Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Giàn khoan của Tàu và những ghi chép linh tinh tháng 5/2014

China (Tàu) đã quyết định đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển còn tranh chấp giữa ta và Tàu. Hành động của nhà cầm quyền Tàu cộng rõ ràng là một thách thức nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam. Tất cả chúng ta (người Việt) phải phản đối hành động này của Tàu. Ai làm được gì trong khả năng thì nên làm ngay. Nhưng điều đáng buồn là qua sự việc này, tôi ghi nhận một số điều không mấy gì vui …


Quyền biểu tình 

Hôm qua (11/5), tôi chú ý thấy trong đoàn người đi biểu tình có khá nhiều thanh niên. Nhưng không biết bao nhiêu trong số đó là sinh viên đang theo học tại các đại học. Trước khi cuộc biểu tình diễn ra, Nhà giáo Phạm Toàn có một lá thư gửi các đại học khuyên họ đừng gây khó khăn cho những sinh viên tham gia biểu tình chống Tàu. Vậy mà trong thực tế vẫn có trường ra thông báo hẳn hoi khuyên sinh viên rằng không nên biểu tình! 

Biểu tình là một quyền căn bản của công dân. Đối với sinh viên hay người “thấp cổ bé họng” biểu tình còn là một thái độ sau cùng nhưng cần thiết để nói lên bức xúc của mình. Việc Tàu xâm lược VN là một hành động vô cùng nguy hiểm, nó đe dọa đến sự tồn vong của đất nước và dân tộc. Do đó, việc người dân xuống đường biểu tình chống Tàu cộng chẳng có gì phải bị ngăn cấm. Và, trong thực tế, Nhà nước lần này cũng đã [một cách không chính thức] “bật đèn xanh”. Vậy thì hà cớ gì mà một (?) trường đại học khuyên sinh viên không nên đi biểu tình. Lòng tự trọng và yêu nước của những người viết ra lời khuyên đó ở đâu, họ làm việc cho Tàu hay cho Việt Nam? 

Sinh hoạt và cách quản lí sinh viên của các trường đại học VN dĩ nhiên là rất khác với thế giới. Tôi có cảm giác nhiều trường đại học ở VN tự xem mình là hơn cả bậc cha mẹ các em, vì họ muốn quản lí tư tưởng của sinh viên. Đó là cách làm của mô hình cổ điển Maoist-Stalinist. Trong mô hình đó, sinh viên được xem như là vật liệu thô, và các vật liệu này sẽ được nhào nặn để trở thành công cụ trong tương lai để phục vụ cho những mục tiêu của nhà cầm quyền. Trong quá trình nhào nặn, họ sẽ được bơm vào những tư tưởng và tư duy mà nhà cầm quyền muốn. Do đó, tất cả những hành vi của sinh viên phải chịu sự quản lí và chi phối của một cơ quan nào đó trong trường đại học. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi bước đi, mỗi hành vi của sinh viên đều được một cơ quan tư tưởng uốn nắn cẩn thận. 

Đó là một cách “quản lí” rất khác với các trường đại học nước ngoài. Ở nước ngoài các đại học không chỉ là nơi học tập mà còn được xem là một trung tâm văn hóa, nơi mà sinh viên được tiếp xúc (và tạo cơ hội) tiếp xúc với nhiều tư tưởng cổ đại và hiện hành. Sinh viên được khuyến khích trở thành những critical thinker. Tôi chưa biết dịch chữ critical thinking ra tiếng Việt như thế nào, nhưng đại khái, đã là sinh viên đại học, các bạn phải: 

• Có kĩ năng chất vấn và đánh giá thông tin; 
• Kĩ năng giải quyết vấn đề;
• Suy nghĩ ra ngoài những gì đang xảy ra trong thực tế; 
• Nhìn vào bức tranh lớn và đặt vấn đề trong bối cảnh; 
• Lúc nào cũng đặt câu hỏi: cái gì, tại sao, khi nào, ai liên quan, v.v. 
• Đi tìm lí thuyết và đặt câu hỏi liên quan đến thực tế; 
• Đọc những quan điểm khác nhau về vấn đề mình quan tâm; 
• Lúc nào cũng đặt vấn đề dươi hai hay nhiều lăng kính, và phải tự phản biện ý kiến của mình; 
• V.v. 

Sinh viên chứ đâu phải là những con cừu mà phải có người khác xỏ mũi định hướng mình phải đi hướng này mà không đi hướng kia, phải tin vào cái này mà không tin vào cái kia. Sinh viên qua xử lí thông và kĩ năng critical thinking tự mình có ý kiến và hình thành quan điểm riêng. Quan trọng nhất là sinh viên phải biết chất vấn, phải biết hoài nghi. Nhưng lời khuyên kiểu "Nhà nước ta đã có cách đối phó" mới nghe thì tưởng là có lí nhưng thật ra chỉ là ngụy biện. Do đó, cách mà đại học “quản lí” sinh viên cũng là một câu hỏi về tư cách đại học.

Có người cho rằng sinh viên chỉ nên đọc thông tin “chính thống” mà thôi. Lời khuyên đó là một cách bịt mắt. Nhưng điều lạ lùng nhất là khái niệm yêu nước đồng nghĩa với “không hành động tùy tiện và tôn trọng kỉ luật Nhà trường”. Ôi, thế thì các bác Tương Lai, các nhân sĩ trí thức xuống đường là không yêu nước? 

Nếu các bạn có dịp ghé qua một đại học phương Tây, các bạn sẽ thấy sinh hoạt chính trị xã hội của sinh viên rất sôi nổi. Có những “debate societies” chuyên tranh luận về các vấn đề quốc gia đại sự. Có những hội đoàn sinh viên (có lẽ hàng trăm) với đủ các chủ trương và tôn chỉ. Họ sinh hoạt sau giờ học. Có khi đến 9-10 giờ đêm, họ vẫn trong các hội trường tranh luận về một vấn đề thời sự nào đó. Chính những sinh hoạt này nó phân biệt đại học với trung học. 

Ban giám hiệu đại học không bao giờ can thiệp vào các hoạt động chính trị xã hội của sinh viên. Đại học cũng không định hướng sinh viên phải bầu ai hay phải tin vào đảng phái nào, vì làm vậy sẽ bị xem là vi phạm quyền tự do của sinh viên. Mấy năm trước khi chúng tôi đi biểu tình chống Chính phủ Úc định cắt tài trợ cho y tế, cũng chẳng có ban giám hiệu và viện trưởng nào dám ngăn cản cả. 

Nếu các trường đại học VN muốn hội nhập thế giới văn minh thì việc đầu tiên là làm giống như các đại học trên thế giới (dĩ nhiên ngoại trừ đại học Tàu). Đó là tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do học thuật của sinh viên. Ở thời đại thế kỉ 21, không nên nghĩ đến [chứ đừng nói tìm cách] kiểm soát tư tưởng của con người vì đó chẳng những là một điều không tưởng, mà còn đi ngược lại trào lưu tiến bộ của con người. Còn những ai tự đặt mình dưới sự kiểm soát tư tưởng bởi người khác thì không còn xứng đáng là con người nữa.

Đọc những khẩu hiệu biểu tình chống Tàu 

Tối nay (12/5), có dịp dạo một vòng các báo và website, tôi chú ý đến những khẩu hiệu trong buổi xuống đường ngày hôm qua (11/5) ở trung tâm Sài Gòn. Điều hết sức thú vị là những khác biệt về khẩu hiệu giữa nhóm biểu tình tạm gọi là của Dân (viết hoa), và nhóm biểu tình của Nhà nước (nhưng chính xác hơn có lẽ là của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản - TNCS) tổ chức. 

Khẩu hiệu của phe Dân (sưu tầm chưa đầy đủ): 
1. Đả Đảo Trung Quốc Xâm Lược!
2. Đả Đảo Trung Cộng Xâm Lăng. Đả Đảo! 
3. Đả Đảo Trung Quốc Xâm Lược Lãnh Hải
4. Đả Đảo Quân Tàu Bành Trướng
5. Trung Quốc Cút Khỏi Biển Đảo Việt Nam
6. Tàu Cộng Cút Khỏi Biển Đông!
7. Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam
8. Trung Quốc Hãy Đem Giàn Khoan Hán Dơ 981 Hôi Hám, Bẩn Thĩu Ra Khỏi Vùng Biển Xanh Tươi Của Tổ Quốc Việt Nam Ngay Lập Tức !!!
9. Thà Hy Sinh Tất Cả, Chứ Nhất Định Không Chịu Mất Nước, Không Chịu Làm Nô Lệ cho Đảng Cộng Sản Tàu Khựa! 
10. China, Get Out !
11. Chinese Government – Peace in Speech, Violence in Action
12. China Must Respect The Peace in East Vietnam Sea 
13. China Back Off!


Khẩu hiệu của phe TNCS: 
1. Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm!
2. Đoàn Kết Dân Tộc Là Sức Mạnh Việt Nam
3. Đoàn Kết, Đoàn Kết, Đại Đoàn Kết 
4. Công Lý Hoà Bình Và Ổn Định … 
5. Chủ Tịch Hồ Chí Minh Vĩ Đại Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta 


Đọc qua những khẩu hiệu trên tôi thấy có vài khác biệt thú vị: 

Khác biệt thứ nhất là nội dung. Các khẩu hiệu phía Dân thì cực kì rõ ràng: tất cả đều có nội dung chống Tàu và đòi kẻ xâm lược phải rút khỏi thềm lục địa của Việt Nam. Rất nhiều chữ “Đả Đảo”. Còn đề cập đến Tàu thì khá phong phú, có khi là “Trung Quốc”, khi là “Tàu khựa”, và có khi là “Tàu Cộng”. Có một khẩu hiệu khá dài, nhưng nói lên nhiều ý là hi sinh, không chịu làm nô lệ cho Tàu cộng: “Thà Hy Sinh Tất Cả, Chứ Nhất Định Không Chịu Mất Nước, Không Chịu Làm Nô Lệ cho Đảng Cộng Sản Tàu Khựa”. 

Trong khi đó các khẩu hiệu của phe Đoàn TNCS (sẽ gọi tắt là TNCS) thì hoàn toàn không có nội dung chống Tàu. Hầu hết các khẩu hiệu của phe TNCS là ca ngợi Đảng CSVN, kêu gọi đoàn kết, hay có khi giơ hình tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch Hồ Chí Minh mà không có chữ nào kèm theo. Các khẩu hiệu của phe TNCS chẳng có gì mới vì chúng ta vẫn thấy nhan nhản trong các hội trường và đường phố. 

Khác biệt thứ hai là tính đa dạng trong khẩu hiệu. Qua phân tích trên, chúng ta có thể đoán được sự phong phú của phe Dân và sự đơn điệu của phe TNCS. Tuy chưa đầy đủ, tôi đếm được tất cả 13 loại khẩu hiệu của phe Dân; trong đó, có 4 khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh cũng với nội dung yêu cầu Tàu rút khỏi Việt Nam. Có khẩu hiệu viết bằng tiếng Hoa để người Tàu hiểu. Có một số khẩu hiệu yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho các tù nhân từng chống Tàu như Trần Huỳnh Duy Thức, Điều Cầy, Nguyên Kha, Việt Khang, Tạ Phong Tần, Bùi Hằng, v.v. Trong khi đó, phe TNCS chỉ có 5 khẩu hiệu, và không có khẩu hiệu nào viết bằng tiếng Anh. 

Khác biệt thứ ba liên quan đến sự “hoành tráng”. Tuy khẩu hiệu của phe Dân phong phú và đa dạng như họ có vẻ rất … nghèo. Rất nhiều khẩu hiệu được viết trên giấy trắng A4 hay A3, có khi được in bằng máy tính, nhưng cũng có khi viết tay nguệch ngoạc. Ngược lại, các khẩu hiệu của phe TNCS thì rất hoàng tráng (đúng theo nghĩa của chữ này): kích thước lớn, được in ấn đàng hoàng, có khi được viền màu xanh.  

Sau cùng là sự khác biệt về hào khí. Trong cuộc biểu tình của phe Dân thì rất nóng bỏng, nhiệt huyết có thừa, tay giơ cao, miệng hô lớn khẩu hiệu. Nhìn các bạn hăng hái làm tôi cũng … nóng theo, y như mình đang tham gia biểu tình. Còn phe TNCS thì có vẻ rất vui. Các bạn có thể xem qua cái video clip sau đây để thấy buổi biều tình của phe TNCS có cả ca nhạc, nhưng không phải nhạc hùng đâu nhé, mà là nhạc với giai điệu du dương nghe khá hay. Nghe qua những ca khúc này tôi có cảm tưởng họ đến đây để vui chơi ngày cuối tuần chứ không phải biểu tình chống kẻ thù xâm lược. 

https://www.youtube.com/watch?v=SYcHpKG5duI

Những khác biệt giữa hai phe về cuộc biểu tình có thể diễn giải bằng nhiều cách. Nhưng hiển nhiên nhất là có sự lệch pha giữa Dân và TNCS. Trong khi người dân nói thẳng và nói rõ ràng sự xâm lược của kẻ thù và vạch tên chỉ họ của kẻ thù, nhưng phe TNCS lại không dám đề cập đến kẻ thù; thay vào đó, họ chỉ … tự ca ngợi mình. Thật là lạ lùng, vì biểu tình chống Tàu mà không có một chữ nào đề cập đến kẻ thù! 

Cách hiểu thứ hai là có lẽ mục tiêu của hai bên khác nhau. Có thể mục tiêu biểu tình của phe Dân là bày tỏ bức xúc, cảnh báo kẻ thù đừng đẩy sự kiên nhẫn của người Việt đến giới hạn không thể quay lại, và tố cáo sự ngang ngược của kẻ thù trước công luận quốc tế (nên mới có khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh). Còn mục tiêu của phe TNCS có lẽ là làm loãng phe dân và sẵn dịp theo dõi. Có lẽ chính vì mục tiêu này mà họ làm khẩu hiệu thật lớn để che khuất những khẩu hiệu nhỏ bé của phe Dân, và dùng âm nhạc du dương để làm mê mẩn các thanh niên (dĩ nhiên là thanh niên của họ). Nói chung là những mẹo rất thấp, thấp cũng như những mẹo mà kẻ thù đã và đang áp dụng cho người Việt chúng ta. 

Một cách hiểu khác là sự tự do. Khi người ta có tự do thì suy nghĩ mới phong phú và đa dạng, và đó chính là đặc điểm chính của nội dung thuộc phe Dân. Họ nghĩ sao viết vậy. Họ bức xúc trước sự hung hãn của kẻ thù và sự nhũn nhặn của “phe ta” thì họ viết ra như thế. Không có những câu chữ hoa mĩ hay trau chuốt. Có lẽ hình ảnh làm tôi cảm động nhất là bà cụ còng lưng cầm tấm biểu ngữ đảo đảo Tàu cộng. Còn bên phe TNCS thì phải chịu sự kiểm soát tư tưởng của chủ nghĩa giáo điều, nên họ không thể nào nói khác được. Họ phải sống bằng hình thức. Họ phải nói và viết theo công thức đã có sẵn. Theo tôi vì thiếu tự do nên nội dung biểu ngữ của phe TNCS có vẻ nghèo nàn và phải nói là … buồn tẻ. 

Người Mĩ có câu rất hay là “if you can not beat them, join them”, có thể tạm hiểu là nếu bạn không thể thắng họ thì cách hay nhất là tham gia với họ. Mượn cách nói này, tôi nghĩ các bạn TNCS nên thấy rằng mình là thiểu số, mình lệch pha với dân tộc, và bị gò bó trong khuôn khổ, rất khó cạnh tranh lại với phe dân. Vậy thì cách tốt nhất và có lợi nhất cho đất nước và dân tộc là các bạn ấy nên tham gia phe Dân trong lần biểu tình lần tới.

VN cô đơn 

Hôm nay (13/5) tôi điểm qua nhiều bài viết trên báo chí nước ngoài về vụ giàn khoan của Tàu. Đọc qua những bài này tôi nghĩ VN lúc này quả thật là một nước tương đối cô đơn. Không có nước nào chính thức và trực tiếp ủng hộ VN. 

Có một thông tin trong bài “China and Vietnam at Impasse over Drilling Rig in South China Sea” (NYTimes) làm tôi chú ý. Thông tin này trích nguồn từ một nhà ngoại giao thâm niên cho biết ông Tổng bí thư đảng CSVN đề nghị đi thăm Bắc Kinh để nói chuyện với Tập Cận Bình, nhưng phía Tàu đã từ chối đề nghị này. Có người nhận xét rằng đó là một nỗi nhục cho phía VN. 

Báo chí VN thì nói rằng bài phát biểu của ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị ASEAN vừa qua ở Miến Điện là “đanh thép” và nhận được sự ủng hộ của các bạn trong khối ASEAN. Điều này tôi thấy không đúng. Bài phát biểu của ngài thủ tướng cũng bình thường thôi, ngôn ngữ vừa phải, và theo tôi là lịch sự, chừng mực, tốt. Bài phát biểu chẳng có chỗ nào gọi là cứng rắn hay đanh thép cả. 

Chẳng thấy nước ASEAN nào ủng hộ VN. Bản thông cáo chung được công bố tránh đề cập đến sự hung hãn của Tàu ở Biển Đông. Thật ra, giới bình luận quốc tế xem VN đã thất bại trong việc vận động bè bạn ủng hộ mình trong cuộc đối đầu với Tàu (báo New York Times viết tựa đề “Vietnam Fails to Rally Partners in China Dispute”). Vậy mà báo chí VN cứ đưa ra ảo tưởng rằng cả thế giới đang ủng hộ VN! 

Tôi tự hỏi tại sao VN có chính nghĩa mà cô đơn như thế? Có thể người ta nhìn vào những bước đi của VN trong quá khứ. Chẳng hạn như VN chưa bao giờ ủng hộ Phi Luật Tân trong vụ kiện Tàu cộng ra tòa án quốc tế. VN cũng đàn áp những công dân VN chống Tàu. Mỗi khi có gì căng thẳng với Tàu thì VN thường nói những câu như coi chừng các thế lực thù địch tìm cách chia rẽ đoàn kết giữa Tàu và VN. Tất cả những động thái đó cho người ta thấy VN muốn làm Tàu hài lòng, hay tệ hơn nữa, là đàn em của Tàu. Với cách nhìn đó, những nước trong khối ASEAN, vốn đã làm ăn với Tàu, thấy tranh chấp giữa VN và Tàu là chuyện hai anh em, cứ để họ giải quyết với nhau. Có lẽ không ít người VN cũng nghĩ thế (ví dụ như ông ĐM từng nói rằng Tàu nó đánh ta, nhưng nó cũng là cộng sản). Có thể nói không ngoa rằng VN tự đem sự cô đơn cho mình. 

Nhưng cô đơn thì cô đơn, chuyện chúng ta lên tiếng với bạn bè quốc tế thì vẫn phải lên tiếng. Phải nói cho thiên hạ thấy hành động nguy hiểm và ngông cuồng của Tàu cộng, và để bạn bè quốc tế thấy Tàu tuy là nước lớn nhưng cách hành xử thì rất nhỏ và rất thấp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét