Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Rút lại 60 bài báo của một tác giả!

Chuyện hi hữu xảy ra với tập san khoa học có tên là Journal of Vibration Control (JVC) do tập đoàn Sage xuất bản (1). Thủ phạm là Chen-Yuan Chen, Phó Giáo sư khoa máy tính, [Đại học] National Pingtung University of Education. Cách lường gạt là ông Chen đệ trình bài báo cho JVC, và vì tập san thường yêu cầu tác giả phải liệt kê 4-6 chuyên gia bình duyệt, nên Chen tạo ra hàng trăm chuyên gia với địa chỉ email (dĩ nhiên là gmail, yahoo, hotmail), và y lấy 4-6 người trong danh sách y có trong tay. Dĩ nhiên, hàng trăm chuyên gia đó chính là Chen-Yuan Chen. Nói cách khác, Chen-Yuan Chen đóng vai chuyên gia bình duyệt cho bài báo của chính mình! Với “chiêu” lừa đó, Chen công bố khá nhiều bài trên JVC.


Năm 2013 Tổng biên tập JVC là Ali H Neyfeh đã nghi ngờ rằng có một mạng chuyên gia bình duyệt ảo tìm cách lợi dụng hệ thống trực tuyến để công bố bài báo khoa học. Phải tốn hơn 1 năm điều tra mới ra ngọn ngành. Thế là JVC rút lại tất cả 60 bài báo! Nhìn qua danh sách thì phần lớn bài báo bị rút lại là từ Chen-Yuan Chen, nhưng cũng có tác giả khác. Điều này cho thấy Chen-Yuan Chen không chỉ “hoạt động” một mình, mà còn một nhóm có thể là quen biết và đồng chí của Chen-Yuan Chen cũng dính dáng. Hiện nay thì Chen-Yuan Chen đã bị đuổi việc, và ông thì trốn luôn, chẳng ai liên lạc được!

Thật ra, chiêu lừa bằng cách tự mình bình duyệt bài của mình không mới. Vài năm trước một nhóm bên China từng áp dụng hình thức này và cũng công bố hàng chục bài. Nhưng sự việc cũng bị phát hiện và tất cả các bài đều bị rút lại. Năm 2012, một nhà khoa học Hàn Quốc cũng qua “chiêu” tạo ra nhiều email để tự mình bình duyệt bài báo của mình, và cũng công bố hàng chục bài, nhưng sau này tất cả đều bị rút lại.

Tập san JVC có impact factor 1.966, chẳng biết trong chuyên ngành IF như thế là thấp hay cao, nhưng một tập san công bố hàng 40 bài của một tác giả trong vòng 3-4 năm thì hơi bất bình thường. Sự việc xảy ra một lần nữa cho thấy hệ thống bình duyệt online tuy rất tiện, nhưng cũng là cơ hội cho những kẻ gian lận có thể xâm nhập và phá hoại. Nhưng nói gì thì nói, khoa học có khả năng tự điều trị và tự sửa, nên những sai sót đều được chỉnh sửa.

----

(1) http://www.nytimes.com/2014/07/11/science/science-journal-pulls-60-papers-in-peer-review-fraud.html?_r=1

0 nhận xét:

Đăng nhận xét