Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

GS Trần Đức Thảo và những ngày tháng ở Sài Gòn

Lời dẫn: Nhắc lại câu chuyện: GS Trần Văn Giàu và ông Trần Bạch Đằng trong Nam thuyết phục GS Trần Đức Thảo nên vào Sài Gòn sinh sống vì không khí ngoài Hà Nội ngột ngạt quá. Sau vài tháng can thiệp, ông được phép vào Sài Gòn, dưới sự "quản lí" của thành uỷ. Trong thời gian ở đây, nhiều trí thức tới lui hàn huyên, và ông xuất bản được một quyển sách nhỏ. Mới phát hành sách một đợt thì có lệnh thu hồi. Đến khi "trung ương" mất kiên nhẫn với ông, vì thấy giới trí thức Nam Bộ và những người kháng chiến cũ lui tới thường xuyên, mà họ nghi là có "âm mưu" đen tối. Thế là đảng quyết định trục xuất ông khỏi Việt Nam. Như vậy ông đi từ Paris về Hà Nội, từ Hà Nội vào Sài Gòn, và từ Sài Gòn quay về Paris và chết ở Paris. Một cõi đi về.

=====

[Trích]
Tháng 3/1987, Thảo được phép vào thăm Sài Gòn và được thành uỷ cho trú ngụ tại khách sạn Bến Nghé, là một khách sạn loại bình dân dành cho cán bộ cấp thấp. Tuy vậy, giới trí thức cũng như thành uỷ Sài Gòn đã dành cho Thảo một sự tiếp đón thân tình.

- Đồng chí cứ sinh hoạt thoải mái, ở đây không có sự kiểm soát gắt gao như ở Hà Nội đâu. Còn về mặt vật chất thì thành uỷ sẽ cấp dưỡng chu đáo! Mong rằng từ đây đồng chí sẽ có cống hiến đóng góp vào sinh hoạt tư tưởng với anh em trí thức trong này.

Sự khuyến khích và giúp đỡ ấy là một thúc bách đối với Thảo: phải làm một cái gì đó để đáp lại tấm lòng tốt của anh em miền Nam, phải đáp ứng khát vọng của trí thức Sài Gòn, phải đề ra một phương hướng lí luận mới, không giáo điều, không nguỵ biện.

Được gợi hứng bởi môi trường phóng khoáng của miền Nam, Thảo viết một hơi, chỉ trong vòng 10 ngày một tập sách nhỏ ra đời. Đây là một thứ trích đoạn từ những phác thảo của cuốn sách lớn đã có sẵn trong đầu. Đoạn này phù hợp với nhu cầu của tình hình. Vì nó nêu ra sai lầm cơ bản của cách mạng là lối sùng bái lãnh tụ và lối lí luận nguỵ biện sơ cứng, không chịu nhìn nhận những giá trị sẵn có trong bản sắc, bản năng con người nói chung, không chịu coi con người là trọng tâm, là cứu cánh của mọi lí luận, mọi chính sách. Chính lối lí luận sơ cứng giáo điều, coi con người chỉ là dụng cụ này đã đưa đến bế tắc tư tưởng. Vì đã bỏ quên con người là cứu cánh. Đấy là nguyên nhân sâu xa khiến khối Liên Xô cho tới chế độ Khmer Đỏ đã bị phê phán nặng nề, đến phải lung lay, và đã sụp đỗ …

Kết quả của sự ra mắt tập sách nhỏ với nhan đề "Con người và chủ nghĩa lí luận không có con người" thật là một bất ngờ. Đây là một mốc sinh hoạt tư tưởng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu triết học của Thảo từ khi về nước. Đây là lần đầu tiên một tập sách mang tính lí luận triết học không chịu sự chi phối của đảng đã được công khai bán tại VN. Mà, tác giả của nó lại là Trần Đức Thảo, một nạn nhân, một tội đồ trong vụ "Nhân văn Giai phẩm"! Tập sách nhỏ này ra đời đúng vào lúc mọi người đang náo nức bàn luận về một xu hướng đòi hỏi phải thay đổi cả về tư duy lẫn đường lối chính sách. Cuốn sách được trí thức miền Nam đánh giá là một văn bản bác giáo điều, chống tệ nạn sùng bái cá nhân của thời đảng bao cấp, đảng thống trị.

[…]
Cuốn sách được xuất bản dễ dàng và đạt kết quả tốt. Chỉ trong 3 tháng, người ta đã phải cho tái bản vì độc giả tìm mua quá đông, mà sách không còn để bán.

Vì có những lời bình bàn vui mừng quá trớn, coi tập sách này như là một bùng phát của một tâm thức bị dồn nén đang muốn vùng dậy. Dư luận coi đó là lời tố cáo, gần như công khai, nguồn gốc của một chế độ đã có quá nhiều thủ đoạn kìm kẹp, bắt ép con người phải sùng bái một lí thuyết, sùng bái lãnh đạo … và cứ phải bưng bít sự thật, phải dối trá nguỵ biện trong lí luận để củng cố địa vị và để chạy tội.

Trước những lời bình bốc đồng như thế, Thảo lo ngại vì thấy có thể gặp phản ứng nguy hiểm, nên đã cố ý sửa lại cuốn sách trước khi cho tái bản, bằng cách đưa chương mở đầu nói về tệ nạn qui oan, tệ nạn sùng bái, vào bên trong, thành chương 8 ở cuối sách, cho nó bớt va chạm vào sự kiêu căng, tự ái của mấy ông "bảo hoàng hơn vua", của mấy ông "quan cách mạng" trong ban cục "tuyên giáo", "bảo vệ", và "tuyên huấn", "tư tưởng trung ương"... Rồi ở phần cuối thì tăng thêm vài trang nói về hiện tượng giáo điều cực đoan của chế độ … Pol Pot.

Nhưng kẹt cho thành uỷ Sài Gòn là có lệnh từ Hà Nội yêu cầu thu hồi cuốn sách và từ nay cấm phổ biến nó! Chờ cho vài tuần đi qua, thành uỷ báo cáo ra Hà Nội rằng "Rất tiếc, không thi hành lệnh thu hồi được, vì cuốn sách, cả ở lần tái bản, nay đã bán hết ra ngoài"!
Nhờ lần tái bản này với số lượng in ra nhiều hơn nên dễ mua hơn. Hậu quả là số trí thức lui tới khách sạn Bến Nghé tiếp xúc với Thảo tấp nập. Công an khu vực khách sạn được lệnh vào cuộc bằng cách lập danh sách những ai hay tới ghé thăm Thảo. Nhưng số người ghé thăm cứ tăng vọt lên khi có tin cuốn sách đã bị cấm bán. Để chấm dứt sự chiếu cố quá lộ liễu của giới trí thức và giới cựu kháng chiến của miền Nam, thành uỷ ra lệnh thay đổi chỗ ở của Thảo.

Những người bạn mới của Thảo thường ưa tới bàn chuyện chính trị đã bị cụt hứng khi tới khách sạn Bến Nghé và được nhân viên khách sạn trả lời:
- Đồng chí ấy đã trở về Hà Nội rồi!

Sự thật là Thảo đã được cấp cho một căn nhà nhỏ ở đường Đề Thám chứ không phải là đã bị đưa về Hà Nội. Nhưng người ta cũng khám phá ra địa chỉ mới của Thảo. Lần này thì có nhiều trí thức của chế độ cũ tới làm quen với Thảo.

[…]
Tới với Thảo giờ đây là cánh kháng chiến cũ của miền Nam, từng bị gạt ra bên lề chính trường ngay sau ngày chiến thắng. Giới này bao gồm hai thành phần: thành phần có uy thế văn hoá, văn chương, có bằng cấp, đã được dùng như đồ trang trí trong Phong trào hoà bình, hoà giải dân tộc trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Nay thì họ phê bình đảng một cách cay đắng vì bị lâm vào cảnh "vắt chanh bỏ vỏ". Còn thành phần đảng viên gốc miền Nam chính cống, thuộc lực lượng vũ trang, từng trực tiếp đóng góp xương máu cho sự nghiệp thống nhất, thì nay phẫn nộ ra mặt, để phản kháng chính sách phản bội anh em, đồng chí miền Nam của đảng.
[…]
Công an phường Cô Bắc đã được lệnh phải theo dõi chặt chẽ hơn, phải lập hồ sơ lí lịch những ai lui tới với Thảo. Cuối cùng thành uỷ Sài Gòn đành phải báo cáo lên trung ương về một "nguy cơ chính trị đang hình thành" do số người phức tạp đến gặp Thảo ngày càng đông. Có lúc họ ngủ lại trong nhà Thảo. Bản báo cáo này đi vòng vo rồi cũng tới tay … Sông Trường, với lời báo động của Ban tư tưởng văn hoá.

Rồi một hôm, trời tuy nắng nhưng do cuối năm nên không nóng mấy, Sông Trường tới thăm. Thảo ngạc nhiên!

- Đã lâu quá không gặp anh, nên hôm nay rảnh rỗi, tới thăm anh. Sức khoẻ anh độ này thế nào? Sao trông anh có vẻ hơi vàng vọt, bệnh gan của anh sao rồi, có thuốc men đầy đủ không? Anh có cần gì không?

- Cám ơn anh đã có lòng tới thăm tôi. Mà sao hôm nay anh lại chú ý đến sức khoẻ của tôi vậy? Sự thật là tôi chưa bao giờ cảm thấy khoẻ như lúc này. Nhưng anh tới là chuyện gì vậy anh? Giữa anh và tôi ta nên cứ thẳng thắn với nhau đi. Có phải là tại vì có nhiều người lạ đến thăm tôi? Tôi cũng thấy bị mất thời giờ với họ. Nhưng họ là những người tâm huyết của miền Nam, thấy họ tỏ ra rất trăn trở về tình hình đất nước như tôi, nên tôi không thể xua đuổi họ.
- Họ trăn trở về điều gì? Có phải họ than thở với anh về tình trạng các cán bộ miền Bắc vào đây quá đông nên đã chiếm chỗ làm của họ?

- Không phải vậy. Đấy là điều lần đầu tiên tôi được anh cho biết có tình trạng đó. Họ tới với tôi là để bàn về hiện tượng hủ hoá tràn lan của các cấp cán bộ cách mạng của ta ở trong này. Đại khái họ nêu ra những cách thức làm giàu, vơ vét của cải quá lộ liễu của các cán bộ cấp cao cũng như cấp thấp ở mọi nơi … Họ dùng quyền lực xin nhà, cấp nhà đất cho họ hàng, gia đình, thậm chí cho cả bạn bè hay người bên ngoài đảng nữa, để cấu kết với nhau kinh doanh bất hợp pháp đất đai rất trắng trợn. Xin nhà rồi thì đòi hợp thức hoá. Hợp thức hoá xong là bán cho tư nhân, rồi xin đổi đi tỉnh khác, lại xin trợ cấp vì lí do chưa có. Cứ như vậy, con cháu họ bị thuyên chuyển đi nhiều tỉnh làm việc là cuối cùng họ giàu lên quá nhanh.

Còn xin đất để phát triển công nghiệp, nhưng vừa được cấp xong là bị xẻ nhỏ ra để nhượng lại cho dân xây nhà ở. Có nơi vùng ven biển thì nhắm mắt cho phép kẻ gian lập bãi đáp cho dân đi chui di tản ra nước ngoài, chúng thu mỗi đầu người ra đi như vậy từ năm đến mười mấy "cây" vàng! Anh thử tính coi, từ bao nhiêu năm nay, có cả mấy trăm ngàn người đã bằng lòng mua bãi để được đi chui an toàn, và chúng đã thu được hằng mấy tỉ đô la Mĩ. Tôi nghe họ tính toán kinh hãi quá.

Hôm nọ, hai anh Trần Bạch Đằng và Trần Văn Giàu tới thăm tôi, hai anh ấy than là đảng và chế độ ta bị tai tiếng nhiều là do cánh tư tưởng văn hoá và cánh công an: cả hai cánh ấy đều quen thói vu khống, chụp mũ, chế tạo bằng chứng giả, sử dụng côn đồ, rồi toa rập với toà án tạo ra những án oan để đánh trí thức và làm tiền cho bọn nhà giàu, bịt miệng giới tranh đấu đòi các quyền dân chủ … Nhà nước mà tham lam, đầy thủ đoạn lộ liễu như thế thì còn gì là chính nghĩa, là công lí nữa?! Dân làm sao kính trọng một đảng, một nhà nước đầy thủ đoạn và thối nát như thế. Hai anh ấy hỏi tôi làm sao chấm dứt tình trạng này. Anh có biết gì về những tệ nạn ấy không?

- Tôi biết chứ! Đui mù cũng phải thấy chứ! Nhưng nay tệ nạn cán bộ "biến chất" tràn lan ra đều khắp, dẹp hết không nổi, mà dẹp hết thì sẽ không còn cán bộ mà sai khiến. Khó khăn, nan giải lắm, chứ không dễ thanh toán đâu.

- Thế anh có biết tại sao hiện nay cánh văn hoá tư tưởng, cánh công an cứ tự do thao túng và tệ nạn làm giàu bất hợp pháp lại trắng trợn và tràn lan như vậy không? Theo tôi là do chính quyền cứ bưng bít, không dám công khai hoá những vụ việc bất lương ấy ra trước ánh sáng dư luận. Nên bọn chúng cứ hoành hành như là vẫn được bóng tối che dấu, ít ai biết đến tội lỗi của chúng. Nhưng nhân dân đã thấy hết. Nếu cho báo chí của ta tự do khui các vụ ấy ra, thì tham nhũng sẽ phải chùn tay. Trước sau gì, muốn thắng tụi nó là phải có tự do báo chí! Tự do báo chí là để ánh sáng soi rọi vào những nơi có sai trái, tội lỗi!

- Không được! Không được đâu! Vì tự do báo chí là sẽ loạn ngay. Tụi thù địch sẽ nhảy vào lợi dụng. Chúng sẽ quậy nát chế độ ta. Vì chỗ nào mà chẳng có tham nhũng. Chúng nó sẽ dùng tự do báo chí để đẩy mạnh diễn biến hoà bình là ta sẽ sụp đổ y như Liên Xô trước đây thôi. Cái gì chứ tự do báo chí là tuyệt đối không được đâu.

- Tôi thấy sự sụp đổ ở Liên Xô là không phải do có tự do báo chí. Vì lúc đó phần lớn báo chí ở khắp nơi vẫn ở trong tay đảng kia mà! Sự sụp đổ ấy có nguyên nhân nội tại, nó đã tới từ nội bộ hoang mang, rối loạn trong đảng. Từ những sai lầm đã tích luỹ từ lâu …

- Thôi, anh đừng bận tâm về những chuyện chính trị phức tạp ấy. Nó khó giải thích lắm! Và, có lẽ là không thể giải thích được, ta nên tạm gạt nó qua một bên.

- Vậy thực sự là anh tới thăm tôi hôm nay có mục đích gì?

- Đúng như anh dự đoán, tôi tới anh với một mục đích rõ rệt đã được suy nghĩ rất kĩ. Tôi tới là để đề nghị với anh một giải pháp có lợi cho anh về mọi mặt. Tôi yêu cầu anh không trả lời ngay, mà cứ để suy nghĩ cho thật kĩ rồi hãy trả lời.

- Đề nghị gì mà ghê gớm thế?

- Tôi đề nghị anh nên trở qua Pháp nghỉ ngơi, tìm thuốc men chữa bệnh cho thật khoẻ rồi sau lại về đây. Lúc đó chúng ta sẽ tính với nhau một công tác triệt để và lâu dài. Vì tới đây, đất nước ta sẽ lột xác thành một con rồng Á châu, ít ra cũng có thể sánh với Đài Loan và Hàn Quốc. Anh cứ suy nghĩ cho thật kĩ đi, tôi biết rồi thế nào anh cũng hiểu ý tôi, để chấp thuận đề nghị này. Bởi vì nếu anh ở lại Sài Gòn hay trở lại Hà Nội, thì rồi cũng chỉ phí phạm thời gian của anh thôi. Nếu anh ra đi sẽ như đại bàng bay trở lại vùng trời cao, nó sẽ có thể thấy và làm được nhiều chuyện phi thường, khác với lúc nó bị nhốt trong chuồng, cho dù cái chuồng ấy tốt đẹp đến đâu, nhưng vẫn phải sống chung với đàn gà.
- Thật là một đề nghị quá bất ngờ đối với tôi. Như anh đã biết, trong thời gian kể từ khi về nước đến nay, đã có vài lần tôi được mời cùng phái đoàn của ta đi tham quan nước ngoài, và đã có lần chính người trong đoàn đề nghị để tôi cứ âm thầm ở lại nước ngoài để mà tiếp tục nghiên cứu y như hồi còn sinh hoạt ở Paris, nhưng tôi đã dứt khoát từ chối. Vì tôi nghĩ Thảo ngày nay y như một cây tùng đất Việt, nó chỉ có thể mọc và phát triển cho đúng là cây tùng khi nó được trồng ở đất Việt mà thôi. Ở nơi khác, nó sẽ không còn được vóc dáng của một cây tùng nước Việt! Bây giờ anh tính bứng nó đi để trồng ở một nơi khác.

- Không, tôi nghĩ bây giờ cây tùng ấy đã tăng trưởng đủ để, dù trồng ở đâu, vẫn có bản chất, vóc dáng, bóng mát của cây tùng. Anh cứ nghĩ cho thật kĩ đi rồi hay trả lời tôi. Anh chưa chán cảnh phượng hoàng phải sống chung với đàn gà à? Thôi, tôi về và chờ câu trả lời có suy nghĩ của anh.

- Anh không cần phải chờ! Tôi trả lời thẳng với anh rằng tôi không cần đi đâu cả. Anh phải biết rằng khi trở về đất nước này là tôi đã bồng bột mang theo một giấc mơ huy hoàng, một kì vọng vĩ đại là để mang con tim khối óc ra xây dựng một mô hình cách mạng mà loài người mong đợi! Nhưng khi trở về quê hương rồi, thì giấc mơ ấy, kì vọng ấy đã bị thực tại chỗ đạp cho tan tành. Rồi mãi sau, qua những trải nghiệm vất vả, tôi mới đứng dậy được, nhờ đã định ra cho mình một nghĩa vụ thiết thực hơn, nhờ đã tìm ra một kì vọng chắc chắn sẽ thành tựu, là sẽ góp ý làm cho cuộc cách mạng này có tính nhân bản, nhân đạo hơn, cho bớt tính chuyên chính độc đoán, tính hiếu chiến gây tai hoạ, để trở thành một nhà nước hoà bình, dân chủ hợp lòng dân, thực sự do dân và vì dân để mà sống còn với thời đại và thời gian. Anh không thấy, không hiểu thành tâm thiện chí và quyết tâm của tôi sao?

- Tôi rất hiểu lòng nhiệt thành của anh. Chính vì thể mà tôi muốn anh ra đi. Chúng tôi đã bố trí, đã chuẩn bị cho anh một lối thoát vừa danh dự, vừa lí tưởng, Vì anh chưa suy nghĩ thấu đáo đó thôi. Mai tôi sẽ trở lại, xin anh đừng thoái thác vội vã. Anh cứ suy nghĩ và suy nghĩ thêm đi, mai sẽ trả lời tôi. Vì tất cả đã sẵn sàng rồi, nhất định anh không thể lưu lại cái đất Sài Gòn này như vậy nữa đâu. Đảng đã quyết định, nhất định là anh phải ra đi thôi, không cưỡng lại được đâu, mà sự thật là không nên cưỡng lại, vì ra đi sẽ có lợi cho anh … Anh cứ suy nghĩ thấu đáo để thấy rõ đề nghị thực tiễn của tôi.

Sau khi Sông Trường ra về, Thảo suy nghĩ đến đau đầu. Tại sao lại có đề nghị này? Đây lại thêm một thủ đoạn để cô lập ta với những trí thức và cánh kháng chiến miền Nam. Lỗi ở ta đã không cảnh giác, cứ tưởng vào Nam là thoát cảnh bị kìm kẹp. Bây giờ họ muốn đẩy ta đi, mà ta từ chối thì chuyện gì sẽ xảy ra. Họ thì thiếu gì thủ đoạn. Chính Sông Trường đã nói thẳng ra mọi sự đã được bố trí sẵn sàng rồi là gì! Ta làm sao cưỡng lại được. Mà ra đi hay ở lại, lợi cho ai, hại cho ai? Tuổi ta đã gần đất xa trời, còn chống trả với quyền lực và thời gian được bao lâu nữa? Mà chống trả làm gì khi ta vẫn còn bị kìm kẹp và phong toả? Ta đi sẽ tới chân trời rộng mở. Ở lại là vẫn bị bao vây bởi bức tường cảnh giác và nghi kị. Vài năm nữa ta chết đi, mang vào cõi im lặng cả một khối lượng tư duy và bao công trình trải nghiệm … thế là rảnh nợ cho họ. Thôi cũng đành mang thân xác này ra gửi xứ người. Biết đâu ở bên ngoài ta lại có đủ thời gian và cơ hội để dàn trải trí óc ta lên trang giấy, trong một cuốn sách hầu lưu lại một cái gì cho hậu thế. Thôi thì nay chỉ còn một giấc mộng nhỏ, một kì vọng thật mong manh trong một cuốn sách, trước khi ta trở về với cát bụi.

[Hết trích]




0 nhận xét:

Đăng nhận xét