Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Nâng chiều cao người Việt: những chỉ tiêu quá gần mà cũng quá xa

Đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam vừa được phê chuẩn với kinh phí lên đến 6000 tỉ đồng, tức 300 triệu USD. Bằng một loạt can thiệp cấp cộng đồng, đề án đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, chiều cao của nam giới 18 tuổi là 167 cm, và nữ giới là 156 cm. Điểm qua y văn và những dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ Việt Nam, tôi thấy có ba điều cần bàn luận thêm về những mục tiêu trên: chiều cao hiện nay, mục tiêu quá xa, và vấn đề con số.
 
Quá gần – chiều cao hiện nay
 
Thật ra, rất khó biết chiều cao hiện hành của người Việt là bao nhiêu, vì thiếu những nghiên cứu qui mô và có hệ thống. Đo chiều cao chính xác có khi là một vấn đề nan giải. Những phụ nữ mang guốc cao gót và làm tóc, những đàn ông mang giầy và đội nón, v.v. tất cả đều có thể làm nhiễu đến chiều cao thật của một cá nhân. Nhưng nghiên cứu trong quần thể với hàng vạn người thì rất khó loại bỏ những yếu tố nhiễu đó. 

Chúng tôi đã làm nghiên cứu ở Hà Nội [1] và TP Hồ Chí Minh [2], chọn trên 1200 người ngẫu nhiên từ cộng đồng, và đo chiều cao bằng máy DXA. Kết quả cho thấy ở TPHCM, chiều cao trung bình của nam (15 đến 30 tuổi) là 170 cm, và nữ là 156 cm. Ở Hà Nội, chiều cao trung bình ở nam giới là 167 cm và nữ là 155 cm (Bảng 1). Như vậy, đối với cư dân TPHCM và Hà Nội, chỉ tiêu năm 2020 có thể đã hay gần đạt mà không cần can thiệp!

Bảng 1: Chiều cao trung bình ở thanh niên Hà Nội và TPHCM (2012)
Thành phố  
Nam
Nữ
TPHCM (2012)
170 cm
156 cm
Hà Nội (2012)
167 cm
155 cm
Chỉ tiêu đề ra cho năm 2020
167 cm
156 cm

Thông thường, cư dân nông thôn có chiều cao thấp hơn thành phố khoảng 1-2 cm. Do đó, với những kết quả trên, có thể suy đoán rằng chiều cao trung bình của thanh niên vùng quê là 165-168 ở nam giới và 153-154 cm. Và, với “tốc độ” tăng trưởng bình thường như ghi nhận trên thế giới, thì đến năm 2020, các thanh niên Việt Nam cũng đạt chiều cao trung bình (mà đề án đề ra) mà không cần can thiệp.

Mục tiêu … quá xa

Có thể tóm tắt chỉ tiêu về chiều cao của đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam qua Bảng 2 dưới đây. Theo đề án, chiều cao của nam giới (tuổi 18) hiện nay là 163.7 cm và nữ giới là 153 cm. Nhưng như tôi đề cập trên, chưa rõ con số này có nguồn gốc từ đâu, nhưng có vẻ thấp hơn so với thực tế mà chúng tôi quan sát ở cư dân thành phố. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm, đề án đề ra chỉ tiêu tăng chiều cao cho thanh niên tăng 3.3 cm (nam giới) và 3 cm (nữ giới). Từ 2020 đến 2030, chỉ tiêu tăng trưởng cho nam và nữ là 1.5 cm. Rất khó hiểu tại sao có sự khác biệt về chỉ tiêu và dự đoán rằng chiều cao sẽ tăng trưởng chậm lại.

Bảng 2: Chỉ tiêu chiều cao cho người Việt Nam đến năm 2020 và 2030
Năm
Nam
Nữ
2013 (hiện hành)
163.7 cm
153.0 cm
2020  
167.0 cm
156.0 cm
2030  
168.5 cm
157.5 cm

Nhưng tôi nghĩ rằng trong vòng 7 năm mà chiều cao tăng 3.0 đến 3.3 cm là quá nhanh và khó đạt. Nghiên cứu ở Thái Lan về sự biến đổi chiều cao từ 1940 đến 1990 cho thấy chiều cao của nam và nữ tăng khoảng 0.2 đến 1.2 cm mỗi thập niên [3]. Một nghiên cứu công phu ở Nhật từ 1900 đến 2000 cho thấy tính trung bình, cứ mỗi 10 năm, chiều cao người Nhật tăng khoảng 1.3 cm (ở nam giới) và 1.1 (nữ giới) [4]. Những phân tích từ các nước Âu châu như Hà Lan, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, v.v. trong thời gian 1890 đến 1990, chiều cao chỉ tăng khoảng 1.0 đến 1.5 sau mỗi thập niên [5].
Tất cả những dữ liệu trong y văn mà tôi vừa điểm qua trên đây cho thấy rõ ràng rằng chiều cao chỉ tăng khoảng 1 đến 1.5 cm trong 10 năm. Những kết quả thực tế này cho thấy mục tiêu của đề án đặt ra (trong vòng 7 năm, chiều cao của nam giới sẽ tăng 3.3 cm và nữ giới là 3 cm) là quá xa với thực tế. 

Không chỉ là con số trung bình!
 
Thật ra, vấn đề của chỉ tiêu không phải là chiều cao trung bình mà là độ khác biệt chung quanh con số trung bình. Nếu chỉ qui định con số trung bình để đánh giá thành công của một chương trình can thiệp thì rất dễ bị lạm dụng. Để hiểu vấn đề, thử tưởng tượng có hai quần thể gồm 10 người được can thiệp tăng chiều cao bằng 2 chương trình can thiệp.

Chương trình 1: 130
, 135, 
150, 
160, 
165, 
166, 
180, 
184, 
189, 
210
Chương trình 2: 167
, 165, 
167, 
168, 
167, 
167, 
167, 
167, 
168, 
167

Chương trình 1 chỉ can thiệp 4 người để đạt chiều cao thật cao , 6 người còn lại thì không can thiệp. Chiều cao trung bình đạt được của quần thể là 167 cm. 

Chương trình 2 can thiệp tất cả 10 thành viên và chiều cao dao động thấp giữa các cá nhân. Chiều cao trung bình cũng là 167 cm. 

Cả hai chương trình can thiệp đều đạt chỉ tiêu đề ra. Nhưng trong thực tế chỉ có chương trình 2 được xem là thành công, còn chương trình 1 là … ăn gian. Ví dụ đơn giản trên cho thấy để đánh giá sự thành công của một can thiệp, số trung bình không thể phản ảnh đầy đủ. Do đó, tôi nghĩ chỉ tiêu cần đặt ra phải phản ảnh hai khía cạnh liên quan đến cá nhân: chiều cao và độ tuổi.
Cho dù mục tiêu của đề án đặt ra đạt được vào năm 2020, thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chiều cao của tất cả nam thanh niên đều có chiều cao 167 cm và nữ 156 cm. Trong thực tế, chiều cao của các cá nhân trong một quần thể rất khác nhau. Sự khác biệt giữa các cá nhân có thể đo lường bằng một chỉ số có tên là độ lệch chuẩn. Nghiên cứu trên người Việt Nam của chúng tôi cho thấy độ lệch chuẩn về chiều cao là khoảng 6 cm. 

Nếu chiều cao trung bình của tất cả thanh niên Việt Nam vào năm 2020 là 167 cm, và với độ lệch chuẩn là 6 cm, có thể ước tính rằng có đến 12% nam thanh niên có chiều cao thấp hơn 160 cm. Chiều cao thấp hơn 160 cm ở nam có thể xem là “tương đối thấp”. Tương tự, nếu chiều cao trung bình của tất cả nữ thanh niên đạt chỉ tiêu 156 cm, có thể ước tính rằng vẫn còn 16% nữ có chiều cao thấp hơn 150 cm. 

Do đó, vấn đề của chỉ tiêu không phải là con số trung bình, mà là chiều cao tối thiểu. Cần phải xác định chiều cao tối thiểu cần đạt được là bao nhiêu, và chỉ tiêu đặt ra phải là bao nhiêu phần trăm dân số đạt chỉ tiêu tối thiểu đó. Dĩ nhiên, không thể nào kì vọng 100% dân số đạt chiều cao tối thiểu, nhưng phần trăm đạt chỉ tiêu cần nên đặt ra như là một ngưỡng để đánh giá sự thành công (hay thất bại) của một biện pháp can thiệp. Chẳng hạn như nếu xem chiều cao tối thiểu cần đạt được ở nam giới là 165 cm và nữ giới là 150 cm, thì chỉ tiêu đặt ra phải là [chỉ là ví dụ] 90% thanh niên trưởng thành có chiều cao trên số tối thiểu đó. 

Vấn đề đặt ra kế tiếp là ngưỡng tối thiểu là bao nhiêu. Trả lời câu hỏi này đòi hỏi phải có những nghiên cứu về mối tương quan giữa chiều cao và sức khoẻ, và từ đó xác định được ngưỡng tối thiểu để có sức khoẻ tối ưu. 

Một chỉ tiêu cần phải đặt ra là độ tuổi đạt chiều cao tối đa. Độ tuổi đạt chiều cao tối đa là một chỉ số quan trọng về sức khoẻ và tăng trưởng bình thường. Y văn cho thấy tuổi đạt được chiều cao tối đa có thể dao động từ 12 đến 30 tuổi. Nghiên cứu trong quá khứ cho thấy khoảng 50% cá nhân đạt chiều cao tối đa trong độ tuổi từ 13 đến 16, và khoảng 40% cá nhân đạt chiều cao tối đa sau tuổi 16. Do đó, chỉ tiêu cần phải đặt ra là phần trăm thanh niên đạt chiều cao tối đa ở độ tuổi 13-16.

Tóm lại, những phân tích trên đây cho thấy đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam đặt ra những mục tiêu vừa quá gần vì trong thực tế một số địa phương có thể đã đạt, nhưng lại quá xa vì rất khó có thể tăng chiều cao của một cộng đồng dân tộc 3-3.3 cm trong vòng 7 năm. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn là không phải chỉ là chiều cao trung bình, mà là độ tuổi nào và bao nhiêu người đạt được chiều cao tối thiểu để đảm bảo thể lực và sức khoẻ tốt.

Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyen H, et al. Arch Osteoporosis 2009;4:9-15
[2] Ho-Pham L, et al. BMC Musculoskel 2011;12:182.
[3] Jordan, et al. J Epidemiol Community Health 2012; 66:75-80.
[4] Kagawa, et al. Asia Pac J Clin Nutr 2011;20:180-189.
[5] Malina R. Anthropological Review 2004;67:3-31.
Bài đã đăng trên TTCT dưới tựa đề "Người Việt sắp cao lên?"

Box
 
Chiều cao là một đặc tính nhân trắc rất được sự quan tâm của nhiều thế hệ suốt chiều dài lịch sử tiến hoá.   Có lẽ Francis Galton (một nhà nhân chủng học người Anh và là em họ của Charles Darwin) là một trong những người đầu tiên quan tâm đến mối tương quan giữa chiều cao và thông minh. Vào thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, khi khoa học xã hội chưa có các phương tiện để đo lường trí thông minh, Galton dựa vào chiều cao để làm một thước đo về trí thông minh. Trong thế kỉ 20, giới khoa học xã hội phát triển chỉ số thông minh (IQ), và có khá nhiều nghiên cứu cho thấy quả thật chiều cao có liên quan với chỉ số thông minh. Tuy nhiên, mức độ tương quan giữa chiều cao và IQ thường không cao. Nhưng có lẽ vì mối tương quan này mà rất nhiều người muốn nâng chiều cao.

Ở nước ta, chiều cao đã trở thành một đề tài nghiên cứu “nóng”. Đã có ít nhất 3 đề án lớn có cùng mục tiêu là nâng tầm chiều cao của người Việt. Năm 2006, Viện Khoa học Thể dục Thể thao có đề án 444 tỉ đồng để nâng chiều cao người Việt. Lúc đó, đề án này nhận được sự dè dặt và nghi ngờ về tính khả thi của rất nhiều chuyên gia. 

Những khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân là do ảnh hưởng của gene. Nhiều nghiên cứu trong quá khứ, kể cả nghiên cứu của người viết bài này, cho thấy khoảng 6o đến 80% những khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân trong một quần thể là do các yếu tố di truyền quyết định; chỉ có khoảng 20 đến 40% là do các yếu tố môi trường ảnh hưởng. Dinh dưỡng là yếu tố môi trường chủ yếu có ảnh hưởng đến chiều cao.

Đầu năm ngoái, có một dự án lên đến 600 tỉ đồng, với mục tiêu giải mã gene để nâng tầm chiều cao. Dự án này làm cho rất nhiều người, kể cả tôi, ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì mức độ khả thi thấp. Đã có rất nhiều nghiên cứu qui mô trong thời gian 5 năm qua và phát hiện khoảng 50 gene liên quan đến chiều cao, nhưng các gene này chỉ “giải thích” khoảng 5% sự khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân. Do đó, cho dù dự án có tìm ra gene liên quan đến chiều cao ở người Việt thì vẫn chưa thể can thiệp gene để tăng chiều cao được.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét