Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Peter Higgs và công bố kết quả nghiên cứu khoa học

Hôm nọ, nhân dịp nói chuyện trong một diễn đàn giảng viên, có người hỏi tôi rằng có cần đặt nặng vấn đề công bố quốc tế không khi mà ông Peter Higgs (người được trao giải Nobel vật lí 2013) không công bố bài nào trong suốt 10 năm liền. Câu chuyện ông Higgs kể trên tờ Guardian (Anh) đã thành một cơ sở lập luận của nhiều người không mặn mà với công bố quốc tế. Nhưng tôi sợ là có sự hiểu lầm, thậm chí nguỵ biện, khi so sánh trường hợp của ông Higgs và đại đa số các nhà khoa học Việt Nam.


Ông Higgs kể rằng trước khi được trao giải Nobel, ông là một nỗi xấu hổ cho bộ môn vật lí của trường ông. Mỗi năm, như thông lệ, trường cần liệt kê danh sách bài báo khoa học đã công bố trong năm, nhưng đến ông Higgs thì ông kể là “none” (không có bài nào). Ông còn biết rằng một số người trong trường đã có ý định “tống khứ” ông ra khỏi trường, nhưng cũng có người nghĩ rằng ông có thể được trao giải Nobel, và nếu vài năm nữa mà ông vẫn chưa được trao giải thì lúc đó tống khứ ông cũng không muộn. Dĩ nhiên, câu chuyện có một kết thúc có hậu (happy ending) với giải Nobel.

Nhiều người lấy trường hợp của ông Higgs và phân vân hỏi có nên chạy theo công bố quốc tế. Tôi nghĩ trường hợp của nước nào thì không rõ, nhưng ở Việt Nam thì nhu cầu công bố quốc tế là rất cần thiết. Việt Nam cần phải nâng cao sự hiện diện của mình trên trường khoa học quốc tế. Hiện nay, con số bài báo khoa học từ VN chỉ xấp xỉ bằng một trường đại học lớn của Thái Lan. Đặt con số ~1500 bài/năm trong bối cảnh trên 10 ngàn giáo sư / phó giáo sư và vài vạn tiến sĩ thì quả thật năng suất khoa học VN còn quá thấp.

Tôi nghĩ 99.99% các nhà khoa học trên thế giới (kể cả VN) không thuộc đẳng cấp của ông Higgs. (Hay Việt Nam có người như ông Higgs mà tôi chưa biết, nhưng cũng chỉ là số rất ít). Đại đa số các nhà khoa học thuộc nhóm “me too” (làm những gì người khác đã làm như Việt Nam) hay “incremental knowledge” (có đóng góp cái mới nhưng rất nhỏ, như đa số hoạt động khoa học ở nước ngoài), chứ rất ít người ở đẳng cấp đột phá (breakthrough). Nên nhớ rằng trước khi “nghỉ hưu” công bố quốc tế, ông Higgs đã có những công trình thuộc loại đột phá, chứ không phải đột nhiên mà ông được trao giải Nobel. "Miệng nhà quan có gan có thép": Ông Higgs hôm nay [chứ không phải thời gian 1960s] có quyền nói chuyện không cần công bố quốc tế, nhưng 99.99% các nhà khoa học khác không có cái uy danh của ông để nói điều đó. Do đó, lấy một trường hợp outlier như ông Higgs để biện minh cho số đông thì tôi e rằng không hợp lí chút nào.

Có người nói họ chỉ quan tâm đến chất lượng, chứ không quan tâm đến số lượng bài báo quốc tế. Đúng, tôi đồng ý là nên quan tâm đến chất lượng. Nhưng trong trường hợp VN, đại đa số các công trình khoa học được công bố trong thời gian 50 năm qua thuộc loại “làng nhàng” hay chất lượng quá thấp (hiểu theo nghĩa chẳng ai trích dẫn). Với một quá khứ như thế thì làm sao người ta có thể tin rằng phải chờ vài chục năm nữa để có một công trình có chất lượng cao? Do đó, lấy yếu tố chất lượng để không công bố hay công bố ít cũng không thuyết phục cho những ai chưa từng công bố thậm chí một công trình nhỏ.

Đại đa số các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới mang tính “incremental knowledge”. Những nhà khoa học trước khi nổi tiếng và tạo được uy danh đã công bố nhiều -- thậm chí rất nhiều -- bài báo khoa học. Họ xây dựng dữ liệu một cách dần dần, bài sau xây dựng trên nền tảng bài trước, và bài trước xây dựng trên bài trước nữa, chứ không phải theo kiểu “đột biến”. Không có ai chỉ công bố 1 bài mà trở thành siêu sao được. Do đó, lí giải rằng “20 năm nữa tôi sẽ có công trình lớn” sẽ không bao giờ thuyết phục trong khi hôm nay anh chẳng có một công trình nào.

Những người đang ngồi salon mà nói không cần công bố quốc tế thì sẽ bị sốc khi ra nước ngoài. Thử sang Singapore hay Đài Loan thôi (chưa nói đến Mĩ hay Úc) thì sẽ thấy vai trò quan trọng của công bố quốc tế như thế nào. Có đại học nói thẳng với nghiên cứu sinh là nếu không có bài báo khoa học được công bố thì đừng nghĩ đến chuyện tốt nghiệp tiến sĩ. Ở Thái Lan, có trường còn đòi sinh viên cấp thạc sĩ phải công bố bài báo khoa học (nhưng họ “dzu dzi” cho loại tập san). Nên nhớ rằng chúng ta đang sống và làm việc trong thế kỉ 21 với những “luật chơi” mới và rất khác với những luật chơi thời thập niên 1960s của ông Higgs.

Nói tóm lại, VN cần phải nâng cao sự hiện diện của mình trên trường khoa học qua công bố quốc tế. Dĩ nhiên là cần phải chú trọng đến chất lượng cao, nhưng tôi vẫn nghĩ chất lượng cao chỉ đến được khi số lượng đã đủ momentum. Hiện nay, trong khi ngay cả số lượng vẫn chưa có đủ, mà đem trường hợp ông Higgs ra để biện minh cho không cần công bố quốc tế thì tôi thấy nếu không là nguỵ biện thì cũng là một lí giải thiếu cơ sở thực tế và không thuyết phục.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét