Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Một bài báo y học của VN bị gỡ khỏi SpringerPlus


Một bài báo khoa học của Đại học Quốc tế TPHCM vừa bị tập san SpringerPlus gỡ bỏ khỏi tập san. Bài báo có tựa đề "Improved treatment of Asthma by using natural sources of antioxidants" của hai tác giả Nguyen Van Toan và Tran Thi Hanh mới công bố trên SpringerPlus (một tập san Mở rất mới của Springer) bị thu hồi vì theo như thông báo của tập san là nghiên cứu vi phạm điều lệ y đức, và có dấu hiệu mạo nhận [1].


Theo như mô tả thì đây là một công trình nghiên cứu lâm sàng dạng đối chứng ngẫu nhiên (còn gọi là randomized controlled trial – RCT) để đánh giá chất chống oxy hoá trong việc điều trị bệnh hen. Mô hình nghiên cứu này thường được dùng để đánh giá hiệu quả và an toàn của thuốc hay thuật can thiệp. Bệnh nhân tham gia thường được phân nhóm bằng phương pháp ngẫu nhiên hoá, và theo dõi một thời gian. Ngày nay, qua nhiều vấn đề trong quá khứ, tất cả RCT phải đăng kí với các cơ quan quốc tế và phải được phép của hội đồng y đức trước khi thực hiện. Nguyên tắc là như thế, nhưng trong thực tế ở các nước kém phát triển như VN thì có khi có người lờ đi các qui chuẩn đạo đức khoa học.

Quá trình lịch sử bài báo này cũng thú vị.  Bài báo đã được nộp cho một tập san của Springer, nhưng bị từ chối. Thông thường sau khi bài báo bị từ chối, tác giả có thể nộp cho một tập san khác, hay ban biên tập chuyển sang một tập san khác thấp hơn và uy tín kém hơn. SpringerPlus là một tập san như thế, tập san này mới ra đời, theo mô hình Mở, chưa có impact factor, nhưng ý đồ là cạnh tranh với PLoS ONE (tập san này thuộc loại lớn nhất thế giới, mỗi năm công bố trên 30 ngàn bài!). Quay lại câu chuyện, các tác giả sau khi bị từ chối thì họ nộp bài báo cho SpringerPlus. Còn SpringerPlus thì nghĩ là tập san kia chuyển cho họ!  Đây là lỗi của SpringerPlus và họ thú nhận như thế.

Bài báo được SpringerPlus chấp nhận cho công bố (chắc là sau khi qua bình duyệt). Sau khi công bố, có người liên lạc với tập san cho biết là nội dung bài báo khác với những gì công trình được đăng kí trước khi tiến hành. Trong hồ sơ đăng kí, các tác giả cho biết công trình nghiên cứu không dùng phương pháp ngẫu nhiên hoá, nhưng trong bài báo thì tác giả tuyên bố là có ngẫu nhiên hoá trong việc chia nhóm bệnh nhân. Một chi tiết khác là số bệnh nhân báo cáo trong bài báo cũng khác biệt so với hồ sơ đăng kí.

Ngoài ra, theo thông báo của SpringerPlus, nghiên cứu này không được phê chuẩn bởi một hội đồng y đức, và tác giả chưa cung cấp chứng cứ cho thấy bệnh nhân đồng ý tham gia vào công trình nghiên cứu. Người cố vấn khoa học của nghiên cứu là Steven Neill thuộc Đại học West of England (Anh) cho biết ông không biết gì về công trình nghiên cứu, và đại học West of England cũng chẳng dính dáng. RetractWatch [2] cho biết ông Steven Neill là một nhà khoa học thực vật, ông chưa bao giờ làm nghiên cứu trên người. Còn tác giả Nguyen Van Toan thì tốt nghiệp từ ĐH West of England năm 2007, và trong thực tế không có liên quan gì chính thức với trường như là một nhà khoa học hay nhân viên. Nhưng trong bài báo, ông Toan để địa chỉ là người của ĐH West of England!

Y đức trong nghiên cứu y khoa là vấn đề không thể xem thường. Trong các workshop về phương pháp nghiên cứu tôi nhắc đi nhắc lại ý này, vì trong quá khứ đã xảy ra những chuyện không hay. Có lần một bài báo từ Tàu đã được bình duyệt và công bố, nhưng ngay sau khi công bố online, có người bên Tàu viết cho tôi nói rằng công trình đó chưa bao giờ xin phép bệnh nhân (họ làm khá xâm phạm). Bán tín bán nghi, tôi chuyển thư cho tổng biên tập, và tổng biên tập đề nghị tác giả cung cấp chứng cứ là nghiên cứu đã được phê chuẩn và có sự đồng thuận của bệnh nhân. Một tuần sau các tác giả không cung cấp được chứng cứ và cũng không giải thích được, nên chúng tôi phải rút bài báo xuống website. Một kinh nghiệm buồn, mà sau này họp ban biên tập ai cũng được nhắc nhở coi chừng những bài báo từ Tàu. Tàu còn như thế thì VN mình cũng chẳng khác mấy.

VN đang trong quá trình cố gắng có mặt tốt trên trường khoa học quốc tế qua công bố quốc tế. Nhưng công bố khoa học ngày nay đều phải có nội hàm giá trị đạo đức. Trong 5 tiêu chuẩn để đánh giá một nghiên cứu khoa học (FINER – Feasibility, Interesting, Novelty, Ethics, và Relevance) thì đạo đức là một tiêu chuẩn quan trọng. Công trình có ý tưởng hay cỡ nào mà không đạt chuẩn đạo đức là sẽ bị loại bỏ. Trong y khoa, một trong những chuẩn đạo đức là khi nghiên cứu có bệnh nhân thì bệnh nhân phải được giải thích rõ mục tiêu và phương pháp làm, và bệnh nhân phải đồng thuận thì nhà khoa học mới có quyền làm nghiên cứu. Ngay cả sau khi đồng thuận mà bệnh nhân vì lí do gì đó đòi rút khỏi nghiên cứu thì nhà khoa học phải đáp ứng yêu cầu và không được phép hỏi tại sao, càng không dám đe doạ bệnh nhân (kiểu như "không biết mai mốt tôi có gặp bà không?"). Người ngoài ngành y (nhất là khoa học tự nhiên) không am hiểu các nguyên tắc làm RCT nên họ có xu hướng xem thường chuẩn mực y đức và lờ đi. Người trong ngành thì biết chút chút, nhưng do áp lực luận án hay thi đua, nên cũng nhắm mắt đưa bệnh nhân vào nghiên cứu mà bệnh nhân không hề hay biết. Có nơi còn để cho bệnh nhân phải trả tiền xét nghiệm! Đó là vi phạm y đức không thể tha thứ được.

Sự việc rút lại bài báo mà tôi vừa nói là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định lờ đi các chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Trong quá trình hội nhập quốc tế, các nhà khoa học VN cần phải tuân thủ theo các chuẩn mực đạo đức mà cộng đồng khoa học quốc tế đã đề ra và được công nhận.

====

Bài báo vẫn có thể xem qua ở đây: 
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3701788/?report=classic


0 nhận xét:

Đăng nhận xét