Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Ngôn ngữ của Tàu: xưa và nay

Ngẫm nghĩ lại việc báo chí của Tàu cộng gọi Việt Nam là một “đứa con trai hoang đàng” kể cũng thú vị nhưng không ngạc nhiên. Thú vị là vì lần đầu tôi nghe họ dùng kiểu ví von này, mà hình như trước đây họ chưa bao giờ đề cập. Không ngạc nhiên là vì (a) các quan chức Tàu cộng vốn đã quen với thói xấc láo và vô giáo dục, và (b) thái độ nhũn nhặn của phía VN. Tôi nghĩ chính vì thái độ của VN mà Tàu lấn lướt tới và khinh thường VN.


Ngẫm nghĩ lại việc báo chí của Tàu cộng gọi Việt Nam là một “đứa con trai hoang đàng” (0) kể cũng thú vị nhưng không ngạc nhiên. Thú vị là vì lần đầu tôi nghe họ dùng kiểu ví von này, mà hình như trước đây họ chưa bao giờ đề cập. Không ngạc nhiên là vì (a) các quan chức Tàu cộng vốn đã quen với thói xấc láo và vô giáo dục, và (b) thái độ nhũn nhặn của phía VN. Tôi nghĩ chính vì thái độ của VN mà Tàu lấn lướt tới và khinh thường VN. 

Có nhiều bằng chứng cho thấy các quan chức của Tàu cộng quen thói xấc xược với cộng đồng quốc tế. Chúng ta còn nhớ khoảng 3 năm trước đây (2011), các quan chức ngoại giao Phi Luật Tân phải thông báo cho Tàu cộng biết rằng họ cấm cửa một quan chức ngoại giao cao cấp của Tàu tên là Li Yongsheng vì người này quá thô lỗ (1). Thô lỗ đến nỗi người có học bình thường không chịu được và phải cấm cửa như cấm cửa loại thú hoang dơ bẩn.

Nhưng Tàu cộng không chỉ thô lỗ với các nước láng giềng Á châu, mà còn tỏ ra xấc láo với các nước phương Tây như Mĩ, Anh và Úc. Đối với Mĩ, các nhà ngoại giao Mĩ xem các quan chức ngoại giao Tàu cộng như những người lớn chưa trưởng thành nên họ chẳng thèm chấp. Ai lại đi chấp nhất với con nít? Mới đầu năm nay (2/2014), Bộ trưởng ngoại giao Úc là bà Julie Bishop có chuyến viếng thăm chính thức Tàu, và trong một buổi truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Tàu cộng là Wang Yi tỏ ra rất cay cú với bà Bishop (2). Một quan chức ngoại giao Úc mô tả lời phát biểu của Wang Yi là thô lỗ nhất mà ông ghi nhận trong sự nghiệp 30 năm làm nhà ngoại giao của ông.

Thật ra, Tàu đã quen thói vô lễ từ lâu chứ không phải mới đây. Đọc tài liệu “Minh thực lục” do tác giả Hồ Bạch Thảo có công sưu tập và chú giải (3) chúng ta thấy vua chúa Tàu đã từng dùng những ngôn ngữ xấc xược từ thế kỉ 15. Ví dụ như trong một “chiếu chỉ” viết cho nước Trảo Oa (Java), Minh Thái Tông (tức Thành Tổ) viết:

Ngươi vốn ở biển nam, làm tròn chức cống, Sứ giả qua lại biết lấy lễ đáp lại, Trẫm riêng khen điều đó. Mới đây bọn ngươi cùng Đông Vương gây việc binh đao ; khiến 170 người của Thiên triều sai đến đều chết, tội lỗi rành rành. Vả lại ngươi và Đông Vương đều được triều đình phong tước, nhưng vì sự tham giận, tự tiện tiêu diệt chiếm nước của Đông Vương, trái đạo trời nghịch mệnh, còn tội nào lớn hơn vậy ! Sắp đem quân đi thảo phạt, thì ngươi sai Á Liệt Gia Ân đến kinh khuyết chịu tội. Trẫm nghĩ ngươi biết hối hận, nên dừng binh không tiến ; nhưng nghĩ đến 170 người chết một cách oan uổng, thì làm sao bỏ qua được ! Bởi vậy ngươi phải nộp 6 vạn lạng vàng bồi thường tính mệnh người chết để chuộc tội, mới bảo hộ được đất đai và nhân dân của ngươi. Nếu không tuân thì không thể tránh được mang quân đi hỏi tội; hãy xem sự việc tại An Nam để làm tấm gương soi ! 

Còn với Chiêm Thành:

“Thiên tử cho rằng vừa bình định xong, dân mới được yên nghiệp, không nỡ mang quân đi đánh nước man di xa xôi. Chỉ sai sứ sang dụ Chiêm Ba Đích Lại rằng nước ngươi từ lâu bị An Nam độc hại, mấy lần xin phát binh tiễu trừ, Trẫm đã mệnh đem quân bình định, chia nước này thành quận huyện. Ngươi Lại, đáng cảm tạ ân đức, yên phận để giữ đất phong, nếu ăn ở hai lòng trái đạo trời, không chăm sóc kẻ dưới, không chịu trả lại đất An Nam, thì hãy trông bánh xe đổ trước mắt, xem đó để làm răn !”

Đúng là loại ngôn ngữ của bề trên, xấc xược và thô lỗ.

Nhưng đó là thời xưa, thời mà ánh sáng văn minh và bình đẳng chưa soi sáng đến Tàu, thời mà Tàu nghĩ rằng ngoài họ ra chẳng còn ai.  Thời đó, các hoàng đế Tàu xem tất cả các nước khác là chư hầu và dân nước khác là thần dân của họ. Mà, thực ra, “các nước khác” ở đây cũng chỉ nằm trong cái radar ngắn của Tàu mà thôi, chứ chắc gì họ biết Âu châu hay Mĩ châu. Do đó, chúng ta có thể “thông cảm” cho sự ngu muội của các hoàng đế Tàu thời đó. Nhưng thời nay, Tàu đã văn minh hơn, đã nhìn thấy thế giới nhiều hơn, và với và xa lộ thông tin internet mà các quan chức của họ vẫn còn quen thói xấc xược thì quả là khó thông cảm. Rất có thể các quan chức Tàu cộng có gien bị đột biến nên mới thể hiện qua thói ăn nói vô phép và xấc láo như thế.

Nhưng trong số các nước mà Tàu cộng xấc xược, không có nước nào bị nặng nề như Việt Nam.  Họ dám xem VN như là đứa con trai hoang đàng thì đủ biết mức độ xấc xược của họ đã đạt đỉnh. Trong thế giới văn minh, không có một nước nào dám xem nước khác là đứa con; chẳng những đứa con, mà còn đứa con hoang đàng. Vừa xem thường, vừa mắng mỏ. Điều đắng lòng là cái nước bị mắng mỏ đó không có một lời đáp trả!

Thời xưa, các vua chúa của VN dù lệ thuộc Tàu nhưng không phải hạ mình và nhẫn nhục như hiện nay. Chẳng hạn như trong thời chống Minh, Nguyễn Trãi đã chửi thẳng vào viên tướng Tàu có tên là Phương Chính như sau (4): “Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính : Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao cho kịp được ! Huống chi bây giờ nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc, thế không thể chịu lâu được. Nay mày chỉ nắm đại binh mà nấn ná không tiến, khiến quân lính nhiễm lam chướng dịch lệ mà chết, đó là tội ai ? Binh pháp có nói : “ Kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều ”. Nay mày muốn đánh, thì nên tiến quân giao chiến, để quyết sống mái, đừng làm khổ cho quân sĩ hai nước làm gì.”

Ôi, chúng ta thật sự cần một Nguyễn Trãi hiện nay.
----
(4) Quân Trung Từ Mệnh Tập, Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1976 (Theo bản trích trên mạng). Trích lại từ bài viết của tác giả Hồ Bạch Thảo http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/van-tu-ngoai-giao

0 nhận xét:

Đăng nhận xét