Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Khánh thành lab cơ xương

Hôm qua (28/6) là một ngày đặc biệt trong chuyến công tác lần này: ngày khánh thành Lab Nghiên Cứu Cơ Xương (gọi tắt là BMRg). Nhân dịp này, tôi được gặp lại một số bạn bè và đồng nghiệp, và cũng có vinh hạnh cho phát biểu vài ba câu về những gì chúng tôi đã (và đang) làm, cũng như viễn kiến trong tương lai. Nhân dịp này tôi có bày tỏ cám ơn đến PGS Phạm Nguyễn Vinh, PGS Phạm Ngọc Hoa, PGS Vũ Đình Hùng, BS Phan Thanh Hải, DS Nguyễn Thanh Tòng, các bạn trong khối kĩ nghệ như ông bạn tôi là Nicholas Nguyên, đại diện của Siemens, MSD, v.v. Một số bạn không đến được vì "dính" vài hội nghị khác trong ngày Chủ Nhật nhưng có gửi lời chúc mừng. Xin cám ơn tất cả các bạn đã hỗ trợ chúng tôi trong thời gian qua, và hi vọng các bạn sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong tương lai.


BMRg là một trong những lab mới được thành lập dưới sự tài trợ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Đây cũng là Lab nghiên cứu cơ xương đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, Lab đã được trang bị những thiết bị hiện đại nhất (gọi là state-of-the-art) trong ngành cơ xương, trong đó có hệ thống DXA. Lớp mới của DXA là Horizon, hiện nay chỉ có 5 máy trên thế giới, có thể giúp đánh giá gãy xương cột sống từng đốt sống (thay vì làm thủ công trước đây). Dĩ nhiên, máy cũng đo được tỉ trọng mỡ và cơ, rất quan trọng trong việc chẩn đoán béo phì. Vài tháng tới, Lab sẽ có thêm máy pQCT để đo cấu trúc 3 chiều của xương, gíup cho việc đánh giá sức khoẻ của xương chính xác hơn. Trong tương lai, khi tình hình nhân sự cho phép và ổn định, chúng tôi hi vọng sẽ có Lab nghiên cứu về di truyền. Như vậy là sẽ có trọn một hệ thống tương đối hoàn chỉnh cho việc nghiên cứu xương khớp.


BMRg thật ra chỉ là một trong 20 lab nghiên cứu của TDTU hiện nay. Trường đã có 19 lab khác, chuyên về tính toán, hoá học, kĩ thuật, v.v. Khá nhiều lab là do các chuyên gia nước ngoài, kể cả Việt kiều điều hành. Họ không cần về VN toàn thời gian, mà có thể làm từ xa với các đồng nghiệp trong nước. Hiện nay, TDTU còn quảng cáo tìm postdoc từ nước ngoài, với mức lương khá tốt so với các nước trong vùng như Thái Lan và Mã Lai. Các lab khác cũng đã hoạt động rầm rộ trong thời gian qua, nên BMRg cũng phải … chạy theo. Các lab nghiên cứu này đã giúp TDTU nâng cao "sản lượng" nghiên cứu khoa học lên một cách ngoạn mục.

Tháng vừa qua, chúng ta biết rằng TDTU là là một trong 15 viện/trường có nhiều công bố quốc tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh tỉ lệ tác giả chính là người Việt thì tôi nghĩ TDTU chắc chắn phải là top 5, vì các trường lớn khác có sản phẩm chủ yếu là qua hợp tác với nước ngoài và người nước ngoài là tác giả chính. Nhìn như thế để thấy rằng BMRg và các lab khác của TDTU có sứ mệnh nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và nâng cao tỉ trọng tác giả chính là người Việt cho Việt Nam.
Trong buổi khánh thành lab, tôi có nói rằng sứ mệnh của BMRg là nghiên cứu và khám phá các cơ chế tác động của môi trường và hệ gen đến loãng xương; chuyển giao tri thức, và triển khai công nghệ nhằm phục vụ cho việc điều trị và phòng chống loãng xương, thoái hoá khớp, và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân loãng xương. Còn vision của BMRg là xây dựng một trung tâm nghiên cứu đẳng cấp quốc tế chuyên về nghiên cứu các bệnh lí xương. Nhóm nghiên cứu sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao sự hiện diện của y học và khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi có nhấn mạnh rằng chúng tôi không nói suông hay "nổ", làm cho hội trường cười. (Tôi cũng muốn nói chuyện vui mà). Tôi nói rằng các bạn có thể nhìn qua thành tựu của chúng tôi trong thời gian qua về những công trình và tập san chúng tôi công bố thì biết rằng sứ mệnh và viễn kiến đó là khả thi. Chúng tôi đã công bố trên những tập san hàng đầu thế giới, mà ngay cả các lab ở Úc hay Mĩ chưa chắc làm được với ngân sách khiêm tốn như chúng tôi. Chúng tôi đã đưa tên tuổi Việt Nam trong thế giới loãng xương, và bằng chứng là các thành viên của nhóm được đồng nghiệp quốc tế mời giảng trong hội nghị, mời làm peer review, mời làm trong ban biên tập. Nói theo ngôn ngữ "giang hồ" khoa học là Lab đã được "recognized" (công nhận). Nhưng chúng tôi không bao giờ tự mãn, mà lúc nào cũng phải cảnh giác, nhìn quanh các nhóm trong vùng, và cố gắng nâng cao vị thế trong tương lai.

Tôi cũng thông báo đến các bạn trong buổi lễ khánh thành rằng chúng tôi đang triển khai giai đoạn đầu của một nghiên cứu lớn nhất ở VN. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ thu thập rất nhiều dữ liệu, từ xương, béo phì, tim mạch, tiểu đường, đến di truyền học. Chúng tôi sẽ dùng công nghệ NGS (next generation sequencing) để phân tích toàn bộ nhiễm sắc thể người Việt, và kiến tạo một ngân hàng dữ liệu di truyền cho người Việt để các đồng nghiệp khác tham khảo trong tương lai. Đây là công trình dài hơi, và chúng tôi dự định sẽ thực hiện trong 10 năm. Nhưng sau 2 năm thì chúng tôi sẽ có những dữ liệu "phenotype" đầu tiên, và có thể bắt đầu công bố dần dần. Tôi muốn dùng công trình này làm môi trường huấn luyện kĩ năng nghiên cứu cho các bác sĩ trẻ, những người sẽ thay thế chúng tôi trong tương lai (vì chúng tôi cũng sẽ từ giã cõi đời thôi). Kinh phí vẫn là một thách thức lớn, nhưng chúng tôi phải vái lạy mười phương tứ hướng để có tiền làm. Hi vọng rằng người ta thấy chúng tôi làm nghiêm chỉnh và làm có hiệu quả thì sẽ ủng hộ.



Tôi có nói ý nghĩa của việc ra đời của BMRg trong bối cảnh chung của Việt Nam. Như chúng ta biết, Nhà nước có vài chương trình thu hút giới khoa học Việt kiều ở nước ngoài về hợp tác hay làm việc ở VN. Ngoài một số trường hợp đã về VN làm việc, nói chung thì chương trình này chưa thành công. Tôi nghĩ cách thức mà giới khoa học nước ngoài cùng hợp tác với một viện/trường cụ thể để lập lab nghiên cứu là cách thức tốt nhất để thực hiện chương trình mà Nhà nước có ý định từ lâu. Nhưng vấn đề là hầu hết các trường đại học ở VN không muốn (hay không có tiền để) lập lab; họ thường trông chờ vào Nhà nước hay ai đó "làm từ thiện". Và, mong chờ thì vẫn là mong chờ một cách thụ động, nên những chương trình thu hút giới khoa học của Nhà nước vẫn chưa thực hiện được.

Vài người ở trong nước có một quan điểm rằng họ làm tất cả (kiểu như bày ra mâm cỗ) và mời gọi Việt kiều về làm. Tôi nghĩ đây là một quan điểm sai lầm, vì không có một người Việt kiều có lòng tự trọng nào lại đi làm như thế. Không có ai khệnh khạng đòi hỏi người khác bày mâm cỗ cho mình hưởng; họ muốn cùng làm việc với đồng nghiệp trong nước tạo ra môi trường nghiên cứu. Lại có quan điểm cho rằng không cần Việt kiều, vì người trong nước vẫn làm được nếu có đầu tư tốt. Nhưng tôi sợ rằng đây là một giả định, bởi vì trong quá khứ thì nó không xảy ra như vậy, do nhiều người quá tự tin. Mới làm postdoc, hay thậm chí chưa làm postdoc, mà đã nghĩ mình là "top of the world" thì tôi sợ là hơi quá tự tin, và tính quá tự tin này chỉ làm hại và giật lùi VN mà thôi. Những gì giới khoa học Việt kiều đem về VN không chỉ là kĩ năng và kinh nghiệm, mà còn là prestige và văn hoá khoa học -- cái mà VN rất thiếu. Nên học Thái Lan, ai họ cũng "chấp tay" mời gọi dù trong thực tế họ có khả năng làm được (và họ chỉ chấp tay để học thêm).

Hiện nay, có chương trình FIRST do Ngân hàng thế giới tài trợ, cũng với mục tiêu thu hút giới khoa học Việt kiều về nước hợp tác nghiên cứu. Nhưng tôi không dám tiên đoán khả năng thành công là bao nhiêu, vì chưa rõ cơ chế làm việc ra sao. Nói chuyện với các bạn trong Bộ KHCN thì thấy họ cũng có nhiệt tình nào đó, nhưng ý tưởng cụ thể thì chưa mấy rõ ràng. Tuy nhiên, tôi muốn nghĩ rằng BMRg của chúng tôi là mô hình khả dĩ để dự án FIRST có thể tham khảo. Còn những ý tưởng và đề nghị tôi nói trong hội thảo FIRST ở Vịnh Hạ Long tuần rồi thì tôi sẽ trình bày sau.

Một video clip về buổi lễ khai mạc lab:

Một vài hình ảnh và báo đưa tin:




0 nhận xét:

Đăng nhận xét