Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Bánh mì thịt kiểu Việt Nam: muôn năm!


Tôi vẫn nghĩ (và từng nói) rằng bánh mì thịt kiểu VN sẽ là một cái “hit” thực phẩm trong tương lai (sau phở) trên thế giới. Sau đó có thể là các món liên quan đến bánh tráng (như gỏi cuốn, bì cuốn, bò bía). Hôm trước, báo New York Times khen bánh mì thịt làm hớp hồn người Mĩ. Nay báo Wall Street Journal (lại một tờ báo nổi tiếng) khen ổ bánh mì thịt kiểu VN. Nhưng ổ bánh mì thịt kiểu VN không cần ai khen thì nó vẫn ngon, chắc chắn ngon hơn cái bánh mì kẹp sandwich buồn chán, và chắc chắn có giá trị dinh dưỡng hơn cái hamburger của McDonald mà thiên hạ đang xếp hàng chờ mua.



Bánh mì thịt ngon từ trong ra ngoài. Bề ngoài nhìn vì cái da bánh mì màu vàng đã bắt mắt, và dù chưa cắn miếng nào nhưng cái màu vàng đã hứa hẹn một ổ bánh mì giòn rụm. Còn bên trong? Tất cả những cái gì tinh tuý nhưng đơn giản đều có: paté gan, chút xíu bơ, chả lụa, chả gân, thịt với một lát mỡ rất mỏng, xíu mại, cộng với dưa leo, dưa chua, và thêm rau xanh, vài cọng ngò tây, và một thỏi hành ta. Thêm một chút nước mắm ớt pha đường chanh (có người thì chỉ đòi muối và tiêu), thì một ổ bánh mì thịt đã có thể cân bằng giữa âm và dương. Cái hay không chỉ cân đối âm dương, mà còn là ngũ sắc. Nhìn ổ bánh mì chúng ta thấy đủ 5 màu: đen (pate), trắng (củ cải), xanh (rau ngò), vàng (ổ bánh mì và thịt nướng), và đỏ (cà rốt và những lát ớt).


Bánh mì thịt 80 năm tuyệt ngon trên đường Huỳnh Khương Ninh 6

Do đó, ăn bánh mì là ăn toàn diện. Ăn toàn diện, nói theo học giả Trần Văn Khê, có nghĩa là ăn bằng mắt (nhìn màu đã thấy ngon), bằng mũi (mùi thơm của rau), bằng lỗ tai (cắn miếng bánh mì nghe giòn rốp), và lưỡi (vị giác chua, ngọt, mặn, cay). Bởi vậy, ăn bánh mì cần phải ăn chậm, không nên quá nhanh vì sẽ không thưởng thức hết cái ăn toàn diện và những vị sắc của ổ bánh mì.

Bởi thế, tôi mê bánh mì thịt ở VN. Tôi tự hào ổ bánh mì của Việt Nam. Nhớ hôm lên máy bay về Sydney, tôi đi mua 2 ổ bánh mì ở một quán “favorite” của tôi trên đường Nguyễn Trãi. (Tôi vốn không ưa thức ăn của Vietnam Airlines). Lên máy bay trong khi mọi người xì xụp ăn uống, tôi dọn ổ bánh mì ra và nhờ anh tiếp viên hâm nóng, làm tay hành khách Tây ngồi bên cạnh trố mắt ngạc nhiên. Có lẽ hắn ngạc nhiên vì món ăn quá sang trọng (chứ đâu phải bầy hầy như món ăn của Vietnam Airlines). Thấy thương, tôi cho hắn thử nửa ổ, và hắn khen tận mây xanh . Hắn nói, ổ bánh mì này còn ngon hơn thức ăn của VNA gấp vạn lần. Dù lời khen là thừa, nhưng tôi đồng ý.

Bánh mì thịt ngon nhất có lẽ là ở Sài Gòn. Tôi có vài “quán tủ”, nhưng hôm nào có dịp sẽ nói ra. Bên Little Saigon (California) và San Jose cũng có vài chỗ bán bánh mì thịt rất ngon. Riêng nơi bán bánh mì tồi tệ nhất, dở nhất, tục tĩu nhất, và đắt đỏ nhất lại là … Sydney (quê hương thứ 2 của tôi). Tôi chưa thấy nơi nào trên thế giới mà một ổ bánh mì thịt như ở Sydney: giá 5 AUD (tương đương 100 ngàn đồng VN), mà gần 50% là cà rốt bào sẵn (không có dưa chua) và chả lụa thì chắc đã để qua vài ngày, bơ thì làm bằng trứng trông rất nhầy nhụa, còn ổ bánh mì thì mềm không muốn cầm đến. Quả thật, tôi nghĩ bánh mì thịt ở Sydney là tồi tệ nhất thế giới và không hiểu sao vẫn có người ăn. Tôi tự hỏi sao Việt Nam mình không khuếch trương ổ bánh mì thịt thành một cái "chain" như McDonald? Nên lắm chứ.

Trong khi chờ đợi một loạt cửa hàng bánh mì thịt kiểu Việt trên thế giới, tôi thấy mình may mắn có Sài Gòn và Little Saigon để tôi còn thưởng thức một hương vị độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Tham khảo: 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét