Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Tập san Asian Social Science

Phân biệt một tập san là thật hay dỏm có khi rất tinh vi. Một người bạn ở VN nhờ tôi đánh giá xem tập san Asian Social Science là thật hay dỏm. Lí do là có vài giảng viên ở VN đã và đang đăng bài trên tập san này. Các chuyên gia, kể cả một người ở Úc, nói rằng đây là tập san thật vì có trong cái danh sách ABDC của Úc. Sau khi xem qua website và vài chi tiết chính, tôi nghĩ Asian Social Sciencelà một tập san dỏm, hay ít nhất là gần nhất với dỏm. Tôi đi đến kết luận này là dựa trên những xem xét sau đây:



1. Tên tập san rất chung chung, chẳng có gì chuyên ngành. Tên này giống giống với Asian Journal of Social Science, vốn là tập san chính thống. Tên tập san chung chung và nhái tên tập san chính thống là một đặc điểm của các tập san dỏm (1).

2. Tập san này không có trong ISI, tuy có trong Scopus. Nhiều tập san trong Scopus là dỏm. Ngay cả một số tập san ISI cũng dỏm, nhưng xác suất dỏm trong ISI thấp hơn trong Scopus.

3. Tổng biên tập I-Tsun Chiang là người không có tiếng. Ông đề địa chỉ là National Changhua University of Education, nhưng trang web của trường không có tên của ông, không có website cá nhân của ông. Tuy nhiên, tìm trên linkedin thì thấy ông tốt nghiệp về ngành thể thao và y tế, và có bằng PhD về "Leisure Behavior" (2). Thành tích công bố quốc tế của ông không rõ.

4. Ban biên tập rất lôm côm. Tập san chuyên ngành thường rất chọn lọc ban biên tập, chỉ có những người có chuyên môn cao và danh tiếng trong ngành mới được chọn/mời vào ban biên tập. Nhưng Asian Social Science thì có một danh sách dài ban biên tập. Trong đó có người mới là nghiên cứu sinh ở VN mà cũng có tên trong ban biên tập! Ngoài ra, còn có nhiều người trong ban biên tập không có công bố quốc tế và địa chỉ đại học rất lạ. Nói chung, đây là tín hiệu cho thấy tập san không nghiêm chỉnh.

5. Nhìn qua nhiều bài báo công bố thấy toàn là từ những nước đang phát triển. Trong đó, có một số bài từ Việt Nam. Đại đa số những bài công bố được chấp nhận chỉ sau 4 tuần sau khi nộp bài! Có khá nhiều bài mà họ nhận trong vòng 2 tuần. Rất nhiều bài mà tiếng Anh trong bài báo cũng không chuẩn. Không có một tập san nghiêm chỉnh nào mà có thời gian nhanh như thế. Ngay cả bình duyệt có thể đã lên đến 2-3 tháng. Đây là một tín hiệu khác cho thấy tập san này là loại làm tiền, chứ không vì khoa học.

6. Nhà xuất bản ccsenet.org được xếp vào nhóm "Potential, possible, or probable predatory scholarly open-access publishers" (3). Website này đăng kí ở Mĩ, nhưng lại nói là địa chỉ ở Canada. Như thế là không minh bạch. Ngoài tạp chí Asian Social Science, ccsenet.org còn có hàng tá tạp chí khác mà không được công nhận trong chuyên ngành.

Khi kiểm tra trong danh sách ABDC của Úc (4) thì có liệt kê Asian Social Science là tập san hạng C. Cần nói thêm rằng ABDC có nghĩa là Australian Business Deans Council - là một nhóm các khoa trưởng khoa kinh tế của các đại học Úc. Nhưng tìm trong danh sách "quality journals" trên harzing.com (5) thì Asian Social Science không có trong danh sách. Tôi đoán rằng danh sách ABDC của Úc có vấn đề (vì có thể ngay cả những người xếp nó vào loại "quality journals" cũng dỏm).

Tóm lại, các tín hiệu trên đây cho thấy khả năng cực kì cao là Asian Social Science là một tập san dỏm do một "nhà xuất bản" làm tiền ấn hành. Cho dù nó có trong danh sách ABDC của Úc thì cũng không nên tin vào danh sách này. Chỉ cần nhìn qua các tác giả từ những đại học không có tiếng công bố trên tập san cũng nói cho chúng ta biết rằng không nên dan díu vào đó (đừng quên câu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"). Tôi đề nghị các viện và đại học Việt Nam không công nhận những bài công bố trên tập san này. Cách tốt nhất là các nhà khoa học Việt Nam tránh xa những tập san như Asian Social Science.

Tôi nói thêm là tôi đã gửi thư cho ABDC để cảnh báo họ về Asian Social Science, và cho rằng họ đã sai lầm khi công nhận tập san này là hạng C. Điều này càng cho thấy cái danh sách ABDC của họ không được đánh giá cao. 

Các tập san dỏm thường hay gửi email (như spam) để mời bất cứ ai tham gia như là thành viên của ban biên tập. Do đó, nếu ai đó không tự biết mình mà hám danh thì ok ngay. Còn các tập san nghiêm chỉnh, họ không bao giờ làm thế, mà mỗi hai năm họ mời các chuyên gia danh tiếng trong chuyên ngành làm thành viên ban biên tập. 

Để chắc ăn, tôi đã hỏi ý kiến của một chuyên gia về các tập san OA là Jeffrey Ball (người lập danh sách các tập san dỏm, rất nổi tiếng trong giới khoa học). Ông Ball cũng đồng ý với tôi là Asian Social Science là một loại tập san predatory. Trong thư viết cho tôi, ông Ball viết nếu ABCD (hội đồng khoa trưởng khoa kinh tế của Úc) công nhận tập san này thì đó là một sai lầm. Tôi cũng nghĩ đó là một sai lầm, và sai lầm này làm giảm giá trị của cái danh sách đó và giảm uy tín của cái hội đồng đó.

===

(1) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/11/tieu-chi-e-nhan-dang-tap-san-khoa-hoc.html

(2) https://tw.linkedin.com/pub/john-i-tsun-chiang/6/143/7b3

(3) Xem danh sách ở đây: http://scholarlyoa.com/2014/01/02/list-of-predatory-publishers-2014

(4) http://www.abdc.edu.au/pages/abdc-journal-quality-list-2013.html

(5) http://www.harzing.com/download/jql_journal.pdf



0 nhận xét:

Đăng nhận xét