Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Ra toà vì không được đứng tên tác giả!

Trong khoa học, tranh chấp về tác giả bài báo khoa học xảy ra rất thường xuyên, nhưng nghiêm trọng đến nỗi phải ra toà án là hơi hiếm. Ấy thế mà chuyện đã xảy ra trong một lab nghiên cứu bên Mĩ (1). Câu chuyện một lần nữa cho thấy cần phải minh bạch hơn trên các tiêu chuẩn đứng tên tác giả bài báo khoa học để tránh xảy ra những phiền phức không cần thiết.


Andrew Mallon là một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) gốc Scotland được lab của John Marshall, lúc đó thuộc Đại học Brown, thu nhận. Hai người là đồng sáng chế một phương pháp điều trị Hội chứng Angelman (còn gọi là Angelman Syndrome). Hai người còn sáng lập công ti y học Ardane Therapeutic.

Năm 2011, sau khi hai người đăng kí bằng sáng chế, họ cùng viết một bài báo gửi cho tập san Neuron để công bố, nhưng Neuron từ chối bài báo. Sau đó, hai người trở nên "cơm không lành, canh không ngọt", và đường ai nấy đi. Andrew Mallon bỏ lab, ra thành lập công ti riêng có tên là Calista Therapeutic.

Năm 2013, Marshall và đồng nghiệp công bố một bài báo trên PLoS Biology (tập san thuộc hàng danh giá). Bài báo có rất nhiều đoạn y chang như bài đã nộp cho Neuron, nhưng trong danh sách tác giả không có tên của Andrew Mallon! Mallon nổi nóng và làm hồ sơ kiện Marshall (và đồng nghiệp của Marshall là Dennis Goebel) ra toà, vì loại bỏ tên của Mallon ra khỏi bài báo để công ti của Marshall hưởng lợi.

Phía Marshall thì mướn luật sư nộp hồ sơ bác bỏ vụ kiện. Họ lí giải rằng đúng là bài báo nộp cho Neuron bị từ chối (tức không công bố) nên không có vấn đề "tác quyền" ở đây. Nói cách khác, mỗi tác giả có quyền lấy chất liệu trong bài đó để sử dụng sau này khi cần. Nhưng cách giải thích này không thuyết phục được toà án.

Còn phía Mallon thì cho rằng Marshall loại bỏ Mallon khỏi bài báo là một hành động trả đũa. Hoá ra trước đây Mallon từng hợp tác với các giới chức đại học để điều tra hành vi gian lận khoa học của Marshall và một người khác tên là Cong Cao (trong lab của Marshall).

Sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Sẽ rất thú vị để xem phán xét của toà án như thế nào. Mấu chốt của vấn đề là: Ai là người sở hữu dữ liệu? Nếu Mallon được mướn làm thí nghiệm và làm dưới sự hướng dẫn của Marshall, và khi Mallon rời lab, thì Mallon khó có thể nói dữ liệu đó là của anh ta. Đại học Brown cũng đã điều tra và họ kết luận Marshall chẳng làm gì sai. Do đó, đứng về mặt pháp lí thì Mallon khó mà thắng cuộc.

Nhưng trong khoa học, người ta thường hành xử [nói theo Trịnh Công Sơn là] tử tế với nhau, nên việc Marshall loại Mallon khỏi bài báo là một hành động không đẹp chút nào, nhất là hai người đã từng làm việc chung và cả hai cùng đứng tên trong bằng sáng chế.

Ở Việt Nam, tôi có khi được mời đánh giá thành tích khoa học của một số người, nên tôi có dịp xem qua lí lịch của một số “cây đa cây đề”. Nói chung, họ có rất ít bài báo đứng tên tác giả đầu hay tác giả chính (corresponding author), mà chỉ đứng tên chung với nhiều người khác, phần lớn là đồng nghiệp nước ngoài. Đó là hình thức “gift authorship”, tức họ chẳng có đóng góp gì cho công trình, nhưng họ là sếp nên người ta muốn để tên của họ vào bài báo để dễ làm việc sau này.

Một số em nghiên cứu sinh còn cho tôi biết rằng các em ấy thỉnh thoảng bị áp lức từ sếp phải tự nguyện rút tên mình ra và thay tên sếp vào bài báo. Lí do là sếp muốn có đủ bài báo (hay điểm) để đăng kí chức danh phó giáo sư! Chuyện nếu nói với người nước ngoài thì nghe rất hài hước, khó tin, nhưng ở VN thì hoàn toàn có thật. Khó có nơi nào trên thế giới mà một số của một tập san đăng cùng một lúc hàng loạt bài của cùng một tác giả. Chỉ có ở Việt Nam! Những sự việc như thế xảy ra một lần nữa nói lên nhu cầu về qui định tiêu chuẩn đứng tên tác giả bài báo khoa học mà tôi đã từng bàn trước đây trong sách của tôi (2).

Nhưng may phước là VN chưa có những tranh chấp như trường hợp Mallon và Marshall. Chưa chứ không phải là không có. Do đó, tôi nghĩ một cách đề phòng là VN nên có những qui định về tiêu chuẩn đứng tên bài báo khoa học để tất cả các bên đều hiểu và đồng ý trước khi bài báo được công bố.

====

(1) http://sciencecareers.sciencemag.org/career_magazine/previous_issues/articles/2015_04_24/caredit.a1500103

(2) Xem “Từ nghiên cứu đến công bố” do Nhà xuất bản Tổng Hợp xuất bản năm 2013.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét