Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Phân biệt khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng

Có những điều mà VN mình tốn rất nhiều thì giờ tranh cãi một cách không cần thiết. Một trong những vấn đề đó là tranh cãi thế nào là khoa học cơ bản và thế nào là khoa học ứng dụng. Đối với những người làm việc trong các bộ môn khoa học mang tính thử nghiệm thì sự phân biệt quả thật là không cần thiết, có người còn lí giải rằng một phân biệt như thế là phản tác dụng và … nguy hiểm.


Trong một lần trò chuyện với một đồng nghiệp, anh hỏi tôi làm sao phân biệt khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng? Tôi nói rằng một phân biệt như thế có lẽ không cần thiết, thì người bạn tôi nói rằng: "Không, rất cần thiết ở Việt Nam". Lí do là nếu một công trình nghiên cứu được các giới chức quản lí khoa học xếp vào nhóm khoa học ứng dụng thì sẽ không có yêu cầu công bố, còn nếu công trình được xếp vào nhóm khoa học cơ bản thì nhà khoa học được yêu cầu phải công bố kết quả nghiên cứu. Thật là một cách phân biệt … không giống ai.

Câu chuyện làm tôi nhớ đến khoảng 2 năm trước có một cuộc tranh luận nho nhỏ xảy ra trong giới khoa học là có nên tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản quá nhiều như hiện nay. Câu chuyện được đưa ra để làm "chất liệu" cho tranh luận là một nhóm nghiên cứu được tài trợ khá nhiều tiền để nghiên cứu về [chờ chút …] bộ phận sinh dục của vịt. Đó là một nghiên cứu thuộc loại khoa học cơ bản. Người chống những nghiên cứu cơ bản thì nói đó là một minh hoạ cho sự vô dụng của khoa học cơ bản. Và, trong thời "gạo châu củi quế" thì phải hạn chế tài trợ cho những nghiên cứu như thế, mà tập trung vào nghiên cứu có ích hơn. Người bênh thì nói đó là một mô hình nghiên cứu rất hay về ảnh hưởng của tiến hoá, biết được tại sao dương vật và âm vật của vịt có hình dạng đặc thù như ngày nay là một câu trả lời có thể quan trọng cho con người! Chỉ có vịt mới có thể "hi sinh" để chúng ta nghiên cứu, chứ làm sao mổ xẻ trên người được, và do đó, mô hình nghiên cứu trên vịt không hề vô dụng như những kẻ dốt khoa học nói bậy. Họ (những người bênh khoa học cơ bản) lí giải như thế.

Cuộc tranh luận cho thấy thỉnh thoảng vấn đề phân biệt khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng (tôi không ưa chữ này) vẫn được đặt ra. Ở VN thì nhiều người rất quan tâm đến vấn đề này, nên tôi nhân dịp câu chuyện nghiên cứu vịt để bàn thêm vài điểm để gọi là có đóng góp.

Để phân biệt giữa hai thực thể thì chúng ta cần phải có tiêu chí. Theo tôi thấy, có thể dùng 3 tiêu chí sau đây để tạm phân biệt thế nào là khoa học cơ bản và thế nào là khoa học ứng dụng: động cơ nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu, giá trị nội tại. Dĩ nhiên, có thể nghĩ đến vài tiêu chí khác nữa, nhưng tôi nghĩ 3 tiêu chí này là khá đầy đủ để phân định.

Về tiêu chí thứ nhất, động cơ của KHCB là mở rộng tri thức con người. Tất cả hoạt động trong KHCB chỉ nhắm vào mục tiêu tri thức chứ không có gì khác hơn. Có những nhà khoa học tiêu ra cả đời chỉ để theo đuổi tìm hiểu cấu trúc của một phân tử, mà họ có khi không biết thông tin đó sẽ ứng dụng cho cái gì. Còn khoa học ứng dụng thì có động cơ chính là ứng dụng tri thức, biến đổi hoặc cải tiến phương pháp, hay giải quyết một vấn đề thực tế. Khoa học cơ bản phát hiện ra gen, thì khoa học ứng dụng có thể phân tích xem gen đó có liên quan đến bệnh tật hay không, và nếu có thì có thể can thiệp để giảm nguy cơ mắc bệnh. Khoa học ứng dụng cũng có thể là những nghiên cứu thực tế hơn như cải tiến một phương pháp hiện hành cho một điều kiện mới.

Tiêu chí thứ hai để phân biệt KHCB và KHUD là sản phẩm nghiên cứu. Sản phẩm của KHCB là tri thức mới mang tính lí thuyết và dữ liệu mới. Các nhà khoa học cơ bản không biết công trình và kết quả của họ sẽ ứng dụng cho cái gì. Họ có thể kiểm định một lí thuyết mới, phát triển một phương pháp mới, hay có nhiều khi phát hiện một cái mới hoàn toàn ngẫu nhiên (chẳng hạn như phát hiện X quang, penicollin và gen LRP5). Khoa học ứng dụng thì sản xuất ra công nghệ và tri thức thực tế. Còn KHƯD là những công trình nghiêng về ứng dụng những tri thức hiện hành để có những kết quả cho một mục đích cụ thể. Theo cách hiểu này thì kĩ thuật (engineering) là một khoa học ứng dụng. Nghiên cứu sản xuất ra thuốc mới, phát triển phương pháp phân tích hàng triệu SNP trong hệ gen, v.v. cũng được xem là khoa học ứng dụng.

Tiêu chí thứ ba là khái niệm "internal goods", tôi tạm gọi là giá trị nội tại. Một cách ngắn gọn, giá trị nội tại là những giá trị bao hàm trong hành động thực tiễn. Đối với khoa học cơ bản, giá trị nội tại hiểu thế giới chung quanh. Đối với khoa học ứng dụng, giá trị nội tại là thay đổi thế giới (hoặc gìn giữ không cho thay đổi). Dự án Human Genome Project chẳng hạn là một công trình nhằm thu thập tri thức về con người (và một mô hình cho các sinh vật), và đó chính là giá trị nội tại.

Nhưng có những trường hợp mà lằn ranh giữa KHCB và KHUD không rạch ròi như tôi nói ở trên.  phân biệt như thế khó áp dụng. Có thể nói rằng con đường từ KHCB đến KHUD là một đường thẳng liên tục. Trong y khoa, nghiên cứu ở mức độ tế bào (như sinh học phân tử) được xem là nghiên cứu cơ bản, còn thử nghiệm lâm sàng được xem là nghiên cứu ứng dụng. Nhưng ngay cả những người làm trong lĩnh vực sinh học phân tử cũng phản đối rằng họ là giới nghiên cứu cơ bản; họ muốn nhìn mình là giới nghiên cứu ứng dụng, bởi vì kiến thức của họ có thể chuyển giao thành sản phẩm.

Nhưng còn nghiên cứu hệ gen thì sao? Nếu tôi phân tích trình tự hệ gen của một nhóm bệnh nhân thì công trình đó nên được xem là nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng? Khó có thể phân biệt. Thật ra, là không thể phân biệt, bởi vì công trình nghiên cứu có động cơ và sản phẩm vừa mang tính cơ bản lại vừa mang tính ứng dụng. Tôi có thể có thông tin của hàng triệu biến thể gen, nhưng chỉ có một số nhỏ là liên quan đến bệnh. Tuy nhiên, hàng triệu biến thế gen không liên quan đến bệnh không có nghĩa là thông tin vô dụng, vì chúng tôi chưatìm thấy ứng dụng của chúng. Do đó, cái giá trị nội tại là mang tính cơ bản, nhưng sản phẩm thì lại mang tính ứng dụng vì tôi dùng các thông tin gen đó để chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong trường hợp này, việc phân biệt nghiên cứu ứng dụng và cơ bản là hết sức … hài hước (và dĩ nhiên là không cần thiết). Trong thực tế rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học ngày nay không cần đến sự phân biệt giữa cơ bản và ứng dụng.

Vai trò của "consumer" trong việc tài trợ cho nghiên cứu khoa học, nhất là ngành ung thư học. Tôi phải để chữ consumer trong ngoặc kép, vì chữ đó không được hiểu theo nghĩa thông thường là "người tiêu thụ", mà là "người liên đới". Trong trường hợp này, consumer có nghĩa là các tổ chức đại diện cho bệnh nhân ung thư. Tôi thấy đây là một mô hình rất có ích để Việt Nam tham khảo. Ở Việt Nam, có nhiều người phàn nàn rằng có nhiều dự án nghiên cứu … vô bổ. "Vô bổ" hiểu theo nghĩa không có ứng dụng, hay không nghiên cứu thì người ta cũng biết. Một đất nước còn nghèo mà tài trợ cho những dự án như thế (nếu đúng như thế) thì quả thật là phí tiền thuế của dân. Vấn đề là ai là người đánh giá "vô bổ" hay "có ích". Trong vấn đề này, tôi nghĩ sự hiện diện của "consumer" là một giải pháp có thể có ích.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét