Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Nhà khoa học đầu ngành?


Hôm nọ đọc một bài phỏng vấn có tựa đề “Chức danh khoa học không thể xin, cho”, mà trong đó thật ra người ta bàn về cái danh xưng “nhà khoa học đầu ngành”. Điều này làm tôi phân vân và cảm thấy khó hiểu.


Tôi đoán cụm từ “nhà khoa học đầu ngành” ở đây là “leading scientists”. Mà, leading scientist thì không phải là một danh xưng chính thức (official title). Có ai phong cho hay tự phong là leading scientist đâu? Đồng nghiệp trong chuyên ngành chỉ NGẦM hiểu ai là leading scientist chứ chẳng ai phong một cách chính thức cả. Có thể có nhóm chuyên xếp hạng lập danh sách những nhà khoa học có uy tín cao (chẳng hạn như trang www.expertscape.com), nhưng chẳng ai phong một cách chính thức cả. Ở nước ngoài, người ta có cụm từ “internationally recognized expert/scientist” để chỉ những người (a) có những công trình nghiên cứu nổi tiếng hiểu theo nghĩa trên các tập san danh tiếng và có nhiều trích dẫn; (b) lãnh đạo một lab nghiên cứu danh tiếng; (c) giữ chức vụ quan trọng trong hiệp hội chuyên môn; (d) được trao những giải thưởng quan trọng. Những người này bước vào hội nghị là đồng nghiệp trong chuyên ngành nhận ra ngay. Những người này được hiểu ngầm là leading scientist/expert, chứ chẳng ai phong cho họ cả. 

Ấy thế mà ở Việt Nam người ta có hẳn những tiêu chuẩn định lượng cho nhà khoa học đầu ngành! Bài báo trên viết “Ví dụ, nhà toán học đầu ngành, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí quy định phải được Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam tín nhiệm thông qua hình thức bỏ phiếu và phải đạt quá 2/3 số phiếu mới được vinh danh.” Ở bên nhà hình như người ta có nhiều thì giờ dành cho những việc có thể xem là … vớ vẩn như thế này. 

Một điều khác mà tôi nghĩ không đúng với thực tế là câu “Một hội chuyên ngành không thể tôn vinh 5-7 nhà khoa học đầu ngành được. Vì thế, khó có nguy cơ tràn lan các nhà khoa học đầu ngành.” Thật ra, trong chuyên ngành nào cũng có nhiều leading scientists, con số có thể không phải là 100 nhưng chắc chắn 10-20 người. Không có giới hạn cho con số leading scientist. 

Theo tôi nghĩ, không nên tốn thì giờ để đặt ra những qui chế, những tiêu chuẩn định lượng cho “nhà khoa học đầu ngành”. Tuyệt đối tránh kiểu hành chính hoá như thế. Nên để cho cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá qua những tiêu chí mà cộng đồng khoa học công nhận.
----

0 nhận xét:

Đăng nhận xét