Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Gian dối trong giới khoa học Tàu


Hôm thứ Sáu vừa qua, nhà xuất bản BMC (Biomedcentral) thông báo cho các thành viên ban biên tập rằng BMC quyết định rút xuống 43 bài báo khoa học, đại đa số là từ … Tàu. Sự việc lên báo WP (1)! Lí do rút xuống là vì sau khi kiểm tra, họ phát hiện có dấu hiện lạm dụng qui trình bình duyệt (peer review). Cái "chiêu" mà các tác giả Tàu sử dụng là đề cử những chuyên gia "ma" để bình duyệt bài báo, mà những chuyên gia ma này có vẻ xuất phát từ các công ti chuyên viết mướn. BMC cho biết họ đã đóng cửa phần đề cử chuyên gia bình duyệt khi nộp bài báo.


Chiêu này không mới. Năm ngoái, tập đoàn xuất bản Naturerút xuống 110 bài báo do cùng lí do lạm dụng qui trình bình duyệt như tôi vừa nêu trên. Nature không phải chỉ là nạn nhân duy nhất, nhà xuất bản lừng danh Elsevier cũng là nạn nhân, cũng rút lại 16 bài báo vì chiêu lừa đảo đó. Nay đến phiên BMC (đã bị tập đoàn Springer thu tóm) trở thành nạn nhân. Gần như tất cả những bài báo bị rút xuống là từ Tàu. Có thể nói rằng các tác giả Tàu đã làm được một cú lừa đảo các nhà xuất bản danh giá một cách ngoạn mục.

Ngay cả cá nhân tôi đã từng và đang là nạn nhân của Tàu. Số là tôi phụ trách biên tập một bài báo từ Tàu, đã chấp nhận cho công bố. Sau khi công bố được 1 tuần thì tôi nhận email của một giáo sư nổi tiếng bên Hồng Kông báo cho biết là bài báo này cũng mới được công bố vài ngày trên một tập san phẫu thuật ở Mĩ. Vị giáo sư này không dính dáng gì đến bài báo. Cái điều thú vị là hai bài báo có hai nhóm tác giả hoàn toàn khác nhau, nơi làm việc cũng khác nhau, nhưng số liệu thì giống nhau như đúc! Ngoài ra, 95% những câu văn và thuật ngữ cũng giống nhau. Rõ ràng là hai nhóm tác giả sử dụng 1 nguồn dữ liệu, và có thể do một công ti nào đó viết mướn cho họ. Thế là tập san mở cuộc điều tra. Cho đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức, nhưng tôi nghĩ cả hai tập san sẽ rút bài báo này xuống khi có kết luận từ điều tra.

Tàu lừa đảo người ta rất tốt, nhưng điều đó cũng làm cho người ta đặt câu hỏi về đạo đức khoa học của Tàu. Nhưng cũng phải nói cho công bằng, không phải đa số giới khoa học Tàu lừa đảo; chỉ có "một số không ít" mới làm những trò thất đức đó. Cái số không ít này đủ để làm hoen ố giới khoa học Tàu. Điều này rất đáng tiếc, vì giới khoa học Tàu có thể nói là rất giỏi, những người từng đi du học về Tàu và điều hành nhóm nghiên cứu chẳng hề thua kém đồng nghiệp phương Tây. Có những công trình họ làm rất nhanh và rất lớn mà phương Tây khó làm được. Nhưng chỉ cần vài còn cừu đen cũng đủ làm cho giới khoa học quốc tế nghi ngờ những bài báo từ Tàu.

Nhưng sự việc không phải có nghĩa là khoa học đang bị hư hỏng như nhiều người muốn hiểu; nó chỉ nói lên rằng hệ thống xuất bản khoa học từ thế kỉ 19 không còn thích hợp cho thế kỉ 21 nữa. Ngày xưa, cho mãi đến ngày tôi mới vào học PhD, thì việc xuất bản khoa học vẫn theo mô hình cũ: tác giả gửi bản thảo bài báo cho tập san bằng bưu điện bảo đảm (thời đó chưa có email); sau 3-5 tháng, tập san gửi báo cáo của các chuyên gia bình duyệt; nếu tập san cho cơ hội thì tác giả trả lời; và tập san sẽ quyết định sau đó. Qui trình như thế tốn từ 9 tháng đến 1 năm, và trong vài trường hợp kéo dài đến 2 năm. Đến khi có internet thì việc đệ trình / nộp bản thảo cho đến bình duyệt và quyết định, tất cả đều làm trực tuyến, nên thời gian rất nhanh, có khi chỉ 3 tháng là xong. Vì nộp trực tuyến và nhiều tác giả từ nước trong thế giới thứ 3 dùng địa chỉ email công cộng (như yahoo, hotmail, gmail, v.v.) cho nên tập san khó kiểm tra được họ là người thật hay ảo. Một số nhà khoa học Tàu lợi dụng kẽ hở này và gây ra tình trạng nhiễu nhương trong xuất bản khoa học như hiện nay. Họ đã phá vở mối quan hệ thiêng liêng trong khoa học: đó là sự tin tưởng. Họ làm cho các tập san nghi ngờ tác giả. Cái tội của họ rất lớn. Nhưng đồng thời sự việc cho thấy qui trình xuất bản phải thay đổi để thích ứng với thế kỉ 21. 

Điều ám ảnh nhất với tôi là VN thường hay bắt chước Tàu. Từ chính trị đến văn hoá, tư tưởng, thậm chí quân phục, và cả tổ chức khoa học, đều bắt chước Tàu. Thầy mà gian dối như thế thì tôi nghĩ khả năng rất cao là trò cũng gian dối. Chỉ có điều là sự gian dối chưa xuất hiện mà thôi, hay xuất hiện ở tần số chưa đủ dầy để gây chú ý. Tôi nghĩ các cơ quan khoa học VN ngay từ bây giờ phải có sẵn qui trình xử lí khi sự việc gian dối xảy ra. Không nên chờ đến khi sự việc xảy ra làm cho lúng túng không biết giải quyết thế nào.

===


0 nhận xét:

Đăng nhận xét