Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học


Thử tưởng tượng bạn là một nhà báo. Một ngày đẹp trời, một nhà khoa học liên lạc bạn để quảng bá (PR) một công trình nghiên cứu mà nhà khoa học cho là rất quan trọng, đã được công bố trên một tập san thuộc danh mục SCI (1). Làm sao và dựa vào tiêu chí gì để bạn có thể đánh giá tầm quan trọng của công trình đó? Trả lời câu hỏi này có thể giúp phóng viên phân biệt tầm cỡ của một công trình khoa học và phân biệt được giữa dỏm với thật.


Đọc bài báo trên Dân Trí (2) mà thấy buồn buồn, vì nó phản ảnh trình độ dân trí có vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến khoa học. Một công trình phân tích hệ gen của một gia đình người Việt gồm 3 người dùng công nghệ Next-generation sequencing (Illumina HiSeq 2000) được công bố trên [Tập san] Journal of Biosciences (3). Công nghệ này thực ra là của Mĩ. Tài nguyên máy tính và phân tích thì của Âu châu. VN chỉ đóng góp chất liệu là chính. Một công trình rất bình thường trên một tập san rất thấp [trong chuyên ngành]. Thật ra, nói đúng ra đó là một "exercise", chứ không phải là một "công trình nghiên cứu". Ấy thế mà báo chí VN làm "nóng" lên cứ như là một khám phá gì quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh (4-7)! Ngay cả những người phát minh ra công nghệ sequencing ở Mĩ cũng không dám tuyên bố như những gì tác giả tuyên bố trên báo chí VN. Tôi nghĩ sự việc phản ảnh một phần trình độ khoa học của VN và nhất là của giới báo chí.

Đọc những câu như "một tạp chí quốc tế trong hệ thống SCI", "Đây là tạp chí thuộc hệ thống SCI có uy tín trên thế giới với chỉ số ảnh hưởng IF là 1.93", "tuân thủ theo quy chuẩn quốc tế về y đức trong nghiên cứu", v.v. chỉ làm tôi thở dài. Đối với độc giả đại chúng hay các nhà khoa học không biết về chuyên ngành di truyền thì những câu đó có vẻ hàm ý nói công trình được công bố trên tập san đó là thuộc đỉnh cao khoa học. Nhưng những ai làm trong ngành di truyền học đều thấy những thông tin đó chỉ làm cho họ phì cười, và làm cho công trình bị đánh giá thấp, thậm chí rất thấp.

Journal of Biosciences là của Ấn Độ, tuy nó nằm trong SCI, nhưng nó không phải là tập san chuyên về di truyền học. Tập san này cũng chẳng có uy tín gì trong chuyên ngành di truyền học, vì tầm ảnh hưởng (impact factor, IF) cực kì thấp so với các tạp chí trong chuyên ngành khác. Nhà khoa học nghiêm chỉnh và có tên tuổi chẳng ai đăng công trình trên những tập san như thế. Trong chuyên ngành di truyền, các tập san có uy tín cao là Nature Genetics (IF 29.65), American Journal of Human Genetics (IF 10.99), Genome Research (13.61), PLoS Genetics (8.69), Human Genetics (IF 4.52), European Journal of Human Genetics (IF 4.22), thậm chí BMC Medical Genetics cũng có IF 2.45. Công bố được trên những tập san như Nature Genetics, Genome Research, hay American Journal of Human Genetics mới đáng được chú ý. Do đó, công trình trên Journal of Biosciences (là tập san "ngoại đạo" di truyền) chẳng có gì đáng chú ý, chứ chưa nói đến đáng để xưng tụng.

Còn nội dung của công trình thì cũng rất bình thường. Đó là một công trình mang tính mô tả, chứ hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì để tham chiếu hay chẩn đoán bệnh tật cả. Để làm giá trị tham chiếu, cần phải nghiên cứu trên nhiều người. Để có thể có giá trị chẩn đoán, cần phải có nhóm bệnh nhân và nhóm không bệnh. Xin nhắc lại là "nhóm", chứ không phải vài ba cá nhân. Công trình này không có những thông tin về bệnh, cho nên chỉ đơn giản là một công trình mô tả. [Nói nôm na] như mô tả căn nhà có bao nhiêu phòng, mỗi phòng được xây bằng bao nhiêu viên gạch và đá, gạch nặng bao nhiêu gram, v.v. Chính vì bản chất mô tả đơn giản, nên không thể nào công bố được trên các tập san có uy tín mà tôi vừa kể. Đó là chưa nói đến chất lượng trình bày và ngôn ngữ tiếng Anh trong bài báo chưa thích hợp cho các tập san có uy tín cao.

Sự việc nhắc lại một lần nữa rằng công bố quốc tế và nghiên cứu khoa học cũng có đẳng cấp. Không phải tập san khoa học nào cũng có giá trị như nhau. Không phải nghiên cứu khoa học nào cũng có giá trị giống nhau cho dù công bố trên tập san trong thư mục SCI. Những công trình khoa học phải qua thử thách của thời gian mới biết tác động ra sao. Trong khi chờ để đánh giá tác động, người ta thường nhìn vào tên tập sanimpact factor để đánh giá tiềm năng và tiên đoán tầm ảnh hưởng cũng như chất lượng của công trình nghiên cứu. Dĩ nhiên, impact factor không phải là chỉ số hoàn chỉnh (thậm chí bị nhiều người chỉ trích và lên án!) nhưng nó vẫn là cái tín hiệu mà giới khoa học và công chúng nhìn vào để có vài ý tưởng ban đầu về tầm của một nghiên cứu khoa học. Một công trình tầm cỡ cao không ai lại công bố trên những tập san làng nhàng ở một nước đang phát triển. Công bố trên những tập san có IF thấp, do đó, chỉ hạ thấp tác giả và làm thấp khoa học nước nhà.

Chúng tôi cũng thực hiện những nghiên cứu với công nghệ Next-generation sequencing và có "phenotype" lâm sàng nghiêm chỉnh trên 15 người. Nhưng chúng tôi không dám nghĩ đến -- chứ chưa nói đến -- việc công bố kết quả phân tích trên vài cá nhân, vì chúng tôi chưa xem đó là "nghiên cứu" mà mới chỉ là "exercise". Giả dụ như chúng tôi may mắn có tập san nào đó công bố, thì chúng tôi chẳng dám nhìn mặt đồng nghiệp. Không phải cái gì cũng đáng công bố, và không phải cái gì được công bố đều có giá trị như nhau và đáng được PR.

Phân tích hệ gen bằng công nghệ Next-generation sequencing (hay gọi tắt là WGS) ngày nay không phải là điều gì quá phức tạp, vì nó đã trở thành gần như một dịch vụ. Bất cứ nhà khoa học nào ở bất cứ nước nào, chỉ cần mẫu máu / DNA là có thể làm WGS. Họ chỉ cần gửi mẫu sang Úc (Viện của tôi), Âu châu, Mĩ, hay gần hơn là Bắc Kinh, nơi có những phòng thí nghiệm và máy Illumina HiSeq chuyên phân tích WGS với cái giá thường khoảng 1000 USD một cá nhân. Do đó, những nước nghèo chẳng ai đi đầu tư mua máy Illumina HiSeq, vì họ có thể sử dụng dịch vụ từ các nước trên. Làm gì với hàng triệu dữ liệu mới là điều quan trọng. Hiện nay, có nhiều trung tâm bioinformatics có dịch vụ phân tích dữ liệu với máy tính có công suất cao, nên nhà khoa học cũng chẳng cần phải tốn tiền mua máy tính để phân tích. Một nghiên cứu mà được thiết kế đơn giản thì dữ liệu, cho dù là hàng tỉ dữ liệu, chẳng giúp ích gì trong thực tế. Phân tích WGS còn mới, còn trong vòng nghiên cứu, và chưa thể dùng cho chẩn đoán bệnh. WGS nếu được áp dụng tốt có thể dẫn đến những khám phá về gen liên quan đến bệnh, nhưng các gen đó có ích gì trong việc chẩn đoán và tiên lượng bệnh thì là một vấn đề khác, đòi hỏi trình độ khoa học cao hơn. Do đó, xin đừng nói rằng VN là một trong 20 nước có thể phân tích WGS, vì nói như thế làm cho người ta cười chết. 

Tôi biết rất nhiều bạn đọc là nghiên cứu sinh ở nước ngoài rất "bức xúc" với các thông tin trên. Họ đang tiếp cận và làm việc với công nghệ di truyền học và bioinformatics. Họ biết "công trình" mà báo chí VN quảng bá rầm rộ rất tầm thường, nếu không muốn nói là rất thấp. Ngay cả giới nghiên cứu khoa học cũng biết như thế, nhưng phần lớn chỉ nói riêng với nhau chứ không có cơ hội lên tiếng.

VN chúng ta rất cần quảng bá và khuyến khích những công trình khoa học tốt và những nhà khoa học trẻ có tài. Bài báo khoa học mà báo chí VN quảng bá đáng được ghi nhận là một exercise, nhưng tôi e rằng cái exercise đó cần phải làm tốt hơn nữa và nhiều hơn nữa mới đạt được tiêu chí đáng được công bố (chứ chưa nói đến đáng được nhắc đến trên báo chí). Những xưng tụng không đúng chỉ làm phiền giới khoa học, mà còn làm cho cái tầm của khoa học VN bị đánh giá không cao.

====

(1) SCI (science citation index) là một cơ sở dữ liệu các tập san khoa học trên thế giới. Trên thế giới có hàng trăm ngàn tập san khoa học, nhưng chỉ có một số ít (khoảng 10 đến 15 ngàn) được "công nhận". Tập san có tên trong SCI có thể xem như là "được công nhận" nhưng chỉ một thời gian. Có thể xem:  http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/11/tap-san-sci-chat-luong-thap-hon-scie.html

(2) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/pho-giao-su-tre-nghien-cuu-thanh-cong-he-gen-3-ca-the-mot-gia-dinh-nguoi-viet-1036318.htm






Để biết tập san khoa học trong ngành di truyền học, có thể tham khảo danh sách dưới đây: 

http://www.scimagojr.com/journalrank.php?area=2700&category=2716&country=all&year=2013&order=sjr&min=0&min_type=cd

Journal of Biosciences không có trong danh sách. 









0 nhận xét:

Đăng nhận xét