Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Đọc danh sách viện trường 2012 của SCImago


Mới đây, nhóm SCImago công bố danh sách 3290 viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới, kể cả Việt Nam.  Việt Nam có 4 trường/viện trong danh sách: Viện khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, và Đại học Bách khoa Hà Nội.  Đọc những kết quả phân tích và so sánh với vài trường trong vùng cung cấp cho chúng ta vài dữ liệu thú vị. 


SCImago là một “new kid on the block”, một thành viên mới trong các nhóm chuyên đánh giá khoa học.  Tuy là mới xuất hiện, nhưng nhóm này đã gây ảnh hưởng trên trường quốc tế.  Nhưng bảng xếp hạng của SCImago đã được các đại học và trung tâm thế giới đánh giá cao.  Ở Úc, Mĩ, Âu châu, các đại học đua nhau “khoe” trên báo chí về hạng bậc của họ trong bảng xếp hạng SCImago.  Các tập san khoa học lớn cũng thích “khoe” thứ hạng của họ trong bảng SCImago. Riêng Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan của tôi cũng có họp và đánh giá bảng xếp hạng của SCImago, và chúng tôi rất hài lòng khi thấy Viện Garvan được đánh giá rất cao về chất lượng nghiên cứu.  Điều này cũng phù hợp với các đánh giá định tính của các đồng nghiệp ở Úc.

Sở dĩ SCImago tạo được uy tín là tính khoa học của họ. Họ làm việc chặt chẽ với các trung tâm như Scopus và Thomson ISI, và tiếp cận được nhiều dữ liệu khoa học của 2 trung tâm này.  Họ từng công bố phương pháp xếp hạng và đã được cộng đồng khoa học công nhận.  Tôi đã đọc qua những phương pháp mà họ công bố và rất thích cách họ đặt vấn đề cũng như dùng các biến số để đánh giá.  Họ đánh giá đại học dựa vào 6 tiêu chí chính: đầu ra của nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tính tập trung hay chuyên môn hoá trong nghiên cứu, chất lượng tập san khoa học, tính xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, và tầm ảnh hưởng.  Năm 2012 họ thêm một chỉ tiêu mới là “chỉ tiêu lãnh đạo”:

  • Đầu ra (output) là số bài báo khoa học công bố.  Trong bảng phân tích này, họ tính từ 2006 đến 2010 (thời gian 5 năm);
  • Họp tác quốc tế là phần trăm bài báo khoa học có hợp tác với đồng nghiệp quốc tế.  Hợp tác trong nghiên cứu được xem là một xu hướng tương tác tích cực;
  • Chỉ số tác động phản ảnh mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu. Chỉ số này được tính bằng cách lấy tần số trích dẫn trung bình của trường chia cho tần số trích dẫn trung bình trên trên thế giới.  Chỉ số được tính cho từng chuyên ngành.  Ví dụ, chỉ số tác động bằng 0.9 có nghĩa là nghiên cứu của trường có tác động thấp hơn trung bình 10%;
  • Chỉ chất lượng khoa học thực chất là tỉ lệ số bài báo được công bố trên các tập san trong nhóm top 25% trên thế giới;
  • Chỉ số chuyên biệt hoá có ý nghĩa giống như chỉ số Gini trong kinh tế học (chỉ số Gini phản ảnh khoảng cách giàu nghèo).  Chỉ số chuyên biệt hoá có giá trị từ 0 (đa ngành) đến 1 (chuyên ngành);
  • Chỉ số xuất sắc là số bài báo được trích dẫn nhiều nhất; “nhiều” ở đây là nằm trong nhóm “top 10%” trong mỗi chuyên ngành; và
  • Chỉ số lãnh đạo thực ra là phần trăm bài báo mà tác giả chính (correspondence author) là người của trường; có thể xem đây là “chỉ số nội lực”.   

Sáu tiêu chí trên mà SCImago sử dụng đặt nặng khía cạnh học thuật và nghiên cứu khoa học.  Họ không có tiêu chí nào cho giảng dạy (vốn là một lĩnh vực quan trọng của đại học), không có chỉ số nào phản ảnh tính quốc tế hoá của đại học (như số sinh viên quốc tế, giảng viên quốc tế, v.v.)  Do đó, có thể nói rằng bảng xếp hạng của SCImago là bảng xếp hạng về năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học.   Tôi có thể nói rằng tất cả những tiêu chí này hoàn toàn hợp lí và được giới khoa học quốc tế sử dụng.

Sau đây là kết quả phân tích 7 chỉ số trên cho các viện/trường VN:

Các tiêu chí về nghiên cứu khoa học của Viện KHCN, ĐHQGHCM, ĐHQGHN và ĐH Chulalongkorn (số liệu của SCImago 2006-2010)

Tiêu chí
Viện KHCN
ĐHQG
HCM
ĐHQGHN
Chulalongkorn
Số bài báo khoa học
1216
720
492
6880
% hợp tác quốc tế
69.5
50.0
64.4
35.0
Chỉ số tác động
41.4
26.9
31.7
37.8
Chỉ chất lượng khoa học
0.8
1.3
0.9
0.9
Chỉ số chuyên biệt hoá
0.8
0.9
0.8
0.6
Chỉ số xuất sắc
6.8
16.1
8.8
8.9
Chỉ số lãnh đạo
39
60
45
68

Đứng về con số bài báo công bố thì Viện KHCN công bố nhiều bài nhất.  Trong 5 năm 2006-2010, Viện KHCN công bố được 1216 bài trên các tập san quốc tế, con số này cao hơn ĐHQGHCM (720 bài) và ĐHQGHN (492).  Tuy nhiên, gần 70% bài báo của Viện KHCN là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài, và tỉ lệ này cũng cao nhất so với hai đại học quốc gia.  Có lẽ do hợp tác nhiều với đồng nghiệp quốc tế nên 41% bài báo của Viện KHCN xuất hiện trên các tập san hàng đầu, và tỉ lệ này cũng cao hơn hai đại học quốc gia. 

Tuy nhiên, về mặt chất lượng và tầm ảnh hưởng thì ĐHQGHCM là cao nhất.  Chẳng hạn như chỉ số tác động của nghiên cứu từ ĐHQGHCM là 1.3 (tức chỉ số trích dẫn cao hơn trung bình thế giới 30%), trong khi đó nghiên cứu của Viện KHCN và ĐHQGHN có tầm ảnh hưởng thấp hơn trung bình thế giới 10-20%.  Tương tự, chỉ số xuất sắc của ĐHQGHCM cũng cao hơn hẳn so với Viện KHCN và ĐHQGHN.  60% bài báo của ĐHQGHCM là do các nhà khoa học của đại học chủ trì, trong khi con số này của Viện KHCN chỉ 39%, và ĐHQGHN là 45%. 

Nói tóm lại, những dữ liệu trên cho thấy mặc dù số bài báo khoa học của ĐHQGHCM thấp hơn Viện KHCN, nhưng các chỉ số về chất lượng, tầm ảnh hưởng, và xuất sắc thì cao hơn hẳn so với Viện KHCN và ĐHQGHN. 

Phân tích cho các trường trong vùng:

Tiêu chí
ĐHQG
HCM
ĐH Malaya
ĐH Philippines
ĐH Indonesia
ĐH Mahidol
Số bài báo khoa học
720
6755
779
846
6217
% hợp tác quốc tế
50.0
34.8
47.5
53.9
42.3
Chỉ số tác động
26.9
26.9
21.9
36.3
47.7
Chỉ chất lượng khoa học
1.3
1.3
0.7
0.7
1.0
Chỉ số chuyên biệt hoá
0.9
0.9
0.6
0.7
0.7
Chỉ số xuất sắc
16.1
16.1
7.2
7.8
9.9
Chỉ số lãnh đạo
60
60
73
51
55

Bảng trên đây cho thấy đại học hàng đầu của Việt Nam nằm trong nhóm trung bình thấp của vùng ASEAN, còn thấp hơn ĐH Malaya (Malaysia) và Mahidol rất nhiều.  Các đại học Mahidol, Chulalongkorn, và Malaya cùng một “đẳng cấp”.

Tất cả 3 viện trường hàng đầu của VN còn quá khiêm tốn so với hai đại học hàng đầu của Thái Lan và Malaysia (Chulalongkorn, Mahidol, và Malaya).  Số bài báo của ĐHQGHCM chỉ bằng khoảng 1/10 của Chulalongkorn.  Tuy nhiên, về mặt chất lượng và tầm ảnh hưởng thì ĐHQGHCM không hề kém, nếu không muốn nói là hơn, Chulalongkorn.  Chỉ số tác động của Chulalongkorn thấp hơn trung bình khoảng 10%, và chỉ có ~9% bài báo của Chulalongkorn nằm trong nhóm được trích dẫn nhiều (so với 16% của ĐHQGHCM). 


Và vài trường hàng đầu trong vùng Úc và Á châu:
Tiêu chí
UNSW
Sydney
Melb 
QLD
SNU
NUS
Số bài báo khoa học
21459
26865
25971
22505
28972
27089
% hợp tác quốc tế
37.7
40.0
38.7
42.1
24.7
44.3
Chỉ số tác động
57.1
61.8
64.7
62.3
54.9
60.6
Chỉ chất lượng khoa học
1.5
1.6
1.7
1.6
1.2
1.6
Chỉ số chuyên biệt hoá
0.4
0.4
0.4
0.5
0.5
0.5
Chỉ số xuất sắc
17.9
18.0
20.4
20.0
13.1
19.7
Chỉ số lãnh đạo
58
55
53
58
63
61
UNSW = Đại học New South Wales; Sydney = Đại học Sydney; Melb = Đại học Melbourne; QLD = Đại học Queensland; SNU = Đại học Quốc gia Seoul; NUS = Đại học Quốc gia Singapore.

Bảng trên cho thấy đại học hàng đầu của Hàn Quốc và Singapore đã “qua mặt” các đại học hàng đầu Úc về số ấn phẩm khoa học.  Đặc biệt Đại học Quốc gia Singapore không tương đương hoặc cao hơn cả UNSW về chất lượng và tầm ảnh hưởng.  Đại học Quốc gia Seoul tuy có số đầu ra lớn, nhưng chất lượng thì còn kém hơn ĐHQG Singapore và các đại học hàng đầu của Úc.

Trong trường hợp Việt Nam, tôi nghĩ bảng xếp hạng của SCImago cần nên đọc với cẩn thận.  Như tôi có lần đề cập, các đại học Việt Nam chưa có những qui định về cách viết tên trường trong giao dịch quốc tế, hay nếu có thì các nhà khoa học cũng không tuân thủ nghiêm ngặt theo qui định.  Ví dụ như trường Đại học Quốc gia TPHCM xuất hiện trong các cơ sở dữ liệu dưới ít nhất là 5 tên khác nhau!  Ngay cả Viện Khoa học Công nghệ cũng thế, có người chỉ đơn giản viết VAST!  Ngoài ra, hai đại học quốc gia là tập hợp của nhiều đại học, và nhà khoa học của đại học thành viên có khi không ghi tên ĐHQG (tức không ghi tên “đại học mẹ”)!  Điều này tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến cách tính năng suất khoa học của đại học.  Nếu là người không am hiểu tình hình thì rất dễ sai.  Riêng trường hợp của ĐHQG TPHCM thì tôi có dịp so sánh và đối chiếu những số liệu của trường và SCImago thì thấy độ tương đồng cũng khoảng 80%.  Nhưng nếu giả định sai số tương đương giữa 3 viện/trường thì kết quả của SCImago cũng cung cấp một số kết quả để biết viện/trường hàng đầu của Việt Nam đứng ở đâu trong trường khoa học quốc tế. 
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét