Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Tranh luận về chủ quyền Hoàng Sa trên EuraReview.com

Một tranh luận rất thú vị trên EurasiaReview.com về vụ giàn khoan HD-981. Một bên là Sam Bateman, cựu thiếu tướng hải quân của Úc, và nay là Senior Fellow (chức danh cũ của tôi) thuộc Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Bên kia là chuyên gia IT Dương Danh Huy và Nhà hoá học Phạm Quang Tuấn thuộc Đại học New South Wales. Cả hai người là bạn tôi. Tôi tóm lược tranh luận dưới đây để các bạn theo dõi và học theo.


Một cách ngắn gọn, Bateman cho rằng Tàu cộng triển khai giàn khoan HD-981 nằm trong lãnh hải của Tàu vì nó cách Hoàng Sa 14 hải lí và cách đảo Woody 80 hải lí. Mà, Tàu cộng cho rằng Hoàng Sa là của họ và Woody thì đã bị Tàu chiếm đóng, nên giàn khoan HD-981 hiện diện ở vùng biển hiện nay là hợp lí (1).

Nhưng tác giả Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn chỉ ra rằng phát biểu của Bateman là sai (2). Bằng cách sử dụng chứng cứ pháp lí và khoa học cùng với lập luận chặt chẽ, hai nhà khoa học VN chỉ ra rằng Bateman đã sai về dữ liệu và sai về suy luận. Chẳng hạn như giàn khoan cách Tri Tôn [thuộc quần đảo Hoàng Sa] 14 hải lí (chứ không phải 17), và cách đảo Woody hay Phú Lâm 103 hải lí (chứ không phải 80). Tất cả những con số đó, thoạt đầu mới nhìn chỉ là sai sót nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn về pháp lí. Bateman nói rằng Tàu cộng “claim” Hoàng Sa là của họ, nhưng Bateman không nói rằng Việt Nam cũng claim Hoàng Sa. Như vậy, Bateman thiên vị (biased). Ngoài ra, hai nhà khoa học VN còn chỉ ra một sai lầm cơ bản: đó là Bateman lẫn lộn giữa khái niệm sovereignty và sovereign rights, nên có phát biểu rất ngô nghê về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)!

Bị phê phán và bị vạch trần sai lầm, Bateman có vẻ khó chịu. Bateman hồi đáp bằng một bài ngắn nói rằng ông không muốn tranh cãi về những con số! Nhưng trong một đoạn văn khác, Bateman thừa nhận ông đã sai lầm khi dựa vào nguồn thứ phát (secondary source) nên trình bày sai con số. Ông tự mâu thuẫn. Còn sai lầm về sovereignty và sovereign rights thì Bateman không trả lời được. Bateman kết thúc bài hồi đáp bằng một câu có vẻ thành tâm rằng ông chỉ muốn đóng góp vào hoà bình trong khu vực và kêu gọi hợp tác giữa các bên, chứ không có ý nào khác (3). Mô Phật!

Nhưng hai học giả VN vẫn không bỏ qua những trả lời có phần lép vế của Bateman. Trong phần trả lời hồi đáp của Bateman, hai học giả VN có vẻ lên lớp Bateman rằng trong tranh luận học thuật những con số và dữ liệu đóng vai trò quan trọng, chứ không thể nói một cách vội vàng rằng chăm chú vào chi tiết và con số là phản tác dụng (4). Sau đó, hai học giả này chỉ ra rằng cội nguồn của xung đột hiện nay là Tàu cộng đã bất chấp các qui tắc UNCLOS và các qui chế pháp lí về lãnh hải. Đó là điểm mà Bateman né tránh trong cả hai bài viết. Do đó, hai tác giả đề nghị cách giải quyết vấn đề là tuân thủ theo UNCLOS. Cần nói thêm rằng UNCLOS là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển.

Đây là một tranh luận thú vị. Ông Bateman là một chuyên gia về hàng hải, còn Ts Dương Danh Huy và Ts Phạm Quang Tuấn thì đều là dân ... “tay ngang”. Một người là tiến sĩ vật lí nhưng làm về công nghệ thông tin, một người là nhà hoá học. Tuy là tay ngang, nhưng bằng tư duy khoa học và kiến thức về UNCLOS, họ có thể tranh luận một cách sòng phẳng và chuyên nghiệp với các chuyên gia trong ngành. Ngay cả Gs Tonnesson (một chuyên gia của Na Uy từng tranh luận với anh Phạm Quang Tuấn) cũng công nhận lí lẽ của Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn là thuyết phục, còn ông Bateman thì phạm quá nhiều sai lầm. Nói ngoài lề một chút: xem qua lí lịch khoa học của ông Bateman tôi thấy thành tích khoa học của ông này có vẻ rất rất khiêm tốn, nhưng chẳng hiểu sao ông mang chức danh Senior Fellow; có lẽ chỉ là Fellow của Nanyang thôi, chứ ở Úc thì với lí lịch như thế ông sẽ chẳng bao giờ thành Senior Fellow được.

Việt Nam rất cần những người như Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn. Họ sẵn sàng "lấn sân" sang lĩnh vực ngoài chuyên môn để đấu tranh cho lẽ phải. (Đây cũng là bài học vì ở VN, những người bất tài thường chê người khác là lấn sang sân của họ, dù họ chẳng có đóng góp gì cho sân nhà). Họ tuy ở nước ngoài, nhưng đã hơn 20 năm qua, lúc nào cũng đau đáu quan tâm đến quê nhà. Ngay từ thập niên 1990s, họ đã tham gia thành lập Quĩ nghiên cứu Biển Đông, vì thấy trước tranh chấp và mối đe doạ của Tàu cộng, nhưng lúc đó ít ai quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Trước đó, Bs Ngô Thế Vinh cũng từng viết hẳn một cuốn sách "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng" để cảnh báo về nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Đến khi xung đột xảy ra và leo thang, họ cùng các bạn khác trong Quĩ đã có những đóng góp vô giá. Ts Dương Danh Huy từng viết bài trên báo chí Phi Luật Tân và Mĩ để trình bày lẽ phải của VN trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.

Một chút ghi chú cá nhân: tôi biết tính của hai anh bạn tôi về tranh luận. Dương Danh Huy là người rất radical và khách quan đến lạnh lùng, lúc nào cũng có những suy nghĩ khác người nhưng logic. Còn anh Phạm Quang Tuấn là người nổi tiếng về tranh luận và tính tình thẳng thắn. Anh ấy là người có thể nói trước mặt bạn rằng “mày là một thằng tồi”, nhưng rồi không bao giờ nhắc đến nữa và vẫn xem bạn là bạn. Thời còn trẻ ở New Zealand, tôi nghe nói anh từng tranh luận với bạn bè từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau, đến khi nào phần thắng thuộc về anh ấy! Do đó, Bateman mà đụng độ với hai nhà khoa học VN này, tôi e ngại cho ông ấy quá

Trong phần dưới của mỗi bài, người đọc có thể viết bình luận (comment). Tôi đã tóm lược vài ý chính, nếu các bạn muốn vào bình luận ủng hộ “gà nhà” hay phê bình ông Úc Bateman thì cứ theo những đường link dưới đây mà viết.

Có một chi tiết sai là báo EurasiaReview.com viết rằng anh Tuấn là “Assistant Professor”, nhưng trong thực tế Úc không có chức danh này. Anh ấy là “Associate Professor”, và ở Úc, chức danh Associate Professor cao hơn Assistant Professor của Mĩ một bậc khá xa.
---
(2) Bài hồi đáp của Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn:  http://www.eurasiareview.com/27052014-sovereignty-paracels-article-lets-beijing-lightly-analysis

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét