Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Thu hút chuyên gia nước ngoài: Tạo một môi trường làm việc thật

Xin giới thiệu các bạn một vài ý kiến của tôi nhân việc Bộ KHCN ra chính sách về thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài. Bài này tôi chỉ mới phát hiện hôm nay qua một trang điểm tin khác. Bản dưới đây là bản gốc của bài báo.


Bộ Khoa học và công nghệ đang có dự án Việt Nam thu hút các chuyên gia khoa học công nghệ từ nước ngoài. Đây là một chủ trương hợp lí trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng một số khó khăn có thể thấy trước được.


Đọc lí lịch khoa học của các nhà khoa học được trao giải thưởng Nobel năm nay, chúng ta dễ dàng thấy họ là những "người quốc tế". Có một xu hướng chung ở các nhà khoa học quốc tế này: sau khi xong chương trình tiến sĩ, họ làm nghiên cứu hậu tiến sĩ trong một lab thường ở nước ngoài một thời gian. Sau giai đoạn hậu tiến sĩ họ lại chuyển sang một lab khác có thể ở nước khác một thời gian. Có nhiều người "lưu lạc" như thế cả chục năm trước khi quay về "cố quốc", nhưng cũng có người không quay về nước.

Bài học từ nước ngoài

Tiêu biểu cho trường hợp hồi hương và có đóng góp quan trọng là bà May-Britt Moser, một trong 3 người được trao giải Nobel y sinh học năm nay. Sau khi xong chương trình tiến sĩ ở Na Uy, bà sang làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Anh, và trong thời gian này bà đã định hướng cho các nghiên cứu tương lai. Bà quyết định quay về Na Uy, và với sự hỗ trợ của đại học, bà thành lập một lab nghiên cứu về thần kinh. Trong thời gian ở Na Uy, bà và chồng là người phát hiện các tế bào định vị dẫn đến giải Nobel, đem lại vinh quanh cho khoa học Na Uy.

Một trường hợp "qui cố hương" khác là Giáo sư Peter Doherty. Ông là người gốc Úc, nhưng là công dân Mĩ, được trao giải Nobel y sinh học năm 1996. Sau khi tốt nghiệp cử nhân về thú y, ông sang Anh theo học chương trình tiến sĩ. Sau khi xong tiến sĩ, ông quay về Úc làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và ở nơi đây ông làm những nghiên cứu sau này được trao giải Nobel. Sau thời gian hậu tiến sĩ, ông được một đại học Mĩ bổ nhiệm chức danh giáo sư, và đứng đầu một lab nghiên cứu. Sau khi được trao giải Nobel, ông được Chính phủ Úc mời về Úc lại.

Cần nói thêm rằng, Chính phủ Úc có chương trình followship để thu hút các nhà khoa học ưu tú của Úc ở nước ngoài về Úc làm nghiên cứu. Trong chương trình này, các nhà khoa học nước ngoài được trao chức danh "Fellow" và cung cấp tài trợ một thời gian để thành lập lab nghiên cứu, và đóng góp cho khoa học Úc. Chương trình fellowship của Úc rất thành công và được một số nước ở Á châu mô phỏng theo.
Những trường hợp trên cho thấy nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính quốc tế. Bất cứ ai trên thế giới đều có ý tưởng và có thể dấn thân vào việc thực hiện ý tưởng đó. Do đó, trong bối cảnh quốc tế và toàn cầu hoá, địa điểm mà nhà khoa học làm nghiên cứu có lẽ không quan trọng bằng bản thân nhà khoa học. Dù là ở Việt Nam hay Âu châu, với phương tiện có sẵn, ai cũng có thể làm nghiên cứu về hệ gen và bệnh tật. Cái khác biệt có lẽ là uy tín và kinh nghiệm của nhà khoa học.

Thật vậy, vấn đề quan trọng nhất trong khoa học vẫn là con người và ý tưởng. Ý tưởng thường xuất phát từ các nhà nghiên cứu độc lập (thuật ngữ tiếng Anh là PI – Principal Investigator). Trong nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu độc lập đóng vai trò rất quan trọng. Đó là những người có định hướng nghiên cứu, có tên tuổi trên trường quốc tế, và có khả năng điều hành một lab nghiên cứu. Việt Nam có lẽ cần thu hút những người cấp này, chứ không đơn thuần là các nhà nghiên cứu trẻ cấp tiến sĩ hay hậu tiến sĩ như Chính phủ tuyên bố. Một khi đã có PI thì việc thu hút nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ mới có hiệu quả.

Khó khăn có thể thấy trước

Đối với Việt Nam, một đất nước tương đối khép kín, việc tuyển dụng chuyên gia quốc tế còn mới mẻ. Nhưng đối với các nước cởi mở như Singapore và các nước phương Tây, việc tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài là việc hết sức bình thường. Ở Viện nghiên cứu y khoa Garvan, nơi tôi công tác, và các đại học Úc, mỗi khi có vị trí trống, người ta quảng cáo trên các tập san quốc tế để tuyển người. Viện của tôi mất gần 2 năm và tốn hơn 200 ngàn USD để tuyển được một viện trưởng mới. Gần 40% các nhà khoa học làm việc ở Viện Garvan là người nước ngoài (không phải công dân Úc). Đối với đại học, việc quốc tế hoá đội ngũ giáo sư và nhà khoa học là một trong những tiêu chuẩn có lợi cho việc xếp hạng quốc tế.

Nhưng việc thu hút các nhà khoa học nước ngoài hay gốc Việt có thể gặp phải vài trở ngại có thể thấy trước được. Những khó khăn này có thể kể đến vấn đề cạnh tranh quốc tế, ổn định sự nghiệp, và nhất là vấn đề lương bổng.

Các nhà khoa học có tài thường được khắp nơi chào đón và rất khó thu hút họ. Trong môi trường cạnh tranh ác liệt hiện nay giữa các đại học trên thế giới, trường nào cũng muốn tuyển những nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, những người mà họ nghĩ sẽ góp phần tạo tên tuổi cho trường đại học. Viện nghiên cứu nơi tôi đang làm việc năm nào cũng có kế hoạch "chiêu dụ" các nhà khoa học đang lên hay nhà khoa học xuất sắc khắp thế giới. Có những nhà khoa học chúng tôi đã gần hoàn tất thủ tục tuyển dụng, thì địa phương lại cho thêm đặc quyền và đặc lợi, và thế là chúng tôi đành bỏ cuộc.

Một lần khác, Viện tôi sắp tuyển được một nhà khoa học tầm cỡ từ Áo làm viện trưởng, nhưng khi tổng thống Áo nghe tin vị đó sắp bỏ Áo sang Úc, ông chỉ điện thoại và thuyết phục vị ấy không nên đi, và thế nào Viện chúng tôi cũng mất một cơ hội. Những trường hợp tôi vừa thuật cho thấy rất khó thu hút người có tài trên thế giới.

Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học Việt Nam ở hải ngoại, Việt Nam có một lợi thế: đó là tình cảm quê hương. Nếu có lựa chọn giữa các nước, ví dụ như giữa Singapore và Việt Nam, tôi đoán phần lớn nhà khoa học VN sẽ chọn VN dù Singapore có thể trả lương cao hơn VN.

Đối với những người đã có sự nghiệp ổn định, đã gầy dựng một cơ sở vật chất vững vàng, họ rất ngại chuyển sang một nước khác. Đối với các nhà khoa học loại này, việc di chuyển lab sang một nước khác là một thách thức rất lớn. Vấn đề không phải chỉ là cá nhân họ và gia đình, nhưng thông thường họ còn phải chuyển cả các nghiên cứu sinh, các phụ tá lab, và chuyên gia đi cùng. Dĩ nhiên, không phải tất cả các thành viên trong lab đều di chuyển theo sếp đi đến nơi mới, nhưng ít nhất phân nửa thành viên lab di chuyển theo sếp.

Đồng lương luôn luôn là một yếu tố quan trọng. Dù yêu nước đến lí tưởng cỡ nào, người ta vẫn phải sống với thực tế, và thực tế bị chi phối bởi "cơm áo gạo tiền". Một nhà khoa học không chỉ cần có đồng lương đủ sống, mà còn phải đủ để tích luỹ cho tương lai. Một giáo sư (full professor) ở các nước phương Tây thường có lương từ 15,000 USD đến 20,000 USD mỗi tháng (tuỳ ngành và chức vụ), chưa kể đến một số phụ cấp riêng cho một số ngành. Thử tưởng tượng một giáo sư đang hưởng mức lương như thế mà chấp nhận một vị trí ở VN với mức lương 5000 USD một tháng là một thách thức rất lớn. Với tiền lương 5000 USD, tuy ở VN được xem là "lương khủng", và dù với giá sinh hoạt ở VN, đồng lương đó vẫn chưa đủ để họ tích luỹ cho gia đình trong tương lai.

Sau đồng lương, môi trường làm việc luôn là một yếu tố quan trọng. Ở Việt Nam, đã có nhiều tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài về đã không có được cơ hội để theo đuổi sự nghiệp khoa học, chưa nói đến cơ hội để phát huy nghề nghiệp. Hệ quả là có nhiều tiến sĩ phải sống vất vưởng ngay trên quê nhà mình, và họ phải tìm đường đi nước ngoài. Có nhiều lí do cho tình trạng này, nhưng tựu trung lại vẫn là thiếu cơ sở vật chất và văn hoá. Ai cũng biết cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn rất kém, chưa đáp ứng cho những nghiên cứu chuyên sâu. Có nơi thì có cơ sở vật chất tốt nhưng lại bị tình trạng "đấp chiếu".

Nhưng đáng sợ hơn có lẽ là yếu tố văn hoá, tương tác giữa người với người. Với một nền văn minh hơn 2000 năm, Việt Nam dĩ nhiên có những giá trị văn hoá đặc thù, mặc dù đang trong quá trình hội nhập thế giới. Trong điều kiện bình thường, các nhà khoa học nước ngoài được chào đón và tạo điều kiện để nghiên cứu tốt, nhưng ở cấp quan hệ cá nhân, người Việt thường có tính đố kị, ganh tị (có thể do sự chênh lệch đồng lương), và dẫn đến tình trạng bất hợp tác. Không một nhà khoa học có tài nào có thể "sống" nổi trong một môi trường như thế.

Cá nhân nhà khoa học khi chuyển nơi công tác cũng chịu nhiều "lời ra tiếng vào". Không ít đồng nghiệp nơi nhà khoa học sắp công tác thường có cái nhìn tiêu cực. Một trong những câu hỏi lởn vởn là nếu nhà khoa học đó có tài và ổn định thì tại sao lại di chuyển lab sang một nơi kém nổi tiếng; suy ra chắc là nhà khoa học đang có vấn đề nên phải tìm đến nơi "dụng võ" mới. Những suy nghĩ tiêu cực như thế có thể ảnh hưởng đến việc xin tài trợ của nhà khoa học ở một nơi làm việc mới.

Yếu tố nước ngoài

Nhìn sang các nước có nền khoa học – công nghệ "đang lên", hình như nước nào cũng có "yếu tố nước ngoài". Điều này dễ hiểu vì tri thức cần thiết cho phát triển khoa học và công nghệ có thể tiếp thu từ nhiều nguồn, kể cả ngoại quốc. Hàn Quốc và Đài Loan có lẽ là hai nước Á châu tiêu biểu có mức độ phát triển kinh tế song hành cùng phát triển khoa học công nghệ một cách ngoạn mục nhờ vào đóng góp của các chuyên gia phương Tây và kiều bào.

Theo một thống kê mà tôi đọc được, đến đầu 2010, gần 40% các giáo sư và nhà khoa học trong các đại học Hàn Quốc hoặc là Hàn kiều hồi hương hoặc từng du học ở nước ngoài, đặc biệt là từ Mĩ. Khoảng 10-20% ban giảng huấn trong các đại học là người nước ngoài. Nhưng không chỉ đại học, mà các tập đoàn kĩ nghệ cũng có đóng góp quan trọng của "yếu tố nước ngoài". Lịch sử tập đoàn Samsung ghi rằng năm 1987, Samsung đầu tư gần 13% số tiền bán sản phẩm cho nghiên cứu và phát triển (R&D), sử dụng 966 nhà nghiên cứu, 20% trong số này là người có bằng PhD từ Mĩ hồi hương. Trong năm 1989, trong số 36 nhóm nghiên cứu, 14 người nước ngoài làm giám đốc, chủ yếu là Mĩ.

Nền công nghệ điện tử của Đài Loan phát triển như ngày hôm nay có nền móng do những chuyên gia Mĩ gốc Đài Loan góp phần gầy dựng nên. Thật vậy, một trong những yếu tố giúp Đài Loan đuổi kịp trình độ khoa học công nghệ các nước tiên tiến là vai trò của Hoa kiều. Lịch sử của kĩ nghệ bán dẫn khởi đầu từ năm 1973, với chương trình xây dựng Industrial Technology Research Institute (ITRI). Trong thập niên 1980, Đài Loan thu hút hơn 3000 nhà khoa học và kĩ sư gốc Hoa từ Mĩ về Đài Loan, và chính những người này xây dựng nền móng kĩ nghệ điện tử ở Đài Loan. Đến năm 1998, hơn 30% kĩ sư Đài Loan là Hoa kiều từ Mĩ hồi hương (con số này ở thập niên 1980 là 10%).

Mới đây, China cũng có kế hoạch thu hút chuyên gia nước ngoài. Theo số liệu của National Science Foundation (2009) chỉ riêng năm 2008, có 4526 người Hoa tốt nghiệp tiến sĩ ở Mĩ, chiếm gần 1/4 số tiến sĩ mà các đại học Mĩ cấp. Thống kê năm 2007cho thấy các học giả gốc Hoa chiếm 22% tổng số giáo sư ở các đại học Mĩ. Tính đến năm 2012, China có ít nhất là 2770 chương trình để thu hút Hoa kiều từ nước ngoài hồi hương và đóng góp cho khoa học công nghệ China. Với các chương trình này, China đã thu hút được hơn 20,000 nhà khoa học và kĩ sư cao cấp từ nước ngoài hồi hương. Nếu tính cả những người có trình độ cử nhân, con số hồi hương là 272,900 người. Theo thống kê của Bộ Giáo dục China, 72% giám đốc các lab nghiên cứu trọng điểm (key laboratories) cấp quốc gia là do các chuyên gia Hoa kiều hồi hương.

Quay lại trường hợp Việt Nam

Do đó, việc thu hút các nhà khoa học nước ngoài, kể cả kiều bào, về làm việc ở VN theo tôi là một chính sách đúng. Trong quá khứ, đã có vài chương trình như thế, nhưng mức độ thành công (nếu có thể dùng chữ đó) còn quá thấp. Có nhiều lí do cho tình trạng đó, kể cả cơ chế làm việc chưa được xác định cụ thể và rõ ràng, cơ sở vật chất còn hạn chế, đồng lương chưa đủ hấp dẫn để thu hút kiều bào. Lần này, dự án thu hút các chuyên gia khoa học công nghệ từ nước ngoài có nhiều điểm mới tích cực hơn các chương trình cũ.

Tôi nghĩ rất khó để cho Bộ KHCN đề ra những chi tiết cụ thể cho tất cả các trường hợp. Bộ chỉ nên tạo ra cái khung chính sách chung, còn chi tiết về hợp đồng làm việc và lương bổng nên để cho trường đại học hay viện nghiên cứu phụ trách. Lí do là mỗi chuyên ngành khoa học đòi hỏi những chi tiết cụ thể khác nhau, và không thể nào có một bộ tiêu chuẩn hay qui định cho tất cả các ngành khoa học. Là người đã có lab nghiên cứu ở nước ngoài và Việt Nam, tôi nghĩ đến những yếu tố sau đây để đảm bảo thành công.

Thứ nhất là sẵn sàng đầu tư cho việc thành lập lab nghiên cứu. Một nhà khoa học độc lập cấp PI mà không có lab nghiên cứu thì coi nhưng chẳng có đất dụng võ. Nhưng để thành lập một lab nghiên cứu mới đòi hỏi thời gian, tiền bạc, cơ sở vật chất và nhân sự. Do đó, điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là trường đại học hay viện nghiên cứu phải có hành động cụ thể hỗ trợ thành lập lab nghiên cứu. Dĩ nhiên, việc thành lập không phải một sớm một chiều là xong, do đó cần phải cho họ thời gian cần thiết (ít nhất là 1 năm, thậm chí lâu hơn trong điều kiện ở VN).

Thứ hai là trao quyền độc lập cho nhà khoa học. Ở Việt Nam, đây đó thỉnh thoảng những tư duy và "tàn dư" thời bao cấp vẫn còn tồn tại. Đó là tư duy kiểm soát cấp dưới, tư duy dòm ngó, theo dõi, và báo cáo theo kiểu phân tầng. Những tư duy loại này gây khó khăn và làm nản chí cho nhiều người chân chính. Do đó, tôi đề nghị nên làm theo nước ngoài, tức là giảm can thiệp vào sự điều hành của lab đến mức tối thiểu. Thay vào đó là trao quyền tự quản tài chính, quyền tuyển dụng nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và phụ tá, cho người đứng đầu lab.

Thứ ba là đồng lương hợp lí. Dĩ nhiên, ai cũng biết Việt Nam không thể đủ khả năng trả lương cho các nhà khoa học hàng đầu như ở các nước tiên tiến. Mặt khác, các thành phố lớn của Việt Nam như Sài Gòn và Hà Nội có cuộc sống rất đắt đỏ chẳng kém gì các nước tiên tiến, đó là chưa nói đến môi trường sống vẫn còn rất thấp. Do đó, vấn đề lương bổng trở nên khó khăn vì phải quân bình giữa khả năng trả lương và cuộc sống ổn định của nhà khoa học. Tôi nghĩ một nhà khoa học cấp PI, từng là đứng đầu một lab nghiên cứu ở nước ngoài và có tiếng trên trường quốc tế, khó có thể chấp nhận mức lương dưới 5000 USD/tháng. Còn đối với nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, một mức lương từ 1500 USD đến 2500 USD/tháng là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà trường đại học phải thương lượng với nhà khoa học.

Những yếu tố trên có lẽ chưa đầy đủ, nhưng là những yếu tố chính cho sự thành công trong việc chuyển lab nghiên cứu. Việc chuyển lab nghiên cứu đối với nhà khoa học là một quyết định lớn, vì nó có thể ảnh hưởng đến tương lai của nhà khoa học. Có người trở nên thành công hơn, nhưng cũng có người phải ngậm ngùi trong đắng cay sau khi chuyển lab. Không ai muốn lab mình bị thất bại, nhưng để thành công đòi hỏi nỗ lực của cả hai: phía nhà khoa học và quan trọng hơn là trường đại học.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét