Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Minh bạch trong khoa học

Nói đến khoa học Việt Nam thì nhiều người xem đó là "câu chuyện buồn". Nhà nước chi khá nhiều tiền (hàng nửa tỉ USD mỗi năm) cho khoa học, nhưng sản phẩm thì chẳng thấy đâu. Đành rằng có nhiều loại "sản phẩm" cần thời gian, nhưng 20 năm hay 30 năm mà vẫn chẳng ra ngô khoai thì phải xem lại cái "đành rằng" đó. Một hiện tượng rất phổ biến ở Việt Nam, gần như là một qui luật, là nhà khoa học thích nhận tiền của Nhà nước nhưng họ không có công bố sản phẩm làm ra. Còn Nhà nước thì chỉ làm "nghiệm thu" rồi đâu vào đó, chẳng làm thay đổi gì cả. Hệ quả là số ấn phẩm khoa học VN thua xa các nước như Singapore, Thái Lan, Mã Lai, v.v. Thua cả 20-30 năm. Nhiều người làm khoa học không cảm thấy mắc cỡ, và người tài trợ cũng chẳng thấy xấu hổ trước hiện trạng đó.


Nhưng đang có vài dấu hiệu tích cực. Ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các nhà khoa học nên công bố kết quả nghiên cứu. (Xin mở ngoặc để nói thêm là ông VĐĐ là người có bằng tiến sĩ từ Bỉ, và có lẽ là người sáng nhất hiện nay trong Chính phủ). Nhưng một số không ít nhà khoa học không mặn mà với lời kêu gọi này, nên anh phóng viên hỏi tôi là tình hình ở nước ngoài ra sao. Tôi chỉ có thể chia sẻ những gì tôi biết ở ngoài và một chút so sánh với bên nhà.

Phải nói là trong thời gian gần đây (chắc cỡ 5 năm trở lại), phong trào minh bạch khoa học càng ngày càng lan rộng. Bây giờ, đi đâu cũng nghe người ta nói đến "data sharing" (chia sẻ dữ liệu), transparency (minh bạch), và reproducibility (tái thiết lập), v.v. Mấy năm trước, khi nói đến data sharing, rất nhiều người phản đối, vì ai cũng nghĩ mình bỏ ra cả chục năm trời để có dữ liệu, vậy mà tự nhiên có người đòi mình phải công bố nó, mà con chia sẻ nữa chứ! Nhưng cái gì đến cũng phải đến. Ngày nay, chia sẻ dữ liệu là chuyện quá bình thường.

Mấy tập san lớn còn đòi hỏi tác gỉa phải công bố dữ liệu kèm theo bài báo. Đây là trào lưu họ bắt chước từ mô hình thử nghiệm lâm sàng trong y khoa. Trong thử nghiệm lâm sàng (RCT), nhà nghiên cứu bắt buộc phải đăng kí thông tin trước khi thực hiện, và phải công bố dữ liệu sau khi thực hiện xong. Các tập san lớn làm theo mô hình này và họ rất thành công trong minh bạch hoá khoa học.

Qua công bố dữ liệu mà giới khoa học có thể kiểm tra nhau. Mới tuần này, một câu chuyện "đau lòng" xảy ra, và một bài báo phải bị rút xuống. Số là một công trình nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến sự chuyển dịch của thực vật, mà theo đó tác giả phát hiện rằng khi nhiệt độ tăng thì các cây cỏ có xu hướng chuyển dịch xuống phía nam, một phát hiện đi ngược lại giả thuyết. Biết bao bài báo viết về phát hiện giật gân này. Nhưng khi một anh chàng ở ĐH Princeton dùng dữ liệu của tác giả công bố và anh ta phân tích lại thì thấy kết quả hoàn toàn ngược với tác giả: cây cỏ có xu hướng dịch chuyển về phía bắc. Khi kiểm tra kĩ thì anh chàng này thấy tác giả đã mã hoá dữ liệu sai, nên kết quả phân tích cũng sai. Ôi! Một bài học nhớ đời về quản lí dữ liệu. Qua trường hợp này, người ta mới thấy lợi ích của việc công bố dữ liệu thô kèm theo bài báo khoa học.

Ngày nay, cái khái niệm "công bố khoa học" đã được mở rộng hơn so với trước đây. Trước đây, chúng ta biết là chỉ công bố bài báo khoa học, hay đăng kí bằng sáng chế là hai hình thức phổ biến trong công bố khoa học. Nhưng ngày nay, có khi nhà khoa học chỉ công bố dữ liệu mà không cần công bố bài báo khoa học! Hôm nọ, tôi có dịp trao đổi với một editor của Nature Genetics khi anh ta ghé thăm Viện Garvan thì mới biết là Nature có hẳn một tập san mới gọi là Scientific Data, nơi mà các nhà nghiên cứu có thể công bố dữ liệu khoa học ở đó. Có khi nhà khoa học chọn công bố qui trình và phương pháp, và Nature cũng có tập san cho khía cạnh công bố này: Nature Methods và Nature Protocols. Tôi nghĩ đại đa số giới khoa học VN vẫn chưa biết đến khái niệm mới về công bố khoa học, vì họ vẫn nghĩ theo mô hình công bố cũ.

Thật ra, ngay cả công bố bài báo khoa học ở VN đã là một yêu cầu đầy khó khăn vì họ không mặn mà. Nhiều người lấy đủ thứ lí do để không công bố. Những lí do họ đưa ra (theo tôi sưu tầm) là:

·       Chỉ có khoa học cơ bản mới công bố, chứ khoa học ứng dụng không cần công bố; 
·       Ngành của tôi là khoa học xã hội, nên không thể công bố;
·       Ngành của tôi là kĩ thuật, chỉ làm ra sản phẩn, không cần công bố;
·       Công bố trên tập san quốc tế tốn hàng ngàn USD;
·       Tập san lấy tiền (ấn phí) là tập san dỏm, không đáng tin cậy;
·       Nghiên cứu ở VN, công bố trên tập san VN là ok rồi, không cần công bố quốc tế;
·       Công bố trên tập san VN có cùng điểm với Tập san Nature, Science, Cell, PNAS do đó bài báo trên tập san VN có cùng chất lượng như bài báo trên Nature, Science, Cell, PNAS;
·       Mấy người kêu gọi công bố quốc tế là "theo Tây" và không am hiểu tình hình Việt Nam, không khả thi;
·       v.v. (các bạn có thể thêm lí do để bàn tiếp).

Nhưng tất cả những lí do trên đều thiếu tính thuyết phục, thậm chí có khi … nguỵ biện. Có người thì chẳng phải làm nghiên cứu khoa học (chẳng hạn như làm những việc thường qui trong khâu công nghệ nào đó) nhưng lại thích đeo mặt nạ khoa học, và khi yêu cầu công bố kết quả thì họ lại cố biện minh cho việc không công bố. Chú ý là họ không nói đến chất lượng nghiên cứu của họ có đủ tốt để công bố hay không. Làm khoa học ứng dụng vẫn có thể công bố, hoặc là kết quả, hoặc là dữ liệu, hoặc là phương pháp. Tất cả đều có chỗ sẵn sàng công bố.

Nhưng như tôi nói trong phần cuối của bài phỏng vấn, VN đang hội nhập quốc tế, thì cũng không nên đứng ngoài dòng chảy minh bạch trong khoa học. Hi vọng bài phỏng vấn này được vài người chú ý.

NVT

===


Nước ngoài công khai kết quả nghiên cứu như nào?

Tạp chí Ngày Nay Online phỏng vấn GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) về vấn đề công khai các kết quả nghiên cứu khoa học, theo tinh thần của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

PV: Thưa GS, ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần đề nghị Bộ KH&CN công khai các kết quả nghiên cứu khoa học. Là người làm trong ngành Y, ông có dễ dàng theo dõi các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước không?

NVT: Đây là một vấn đề lớn của khoa học Việt Nam. Rất nhiều nghiên cứu sinh trong nước khi bảo vệ đề cương thì hay bị bắt bẻ là tại sao không trích dẫn các nghiên cứu ở trong nước mà chỉ trích dẫn nghiên cứu ở nước ngoài. Nhưng vấn đề là rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam không được công bố nên làm sao người khác có thể trích dẫn được hay biết người đi trước đã làm gì?N hưng cũng có trường hợp khác là có nghiên cứu được công bố trên một tập san nào đó ở trong nước, nhưng vì số người có thể tiếp cận tập san quá ít và vì chưa được “số hoá”, nên cũng chẳng có bao nhiêu đồng nghiệp tiếp cận được nghiên cứu.

Do chưa có một thư viện có hệ thống về các công trình nghiên cứu đã và đang thực hiện, nên dẫn đến tình trạng rất nhiều nghiên cứu bị trùng lặp nhau hết năm nay sang năm khác. Đó chính là lí do tại sao nhiều nghiên cứu (tôi chỉ nói ngành y) đọc tựa đề lên là nghe “quen quen”. Tình trạng trùng lặp nghiên cứu dẫn đến lãng phí trong khoa học, và tôi nghĩ đó là một điều quá đáng tiếc.

Tôi đang tính đến một dự án là sẽ lập một cơ sở dữ liệu giống như Pubmed (thư viện y khoa toàn cầu) cho Việt Nam, để tập hợp tất cả những nghiên cứu y sinh học đã được công bố trên các tạp chí trong nước. Việc này thật ra không khó mấy nếu có sự hợp tác của các tập san trong nước.

PV: Ở Úc, việc công khai các kết quả nghiên cứu với cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng như nào?

NVT: Việc công bố kết quả nghiên cứu ở những nước như Úc hay Mĩ thì tôi thấy gần như là một mặc định. Khi các nhà khoa học nhận được tài trợ để làm nghiên cứu, thì họ hiểu rằng họ có nghĩa vụ phải công bố kết quả nghiên cứu. Nếu không công bố thì nhà khoa học tự biết rằng khả năng để xin tài trợ trong tương lai là rất thấp. 

Bởi vậy, khi xét đề cương nghiên cứu, hội đồng không chỉ xét qua ý tưởng và chất lượng khoa học, mà còn phải xem xét đến thành tích công bố của nhà khoa học trong quá khứ, đặc biệt là trong 5 năm qua. Một nhà khoa học có thể có nhiều công bố trong quá khứ, nhưng nếu trong 5 năm qua có ít công trình có chất lượng tốt hay không có công bố thì khả năng xin được tài trợ rất thấp.

Còn hình thức công bố thì có thể khác nhau giữa các ngành, nhưng nói chung thì họ thường công bố dưới dạng bài báo khoa học trên các tập san có bình duyệt (tiếng Anh gọi là peer-reviewed journals, để phân biệt với những tập san dỏm). Một hình thức công bố khác là đăng kí bằng sáng chế. Có những dự án nghiên cứu ứng dụng (thường là công nghệ) mà sản phẩm có tiềm năng thương mại thì có khi nhà khoa học tạm hoãn việc công bố kết quả trên các tập san khoa học để đăng kí bằng sáng chế trước. Cũng có khi họ công bố kết quả trước nhưng họ không công bố các qui trình và phương pháp cụ thể vì đó là lĩnh vực họ dùng để đăng kí bằng sáng chế.

PV:  Nhưng có khi, các tạp chí khoa học quốc tế đòi người đọc phải trả tiền để có được bài báo. Thế thì tuy nói là công bố, nhưng sẽ ít người tiếp cận kết quả nghiên cứu?

NVT: Không phải tạp chí nào cũng đòi người đọc phải trả tiền để được đọc. Tôi nghĩ về khía cạnh này, có thể chia làm 3 loại tạp chí. Loại 1 là tất cả các tạp chí Mở đều không lấy tiền độc giả, và bất cứ ai ở bất cứ nơi nào cũng có thể theo dõi. Loại 2 là những tạp chí nửa mở nửa đóng. Những tạp chí lớn (ví dụ như New England Journal of Medicine, JAMA, JCI) thì họ ấn định thời gian “cấm cảng” là 3 hay 6 tháng, và trong thời gian này chỉ có người là hội viên mới truy cập được.

Sau thời gian cấm cảng đó thì tạp chí mở cửa cho bất cứ ai vào đọc. Loại 3 là những tạp chí của các hiệp hội chuyên ngành chỉ mở cửa cho hội viên, còn người ngoài hiệp hội thì phải trả tiền để đọc. Tuy nhiên, trong thực tế, dù tạp chí loại nào, thì người đọc vẫn có thể liên lạc tác giả và họ vui vẻ gửi bài báo cho bất cứ ai yêu cầu. Ngày nay, còn có vài trạm internet như Research Gate và Academia cũng được các nhà nghiên cứu hay sử dụng để chia sẻ bài báo khoa học.

Ngoài ra, còn có tạp chí cho tác giả lựa chọn hình thức công bố Mở (để bất cứ ai cũng đọc được) nhưng tác giả phải trả thêm ấn phí.

Tôi phải nói thêm là hiện nay, rất nhiều cơ quan tài trợ ở các nước phương Tây yêu cầu các nhà khoa học, ngoài việc công bố bài báo trên các tập san quốc tế, họ còn phải lưu trữ những bài báo đó ở một trang web thuộc trường đại học. Không chỉ bài báo, mà nhà khoa học còn phải công bố toàn bộ dữ liệu trong một trang web để bất cứ ai cũng có thể truy cập, và nếu cần, kiểm tra. Tôi nhấn mạnh là toàn bộ dữ liệu, chứ không phải chỉ vài dữ liệu chính.

PV: Giáo sư nói là nhà khoa học phải công bố cả dữ liệu nghiên cứu? Tại sao các cơ quan tài trợ yêu cầu khắt khe như thế?

NVT: Không chỉ cơ quan tài trợ khoa học, mà ngay cả những tạp chí khoa học lớn và có uy tín cũng yêu cầu tác giả phải nộp dữ liệu vào một website nào đó của tạp chí để người khác có thể kiểm tra khi cần thiết. Lí do cho yêu cầu này là vì trong quá khứ có khá nhiều trường hợp gian dối trong khoa học, và nhiều kết quả nghiên cứu không thể lặp lại được, nên các cơ quan tài trợ yêu cầu phải công khai dữ liệu và kết quả nghiên cứu.

Một lí do khác là nhiều người không công bố kết quả nghiên cứu vì kết quả không phù hợp với giả thuyết của họ hay của nhà tài trợ, và tình trạng này dẫn đến lệch lạc trong khoa học. Lí do quan trọng khác là giới khoa học muốn minh bạch hoá và giúp người đi sau có thể lặp lại những nghiên cứu trước đây, nếu cần thiết.

PV: Việc công bố dữ liệu chi tiết như thế nào?

NVT:  Nói một cách ngắn gọn là công bố dữ liệu đầy đủ sao cho người khác có thể lặp lại nghiên cứu hay lặp lại phân tích. Chẳng hạn như tôi làm nghiên cứu trên 1000 bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân tôi thu thập, đo lường 100 chỉ số, thì tôi phải công bố tất cả 100,000 dữ liệu đó.

Nhiều tạp chí không chỉ yêu cầu công bố dữ liệu thô, mà còn phải kèm theo các hình ảnh gốc và mã máy tính dùng trong phân tích dữ liệu. Đối với các công trình nghiên cứu như thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, thì bản đề cương nghiên cứu với phần mục tiêu và phương pháp cũng phải được công bố kèm theo dữ liệu.

PV: Ở nước ngoài, Nhà nước đóng vai trò gì trong việc minh bạch khoa học như giáo sư nói?

NVT: Phong trào minh bạch khoa học khởi đầu từ vấn đề gian lận khoa học, và các cơ quan quản lí khoa học của Mĩ rất quan tâm đến vấn đề này, nên Quốc hội ra đạo luật yêu cầu các nhà khoa học phải công bố kết quả và lưu trữ dữ liệu một cách có hệ thống.

Các chính phủ ở Anh, Úc, Canada, và nhiều nước Âu châu cũng làm theo Mĩ, tức xiển dương minh bạch hoá các kết quả và dữ liệu nghiên cứu khoa học. Vai trò của chính phủ thường là cấp tài trợ cho những dự án để phục vụ cho minh bạch hoá khoa học, nhưng ở vài nơi, vài cơ quan Nhà nước đứng ra quản lí thông tin luôn.

PV: Ở Việt Nam, có ý kiến lo ngại, trong tình trạng các hội đồng nghiệm thu còn nể nang nhau, nếu không công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu thì rất dễ “tiếp tay” cho sự dối trá trong khoa học. GS có ý kiến gì về vấn đề này?

NVT: Tình hình ở Việt Nam thì có khác đôi chút so với nước ngoài như Úc. Ở Việt Nam thì có hội đồng để nghiệm thu đề tài sau khi thực hiện xong, còn ở nước ngoài thì không có hội đồng nghiệm thu.

Tôi có dịp dự vài buổi nghiệm thu với tư các quan sát viên, và thành thật mà nói, tôi không thích cách làm “nghiệm thu” lắm. Có trường hợp người ngồi trong hội đồng nể nang nhau (kiểu như “anh không sờ vai tôi, tôi không sờ vai anh”) nên cuối cùng thì đề tài nào cũng được thông qua, nhưng kết quả nghiên cứu thì rất ít người có thể tiếp cận được.

Ngược lại, ở Úc, việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san có bình duyệt được hiểu ngầm như là đã được nghiệm thu bởi cộng đồng khoa học, nên chủ đề tài không phải qua một khâu “nghiệm thu” như ở Việt Nam. Vả lại, mỗi năm người ta tài trợ cho hàng ngàn đề tài nghiên cứu và mỗi nghiên cứu thường kéo dài từ 3-5 năm, việc tổ chức hàng ngàn hội đồng với hàng vạn người ngồi trong các hội đồng đó là việc làm không thực tế.

PV: Theo GS, Việt Nam nên yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu như thế nào (với khoa học cơ bản và ứng dụng)?

NVT: Về nguyên tắc, công bố kết quả nghiên cứu đối với khoa học, dù là ứng dụng hay cơ bản, là một phần của nghiên cứu. Lí do đơn giản là vì bản chất của khoa học là minh bạch. Minh bạch từ phương pháp tiếp cận đến kết quả làm ra. Trong thời đại có quá nhiều nghiên cứu mà chất lượng có vấn đề thì nhu cầu công bố nghiên cứu còn cấp thiết hơn nữa.

Ở Việt Nam, theo tôi biết thì nhiều cơ quan tài trợ cho khoa học đặt nặng đến khâu nghiệm thu đầu ra, chứ chưa xem công bố quốc tế là ưu tiên. Chính vì thế mà nhiều nhà khoa học tìm cách đáp ứng nhu cầu nghiệm thu, hơn là quảng bá kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc tế. Nhưng ở Việt Nam có Quĩ NAFOSTED cũng yêu cầu nhà khoa học nhận tài trợ từ Quĩ phải có công bố quốc tế, và tôi thấy đó là mô hình cần nên nhân rộng cho các quĩ tài trợ khoa học khác.

PV: Ông có đề nghị gì cụ thể hơn không?

NVT: Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm theo một trong hai mô hình mà tôi nghĩ đến như sau: “mô hình địa phương”, và mô hình toàn quốc.

Mô hình thứ nhất, tạm gọi là “mô hình địa phương”, là mỗi đại học hay trung tâm nghiên cứu lập một “depository” (kho trữ tài liệu) để các nhà khoa học có thể lưu trữ bài báo đã công bố hoặc dữ liệu ở đó. Đây là hình thức mà các đại học phương Tây, kể cả đại học Úc, rất ưu chuộng.

Mô hình thứ hai là đăng kí nghiên cứu. Trên thế giới ngày nay, tất cả các thử nghiệm lâm sàng, bất kể làm ở đâu trên thế giới (kể cả Việt Nam) và bất luận do ai tài trợ, đều phải đăng kí trước khi thực hiện. Nơi đăng kí thường là clinicaltrials.gov bên Mĩ. Hồ sơ đăng kí bao gồm những chi tiết như mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, và có khi cả kết quả chính dự báo. Nếu nhà nghiên cứu không đăng kí thì kết quả sẽ không có tập san nào chịu công bố. Tôi nghĩ Bộ KHCN có thể làm theo mô hình này, tức là lập ra một trang web giống như clinicaltrials.gov. Khi đề cương nghiên cứu đã được phê chuẩn thì thông tin về đề cương đó sẽ được công bố trên website. Khi nghiên cứu đã thực hiện xong, thì nhà nghiên cứu có thể gửi bài báo đã công bố cùng dữ liệu ở đó. 

Việc lưu trữ bài báo trên một website trong vài trường hợp có thể mâu thuẫn với bản quyền của nhà xuất bản, nhưng kinh nghiệm cho thấy Bộ KHCN hay đại học có thể thương lượng với nhà xuất bản. Làm được như thế tôi nghĩ sẽ giúp cho khoa học Việt Nam rất tích cực.

Nói chung, trào lưu hiện nay là khoa học phải minh bạch và chia sẻ với nhau. Cái thời mà khoa học vận hành như là một hoạt động khép kín, có phần bán bí mật đã qua lâu rồi. Cái thời mà nhà khoa học giữ dữ liệu cho riêng mình cũng đã qua lâu rồi. Thời đại ngày nay, giới khoa học hợp tác với nhau và chia sẻ dữ liệu với nhau được xem như là một chuẩn mực về đạo đức khoa học. Không có lí do gì mà Việt Nam đi ra ngoài trào lưu minh bạch và hợp tác đó.

Xin cảm ơn GS !

Hoàng Tuân 
(thực hiện)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét