Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Viện hàn lâm khoa học xã hội (VASS)

Ngoài VAST ra, VASS cũng là một trung tâm khoa học khá lớn của VN. Chúng ta thường nghe VASS trên báo chí, nhưng không rõ họ nghiên cứu về lĩnh vực gì và "đầu ra" ra sao. Trang web của VASS không cung cấp nhiều thông tin như VAST, nên rất khó để biết VASS có bao nhiêu cán bộ, viên chức, và bao nhiêu giáo sư tiến sĩ, hay công bố gì. Tôi thử tìm các công trình của VASS qua thư mục ISI, và số liệu cho thấy VASS có rất ít nghiên cứu khoa học công bố quốc tế.


Trong thời gian 15 năm (2000 – 2014), VN đã công bố được 181 bài báo liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn (sẽ gọi chung là KHXH). Trong số này, chỉ có 6 bài là có địa chỉ của VASS. Phần lớn các bài còn lại có địa chỉ Đại học Quốc gia (nhưng không rõ đại học quốc gia nào), ĐH Hoa Sen và các đại học nước ngoài. Thật ra, đa số bài báo về KHXH của VN là do các đại học nước ngoài thực hiện, trong đó Đại học Quốc gia Úc (ANU) công bố khá nhiều bài.

Một số lĩnh vực nghiên cứu chính (tính trên 181 ấn phẩm) như sau:

Xã hội học (sociology): 16%
Paleonthology: 15%
Nhân chủng học: 15%
Dân số học: 12%
Phụ nữ học: 10%
Khảo cổ học: 10%
Các lĩnh vực KHXH khác: 27%

Đa số các công trình KHXH là do hợp tác với nước ngoài.  Các nước có nhiều hợp tác với VN là Mĩ (chiếm 25% bài báo KHXH của VN), kế đến là Nhật (17%), Pháp (16%), Úc (14%), và Canada (9.4%).

Tóm lại, năng suất khoa học của VASS hiện nay và trong vòng 15 năm qua còn cực kì thấp. Số bài báo khoa học trên các tập san trong thư mục ISI của VASS có thể nói là chỉ "đếm đầu ngón tay" và không đáng kể. Điều này rất đáng tiếc vì ở VN có rất nhiều đề tài KHXH phong phú.

Nhưng có lẽ định hướng của VASS không hẳn là nghiên cứu khoa học, nên khó đòi hỏi phải có công bố quốc tế. Thật vậy, trang web của VASS có bàn đến định hướng tương lai như sau: "vận dụng và phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc nghiên cứu và giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và văn hóa, xã hội của Việt Nam hiện nay, đồng thời đặt trong bối cảnh của khu vực và thế giới, tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa trí tuệ và tri thức của nhân loại." Với định hướng như thế, tôi nghĩ "sản phẩm" khoa học của VASS sẽ vẫn còn lu mờ như hiện nay.

====




0 nhận xét:

Đăng nhận xét