đây phải hiểu theo hai nghĩa: tác động chuyên ngành (professional impact) và tác động xã hội (societal impact). Mức độ tác động chuyên ngành của một công trình nghiên cứu thường được "đo lường" bằng số lần trích dẫn bài báo sau khi đã được công bố. Tuỳ theo ngành, nhưng nói chung một bài báo có trên 100 lần trích dẫn trong thời gian 10 năm được xem là có tác động khá. Những bài có nhiều trích dẫn không hẳn mang tính "cách mạng", nhưng thường thường là những công trình quan trọng trong chuyên ngành.

Nhưng đo lường tác động xã hội là một vấn đề khác, nhất là trong bối cảnh công bố trực tuyến như hiện nay. Trước đây, khi bài báo khoa học chỉ được công bố trên giấy, chỉ có một số ít người có thể tiếp cận và đọc được. Nhưng người ta không biết những bài đó có liên quan hay tác động gì đến xã hội. Trong thời đại internet, các mạng truyền thông xã hội như báo chí trực tuyến, Facebook, Twitter, Google+, blog, v.v. cũng đóng vai trò đáng kể trong việc chuyển tải thông tin khoa học. Rất nhiều người trong giới khoa học ngày nay đều có tài khoản trên Twitter và Facebook để trao đổi thông tin với đồng nghiệp khắp thế giới. Do đó, một thước đo về tác động xã hội là dựa vào số lần mà bài báo được các mạng xã hội đè cập đến.

Nhóm altmetric.com đề xướng chỉ số gọi là " altmetric score " để phản ảnh sự chú ý của các mạng xã hội đến công trình nghiên cứu. Altmetric score được tính toán từ 3 nguồn:

• Số lần đề cập: tức chỉ đếm bao nhiêu lần bài báo được các mạng xã hội đề cập hay thảo luận.

• Nguồn đề cập: một phần nào đó, phản ảnh chất lượng của đề cập. Chẳng hạn như nếu bài báo được đài BBC hay báo New York Times đề cập thì phải có giá trị (trọng số) hơn là được các mạng như Twitter đề cập. Ngoài ra, được các trang web tổng quan và điểm báo khoa học như Mendeley, CiteULike, ResearchGate, và Faculty 1000 đề cập cũng có giá trị cao hơn các báo chí phổ thông. Các sơ sở truyền thông đại chúng, blog, Google+ có trọng số là 1, nhưng Twitter có trọng số là 3, còn Facebook chỉ có trọng số là 0.25.

• Tác giả đề cập: tác giả nổi tiếng hay có ảnh hưởng cũng được cho trọng số cao hơn những tác giả kém nổi tiếng.

Một phân tích gần đây do một nhóm ở Hà Lan thực hiện cho thấy bài báo có chỉ số Altmetric cao cũng có tần số trích dẫn cao (2). Như vậy, chỉ số Altmetric cũng phản ảnh một phần về mức độ tác động khoa học trong chuyên ngành.
Tuy nhiên, khi tôi thử dùng altmetric cho một vài nghiên cứu của nhóm tôi thì thấy sự tương quan giữa altmetric score và tần số trích dẫn không mấy cao. Chẳng hạn như bài báo về gen FTO và gãy cổ xương đùi của chúng tôi có chỉ số altmetric là 25, được F1000 đề cập, và do đó được xếp vào nhóm "top 5%" được chú ý (3). Tuy nhiên, cho đến nay (chưa đầy 1 năm) bài báo mới được trích dẫn 1 lần. Ngược lại, bài về cơ, mỡ và xương trên J Clin Endocrinol Metab thì được trích dẫn 4 lần (sau 7 tháng công bố) nhưng chỉ số altmetric chỉ 7 và nằm trong nhóm "top 25%" được chú ý.

Điều quan trọng cần ghi nhận là chỉ số altmetric chỉ phản ảnh mức độ chú ý, chứ không phản ảnh phẩm chất khoa học. Người ta, kể cả công chúng ngoài khoa học, có thể chú ý đến bài báo vì nhiều lí do, kể cả những lí do tiêu cực. Chỉ số altmetric chỉ cung cấp cho chúng ta một thước đo về sự chú ý của công chúng, và điều này có nghĩa là những thảo luận trong các diễn đàn email thì không thể nào đo lường được.

Ai có thể dùng chỉ số altmetric? Hiện nay, rất nhiều tập san, kể cả các tập san danh tiếng trong hệ thống Nature, PLOS, BMC, và các nhà xuất bản lừng danh như Wiley, Elsevier và Springer đều dùng Altmetric để đánh giá tầm ảnh hưởng xã hội của bài báo khoa học. Các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu khoa học như Wellcome Trust cũng sử dụng Altmetric trong việc đánh giá tác động của nghiên cứu khoa học. Như vậy, Altmetric có thể xem như là một chứng cứ về tác động xã hội mà nhà khoa học có thể dùng để thuyết phục nhà tài trợ. Điều này là một lợi thế, vì nếu dùng số lần trích dẫn thì phải đợi khá lâu (vài năm) để có chứng cứ, còn dùng chỉ số tác động xã hội thì thời gian sẽ ngắn hơn và minh bạch hơn.

Tóm lại, altmetric là một sáng kiến mới và hay, có mục đích đánh giá tầm ảnh hưởng xã hội của một bài báo nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên, altmetric không thể thay thế, nhưng là một bổ sung rất tốt, cho các chỉ số truyền thống như trích dẫn và chỉ số H. Trong thời đại internet và truyền thông xã hội và công bố trực tuyến, sự hiện diện của altmetric là rất có ý nghĩa, nếu không muốn nói là một đóng góp quan trọng. Ngày nay, bất cứ nhà khoa học nào cũng không muốn ngồi trong "tháp ngà", mà phải tỏ ra có trách nhiệm xã hội. Do đó, đóng góp của họ có hay không có ý nghĩa xã hội là một câu hỏi rất đáng được trả lời. Đối với cá nhân nhà khoa học, altmetric cung cấp một phương tiện thu thập chứng cứ để trả lời câu hỏi về tác động xã hội của khoa học.

====

(1) Xem chi tiết tại altmetric.com




(5) Cách cài đặt và sử dụng altmetric rất đơn giản. Các bạn có thể làm những bước sau đây để cài đặt altmetric trong một trình duyệt (Chrome, Forefox, Safari, v.v.):


• Sẽ thấy icon "Altmetric it!" ngay trên phần đầu của trang. Kéo cái icon đó vào tệp "Bookmarks" của trình duyệt.

• Kiểm tra Bookmarks sẽ thấy "Altmetric it!" phía dưới (hay trong một folder nào đó).

Sau khi đã cài đặt xong, các bạn có thể tìm chỉ số altmetric cho bất cứ bài báo nào. Chẳng hạn như tôi muốn tìm chỉ số altmetric bài báo về FTO gene và gãy xương, tôi làm các bước sau đây:

• Truy cập vào trang nhà của tập san và bài báo: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24384013

• Tìm trên Bookmarks và chọn nút "Altmetric it!", sau khoảng vài giây, sẽ cho ra kết quả (thường trình bày bên góc trên tay phải của màn hình).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét