Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Cập nhật 2014: NHỮNG CON ĐẬP DÒNG CHÍNH SÔNG MEKONG

Xin giới thiệu bài viết của Nhà văn Ngô Thế Vinh, một người quan tâm đến những con đập ở thượng nguồn sông Cửu Long. Đây là bài viết cập nhật 2014. Những con đập đang hay sắp hoàn tất là những đe doạ đến môi sinh và cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào ở vùng sông Cửu Long. Tuy nhiên, cho đến nay, Nhà nước VN chưa tỏ dấu hiệu quan tâm!




Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Ngô Thế Vinh

-- Với hoàn tất 2 con đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ trên Vân Nam, con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc. Fred Pearce
-- Với bước đầu khai thác hai con đập Xayaburi và Don Sahong, một nước Lào nhỏ bé đã không để lại được một “hồ sơ theo dõi tốt / no good track records”
TIỀM NĂNG THUỶ ĐIỆN SÔNG MEKONG

      Với chiều dài 4,800 km, Mekong là con sông lớn thứ 11 của thế giới.
Tiềm năng thuỷ điện của con sông Mekong khoảng ngót 60,000 MW, chia ra như sau: 28,930 MW cho Lưu Vực Trên sông Mekong (Upper Mekong Basin)nằm trong lãnh thổ Trung Quốc; và 30,000 MW cho Lưu Vực Dưới (Lower Mekong Basin) là khúc sông Mekong nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chảy qua 4 quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam nhưng chuỗi 12 con đập dòng chính hạ lưu thì chủ yếu nằm trong hai nước Lào và Cam Bốt.

LƯU VỰC TRÊN: SÁU CON ĐẬP VÂN NAM ĐÃ HOÀN TẤT

Nửa chiều dài sông con sông Lan Thương (Lancang Jiang, tên Trung Quốc của con sông Mekong) trong lãnh thổ Trung Quốc, có tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Từ những năm 70s, Trung Quốc đã có một dự án 14 con đập Bậc Thềm Vân Nam (Mekong Cacades). [HÌNH 1]

HÌNH 1 – Dự án 14 con đập Bậc Thềm Vân Nam  (Source: Tài liệu Tỉnh Vân Nam 1995) 


Tính đến tháng 8, 2014, đã có 6 trong số 14 con đập Bậc Thềm Vân Nam được hoàn tất:

1/ Mạn Loan (Manwan) 1,500 MW con đập dòng chính đầu tiên trên sông Mekong, khởi công từ 1984 và hoàn tất 1993  

2/ Đại Chiếu Sơn (Dachaosan) 1,350 MW con đập dòng chính thứ hai, khởi công 1996, hoàn tất 2003

3/ Cảnh Hồng (Jinghong) 1,500 MW là con đập dòng chính thứ ba, khởi công 2003 hoàn tất 2009

4/ Công Quả Kiều (Gongguoqiao)  900 MW là con đập dòng chính thứ tư, khởi công 2008 hoàn tất 2011


5/ Tiểu Loan (Xiaowan) 4,200 MW là dòng chính thứ năm, khởi công 2001 và hoàn tất 2010

6/ Noạ Trác Độ (Nuozhadu) 5,850 MW là con đập dòng chính thứ sáu, khởi công 2006 hoàn tất 2014

HÌNH 2 – Con “Đập Mẹ” Tiểu Loan 4,200 MW (Source: Tom Fawthrop)
      Sau khi hoàn tất con đập thứ 6 Noạ Trác Độ 2014, Trung Quốc đã đạt được công suất 15,150 MW – nghĩa là hơn một nửa của toàn công suất 28,930 MW tiềm năng thuỷ điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập dòng chính còn lại, Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng  mấy thập niên đầu Thế kỷ 21.   

Theo Fred Pearce, thuộc Đại học Yale, thì sau khi hoàn tất con “Đập Mẹ” Tiểu Loan, và con đập “khổng lồ lớn nhất” Nọa Trác Độ, con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc. [Damming the Mekong: Major blow to an Epic River, Yale Environment 360, 22 June 2009]
Cũng theo Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sông Mekong thuộc Đại học Sydney thì: “Hai con đập khổng lồ Tiểu Loan và Nọa Trác Độ sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.”

LƯU VỰC DƯỚI: THÊM MƯỜI HAI CON ĐẬP HẠ LƯU

Các dự án đập thủy điện chắn ngang sông Mekong vùng Hạ lưu đã có rất sớm, từ thời Ủy Ban Sông Mekong (Mekong River Committee 1957). Nhưng rồi các dự án ấy bị gác lại vì nhiều lý do như: cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài và lan ra cả 3 nước Đông Dương, sau chiến tranh thì là mối e ngại quá tốn kém và cả do mối quan tâm về tác hại rộng rãi trên môi sinh. Nhưng rồi cũng vị trí những dự án đập ấy đã được các cơ quan tham vấn Canada và Pháp tái đề xuất, nghiên cứu và đã được Ban Thư Ký Sông Mekong ấn hành năm 1994. Kể từ 2006, các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc, tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát về tính khả thi của 12 con “đập dòng chảy” (run-of-river) thuộc Lưu Vực Dưới sông Mekong; thứ tự các dự án đập từ bắc xuống nam:
(1) Đập Pak Beng, Lào 1,320 MW; bảo trợ bởi công ty Trung Quốc, Datang International Power Generation Co. và chánh phủ Lào;
(2) Đập Luang Prabang, Lào 1,410 MW; bảo trợ bởi Petrovietnam Power Co. và chánh phủ Lào;
(3) Đập Xayaburi, Lào, 1.260 MW, bảo trợ bởi công ty Thái Lan Karnchang và chánh phủ Lào;
(4) Đập Pak Lay, Lào, 1,320 MW tỉnh Xayaburi; bảo trợ bởi công ty Trung Quốc Sinohydro Co;
(5) Đập Xanakham, Lào, 1,000MW; bảo trợ bởi công ty Trung Quốc Datang International Power Generation Co;
(6) Đập Pak Chom, biên giới Lào Thái, 1,079 MW;  bảo trợ bởi công ty MoE Thái Lan;
(7) Đập Ban Koum, biên giới Lào Thái, 2,230 MW, tỉnh Ubon Ratchathani; bảo trợ bởi Italian-Thai Development Co., Ltd và Asia Corp Holdings Ltd. và chánh phủ Lào;
(8) Đập Lat Sua, Lào, 800 MW; bảo trợ bởi Charoen Energy and Water Asia Co. Ltd. /Thái Lan và chánh phủ Lào;
(9) Đập Don Sahong 260 MW, tỉnh Champasak, Lào: được bảo trợ bởi công ty Mã Lai Mega First Berhad Co;
(10) Đập Stung Treng, Cam Bốt, 980 MW; bảo trợ bởi chánh phủ Nga; 
(11) Đập Sambor, Cam Bốt; bảo trợ bởi công ty Trung Quốc, China Southern Power Grid Co./ CSGP;
XAYABURI VÀ QUY TRÌNH 3 GIAI ĐOẠN PNPCA

Xayaburi được kể là con đập dòng chính đầu tiên trên sông Mekong, nằm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc; và cũng là con đập dòng chính đầu tiên của Lào, công suất 1,260 MW, tổn phí lên tới 3.5 tỉ MK, được bảo trợ bởi công ty Thái Lan Karnchang và chánh phủ Lào.

Theo nội dung Hiệp Định Ủy Hội Sông Mekong (1995), tuy không một quốc gia nào có quyền phủ quyết (veto power) nhưng các dự án sông Mekong đều phải trải qua thủ tục ba giai đoạn viết tắt là PNPCA bao gồm:

-- Giai Đoạn I [PN]: Thủ Tục Thông Báo (Procedures for Notification): Ủy Hội Sông Mekong đã được chánh phủ Lào Thông Báo chính thức về dự án Xayaburi, vào tháng 09, 2010

--  Giai Đoạn II [PC]: Tham Vấn Trước ( Prior Consultation), thời gian dành cho Tham Vấn Trước là 6 tháng kể từ ngày nhận được Thông Báo. Nhưng cũng có thêm một điều khoản khác là nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian 6 tháng này có thể được Ủy Hội Sông Mekong gia hạn thêm. 



-- Giai Đoạn III [A]: Chuẩn Thuận (Agreement), lẽ ra dự án Xayaburi phải trải qua cả 3 giai đoạn của tiến trình PNPCA, nhưng chánh phủ Lào thì đã đơn phương tự thẩm định rằng các tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi đối với các quốc gia hạ lưu là “không chắc sẽ xảy ra” nên không cần thiết phải kéo dài thời gian Tham Vấn Trước. Và Lào đã bỏ qua Giai Đoạn III Chuẩn Thuận và cứ cho tiến hành làm Lễ Động Thổ xây con đập Xayaburi trước sự ngỡ ngàng của các quốc gia Mekong khác nhất là Việt Nam và Cam Bốt là hai quốc gia dưới nguồn.

Với con đập Xayaburi, chính phủ Lào chỉ thực thi Giai Đoạn I Thủ Tục Thông Báo, còn Giai Đoạn II Tham Vấn Trước thì dở dang và bỏ qua Giai Đoạn III: khởi công xây đập Xayaburi mà chưa có sự đồng thuận của các quốc gia thành viên Uỷ Hội Sông Mekong. Như vậy, tinh thần Hiệp Định Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission Agreement,1995) ngay từ bước đầu đã bị Lào phá vỡ.

SỰ BẤT NHẤT CỦA LÀO QUA QUY TRÌNH PNPCA: 

_ Tháng 05, 2007 chánh phủ Lào ký kết với công ty Ch. Karchang Thái Lan để thực hiện dự án đập Xayaburi.
_ Tháng 11, 2008 công ty AF Calenco Thụy Sĩ kết hợp với toán tham vấn Thái khảo sát tính khả thi của con đập.
_ Tháng 02, 2010 bản tường trình EIA / Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh được đệ trình cho Chánh phủ Lào.
_ Tháng 07, 2010 Chánh phủ Lào chính thức ký kết hợp đồng bán điện từ đập Xayaburi cho Thái Lan qua công ty EGAT (Electricity Generating Authority of Thailand).
_ Tháng 04, 2011 Ủy Ban Liên Hợp Ủy Hội Sông Mekong (MRC Joint Committee) ra thông cáo báo chí là các thành viên “chưa đạt được một thỏa thuận để tiến hành dự án Xayaburi”.
_ Tháng Tư, 2011 hai chánh phủ Cam Bốt và Việt Nam yêu cầu chánh phủ Lào khảo sát thêm về những ảnh hưởng xuyên biên giới của dự án.
_ Tháng 06, 2011 chánh phủ Lào đơn phương “bật đèn xanh”cho công ty Thái Lan Ch.Karnchang triển khai dự án.
_ Tháng 12, 2011 tại Hội nghị Siem Reap cả 4 nước thành viên Ủy Hội Sông Mekong cùng thỏa thuận là cần thêm 10 năm cho những cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng con đập Xayaburi và các con đập dòng chính hạ lưu.
_ Tháng 9, 2012 Bộ trưởng Năng lượng Soulivong Daravong cho biết chánh phủ Lào không hoãn kế hoạch xây con đập Xayaburi. Nhưng hai tháng trước đó 07, 2012 Ngoại Trưởng Lào thông báo trong Hội nghị ASEAN là dự án Xayaburi sẽ được hoãn lại để có thêm những cuộc khảo sát.
_ Giới truyền thông của nhà nước Lào được thông báo là chánh phủ Lào cho phép công ty Ch. Karnchang được phép tiến hành các hoạt động theo kế hoạch, bao gồm cả việc tái định cư dân làng khu xây đập.
_ Chưa có một thỏa thuận cấp vùng nào về thời điểm khởi công xây con đập Xayaburi, theo tinh thần Hiệp Định Ủy Hội Sông Mekong 1995 có quy định như vậy.

_ Ngày 7 tháng 11, 2012, Rewat Suwanakitti, Phó Giám Đốc công trình thủy điện Xayaburi cho biết Lào làm lễ động thổ để khởi công xây con đập thủy điện Xayaburi. Nhưng trước đó một ngày (thứ Ba 6/11/12), Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã lại nói với phóng viên Wall Street Journal rằng dự án đang tạm ngưng để chờ thêm khảo sát. [1]
Lễ động thổ chỉ là hình thức “công khai hóa” những liên tiếp vi phạm cam kết của chánh phủ Lào với các quốc gia Mekong sau Hội nghị Siem Reap ngày 8 tháng 12, 2011. Sự bất nhất của chánh phủ Lào rõ ràng là một vi phạm với thỏa thuận vùng và với các quốc gia Mekong lân bang.
Viraphonh Viravong, tốt nghiệp Kỹ sư Cơ khí, Viện Khoa học Kỹ thuật Footscray, Đại học Victoria, Úc (1976); là khuôn mặt “trí tuệ” đứng sau mọi dự án phát triển thủy điện của quốc gia Lào và trong suốt hơn ba thập niên qua đã có những nỗ lực bền bỉ và kiên định với giấc mơ canh tân, biến đất nước Lào trở thành một xứ “Kuwait về thủy điện ” của Đông Nam Á. Hiện là Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào đã nói với nhóm phóng viên quốc tế một ngày trước đó, “Con đập ấy đã được lượng giá, đã được tranh cãi suốt hai năm qua. Chúng tôi đã đáp ứng hầu hết những mối quan tâm.”
Xayaburi đã được âm thầm rồi công khai tiến hành trước ngổn ngang những mối quan tâm của các tổ chức bảo vệ môi sinh do ảnh hưởng tác hại lâu dài và vĩnh viễn trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trên nguồn phù sa, nguồn cá và ngư nghiệp, cũng là nguồn protein chính của ngót 70 triệu cư dân ven sông Mekong.


NTV1
HÌNH 3 – Toàn cảnh công trường Xayaburi, con đập dòng chính đầu tiên của Lào, thời điểm 2014. Cũng nên ghi nhận là khúc sông Mekong Xayaburi chưa bị “nghẽn mạch” cho tới tháng 2, 2015 và các tổ chức Tổ chức Bảo vệ Môi sinh NGOs vẫn không ngừng nỗ lực ngăn chặn Công ty Áo quốc chuyển giao những Turbines tới vùng xây đập (Source: Tom Fawthrop)

THÊM CON ĐẬP DON SAHONG: PHÁT SÚNG THI ÂN
Chỉ mới 13 tháng sau lễ động thổ con đập Xayaburi ngày 07/ 11/ 2012, Lào đã tiến xa thêm một bước nữa, nhanh hơn dự kiến khi quyết định xây con đập Don Sahong 260 MW gây rất nhiều tranh cãi. Ngày 3 tháng 10, 2013, chính phủ Lào thông báo cho MRC về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, nằm trong vùng Thác Khone thuộc tỉnh Champasak, Nam Lào chỉ cách biên giới Cam Bốt 2 km. Dự án đập Don Sahong không chỉ thiếu giai đoạn Tham-vấn-trước (Prior Consultation), mà nghiêm trọng hơn nữa là thiếu cả một nghiên cứu độc lập khoa học và khả tín về ảnh hưởng tác động môi trường của con đập.
Tầm vóc đập Don Sahong tuy công xuất chỉ có 260 MW – nhỏ hơn cả mấy con đập phụ lưu của Lào, nhưng lại chắn ngay hẻm nước Hou Sahong được coi là quan trọng nhất đối với các đoàn di ngư đặc biệt là trong Mùa Khô. Con đập “Nút Chặn” Don Sahong này sẽ làm đảo lộn sinh cảnh, gây rối loạn môi trường nước đưa tới nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống cá và hậu quả là sự sút giảm nghiêm trọng nguồn cá (sản lượng lên tới 3 triệu tấn/ năm, nguồn: MRC 2008), vốn được coi là phong phú nhất không phải chỉ của Đông Nam Á mà của cả thế giới chỉ đứng sau con sông Amazon Nam Mỹ . Mà cá từ bấy lâu vẫn là nguồn chất đạm (protein) chính của bao nhiêu triệu cư dân sông Mekong nhất là hai quốc gia Cam Bốt và Lào.
Cho dù Lào có gửi thư Thông Báo Trước (Prior Notification), nhưng Lào đã né tránh trình nộp dự án Don Sahong tới MRC với phần lượng giá “khoa học, khách quan, và độc lập” về ảnh hưởng môi sinh EIA (Environmental Impact Assessment)theo đúng tiến trình Tham Vấn Trước (Prior Consultation) để MRC và các quốc gia thành viên Mekong khác có thể đi tới một quyết định vùng (regional decision-making). [5]
Và không cần biết có đạt được sự chuẩn thuận của các quốc gia Mekong hay không, nhưng chính phủ Lào đã xác định công trình xây đập Don Sahong sẽ được khởi công (11/ 2013), dự trù hoàn tất và hoạt động phát điện vào tháng 05/ 2018.
Don Sahong cũng lại vẫn là các bước tái diễn theo lộ trình vô quy ước và nguy hiểm của con đập Xayaburi. Piaporn Deetes, đại diện điều hợp của International Rivers tại Thái Lan phát biểu: “Lào đơn phương tiến hành xây đập Don Sahong – như là bước lặp lại điều ‘đã từng thấy / déjà vu’ với con đập Xayaburi. Những tác hại không thể đảo nghịch chắc chắn vượt ra khỏi biên giới nước Lào; trên an toàn thực phẩm và cuộc sống cư dân suốt dọc con sông Mekong. Lào không tôn trọng yêu cầu của các quốc gia láng giềng là phải hoãn xây con đập trong khi đang có những cuộc khảo sát ảnh hưởng xuyên biên giới ra sao và tiến trình tham vấn thì chưa hoàn tất.” [2]

Một lần nữa, đây phải được coi là một hành xử bất nhất và rất khinh xuất của chánh phủ Lào vì theo quy định của MRC 1995, để đi tới một quyết định như thế, Lào cần phải tham khảo với từng quốc gia thành viên MRC trước khi có một hành động có thể gây phương hại tới quyền lợi của quốc gia láng giềng.
Tưởng cũng nên ghi lại ở đây một nhận định sắc bén của KS Phạm Phan Long, từ Viet Ecology Foundation cho rằng: Lào đã không thể làm một mình nếu không có được sự âm thầm tán đồng từ phía các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Cam Bốt và cả những đối tác đầu tư từ Thái Lan.”

HÌNH 4: Vị trí đập thủy điện Don Sahong 260 MW trên Thác Khone, Nam Lào [Nguồn: MRC 2013]
Quyết định của Lào đã gây nên một làn sóng chống đối và phẫn nộ đối với các nhóm xã hội dân sự/ civil society groups và các tổ chức bảo vệ môi sinh uy tín trong vùng cũng như trên thế giới như: IRN/ International Rivers Network, WWF/ Worldwide Fund for Nature, Living Rivers Siam Association, Vietnam River Network, Viet Ecology Foundation…
Thế còn với dân chúng Lào thì sao? Họ đang phải sống dưới một chính quyền nhà nước độc đảng, hoàn toàn kiểm soát truyền thông báo chí, chỉ để loan truyền những thông tin thiếu trung thực và tô hồng thành quả phát triển do lợi nhuận từ các con đập.
Về phía chính quyền Cam Bốt, thì Mok Mareth, là chủ tịch Ủy hội Môi sinh và Tài nguyên Nước của Quốc hội, đã lên tiếng chỉ trích sự “thiếu trong sáng” trong hành xử của Lào đối với hai con đập Don Sahong và Xayaburi.
Chhith Sam Ath, Giám đốc điều hành Diễn Đàn Cam Bốt (Forum on Cambodia) đã đưa ra nhận định: “ Đập Don Sahong sẽ đẩy hai quốc gia Cam Bốt và Việt Nam tới khủng hoảng lương thực. Do con đập sát cạnh biên giới Cam Bốt, chính phủ Lào thì quên rằng cá là mạch sống và cũng là xương sống của nền kinh tế Cam Bốt. Thật là vô trách nhiệm khi cứ tiến hành dự án đập Don Sahong mà không có tham khảo gì với các cộng đồng cư dân hạ nguồn và cả không thực hiện một cuộc nghiên cứu khả tín về lượng giá ảnh hưởng xuyên biên giới.
Teerapong Pomun, thành viện hoạt động của Hiệp hội Sông ngòi Thái Lan  (Living Rivers Siam Association) đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích: “Thêm một lần nữa, Lào tìm cách lẩn tránh trách nhiệm, trong khi đó lại cưỡng ép các cộng đồng cư dân trong vùng phải trả giá cho những tổn hại nghiêm trọng do con đập Don Sahong gây ra. Chính phủ Lào cần huỷ bỏ ngay dự án đập này, cùng với những con đập dòng chính khác trước khi quá trễ.” [1]
Tại Thái Lan, chỉ mới đây thôi, ngày 24/ 6/ 2014 Toà án Tối cao Thái đã ra một án lệnh sẽ chấp nhận vụ kiện 5 cơ quan trực thuộc chính phủ Thái – trong đó bao gồm Công ty Điện lực Thái Lan / EGAT (Electric Generating Authority of Thailand) do đã thoả thuận mua 95% lượng điện sản xuất từ con đập Xayaburi. Vụ kiện khởi đầu từ tháng 8, 2012 do 37 dân làng Thái Lan thuộc các tỉnh Đông Bắc Thái, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp từ con đập Xayaburi. [2]

Từ Thái Lan, ngày 26/06/2014, chỉ các đây 6 tuần lễ, tại phiên họp của Ủy hội Mekong MRC diễn ra tại Bangkok, một sự kiện khá bất ngờ đã xảy ra: Lào thông báo sẽ gửi lại hồ sơ Don Sahong theo đúng quy trình “Tham Vấn Trước”, thay vì làm lơ như trước đây. Trước áp lực liên tục từ các tổ chức xã hội dân sự và trước yêu cầu của các nước viện trợ đối tác, Lào đã miễn cưỡng đồng ý chấp nhận thủ tục tham vấn với các nước trong khu vực, nhưng trên thực tế Lào vẫn không ngừng tiến hành dự án Don Sahong. Đây cũng vẫn là lối hành sử “nước đôi” của Lào với con đập Xayaburi. [6]

Từ Việt Nam, ngày 29 /6/ 2014, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam là một NGO/ tổ chức phi chính phủ, bao gồm các nhóm xã hội dân sự, các nhà khoa học của Việt Nam, đã bày tỏ sự lo ngại về tác hại khôn lường của đập thủy điện Xayaburi đối với thủy văn và sinh thái của toàn bộ khu vực hạ lưu, đe dọa an ninh lương thực, phát triển bền vững và tiến trình hợp tác trong khu vực. Tổ chưa này đã gửi thư cho một số ngân hàng của Thái Lan (Siam, Bangkok, Kasikorn) đề nghị ngưng cho Lào vay tiền để tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Xayaburi. [3]
[ Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc ở đây: cho dù có được một kịch bản tốt nhất – và rất khó xảy ra,  là các ngân hàng Thái Lan ngưng không cho Lào vay tiền xây tiếp con đập Xayaburi, và cả nếu công ty Mã Lai rút khỏi công trình Don Sahong: cũng vẫn không sao, và tình huống có thể tệ hại hơn nhiều: Trung Quốc sẽ nhảy vào thay thế ngay, không phải chỉ có hai dự án đập Xayaburi và Don Sahong; Bắc Kinh – trong nỗ lực cô lập Việt Nam, lôi kéo Lào và Cam Bốt vào trong quỹ đạo của họ, Bắc Kinh có dư tiền và cả khả năng kỹ thuật giúp hai nước này từng bước thực hiện toàn chuỗi 11 con đập hạ lưu sông Mekong. Và cũng để thấy rằng cái bóng ma Trung Quốc không chỉ bao trùm cả Biển Đông mà cả trên lục địa Châu Á, khống chế toàn thể chiều dài 4800 km con sông Mekong. Đây thật sự là một trận chiến môi sinh không tiếng súng nhưng nham hiểm và huỷ diệt hơn nhiều. Và đây cũng là lần thứ hai, trong lịch sử cận đại, sau Đặng Tiểu Bình 1979, Tập Cận Bình 2014 có thể sẽ lại giáng thêm cho Việt Nam thêm một bài học, mà lần này sẽ là một trừng phạt rất nhẫn tâm, với từng nhát búa, với từng con đập dòng chính hạ lưu trên đất Lào và Cam Bốt, sẽ như những chiếc đinh đóng lên “nắp ván thiên” trên cỗ quan tài Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam ]. 

Còn với ngót 20 triệu cư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long, như từ bao giờ, họ không chỉ thiếu thông tin mà cũng không ai cho họ có cơ hội để được lên tiếng, cho dù họ đang sống trên một khúc sông cuối nguồn, phải lãnh đủ mọi hậu quả tiêu cực tích lũy không phải chỉ có từ những con đập thủy điện Trung Quốc mà còn ngay từ các con đập hạ lưu Sông Mekong.
THAY LỜI KẾT: MÔI SINH VÀ DÂN CHỦ
Từ con đập Xayaburi tới Don Sahong, cả hai công trình đã liên tục gây tranh cãi và chống đối từ nhiều phía trong suốt mấy năm qua. Chính phủ Lào vì vội vã với mối lợi trước mắt ngắn hạn, đã bất chấp những lời can gián của các chuyên gia, vẫn cứ liều lĩnh “bật đèn xanh” cho tiến hành cả hai dự án, với cái giá rất đắt phải trả là sự hủy hoại vĩnh viễn cả một hệ sinh thái phong phú không phải của riêng đất nước Lào mà là toàn lưu vực sông Mekong, đưa tới nạn khủng hoảng lương thực do mất nguồn cá, mất nguồn chất đạm chính của đa số người dân Lào còn suy dinh dưỡng; ĐBSCL thì mất phù sa và tăng thêm nạn nhiễm mặn, đe doạ trên vựa lúa đang nuôi sống cả nước.
Và cũng chẳng khác gì nước lớn Trung Quốc tham lam vô độ và vị kỷ, một nước Lào nhỏ bé, qua những bước đầu khai thác hai con đập thuỷ điện Xayaburi và Don Sahong, đã không để lại được một “hồ sơ theo dõi tốt / no good track records”.
Tinh thần của Điều 7 trong Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995: “Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.” Điều ấy đã không được chính phủ Lào tôn trọng.

Rồi nhìn vào toàn cảnh các quốc gia trong lưu vực Sông Mekong từ Trung Quốc xuống tới Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam cho dù mang những tên gọi khác nhau nhưng đó vẫn là những đất nước chưa có dân chủ, vẫn là những “xã hội hình tháp – social pyramid”  nói theo ngôn từ của nhà xã hội học Miến Kyaw Nyein, với đỉnh tháp là thiểu số thống trị và dưới đáy vẫn là đa số những người dân nghèo khổ bị khai thác và bóc lột. Từ năm 2000, người viết cũng đã đưa ra nhận định: “Và hiển nhiên không có giải pháp đơn lẻ cho vấn đề môi sinh mà phải là bước chuyển hóa cơ bản và đồng bộ của các hệ thống xã hội từ “Toàn Trị” tiến lên “Dân Chủ”. Có dân chủ là có cơ hội mở mang dân trí và chính cư dân sống hai bên bờ sông Mekong sẽ có ý thức và tiếng nói bảo vệ dòng sông như là mạch sống của chính họ. Và người dân sẽ cơ hội đồng đều, có quyền được uống một ngụm nước trong lành, được hít thở một bầu không khí tinh khiết và có tự do đó chính là “nhân quyền” chỉ có được trong một đất nước dân chủ.”
Vấn đề cốt lõi: Môi Sinh và Dân Chủ sẽ mãi mãi là một “Bộ Đôi Không thể Tách rời / Inseparable Duo.”


NGÔ THẾ VINH
16 – 08 – 2014


THAM KHẢO:
1/ Laos PDR Breaks Ground For Xayaburi Dam: A Tragic Day for the Mekong and Mekong Delta. Ngô Thế Vinh
http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/94
2/ PR – Déjà Vu for The Mekong; International Rivers Network, Wednesday, June 18, 2014 http://www.internationalrivers.org/node/8343
3/ 2nd VRN's letter to Kasikorn Bank, Siam Commercial Bank and Bangkok Bank: Careful consideration and suspension of the loan to the Xayaburi hydropower dam project. June 23, 2014
4/ Mekong – Cửu Long 2011, A Look Forward Into the Next Half Century.
5/ Xayaburi, One Year Later: Don Sahong, The Second Mainstream Dam in Laos. Ngô Thế Vinh  http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/96
6/ MRC Council Reaches Conclusions on Pressing Issue. Bangkok, Thailand, June 26, 2014 http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/mrc-council-reaches-conclusions-on-pressing-issues/







0 nhận xét:

Đăng nhận xét