Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Gian lận: mặt trái của nghiên cứu khoa học


Tôi hân hạnh giới thiệu một bài phỏng vấn liên quan đến gian lận trong khoa học (scientific fraud) đến các bạn. Bài phỏng vấn do đài phát thanh RFI (Pháp) có nhã ý thực hiện. Kí giả Ngọc Bích hỏi tôi vài câu hỏi rất thiết thực như (a) định nghĩa thế nào là gian lận trong khoa học; (b) tại sao có gian lận; (c) làm sao phát hiện; (d) nếu bài báo bị phát hiện có gian dối, ai có quyền rút bài báo xuống; và (e) bên VN có gian dối trong khoa học không, vân vân. Bài phỏng vấn ở đây (bấm vào cái nút "play" trên hình):



Có một câu hỏi tôi thấy mang tính thời sự cao: đó là vấn đề tái lập (reproducibility). Một kết quả nghiên cứu [thực nghiệm] sau khi đã công bố mà các nhóm khác không lặp lại được thì trường hợp đó được gọi là vấn đề reproducibility - tái lập. Tính tái lập là nền tảng, là yếu tố để phân biệt khoa học thật với khoa học dỏm. Do đó, nếu khả năng tái lập quá thấp là một vấn đề, một vấn nạn của khoa học.

Trong thực tế, có rất nhiều nghiên cứu không được tái lập. Một phân tích những công trình đình đám trên Nature, Science, Cell cho thấy trong số 53 công trình có triển vọng triển khai thành thuốc điều trị, thì 47 công trình có kết quả không thể tái lập (1). Trong các nghiên cứu RCT thì khả năng tái lập cao hơn, nhưng cũng chỉ khoảng 46% (tức 54% còn lại không thể tái lập). Còn các nghiên cứu tế bào và trên chuột thì khả năng tái lập còn "thê thảm" hơn nữa, vì hơn 90% kết quả không thể tái lập. Một phân tích nổi tiếng của John Ioannidis (một ông bạn tôi) cho thấy có thể 95% các nghiên cứu được công bố là sai (2).

Thế thì câu hỏi được đặt ra là vấn đề tái lập tốn Nhà nước và giới khoa học bao nhiêu? Mới tuần rồi, có người làm phân tích, và họ đi đến con số là 28 tỉ USD hàng năm (3). Thật ra, con số thật có thể từ 10 đến 50 tỉ USD. Nói cách khác, những nghiên cứu mà kết quả không thể hay khó tái lập tốn cộng đồng đến 10-50 tỉ USD mỗi năm.

Những yếu tố làm cho công trình không tái lập bao gồm chất liệu nghiên cứu (sinh phẩm, chiếm 36%), thiết kế nghiên cứu (28%), phân tích dữ liệu (26%). Những yếu tố này làm cho 53% những công trình nghiên cứu công bố quốc tế không thể tái lập (4).

Đọc xong nghiên cứu này, tôi chợt nảy ra một số câu hỏi cho tình hình khoa học ở VN. Bao nhiêu công trình nghiên cứu ở VN là vô bổ và vô ích? Trong số những công trình đã công bố, bao nhiêu là gian dối, và những gian dối này gây thiệt hại cho xã hội bao nhiêu tiền? Tôi nghĩ nếu làm cho đến nơi đến chốn, qui mô gian lận và thiệt hại cho xã hội có thể trở thành một xì căng đan chẳng kém gì Vinashin.

====
(1) http://www.nature.com/nature/journal/v483/n7391/full/483531a.html

(2) http://journals.plos.org/plosmedicine/article?id=10.1371%2Fjournal.pmed.0020124

(3) http://journals.plos.org/plosbiology/article?id=10.1371%2Fjournal.pbio.1002165

(4) http://www.nature.com/news/irreproducible-biology-research-costs-put-at-28-billion-per-year-1.17711

0 nhận xét:

Đăng nhận xét