Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Bàn về “Bài tập tiếng Anh” #2


Cám ơn các bạn đã tham gia vào giải bài tập #2. Bài tập này có 2 câu tôi trích ra từ một bài nói chuyện: (1) “An university lecturer must be an active scientist, the transmitter-of-the-fire, and an intellectual.” (2) “But being a scientist, doing research in Viet Nam is yet a big challenge, isn’t it?” Câu hỏi đặt ra là “viết lại sao cho đúng hơn và chỉnh chu hơn”. Nhưng một số bạn có vẻ đi ra ngoài phạm vi câu hỏi và có chút “fatansy” rất phong phú và hay. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta nên bám sát câu hỏi thì tốt hơn.


Nói về ý tưởng, tôi nghĩ câu số 1 có thể hiểu là “Một giảng viên đại học phải là một nhà khoa học tích cực, một người truyền lửa, và một nhà trí thức”. Chúng ta có thể tranh luận về phát biểu mang tính ví von này, nhưng ở đây không phải là nơi làm việc đó. Tôi chỉ lưu ý chữ “truyền lửa”, vì đó là một chữ khá đặc thù trong thế giới các nước XHCN. Chẳng hiểu sao người cộng sản thích lửa. Tôi chưa nghe ở các nước phương Tây người ta nói đến truyền lửa cho sinh viên. Do đó, nếu giữ chữ “transmitter of fire” chắc chắn sẽ làm cho nhiều người phương Tây không hiểu.

Câu văn 1 còn có một điểm hơi bất thường. Câu văn có 3 điểm, nhưng 2 điểm (một nhà khoa học và nhà trí thức) thì nghiêm túc, còn điểm “truyền lửa” thì là cách nói ví von.

Câu số 1 trên đây rõ ràng là sai sót về văn phạm. Câu văn được viết theo thể parallelism, có nghĩa là có nhiều attributes (thuộc ngữ) bổ nghĩa. Nhưng trong câu văn trên attributes được viết thiếu nhất quán và đó là một sai sót. Trong một bài giảng về scientific writing, tôi có nói là không nên viết We could not decide between rental, leasing, and buying a new densitometer”, mà phải viết là “We could not decide between renting, leasing, and buying a new densitometer”. Dùng chữ phải nhất quán trong cấu trúc paralellism.

Câu số 2, “But being a scientist, doing research in Viet Nam is yet a big challenge, isn’t it?”, hơi khó hiểu vì cách viết và dùng chữ. Có thể tạm hiểu là “Nhưng là một nhà khoa học, làm nghiên cứu ở Việt Nam vẫn là một thách thức lớn, phải không?” Câu này lẫn lộn giữa hai văn phong formalinformal. Chỗ formal là “being a scientist” và “doing research”, còn chỗ informal là “yet a big challenge” và câu hỏi “is’t it”.

Sau đây là vài nhận xét ngắn về đề nghị của các bạn:

Cô Nguyên Thủy “1. A university lecturer must be an active scientist, a fire transmitter and an intellectual. 2. To a scientist, doing research in Vietnam is yet a big challenge, isn't it?”

Cách viết này là sát với ý nghĩa gốc của tác giả, và rất chuẩn về văn phạm tiếng Anh. Bản gốc “An University …” rõ ràng là sai văn phạm, nên sửa lại “A University …” là hoàn toàn đúng. Còn “the transmitter-of-the-fire” trong bản gốc cũng có vấn đề về parallel, vì 2 chữ kia đều dùng mạo từ “a”, nên ở đây cũng phải sửa lại là mạo từ “a”. Thay vì viết the transmitter-of-the-fire” là cách viết nhấn mạnh và õng ẹo, nên viết gọn như Cô Nguyên Thuỷ đề nghị là “a fire transmitter” là hoàn toàn đúng và chuẩn. Câu hai, Cô Nguyên Thuỷ dùng “To a scientist” cũng hoàn toàn đúng. Toàn câu văn thứ 2 đều chuẩn, chỉ có một chữ yet nếu thay bằng still thì người đọc dễ hiểu hơn. Chữ big thì ok, nhưng trong văn phong khoa học thì nó có vẻ … bình dân và mang tính truyền thông. Nên suy nghĩ đến một chữ khác thay thế cho big.

Khoa Epi “Sentence 1: "A university lecturer should play at once the three following roles: an active scientist, an influential inspirer and an incisive intellectual."
Sentence 2: "However choosing to be an scientist doing research in Vietnam remains a big challenge, doesn't it?"

Cách viết câu 1 đã đi khá xa so với câu hỏi và câu văn gốc. Câu văn #1 thay vì làm gọn, em làm cho dài hơn và phức tạp hơn. Nhưng em có cái hay là em bỏ chữ fire đi, vì chữ đó ghê quá :-). Trong tiếng Anh, chữ inspire thường dùng ở thể passive hay như là gerund/adjective, ít ai dùng inspirer.  Cách viết the three following roles” là văn phong VN, nên thay bằng “the following three roles” thì dễ hiểu và logical hơn. Câu 2 thì em đi xa với ý nghĩa ban đầu, vì không có lựa chọn (choosing to be a scientist). Vả lại câu văn của em quá luộm thuộm và chưa chuẩn, vì dùng 2 gerund – rất nguy hiểm. Người ta viết “a scientist” chứ đâu ai viết “an scientist”!


Duc Ha  đề nghị:
“Q1: Qualities of a university lecturer must be active, inspired, and intellectual.
Q2: There is a great challenge for a scientist in research in Vietnam, isn’t there?”

Đề nghị này thì chưa đạt. Câu 1 nó có cái gì nhàn nhạt. Không ai viết “Qualities … must”, mà thường là “Qualities … include”). Vả lại, cấu trúc parallel có vấn đề, vì hai chữ đầu là active, inspired (đáng lẽ là inspirational) là tính từ, nhưng intellectual có thể hiểu là danh từ.  Cấu trúc parallel, nên nhớ rằng, đòi hỏi các attributes phải nhất quán. Câu 2 đọc không “êm” mà có cứ như cà dựt cà tưng, và sai văn phạm. Vào đầu, em nói “there is”, nhưng cuối câu em lại hỏi “isn’t there” là sao? Chữ sau “đá” chữ trước. Chưa ổn. Sai văn phạm ở chỗ “for a scientist in research in Vietnam” không có động từ.

Vo Chau Q1: “An university lecturer must be an active scientist, a transmitter-of-the-fire, and an intellectual.” -> change the to a.

Đúng. Nên thay bằng “a”. Nhưng “transmitter-of-the-fire” cũng nên viết ngắn hơn. Tại sao có “the fire”? Fire nào?

An Nhien “1. A faculty should be an intellectual, a scientist and an inventor .
2. However, being a scientist and making study in Vietnam can be a challenge.”

Ah, em này thay đổi thứ tự câu gốc. Câu gốc là nhà khoa học trước, rồi mới đến truyền lửa, và nhà trí thức. Nhưng em lại thay thứ tự thành nhà trí thức, nhà khoa học và nhà sáng chế! Không nên dùng chữ faculty ở đây vì nó bao gồm giảng viên và nhà nghiên cứu, trong khi câu gốc đề cập cụ thể đến giảng viên đại học thôi. Câu 2 thì chưa đạt. Không ai nói “making a study” cả. Nên nhớ câu gốc có chữ “yet”, còn ở đây em viết là “can be” thì chưa đúng với ý nghĩa ban đầu của tác giả.

TTCuong: “A university lecturer must be an active and inspiring scientist, and an intellect. Doing research is a huge challenge for any scientist in Viet Nam, isn't it?”

Đây là cách viết đạt nhất và chuẩn nhất. Câu 1 là ok, khó sửa lại được. Còn câu 2, tôi nghĩ cách viết “Viet Nam” chỉ xuất hiện từ thời sau 1975, đặc biệt là mấy người ngoại giao ngoài Bắc muốn làm tài khôn dùng, và theo tôi biết không được nhiều người chấp nhận; cách viết được chấp nhận và phổ biến nhất vẫn là “Vietnam”. (Tôi nhất định trong đời mình sẽ không thay chữ đó theo kiểu của giới ngoại giao VN). Nên nhớ câu gốc có chữ yet nên mình không bỏ được ý này. Tôi nghĩ không cần “doing research”, mà chỉ “research” là ok. Ngoài ra, tôi nghĩ nên thay đổi chủ ngữ của câu văn để “nhà khoa học ở Việt Nam” đi trước còn research [là vấn đề] đi sau. Do đó, câu hai theo tôi là nên bỏ “isn’t it” và chỉ thay bằng một câu hỏi thôi cho gọn: “For a scientist in Vietnam, research is still a huge challenge?”

Cuong Kieu Em rat thich phan bai tap tieng Anh nay cua thay tren fb. Em xin dong gop mot giai phap a : Beside of an inspirer and intellectual, a university lecturer must be an active scientist. However, doing research in Vietname is a huge challenge.

Câu 1 thì ok, nhưng em để chủ ngữ “A university lecturer” ở phần giữa là một sai lầm chiến lược. Chiến lược là để người ta chú ý đến “A university lecturer” trước. Nếu “an inspirer” thì phải “an intellectual” chứ. Nhưng khởi đầu câu văn với một giới từ như “beside” là rất nguy hiểm, chưa am hiểu tiếng Anh, không nên mạo hiểm kiểu này.  Câu 2 thì chưa đạt theo ý ban đầu. Ý ban đầu người ta nói rõ là “a scientist”, còn câu của em thì chẳng thấy bóng dáng scientist đâu.

ULe 
1/ A university lecturer should be an active scientist,...
2/ It is really challenging for scientists to do research in Vietnam.

Hai câu này chưa đạt. Người ta muốn nói “must” nhưng em sửa thành “should” (nhẹ hơn). Thật ra, chữ active scientist chẳng biết dịch sang tiếng Việt là gì? Nhà khoa học tích cực? Nhà khoa học nào mà không tích cực? Trong tiếng Anh, active thường chỉ người tại chức để phân biệt với người nghỉ hưu.  Câu hai quên chữ yet, và chủ ngữ chưa đúng ý với câu văn ban đầu.

DK: A university lecturer should be an active scientist, a transmitter-of-the-fire, and an intellectual. At the first point, an active scientist is xxx, but it is still a big challenge to fulfill this xxx in Vietnamese universities as doing a research here (there) depending largely on z, y, z reasons.

Hm, không rõ em muốn nói gì. Hai câu này riêng lẻ, nhưng hình như em nhập lại thành một.

NVLong 
Câu 1: A university lecturer is expected as a dynamic scientist, a "missionary" and an intellectual
Câu 2: However becoming a scientist who can do serious research in Vietnam is still big challenge, isn't it?

Em dùng “is expected” tức nhẹ hơn “must” của câu văn gốc. Hm, chữ missionary hay hay! Nhưng vấn đề là chữ này có cái air tôn giáo và một nghĩa khác hơi trần tục. Thường, sau động từ expected trong ngữ cảnh này là “to be” chứ không phải “as”. Câu hai thì em hiểu đúng yet = still, nhưng ở đây không có chuyện “becoming a scientist” mà là “a scientist”. Vả lại câu văn quá cumbersome, vì chủ ngữ là “becoming a scientist who can do serious research in Vietnam” (tức là nói về người) nhưng ngay sau đó thì nói là “challenge”! Như vậy là không ổn.

NBDuc: [Q1]The active and inspired scientist, and an intellectual are the main characteristic of a university lecturer. [Q2] However, there is a big challenge in a university lecturer in Vietnam, isn’t there?

Câu 1 có vài vấn đề. Mạo từ “the” ở đây là sai vì chẳng có ai cụ thể cả. Không ai nói inspired scientist mà là inspiring scientist. Trước đó em nói 3 loại người, nhưng sau thì em viết là “are the main characteristic” là không được. Người sao là characteristic? (Nếu là characteristic thì phải số nhiều ở đây). Câu 2 thì không bám sát câu gốc của tác giả: người ta nói là scientist, nhưng em nói lecturer. Vào đầu là “there is”, nhưng sau đó thì “isn’t there”! Lại quên chữ yet trong câu văn gốc.

TN: My suggestions as follows:

1. As a member of the academic staff at umiversity, one should be both inspiring in teaching and active in doing research to upgrade the knowledge of their field.
2. Researchers conducting their studies in Vietnam may encounter a variety of difficulties that can discourage them from success.

Đáng lẽ phải viết là “My suggestions ARE as follows:”. Yêu cầu là làm câu văn cho gọn hơn, nhưng em lại làm cho nó dài hơn! Cái này phải giảm điểm :-). Câu 1 em quên phần intellectual :-). Vả lại, câu văn của em có vài lỗi văn phạm. Người ta nói “as a university academic staff” chứ không phải “as an academic staff at university”, nhưng ở đây không nói đến staff mà là lecturer. Câu 2 thì chưa đạt, vì em làm cho nó phức tạp hơn và đi ra ngoài ý nghĩa câu văn gốc và có vấn đề về cấu trúc từ ngữ. Câu văn gốc có nói “yet” mà nhiều em quên. Câu “discourage them from success” là không chuẩn, vì discourage from doing cái gì đó, chứ đâu có discourage them from thành công!

VN
Câu 1: “A university lecturer must be both an active scientist and an intellectual, as well as an inspirational person ”. Câu 2: “However, doing research for scientists in Viet Nam has yet remained challenging.”

Câu 1 nghe cũng được nhưng em làm dài thêm, nhưng khi yêu cầu là ngắn gọn hơn. Mấy chữ như as well as chỉ làm dài câu văn một cách không cần thiết. Chữ “person” nghe không mấy oách trong ngữ cảnh :-). Còn câu 2 thì ok về ý, nhưng em đổi chủ thể là  người (scientist in Vietnam) thành sự việc (Doing research). Dùng động từ “has” ở đây có lẽ chưa đúng ý tác giả vốn muốn nói “làm nghiên cứu ở VN vẫn là một thách thức lớn”. Đáng lẽ sau “doing research” phải có dấu phẩy. Nhưng dù như thế, câu văn vẫn luộm thuộm quá.

***

Bây giờ tôi sẽ tổng hợp và học từ đề nghị của các bạn, đặc biệt là từ Cuong Ton-That và Cô Nguyên Thuỷ, tôi đề nghị viết lại cho gọn hơn. Theo tôi, hai câu “An university lecturer must be an active scientist, the transmitter-of-the-fire, and an intellectual” và “But being a scientist, doing research in Viet Nam is yet a big challenge, isn’t it?” có thể viết gọn hơn như sau:

Câu 1 (đề nghị): “A good university lecturer is an inspiring scientist and a public intellectual.”

Tôi phân vân chữ “must” trong câu văn gốc, vì chữ này có ý nghĩa bắt buộc, như là ra lệnh.  Trong thực tế, “should” như LVU đề nghị có lẽ hợp lí hơn. Nhưng thật ra, câu văn này mang tính định nghĩa, và do đó tôi nghĩ “is” có lẽ là hợp lí nhất. Do đó, tôi thay đổi must thành is.

Tôi dùng chữ “good” (thoạt đầu định dùng “great”) để phân biệt với các giảng viên làng nhàng. Giảng viên bình thường có khi chẳng cần nghiên cứu. Chữ “active scientist” khó hiểu theo nghĩa tiếng Việt (chẳng lẽ là “nhà khoa học tích cực”?). Theo nghĩa tiếng Anh, active scientist là nhà khoa học vẫn còn tại chức, vẫn còn làm nghiên cứu, chứ không phải đã nghỉ hưu. Do đó, câu “a university lecturer must be an active scientist” là cực kì thừa! Tôi đề nghị bỏ chữ active.

Tôi tránh dùng chữ “fire transmitter” (và những chữ mang dấu ấn XHCN) vì người ta sẽ cảm thấy khó hiểu, và nó thường mang tính rhetoric – sáo ngữ. Là một phát biểu mang tính định nghĩa (tức nghiêm chỉnh) mà tự nhiên nhảy tót vào một chữ rhetoric thì nó cực kì vô duyên. Người Việt có lẽ quá quen nói “truyền lửa” rồi, và tưởng là chữ đó là hay ho, nhưng thật ra nó chẳng có nghĩa gì hay cả. Truyền lửa gì? Thật ra, một nhiệm vụ của giảng viên là truyền cảm hứng, tức là inspiration, cho sinh viên. Khi nói cảm hứng, tôi nghĩ đến cảm hứng về khoa học, và cảm hứng về cuộc sống của người trí thức.  Do đó, dùng inspiring scientist là chính xác và … sang. (Sang hơn là “truyền lửa”).

Tôi nghĩ đã là giảng viên đại học thì phải là nhà trí thức. Do đó tôi nghĩ câu phát biểu “A university lecturer must be … an intellectual” là hoàn toàn thừa. Nhưng vì đây một ý của tác giả, nên tôi giữ và thêm vào chữ public: public intellectual. Có nhiều loại trí thức, nhưng loại trí thức công cộng hay public intellectual theo tôi là trên một bậc loại trí thức thường. Public intellectual ở đây là những người được đào tạo về một chuyên ngành khoa học, là thành viên giảng dạy và nghiên cứu của một đại học, nhưng có khả năng diễn đạt trước công chúng về một vấn đề nào đó (có thể là ngoài chuyên ngành). Những người như Albert Eisntein, Noam Chomsky, Edward Said, EO Wilson, Paul Krugman, Bernard Lewis, v.v. hay ở VN những người như bác Hoàng Tuỵ, Nguyễn Minh Thuyết có thể xem là public intellectual. Một giảng viên đã là một intellectual, nhưng theo tôi một good lecturer phải là một public intellectual.

Câu 2 (đề nghị): “For a scientist in Vietnam, research is still a huge challenge?”

Câu gốc (“But being a scientist, doing research in Viet Nam is yet a big challenge, isn’t it?”), như tôi nói từ đầu, hơi khó hiểu.  Chữ “being a scientist” (là một nhà khoa học) rất chung chung nên không có ý nghĩa gì. “Là một nhà khoa học” khác với “Đối với một nhà khoa học” như Cô Nguyên Thuỷ viết chính xác “To a scientist”). Chữ “thách thức” là hợp lí với “đối với nhà khoa học” chứ không hợp lí với “là nhà khoa học”. Do đó, “being” phải loại bỏ ở đây.

Đối với các nhà khoa học việc làm nghiên cứu là hết sức bình thường vì đó là việc của họ.  Họ được trả lương hay được tài trợ để làm nghiên cứu. Nhưng ở VN đối với một nhà khoa học làm nghiên cứu vẫn còn là một thách thức lớn. (Thật ra, nói ngoài đề: tôi đã tham gia khá nhiều nghiên cứu ở VN, và thấy làm nghiên cứu bên nhà chẳng phải là thách thức lớn). Do đó, nếu chỉ nói “for a scientist” hay “to a scientist” thì chưa cụ thể; phải viết là “For a scientist in Vietnam” hay “To a scientist in Vietnam” thì cụ thể hơn.

Tôi không thích kiểu viết “isn’t it” vì thứ nhất nó có cái phong cách informal trong bài nói chuyện nghiêm chỉnh, và thứ hai nó không cần thiết. Chỉ cần một dấu hỏi “?” cuối câu thì ai cũng biết. Ngoài ra, chữ “yet” (lại một phong cách informal), đúng ra nên là “as yet”, làm cho câu văn khó hiểu. Vì thế tôi đổi thành still để ai cũng hiểu dễ dàng. Chữ big có thể ok, nhưng tôi thích chữ “huge” của TTCuong hơn vì nó có tính sang trọng :-).

Thật ra, tôi muốn viết lại là “For a scientist in Vietnam, conducting meaningful research is still a huge challenge?”, vì research thì ở VN ai cũng có thể làm được, nhưng “meaningful research” thì không dễ và không phải ai cũng làm được. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại có lẽ không cần thay đổi làm gì cho thêm phức tạp.

Qua hai ví dụ trên đây, có lẽ các bạn đã học thêm vài điều trong cách viết tiếng Anh. Vấn đề dĩ nhiên không phải là văn phạm, mà theo tôi quan trọng nhất là ý tưởng. Từ ý tưởng, chọn chữ cho thích hợp, chọn động từ cho ăn khớp, chọn bổ ngữ cho phù hợp với chủ ngữ (cái này dễ bị sao lãng).  Chẳng hạn như “To a scientist” và “Being a scientist” là rất khác nhau. Tôi có thể nói “là nhà khoa học, chúng ta phải có trách nhiệm với xã hội”, nhưng không ai nói “là nhà khoa học, làm nghiên cứu ở VN rất khó” cả. Nhưng tôi có thể nói “Đối với một nhà khoa học, làm nghiên cứu ở VN rất khó”. Chỉ “To” và “Being” mà dùng bổ nghĩa không thích hợp là hỏng câu văn.

Người Việt chúng ta thích thơ và ví von, và sở thích này nó len lỏi vào văn khoa học.  Một triết gia nổi tiếng (hình như là Nietzsche) từng nhận xét rằng người phương Đông lẫn lộn giữa thơ và triết. Lớn lên và trầm mình trong không gian thi ca của VN tôi cũng bị “nhiễm”. Nhớ độ 20 năm trước mấy bản thảo đầu tiên tôi nộp cho thầy xem, ổng đọc xong và mỉm cười nói kiểu mỉa mai: tao thấy văn của mày sao mà đậm chất thơ quá. Tôi hiểu ngay ổng chê mình là thiếu tính khoa học. Phải qua mấy chục lần bị chỉnh sửa tôi mới gột rửa được cái chất thơ trong các bài báo khoa học.

Do đó, tôi không ngạc nhiên khi đọc những bài báo, bài nói chuyện ở VN mang chất thơ và sáo. Tiêu biểu cho thói rhetoric này là “truyền lửa”, nó trở thành gần như là một khẩu hiệu. Nghĩ cho cùng, lửa rất nguy hiểm, ai đời lại đi truyền lửa?!  Giảng viên có thể nhảy nhót, vung tay múa chân, nhào lộn trên bụt giảng và người ta có khi xem đó là truyền lửa, nhưng nghĩ kĩ thì đó là đóng kịch cho vui chứ có truyền gì đâu. Tiếng Việt có chữ “truyền cảm hứng” rất hay, vậy sao không dùng nó? Có những chữ người Việt (sau 1975) quen nhưng khi dịch sang tiếng Anh là lúng túng ngay.  Những câu chữ như “sự nhạy cảm chính trị”, “nhiệt huyết cách mạng”, “vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa”, “nâng cao chất lượng hoạt động”, v.v. không phải dễ dịch sang tiếng Anh, hay dịch sang tiếng Anh mà chẳng ai hiểu. Khác “bộ lạc” và khác luồng tư tưởng nên rất khó thông cảm nhau. Có lẽ đã đến lúc phải loại bỏ những ví von, những câu chữ không có nghĩa ra khỏi các bài viết nghiêm túc.

Có lần trong một hội nghị ở Hà Nội, tôi so sánh viết văn với nghệ thuật nấu ăn. Trong viết văn, viết xong một câu văn, người viết phải đọc lại xem nó có chỉnh chu chưa, và chỉnh sửa, rồi đọc lại và chỉnh sửa cho đến khi hoàn chỉnh. Cũng giống y như người nấu bếp phải nêm nếm, cho mắm muối và gia vị cho đến khi món ăn ngon. Một bà người Úc chuyên dạy về viết văn trong kinh tế (thuộc trường Southern Cross) chủ toạ phiên họp rất thích cách so sánh này. Bà gặp tôi và tắm tắc khen, còn tôi thì không ngờ mình so sánh tuỳ hứng mà có người nói là hay! Nhưng nghĩ lại thì tôi thấy viết văn có thể xem như là một nghệ thuật. Đã là nghệ thuật, nó đòi hỏi người viết không chỉ suy nghĩ về ý nghĩa, mà còn cách chọn từ ngữ và sắp xếp câu chữ cho thích hợp. Qua 2 câu hỏi này, tôi hi vọng các bạn đã cảm nhận một phần cái khía cạnh nghệ thuật của viết văn.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét