Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Ca sĩ Giang Tử (1/2/1944 – 16/9/2014)


Mới đọc một tin buồn: ca sĩ Giang Tử mới qua đời ở Texas, thọ 70 tuổi. Mới hôm qua tôi xem một video kỉ niệm 20 năm sân khấu của Nguyễn Ngọc Ngạn và nghe Giang Tử ca một bài rất ấn tượng. Và, hôm nọ tôi xem một chương trình ca nhạc Thuý Nga thấy có Giang Tử ca bài "Chuyến đi về sáng", và nghe Nguyễn Ngọc Ngạn nói anh ấy mới vừa trị dứt bệnh ung thư vòm họng, và mừng cho anh thoát nạn. Vậy mà ai ngờ hôm nay nghe tin anh đã đi về cõi vĩnh hằng! Mới hôm kia nghe tin Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từ trần, và ngay là Ca sĩ Giang Tử. Thế là thêm một nghệ sĩ trước 1975 giã từ chúng ta.


Tôi không quen Giang Tử, nhưng biết đến tiếng hát của anh qua những ca khúc "mùi" từ những năm trước 1975. Thời đó, Giang Tử nổi tiếng lắm, nhất là đi đâu cũng nghe bài "Căn nhà màu tím" anh song ca cùng Ca sĩ Giáng Thu. Dĩ nhiên, anh không chỉ nổi tiếng với ca khúc đó, mà còn thành công với nhiều ca khúc khác, như Hàn Mặc Tử, Bông cỏ mây, Qua ngõ nhà em, Qua cơn mê, Hoa nở về đêm, Chuyến đi về sáng, v.v. Đó là những ca khúc một thời làm nên tên tuổi Giang Tử, và chính anh cũng góp phần làm cho những ca khúc đó bất tử với thời gian.

Theo tôi biết, anh xuất thân là một ca sĩ "nhạc tiền chiến", nhưng chẳng hiểu vì lí do nào mà sau này anh chuyển sang thể loại nhạc mà người ta hay gọi là "nhạc sến" (riêng tôi thì không cho nhạc đó là sến). Giọng ca anh có lẽ phù hợp với loại nhạc này, nhất là dòng nhạc của Trúc Phương, Hoài Linh và Mạnh Phát, những dòng nhạc mà lời ca mượt mà và đậm chất thơ. Anh có một giọng ca rất đàn ông, và khi xuống những nốt nhạc thấp, giọng anh trở nên tình cảm. Thử nghe bài "Thành phố sau lưng" khi anh xuống giọng câu "Phần ba tuổi đời hoang phế sau lưng" hay "Hoả châu sáng tỏ những khuôn mặt người yêu phố thị." Hình như càng già giọng ca của anh càng điêu luyện và càng hay. Tôi vẫn không hết ngạc nhiên khi thấy một ông già 70 tuổi ca bài "Kẻ ở miền xa" cứ như là một thanh niên 25 tuổi thời trước 1975!

Giang Tử, tên thật là Nguyễn Văn Giang, nguyên quán Hải Phòng và di cư vào Nam năm 1954. Như vậy anh chắc là "Bắc kì 54". Anh là bạn thân của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Theo Giang Tử, chính Nguyễn Ngọc Ngạn đặt cho anh cái nghệ danh "Giang Tử" vì tính giang hồ lãng tử của anh lúc còn trẻ. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn kể rằng Giang Tử rất mê ca hát, cứ mỗi khi Giang Tử phóng xe đến nhà chơi, anh thường cầm guitar ca hát nghêu ngao. Chính vì thế mà trong show kỉ niệm 20 năm sân khấu, Nguyễn Ngọc Ngạn đã mời người bạn già ca bài "Kẻ ở miền xa". Sau này tôi thấy Giang Tử xuất hiện vài lần trên các show nhạc của Thuý Nga Paris By Night và vài chương trình khác. Lần nào anh cũng đem đến cho khán giả những ca khúc hoài niệm.

Giang Tử cho biết anh theo học nhạc với Nhạc sĩ Y Vân. (Y Vân là tác giả ca khúc "Lòng mẹ" nổi tiếng, và bài "60 năm cuộc đời" và sau này qua đời năm 60 tuổi). Anh cho biết anh khởi sự đi hát từ năm 12 tuổi (tức 1968). Sau 1975, anh vẫn cộng tác với các đoàn văn công, và tìm đường vượt biên hoài nhưng không thoát. Mãi đến năm 2010 anh mới đi định cư bên Mĩ theo diện con gái làm bảo lãnh. Khi sang Mĩ, anh lập tức được nhiều trung tâm mời cộng tác, và khán giả vẫn nhớ & ủng hộ anh. Những ca sĩ kẹt lại ở VN sau 1975 và sau này được đi định cư ở nước ngoài đều được chào đón như thế dù tuổi đời của họ có khi chồng chất. Thú thật, tôi cũng là một trong những khán giả đó, tức là nhóm khán giả hoài niệm quá khứ và những giọng ca mà tôi cho là "vàng".

Thời đó (trước 1975) mỗi ca sĩ có một phong cách và giọng hát riêng, không giống ai. Khi cất tiếng hát, không cần nhìn hình ảnh, người nghe cũng biết đó là Giang Tử hay Chế Linh hay Thanh Phong hay Phương Đại, v.v. Không ai giống ai, và không thể lầm được. Còn ngày nay thì thú thật tôi không phân biệt được ai là ai, vì có khi họ bắt chước giọng hát người khác (và họ tự hào như thế!) Lại còn có những nghệ danh trùng hợp nữa, làm cho người nghe có khi lẫn lộn. Hôm nọ tôi nghe nói đến ca sĩ Thanh Thuý, tưởng là Thanh Thuý ngày xưa, nhưng không phải, hoá ra là Thanh Thuý ngày nay, hoàn toàn khác.

Tôi vẫn xem văn nghệ (tức là văn học và nghệ thuật) thời 67-75 là thời vàng son của Việt Nam (không phải chỉ miền Nam). Đó là thời của những ngôi sao sáng chói trong nhạc, như Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Y Vân, Lam Phương, v.v. và những giọng ca sẽ không có người thay thế được như Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên, Duy Trác, Giang Tử, Thanh Thuý, Thanh Tuyền, Phương Dung, v.v. Trong số những người vừa kể, có người đã giã từ chúng ta, nhưng nhiều người thì hoặc bệnh tật hoặc không hoạt động văn nghệ nữa. Nay, Giang Tử lại ra đi, dần dần những người thuộc thế hệ tôi mất đi những giọng ca hoài niệm. Nghệ sĩ có thể từ giã cõi đời nhưng tác phẩm của họ vẫn còn ở lại với chúng ta và làm cho chúng ta có những giây phút thăng hoa. Giang Tử là một giọng ca như thế. Nên sau này những lúc cần nhớ về dĩ vãng, tôi vẫn có thể nghe Căn nhà màu tím, Kẻ ở miền xa, Chuyến đi về sáng, Hoa nở về đêm qua sự chuyển tải của một giọng ca giang hồ lãng tử.

----
Kẻ ở miền xa (sáng tác: Trúc Phương, trình bày: Giang Tử)
Hoa nở về đêm (sáng tác: Mạnh Phát, trình bày: Giang Tử)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét