Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Xuất bản khoa học: Mô hình nào cho VN?


Với tựa đề đó là tôi muốn nói đến scientific publication, chuyện đang khá là thời sự ở VN hiện nay. Xuất bản khoa học, theo tôi thấy, là một thương vụ tuyệt vời đối với nhà xuất bản. Đầu tiên, nhà khoa học tốn tiền và thời gian để làm nghiên cứu, khi có kết quả, viết thành bản thảo và gửi cho tập san để họ đăng. Tập san có ban biên tập. Ban biên tập lo phần khoa học của bản thảo, phụ trách bình duyệt bài báo, và quyết định công bố hay không. Đến khi bài báo được chấp nhận cho công bố, nhà xuất bản gửi hoá đơn đến tác giả đòi tiền! Trong cái qui trình đó, chúng ta thấy nhà xuất bản chẳng làm gì cả: họ chẳng dính dáng đến việc nộp bài báo vì tác giả lo hết; họ chẳng chỉnh sửa bài báo vì đã có tác giả làm; họ chẳng cần in vì hiện nay đều online. Họ chẳng cần trả lương cho ban biên tập (vì ban biên tập làm việc hoàn toàn không lương). Họ chỉ có hệ thống máy tính và mạng, và … thương hiệu. Mỗi bài nhà xuất bản lấy có thể 1500 – 2000 USD – gọi là “processing fee”. Họ làm tiền rất đẹp! Tôi không nghĩ ra doanh nghiệp nào mà “ngồi mát ăn bát vàng” như các nhà xuất bản khoa học.


Nhà xuất bản Biomed Central (BMC) là một trong những nhà xuất bản như thế. BMC là nhà xuất bản hoàn toàn online, ra đời từ năm 2000. BMC có ~180 tập san khoa học (tôi có tham gia như là thành viên sáng lập một tập san) và khoảng 100 nhân viên. Họ chủ trương và có thể nói là đi tiên phong trong mô hình bình duyệt mở, có nghĩa là tác giả biết danh tính của người duyệt bài mình. Cần nói thêm rằng các tập san theo mô hình “truyền thống” thì danh tính người bình duyệt hoàn toàn giữ kín (trên lí thuyết). Chỉ trong vòng 5 năm, BMC đã có những tập san nổi tiếng, hiểu theo nghĩa có impact factor cao. Mỗi năm thu nhập của họ là 15 triệu EUR.

Đến khi làm ăn khấm khá thì các nhà xuất bản lớn để ý. Trong đó có nhà xuất bản Springer, vốn đã có hơn 1000 tập san khoa học, nhưng họ chưa có kinh nghiệm xuất bản Mở (Open Access). Thấy BMC phát triển quá tốt, năm 2008, nhà xuất bản Springer mua đứt BMC với cái giá không ai biết. Tất cả những thương vụ mua bán này xảy ra đằng sau hậu trường, và các nhà khoa học làm việc không công cho BMC đều không hề hay biết. Với 180 tập san, tôi đoán có ít nhất 3600 nhà khoa học khắp thế giới làm việc không lương cho BMC. Vậy mà họ không hay biết gì cả cho đến khi CEO của BMC nói “Chúng ta đã bị Springer mua”. Qua vụ việc này, tôi muốn nói rằng trong xuất bản khoa học mà NHÀ XUẤT BẢN ĐÓNG VAI TRÒ CHỦ QUẢN tập san, vai trò của nhà khoa học chẳng được xem là quan trọng dù đóng góp của họ đem lại lợi tức cho nhà nhà xuất bản.

Do đó, không ngạc nhiên khi vài năm trước có một nhóm nhà khoa học đòi tẩy chay các nhà xuất bản khoa học. Họ chọn Elsevier là đối tượng tấn công trước, vì nhà xuất bản này lớn nhất thế giới, bủn xỉn nhất, và “dã man” nhất trong việc lấy ấn phí. Phong trào tẩy chay làn sang nhiều nơi làm cho Elsevier phải vội vàng đính chính và bớt bủn xỉn hơn. Nhưng trong thực tế, họ vẫn “ngồi mát ăn bát vàng” và giới khoa học vẫn phải đứng xếp hàng để trả tiền ấn phí cho họ! Khi một kĩ nghệ nó trở nên quá lớn như con voi thì xô nó ngã không phải là chuyện dễ dàng; may ra là chuyển hướng đi của nó thì được. Do đó, giới hoa học [vốn nghèo và chẳng có quyền thế] không thể nào tẩy chay Elsevier được, mà phải làm việc với họ để họ thay đổi chính sách cho công bằng hơn.

Việt Nam chưa có những tập san khoa học trong danh mục ISI, nhưng có một số tập san được các nhà xuất bản danh giá như Elsevier và Springer xuất bản. Có tập san mới ra đời nhưng nhờ báo chí nên được nhiều người biết đến, nhưng có tập san ra đời trước mà ít ai biết đến. Chẳng hạn như tập san Vietnam Journal of Computer Science (1) do Springer xuất bản từ năm 2013 (đã được 3 số) mà ít ai biết có lẽ vì tổng biên tập không muốn làm “ồn ào”. Đây là một dự án có sự hỗ trợ của Đại học Nguyễn Tất Thành. Trong tương lai, tôi nghĩ VN cần nhiều tập san như VJCS hay tương tự, tức là hợp tác với các nhà xuất bản có uy tín trong khoa học. Đó cũng là một cách để nâng cao sự hiện diện của khoa học VN trên trường quốc tế.

Qua những gì vừa mô tả, theo tôi, mô hình tốt nhất của VN là các hiệp hội hay trường đại học hay viện nghiên cứu làm chủ quản tập san, chứ không nên để cho nhà xuất bản làm chủ quản. Khi một hiệp hội chuyên môn hay một nhóm bất vụ lợi làm chủ quản, thì việc bổ nhiệm tổng biên tập thuộc về quyền của giới khoa học (tức hiệp hội hay trường) và tôi nghĩ đó là điều hợp lí hơn là để cho nhà xuất bản điều phối. Một lợi thế khác là hiệp hội chuyên môn, qua tổng biên tập, có thể kiểm soát nội dung khoa học của tập san để đảm bảo nó không chệch hướng với chủ trương của hội. Hiệp hội cũng có lợi thế là có thể huy động ban biên tập gặp gỡ mỗi cuối năm để kiểm tra hoạt động của tập san, còn nếu để cho nhà xuất bản thì họ khó huy động được các thành viên trong ban biên tập để có một buổi họp cuối năm. (Điều này tôi có trải nghiệm, vì hơn chục năm làm associate editor cho BMC tôi chưa bao giờ gặp các editor khác, trong khi đó đối với các tập san của hiệp hội năm nào cũng có họp cuối năm để kiểm tra hoạt động biên tập). Vì những lí đo đó, tôi chuộng mô hình hiệp hội hay trường đứng ra làm chủ quản tập san khoa học.

----

(1) Website của Vietnam Journal of Computer Science:http://link.springer.com/journal/40595

0 nhận xét:

Đăng nhận xét