Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Nhân đọc từ “giải phóng”, nhớ chuyện xưa …

Đó là chuyện gần 40 năm về trước, khi “phe thắng cuộc” mới vào tiếp nhận và quản lí miền Nam. Có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt thời đó, và những chuyện đó tự nó chất vấn hai chữ “giải phóng”, và đặt câu hỏi chính đáng “ai giải phóng ai”. Câu chuyện của tôi liên quan đến một anh bạn bên phía "thắng cuộc".


Anh tên là Tr., người Bắc Ninh, chỉ mới học xong lớp 8 là đi bộ đội, nhưng anh rất trọng người có học. Sau 1975 anh không về Bắc, trở về đời sống dân sự, và được tuyển vào làm nghề lái xe cho cơ quan. Bọn thanh niên miền Nam chúng tôi quen anh trong vai trò đó. Cá nhân tôi rất mến anh, vì anh rất thành thật, có cái tính ngang tàng của dân Nam kì, khác hẳn mấy người miền Bắc thời đó. Anh không nói dóc hay nổ về miền Bắc. Vài năm trước, bẵng đi mấy mươi năm tôi gặp lại anh, ui chao hai người mừng quá. Sau mấy chục năm định cư trong Nam, anh không còn Bắc kì chút nào (nếu còn thì chỉ cái giọng thôi), chứ từ cách giao thiệp đến ăn nhậu, anh là dân Nam kì thứ thiệt. Ngày nay, anh là một doanh nhân loại nhỏ, đã thành ông nội, và quan trọng là có con đi học bên Singapore.

Anh trở nên “phản động” rất nhanh. Chỉ độ 2 năm sau ngày “giải phóng” là anh đã định bỏ đảng. Cứ mỗi lần rượu vào hay trên bàn cà phê, anh tâm sự là anh bị lừa. Anh nói lúc đi bộ đội, vì bị tuyên truyền, anh cứ tưởng người dân trong Nam nghèo lắm. Anh nghĩ họ bị bọn Mĩ Nguỵ bóc lột nghèo đến nỗi không có chén để ăn cơm, mà phải dùng đến gáo dừa làm chén. Anh phải tòng quân để cứu giúp đồng bào ruột thịt mình. Nhưng đến khi vào tiếp quản thì anh mới sáng ra là mình bị lừa gạt. Dân miền Nam giàu hơn nhiều và sống đầy đủ hơn nhiều so với dân miền Bắc. Anh chẳng thấy ai ăn cơm bằng gáo dừa cả. Chỉ thấy xe Honda và xe hơi chạy đầy đường ở trong Nam là anh đã biết mình bị gạt.

Một hôm, tôi rủ anh về thăm nhà tôi dưới quê. Hai anh em đi xe đò về tới CK, rồi từ đó đi bộ về nhà (độ 5 km). Khi mới ghé qua nhà, từ cái chợ làng, con sông đến đồng ruộng vàng ươm bao la, anh đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Anh hỏi tôi: Này! Nguyên khu đất này là đất của bố mày à? Tôi thản nhiên nói: Ừ, ba tôi lập nghiệp ở đây lâu rồi. Đây là đất vườn để ở, còn đất làm ruộng phải đi 10 cây số nữa. Tôi dẫn anh ra sau vườn, anh thấy nào là xoài, ổi, mận, chuối, dừa, v.v. quá nhiều và mắt cứ mở ra ngạc nhiên.

Anh cứ suýt xoa nói đất và nhà rộng quá, mà nhà thì chỉ có ba má tôi và 3 đứa em gái. Tôi nói không rộng đâu, bên dượng tôi còn rộng hơn nữa. Nói là làm, tôi rủ anh chèo xuồng qua thăm dượng Út tôi. Dượng tôi người Quảng Ngãi thoạt đầu thấy dân Bắc kì nên có vẻ không hạp mấy, nhưng thấy anh Tr ăn nói rất Nam kì nên dượng khoái liền. Dượng Út tôi nói: thằng này coi bộ được à. Dượng Út hét mấy đứa em bắt hai con gà để đãi khách. Chỉ vài chục phút sau là có gà luộc ăn, rau thơm và bắp chuối đầy đủ (tất cả chỉ từ sau vườn), kèm theo nồi cháo thơm phức. Anh Tr cảm kích lắm. Anh nói ở ngoài Bắc rất khó có được một bữa ăn như thế. Ăn uống xong, dượng Út tôi hỏi cuộc sống ngoài Rạch Giá ra sao, và khi biết anh Tr thiếu gạo (mà thiếu thật), dượng Út tôi liền kêu mấy đứa nhỏ chuẩn bị một bịt gạo cả chục kí-lô cho anh đem về nhà. Các bạn thử tưởng tượng, anh và tôi phải luân phiên vác cái bịt gạo đó 5 km ra Chắc Kha (để đón xe đò về Rạch Giá)! (Thời đó, còn là thanh niên trai trẻ nên tôi mới vác nổi, chứ bây giờ thì sao vác nổi).

Trên đường về cơ quan, anh nói rất nhiều về sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc, và tôi chỉ biết nghe chứ không bình luận gì (do tôi có biết cuộc sống ngoài kia ra sao đâu). Càng ngày anh càng tỏ thái độ chống đối. Bất cứ câu gì của lãnh đạo, anh cũng bỉu môi, nói ngược lại. Anh không còn tin vào hai chữ “giải phóng” nữa, vì anh nghĩ anh mới là người được giải phóng, chứ anh có giải phóng ai đâu. Chính miền Nam đã cho anh biết thế nào là một cuộc sống sung túc, sống chan hoà với nhau (chẳng ai làm chó săn theo dõi ai). Tôi để ý cứ mỗi sáng đọc báo Nhân Dân, anh ngồi tít đằng sau chỉ thẩn thờ hút thuốc. Tôi phải nói thêm rằng thời đó, mỗi sáng đều có người đọc báo Nhân Dân cho cả cơ quan nghe. Chuyện hài hước, nhưng hoàn toàn có thật. (Bây giờ ai mà đọc báo Nhân Dân thì bị xem là tra tấn tinh thần).

Như nói nói trên, anh Tr tuy học không bao nhiêu, nhưng rất quí anh em miền Nam có học. Thời đó, sinh viên mới tốt nghiệp ở Sài Gòn về công tác, các cô cậu vẫn còn phong cách rất “tư sản”. Các nàng thì mang guốc cao gót, ăn mặc tươm tất, rất tiểu thư đài các, khác hẳn các cán bộ gốc du kích hay ngoài Bắc chi viện vốn chỉ mặc áo bà ba (hay các cô ngoài Bắc thì mặc theo kiểu Tàu, áo chemise và quần đen cũn cỡn, trông buồn cười lắm) . Các chàng thì lúc nào áo cũng trong quần trông rất văn minh, khác hẳn với mấy ông "răng đen mã tấu". Nhưng với nhiều cán bộ cơ quan thì đó là những cái gai trong mắt họ. Cứ mỗi lần họp cơ quan là có người nói xa nói gần chỉ trích “lối sống tư sản” (dĩ nhiên trong đó có tôi), có khi họ nói rất nặng nề. Vậy mà đám thanh niên “tư sản” đó vẫn ne-pas.

Riêng anh Tr thì không bao giờ nói gì; ngược lại anh thích đi theo tụi tôi bù khú, cà phê, cà pháo. Cứ mỗi lần đọc báo có tiếng nước ngoài, anh nhờ tụi tôi giải thích. Anh ham học thật. Anh có nghề xem tướng số, nên cứ mỗi lần xỉn xỉn, anh nhận xét từng cô “tư sản” trong cơ quan. Nào là PP là chân dài (mà dài thật); NB có khuôn mặt sáng, nhưng tướng đi làm hại cô ấy; D ngực bự, nhưng khó nuôi con, v.v. nói chung toàn chuyện đàn ông bù khú vớ vẩn đó mà. Lúc đó, L (là một bác sĩ trí thức nhất) nói với tôi: Tao nghi thằng cha này là đảng cài vào để theo dõi tụi mình, nên coi chừng. Nhưng L nghi oan cho anh ấy, vì anh không còn thiết tha gì với đảng nữa. Có vài lần anh đòi ra khỏi đảng nhưng bị chú Ba N lúc đó là giám đốc chửi cho vài trận nên thôi.

Bác ba N cũng là một người khá đặc biệt. Bác ngày xưa có bằng Premiere rồi theo cách mạng, và sau này đi tập kết ra Bắc. Sau 1975, bác N về lại miền Nam. Bác là người cộng sản đàng hoàng, và vì là người có học, nên bác hay bênh vực đám thanh niên “tư sản” bọn tôi. Bác không ưa người miền Bắc, ngoại trừ anh Tr là tài xế cho bác ấy. Có lần tôi bị kiểm điểm vì đeo cái đồng hồ Seiko, tôi nổi nóng đòi nghỉ việc, bác ba N kêu vào office vừa nói vừa chửi: “Đồ ngu, chỉ có một sự việc nhỏ là đòi nghỉ, con nít. Tụi nó nói gì thì kệ cha nội tụi nói, mày cứ im lặng cho tao. Tụi nó cả đời có biết đồng hồ là gì, nên tụi nó ganh đó thôi.” Bác N nói thêm như cảnh cáo: “Tao mà nghe mày nói nghỉ việc nữa là coi chừng tao.” Có vài lần bác N biết trước là cơ quan họp để dằn mặt ai đó trong đám tư sản, bác chủ động có mặt như để dằn mặt lại các cán bộ miền Bắc và cán bộ du kích (hai nhóm này cũng không ưa nhau). Bác làm như thế rất âm thầm, chứ không hề nói gì ra ngoài.

Anh Tr có một cái khiếu rất lợi hại là giả chữ kí. Chữ kí của lãnh đạo nào anh cũng giả được rất hay. Thời đó, khi đi công tác thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới mua được vé xe đò (loại xe đò ghế toàn làm bằng cây, và phải dùng cái thanh sắt để quay nó mới chạy, chứ không phải đề tự động như bây giờ). Có lần bác ba N và ông trưởng phòng hành chính đi công tác, mà tụi tôi cần vé đi Sài Gòn. May phước là anh Tr không lái xe cho họ lúc đó. Bí quá, nên tôi phải cầu cứu anh Tr giả chữ kí bác Ba N, và hứa sẽ mua quà Sài Gòn về cho anh. Anh nhìn mặt tụi tôi (lúc đó chắc thảm hại lắm) rồi nói: ĐM, giả thì được rồi, nhưng nếu mai mốt tụi mày vui miệng nói ra thì ông già ổng đuổi tao thì sao. (Anh Tr hay gọi bác Ba N là “ông già”). Năn nỉ mãi, anh chịu kí vào giấy giới thiệu, và thế là chúng tôi có chuyến đi Sài Gòn. Sau này, anh còn kí giả để anh em mua xăng dầu đi vượt biên! Do đó, công anh Tr cũng lớn đối với nhiều người.

Anh Tr mê gái miền Nam, và hỏi chúng tôi có cách nào làm mai cho anh một cô. Một vài năm sau (khi tôi đã đi) thì anh cũng thành hôn với một em miền Nam. Nhưng câu chuyện lần đó mới là đổi đời anh. Em này có người trong nhà đi vượt biên. Do đó, đảng khuyên anh không nên cưới em ấy, còn nếu cưới thì phải ra đảng. Sau này, anh nói với tôi: ĐM, tao muốn bỏ lâu rồi, nên nhân dịp này là tao bỏ luôn, tới đâu thì tới. Nhưng trong thực tế, đảng lờ cho anh cưới M. Thế là anh cưới M, và hai người sống bên nhau cho đến nay. Sau khi cưới, anh bỏ nghề tài xế cơ quan, ra bươn chãi làm ăn linh tinh, nhưng hai vợ chồng cũng kì cóp mua được nhà. Thêm viện trợ từ nước ngoài bên vợ, nên hai vợ chồng làm được một doanh nghiệp mua bán trái cây và nông sản rất khá. Anh có một cậu con trai học rất giỏi, nó được học bổng đi học bên Singapore. Anh rất tự hào về cậu con trai đó. Sau này, anh còn “bảo lãnh” cả nhà ngoài Bắc Ninh vào định cư trong Nam.

Bây giờ, mỗi lần gặp anh, lại bù khú với nhau, hỏi chuyện ai còn ai mất, anh hồi tưởng chuyện “mấy thằng thanh niên tư sản” và cười ngất. Anh nói một cách thành thật là cả nhà anh phải cám ơn miền Nam và “mấy thằng mày” cho tao biết thế nào là ăn ở tử tế. Có hôm, anh, tôi và vài người bạn doanh nghiệp của anh đi quán karaoke, trong lúc ngà ngà tôi giả bộ hỏi anh “lúc này anh còn sinh hoạt đảng không”, anh nhìn tôi vừa chửi thề, vừa nói giọng rặt Nam Bộ: “Ở chỗ vui vẻ này câu hỏi của mày làm tao mất vui.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét