Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Một mô hình hoạt động khoa học khả dĩ cho Việt Nam

Năm 2013 sắp đi qua, và dịp cuối năm có lẽ cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta nhìn lại những biến chuyển trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong năm qua. Một trong những chỉ số tổng quát nhất có khả năng phản ảnh mức độ hoạt động khoa học là số lượng ấn phẩm khoa học được công bố trên các tập san quốc tế, đặc biệt những tập san trong thư mục ISI (Viện thông tin khoa học). Các tổ chức quốc tế chuyên về đánh giá khoa học vẫn dùng con số này như là một chỉ số chung để so sánh và đánh giá chung tình hình khoa học của một quốc gia.


Tăng hoạt động khoa học

Tính đến tháng 11/2013, Việt Nam đã công bố 1776 bài báo khoa học trên các tập san ISI. Theo ước tính của tôi, con số trọn năm 2013 có thể là ~2100 công trình. Đây là một cái mốc đáng chú ý vì lần đầu tiên, số ấn phẩm khoa học của Việt Nam đã vượt qua con số 2000. Con số này phản ảnh tốc độ tăng trưởng 18% so với năm 2012, và gấp 2 lần so với năm 2009. Đó là một sự tăng trưởng rất đáng khích lệ. 

Hình báo Tuổi Trể Cuối Tuần 

Tuy nhiên, so với vài nước trong khối ASEAN, số bài báo khoa học của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.  Ước tính trong năm 2013, Thái Lan công bố được 6390 công trình, Malaysia công bố được ~8500 công trình, và Singapore là 11400 công trình.  Nói cách khác, số công bố quốc tế của Việt Nam hiện bnay bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, công bố quốc tế của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines. 

Nguồn: ISI Web of Science (date of access: 30-11-2013). Đồ họa: L.T.

Sự tăng trưởng về hoạt động khoa học và công bố quốc tế là một tin vui, nhưng một khía cạnh khác làm cho niềm vui đó chưa trọn vẹn.  Đó là tình trạng lệ thuộc của khoa học Việt Nam vào nước ngoài. Trong 10 năm qua cho đến nay, gần 80% những công trình công bố quốc tế của Việt Nam là do hợp tác với nước ngoài, kể cả một số ít qua hình thức nghiên cứu sinh. Ở các nước trong vùng, tỉ lệ hợp tác quốc tế là khoảng 50%.  Dĩ nhiên, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là một điều cần thiết và rất đáng được khuyến khích, nhưng nếu hợp tác mà “chủ quyền” của công trình nghiên cứu thuộc về người nước ngoài là một chỉ số để đánh giá nội lực của một nền khoa học.  Theo nhiều chuyên gia về đánh giá khoa học, một tỉ lệ 80% được xem là “lệ thuộc”, và chiếu theo quan điểm này thì chúng ta cũng có thể nói rằng một số ngành khoa học của Việt Nam đang ở trong tình trạng lệ thuộc. 

Những nhân tố “mới nổi” và mô hình mới 

Sự tăng trưởng về công bố quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua là một xu hướng chung trong vùng Đông Nam Á. Một phần của sự tăng trưởng là do đóng góp của các công trình khoa học do Quĩ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ, nhưng một phần lớn là do sự gia tăng hoạt động nghiên cứu khoa học ở các đại học trên khắp nước. Khoảng 20% những bài báo khoa học của VN trên các tập san quốc tế là do NAFOSTED tài trợ, và tỉ trọng này đang tăng nhanh trong thời gian gần đây. 

Nhưng đóng góp của NAFOSTED vẫn còn khiêm tốn, vì khoảng 80% các bài báo từ VN là từ các nguồn không do NAFOSTED hỗ trợ. Đáng chú ý là những trường đại học hàng đầu có công bố quốc tế là Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, và Đại học Cần Thơ. Nhiều trường có qui mô lớn ở phía Nam có ít công bố quốc tế hơn so với các trường phía Bắc. 

Nhưng hiện nay, các đại học lớn đã không còn “độc quyền” trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế nữa. Thật vậy, một số đại học cấp tỉnh cũng đã có những công trình khoa học trên các tập san quốc tế.  Đáng chú trong số các trường mới nổi là ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Nha Trang, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quy Nhơn, ĐH Đồng Tháp, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Duy Tân, ĐH Hồng Đức, ĐH Lê Quý Đôn, ĐH Quảng Bình, ĐH Tây Nguyên, ĐH Tân Tạo, v.v.  Sự đóng góp của các đại học “mới nổi” này là một trong những yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng về công bố quốc tế của Việt Nam trong thời gian 5 năm qua.

Sự tham gia và đóng góp của các trường đại học “mới” là một minh chứng cho một mô hình tổ chức mới cho nghiên cứu khoa học.  Đó là “mô hình phân tán” tạo điều kiện bình đẳng cho TẤT CẢ các trường tham gia nghiên cứu khoa học. Tiêu chí để hỗ trợ chỉ dựa vào tiêu chuẩn khoa học mà không phân biệt cấp tỉnh hay thành phố, không phân biệt trung ương hay địa phương. Cũng không cần phải phân biệt người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, hay cử nhân; bất cứ ai có khả năng nghiên cứu và chứng minh được tính khả thi cũng như ý tưởng tốt cần phải được tài trợ cho nghiên cứu. 

Ở cấp trường, một mô hình mới có thể gia tăng năng suất khoa học là “nhóm tinh hoa”. Với mô hình mới này, trường đại học lập ra những nhóm nghiên cứu chuyên ngành, cỡ trung và nhỏ. Mỗi nhóm qui tụ khoảng 3 đến 10 nhà khoa học, có thể cả các nhà khoa học Việt kiều, với nhiều kĩ năng và kinh nghiệm hỗ tương cho nhau. Nhà khoa học Việt kiều có thể đóng vai trò trưởng nhóm, nhưng không nhất thiết phải có mặt toàn thời gian tại trường.  Mỗi nhóm nghiên cứu tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn, có thể nhận tài trợ từ trường hay các nguồn địa phương, và được quyền tự chủ trong việc chi tiêu. Trường có thể hỗ trợ trong việc quản lí nhưng tạo điều kiện tinh giản các thủ tục hành chính cho các nhóm.  “Sản phẩm” của những nhóm nghiên cứu này dĩ nhiên phải là bài báo khoa học, chuyển gia công nghệ, và [nếu điều kiện cho phép] bằng sáng chế đăng kí với các tổ chức khoa học quốc tế. Mô hình này tuy mới ở Việt Nam, nhưng không mới ở nước ngoài vì đã được áp dụng rất thành công. Với mô hình này, Đại học Tôn Đức Thắng đã nâng số công trình công bố quốc từ con số 0 của 5 năm trước lên >70 trong 3 năm qua.

Lượng và chất   

Gần đây, có ý kiến cho rằng chúng ta không nên chạy theo số lượng bài báo quốc tế mà nên tập trung vào chất lượng. Quan điểm này hoàn toàn hợp lí, nhưng rất dễ bị lạm dụng bởi những nơi không hay còn kém về nghiên cứu khoa học.  Người ta có thể lí giải rằng “chúng tôi chưa có công bố quốc tế, vì chúng tôi đang có công trình quan trọng”. Vấn đề của cách lí giải này là không ai biết công trình đó quan trọng như thế nào, và ai là người đánh giá tầm quan trọng, nếu tác giả chưa bao giờ hay rất ít công bố quốc tế. 

Khoa học không thể phát triển theo xu hướng “trên trời rơi xuống” hay “đột biến”, tức không thể chỉ một công trình mà dẫn đến giải Nobel. Trong thực tế, sự tiến bộ của khoa học theo từng bước một. Trước khi công bố công trình lớn, nhà khoa học thường đã có những công trình nhỏ và trung, và xây dựng uy danh của mình trên trường quốc tế qua công bố quốc tế. Không thể nào trông chờ một công trình đẳng cấp Nobel khi mà nhà khoa học vẫn chưa thực hiện được một công trình bình thường. 

Một trong những trường hợp được nêu ra để biện minh cho quan điể không cần quan tâm đến công bố quốc tế là trường hợp của Giáo sư Peter Higgs, người mới được trao giải Nobel về vật lí. Giáo sư Peter Higgs cho biết trường đại học Edinburgh (nơi ông làm việc) đã có ý định cho ông nhỉ việc, vì trong suốt 10 năm qua ông không có một bài báo nào. Ông thật lại rằng sự hiện diện của ông trở thành một nỗi xấu hổ của bộ môn vật lí của Đại học Edinburgh. Tuy nhiên, có thành viên của trường cho rằng nếu vài năm nữa ông vẫn chưa chiếm giải Nobel thì đuổi ông vẫn chưa muộn! 

Dựa vào câu chuyện của Peter Higgs, nhiều người ở Việt Nam cho rằng họ không cần công bố quốc tế, vì ngay cả một khôi nguyên Nobel mà còn chậm trễ trong công bố quốc tế. Tuy nhiên, ý kiến này có phần … nguỵ biện.  Trước khi được trao giải Nobel, ông Higgs đã từng công bố những công trình quan trọng mang tính đột phá; ông có ít công trình sau khi nghỉ hưu chứ không phải trong lúc công tác. Vả lại, 99.99% các nhà khoa học là những nhà “khoa học bình thường” chứ không phải ở đẳng cấp Peter Higgs. Chưa thấy một nhà khoa học Việt Nam nào có đẳng cấp như ông Higgs.  Trong quá khứ, cũng chưa thấy những công trình mang tính đột phá từ Việt Nam.  Do đó, lấy trường hợp của ông Higgs hay các khôi nguyên Nobel để biện minh cho việc không công bố quốc tế có thể hiểu như là một nguỵ biện. 

Việt Nam cần nhiều công bố quốc tế hơn nữa. Hiện nay, Việt Nam đứng hạng 68 (trong số 236 quốc gia) trên thế giới về công bố quốc tế.  Về tần số trích dẫn (một chỉ số phản ảnh chất lượng nghiên cứu) Việt Nam đứng hạng 65, so với Thái Lan (hạng 40), Malaysia (47) và Singapore (30).  Trong khi đó, theo thống kê củ Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có trên 10,000 giáo sư, 18000 tiến sĩ, và 36000 thạc sĩ, tức trên 64000 người có tiềm năng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Nếu mỗi 2 tiến sĩ và giáo sư công bố một bài báo khoa học thì Việt Nam có tiềm năng công bố 14000 bài báo khoa học mỗi năm. Hiện nay, con số công bố quốc tế trong thực tế chỉ bằng 14% tiềm năng! 

Tóm lại, năm 2013 là một cái mốc tương đối quan trọng vì lần đầu tiên số bài báo khoa học của Việt Nam đã vượt qua cái ngưỡng 2000 bài. Đó là một tín hiệu đáng khích lệ vì sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong vùng về công bố quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là khoa học Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài vì “nội lực” còn quá kém. Chúng ta không thể dựa vào vài trường hợp cá biệt để biện minh rằng không cần công bố quốc tế. Khoa học mà không có công bố kết quả là khoa học chết. Để nâng cao năng suất khoa học cấp quốc gia, cần phải mở rộng và khuyến khích tất cả các đại học tham gia nghiên cứu và công bố quốc tế. Ngoài ra, một mô hình khả dĩ khác là lập ra và tạo điều kiện dễ dàng cho các nhóm tinh hoa chuyên về một lĩnh vực khoa học. 

Chú thích: Bài đã đăng trên TTCT:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét