Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Nhắc lại Qui ước Ingelfinger trong việc đưa tin khoa học

Hôm qua nhân dịp đọc bài báo về tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam tôi chú ý đến chỗ mà tác giả cho biết rằng thông tin là từ một Nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (1). Tuy nhiên, khi tìm trong Pubmed (thư viện y khoa toàn cầu) thì tôi không thấy nghiên cứu nào của BV Nội Tiết về bệnh tiểu đường năm 2014 cả. Như vậy là nhà báo và các quan chức của bệnh viện có thể đã vi phạm Qui ước Ingelfinger.



Cách đây khá lâu, tôi có nhắc đến Qui ước Ingelfinger khi giới báo chí và y tế đưa tin về khoa học có vẻ tuỳ tiện và sai nguyên tắc, đặc biệt là liên quan đến vấn đề dịch tiêu chảy và mắm tôm. Nói một cách ngắn gọn, Qui ước Ingelfinger yêu cầu các nhà khoa học chỉ cung cấp thông tin cho giới truyền thông đại chúng sau khi thông tin đó đã được công bố trên một tập san khoa học có bình duyệt (gọi là peer reviewed journal). Nếu thông tin chưa được công bố thì nhà khoa học không nên tiếp xúc với giới báo chí, vì làm như thế là xem thường đồng nghiệp khoa học. Qui ước này được giới khoa học thế giới công nhận và tuân thủ. Tuân thủ theo Qui ước Ingelfinger được xem là một chuẩn mực về đạo đức khoa học (2).

Trước đây, khi một giới chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu rằng thịt chó là mầm móng của dịch tiêu chảy vì kết quả nghiên cứu chỉ ra như thế. Nhưng khi chúng tôi kiểm tra lại thì chẳng có nghiên cứu nào về thịt chó và dịch tiêu chảy cả! Vì thế, chúng tôi nhắc nhở viên chức đó rằng ông đã vi phạm Qui ước Ingelfinger. Ông cũng có giải thích một cách bao biện, nhưng không thuyết phục vì hình như ông cũng chẳng hiểu Qui ước Ingelfinger! Trớ trêu thay, ông lại là người của WHO, một tổ chức đáng lẽ phải duy trì chuẩn mực đạo đức khoa học ở mức cao nhất!

Quay trở lại với thông tin về bệnh tiểu đường mà báo chí đang truyền tải nhân Ngày Bệnh Tiểu Đường Thế Giới 14/11, tôi nghĩ các quan chức y tế cũng đang vi phạm Qui ước Ingelfinger. Như nói trên, tôi không thấy bất cứ một nghiên cứu nào của VN công bố trong năm 2014 mà nói rằng tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường năm 2012 là 5.4%.

Câu hỏi về những con số được đưa ra càng lúc càng lớn khi tôi kiểm tra lại thông tin. Chẳng hạn như bản tin báo chí viết rằng tỉ lệ bệnh tiểu đường năm 2002 là 2.7% (1), nhưng con số này cũng là một nghi ngờ. Tại sao? Tại vì có nghiên cứu từ VN công bố trên tập san quốc tế trích dẫn một nghiên cứu khác cho biết tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường năm 2002 là 4.4% (3).

Sự khác biệt giữa 2.7% và 4.4% này có ý nghĩa lớn. Bởi vì nếu tỉ lệ là 2.7% thì các quan chức có thể nói tỉ lệ năm 2012 tăng gấp 100% so với năm 2002. Nhưng nếu tỉ lệ năm 2002 là 4.4% thì họ chỉ có thể nói tỉ lệ năm 2012 tăng chỉ 22%, tức thấp hơn nhiều so với những gì đang được tuyên bố hiện nay.

Nếu là độc giả, chúng ta tin con số nào? Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể tin con số ĐÃ được công bố trên tập san khoa học vì nó ít ra cũng đã qua bình duyệt của các chuyên gia. Đây chính là điểm mấu chốt của Qui ước Ingelfinger. Qui ước này do BS Franz Ingelfinger (lúc đó là Tổng biên tập Tập san New England Journal of Medicine) đề xướng vào năm 1969 để ngăn chận những thông tin khoa học được truyền tải một cách tuỳ tiện và nguy hiểm bởi giới báo chí. Thật ra, Qui ước này cũng là một cách thức để các tập san khoa học duy trì sự "chính thống" của họ. Ý nói rằng chỉ có thông tin từ các tập san khoa học có bình duyệt mới đáng tin cậy hơn thông tin của báo chí đại chúng.

Mà, ý nghĩ đó cũng không phải là quá đáng. Chẳng hạn như khi các quan chức bệnh viện nội tiết nói rằng tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường năm 2012 là 5.4% thì câu hỏi mà dân trong ngành có ngay là: chẳng biết con số này được tính toán ra sao, chẩn đoán tiểu đường dựa vào tiêu chuẩn gì, có bao nhiêu người được nghiên cứu, họ là cư dân nông thôn hay thành thị, thậm chí chi tiết kĩ thuật hơn như có chuẩn hoá cho cơ cấu dân số, có tính khoảng tin cậy 95%, độ bias là bao nhiêu, v.v. và v.v. Có hàng chục câu hỏi như thế, nhưng vì giới hạn của báo chí, nên chúng ta không biết được. Mà, khi các thông tin đó còn chưa rõ thì chúng ta cũng có quyền đặt dấu hỏi chung quanh con số 5.4%. Thành ra, cách hay nhất là họ công bố trên một tập san chuyên ngành có uy tín nào đó để con số nó có một "con dấu khoa học". Nhưng điều đó chưa xảy ra, và đó là một sự đáng tiếc.

Thật ra, ở VN, có rất ít các nghiên cứu về bệnh tiểu đường. Vì ít nghiên cứu nên chúng ta khó có thể có một "bức tranh" chính xác về bệnh này ở qui mô toàn quốc. Có một điều chắc chắn là tỉ lệ mắc bệnh rất khác biệt giữa các cộng đồng và dĩ nhiên là phương pháp chẩn đoán. Xin kể ra 3 nghiên cứu tiêu biểu cho ra kết quả khác nhau như sau:

(a) Năm 2001, nghiên cứu ở Sài Gòn, 2932 người (4): tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường là 6.6%, nhưng sau khi điều chỉnh cho cơ cấu dân số thì còn 3.8%.

(b) Năm 2010, nghiên cứu ở Sài Gòn, 721 nam và 1421 nữ (5): Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường là 10.8% ở nam và 11.7% ở nữ.

(c) Năm 2011, nghiên cứu ở vùng nông thôn (miền Bắc) 2710 người (3): tỉ lệ tiểu đường là 3.7% (nhưng dao động trong khoảng 2.7–4.7%).

Nói tóm lại, việc công bố những con số về tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường là cần thiết cho cộng đồng, nhưng việc công bố cần phải tuân thủ theo Qui ước Ingelfinger. Nếu nghiên cứu chưa được bình duyệt và công bố trên một tập san khoa học nào, thì việc công bố thông tin trước báo chí đại chúng có thể xem là một vi phạm đạo đức khoa học. Dĩ nhiên, nếu các quan chức nói rằng "Việt Nam có qui ước của Việt Nam" thì chúng ta chẳng có gì để bàn thêm.

===






0 nhận xét:

Đăng nhận xét