Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Tình hình khoa học bên Tàu

Thỉnh thoảng, tôi thấy cũng cần nhìn sang Tàu để biết VN mình đang đi đến đâu. Điều này có lẽ không quá đáng, vì ai cũng biết rằng VN chỉ là một phiên bản nhỏ của Tàu, nên nhìn đường đi nước bước của họ, chúng ta cũng có thể đoán biết chút tương lai của VN. Hôm nọ tôi đọc một bài báo trên tờ The Economist viết về việc Tàu tìm cách thu hút những giáo sư gốc Tàu đang làm việc ở nước ngoài. Bài viết có vài thông tin thú vị về tình trạng chảy máu chất xám ở bên đó.



Phần đông các nghiên cứu sinh Tàu không chịu về nước sau khi tốt nghiệp. Theo phân tích của nhóm Viện Oak Ridge (Oak Ridge Institute for Science and Education), trong số những nghiên cứu sinh Tàu tốt nghiệp tiến sĩ ở Mĩ năm 2006, 85% ở lại Mĩ (1). Chỉ có 15% là về Tàu. Một phân tích khác của Alan Cheung cho biết trong thời gian 1978 – 2006, 70% sinh viên Tàu tốt nghiệp ở nước ngoài không về nước (2).

Tại sao họ không về nước? Khi được hỏi câu hỏi đó, đa số họ cho biết vì muốn ở lại thêm vài năm để học hỏi kinh nghiệm trước khi về nước. Nhưng trong thực tế, thì sau khi "học hỏi kinh nghiệm" họ ở lại nước ngoài luôn!

Một lí do thầm kín mà họ không muốn về nước là yếu tố chính trị. Họ cảm thấy ở nước tư bản chế độ chính trị thoải mái hơn, minh bạch hơn, và điều kiện làm việc cũng lành mạnh hơn là bên Tàu. Bài trên tờ The Economist có đề cập đến tình trạng "guanxi" – quan hệ. Tức là muốn thành công trong khoa học ở Tàu cần phải có quan hệ tốt với những người có quyền thế, chứ không phải có tài. Nhiều giảng viên và giáo sư được tưởng thưởng dựa trên lượng chứ không dựa trên phẩm chất.

Một yếu tố khác là tình trạng xét duyệt và cung cấp tài trợ ở Tàu thiếu minh bạch. Nhiều dự án nghiên cứu do các quan chức hành chính quyết định, dù các quan chức này không hề có chuyên môn đánh giá khoa học! Giới khoa học không được khuyến khích tinh thần hoài nghi để đặt câu hỏi về những lí thuyết hiện hành, đặc biệt là những lí thuyết mà các "cây đa cây đề" theo đuổi. Hệ quả là những người từ nước ngoài về khó có cơ may để cạnh tranh xin tài trợ trong một môi trường thiếu lành mạnh như thế.

Nhưng thời gian gần đây thì có dấu hiệu tiến bộ, nhất là ở các đại học lớn và danh tiếng. Chẳng hạn như Đại học Bắc Kinh bắt đầu tuyển dụng và đề bạt các chức vụ khoa bảng dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế, tức là dựa vào thành tích khoa học thay vì quan hệ. Tuy nhiên, trong số 2400 đại học, số trường chịu thay đổi như thế chỉ đếm đầu ngón tay; phần lớn vẫn bám lấy lề lối cũ.

Ngoại trừ những thay đổi ở phần cuối, tất cả các vấn đề trên, chỉ cần thay chữ "Tàu" bằng "Việt Nam" chúng ta có một bài viết cho Việt Nam. Thật vậy, những vấn đề như thiếu minh bạch, "guanxi", cách xét duyệt đề tài bởi những người không có tư cách khoa học, thiếu tự do học thuật, v.v. cũng là những vấn đề mà các đại học VN còn đương đầu. Nhiều nghiên cứu sinh VN cũng không muốn về nước vì các lí do mà sinh viên Tàu nêu ra. Có một số nghiên cứu sinh VN về nước nhưng sau một thời gian thì cũng tìm đường ra nước ngoài. Tàu là nước có nhiều cải cách táo bạo trong khoa học mà cho đến nay vẫn còn trì trệ như thế thì chúng ta có thể đoán được tình hình ở VN (vốn bảo thủ hơn Tàu) trong tương lai sẽ ra sao.

====

0 nhận xét:

Đăng nhận xét