Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Nhật kí Nha Trang

11/1: Nha Trang ngày về. Sau 4 ngày thưởng thức cái thời tiết mát mẻ ở Hà Nội (vậy mà bà con mặc áo len!), tôi háo hức đón chào mùa hè ở Nha Trang -- một trong những điểm đến “favorite” của tôi. Đêm nay về đến Nha Trang với tâm trạng đúng như lời ca của Nhạc sĩ Phạm Duy: Nha Trang ngày về / mình tôi trên bãi khuya / Tôi đi vào thương nhớ / Tôi đi tìm cơn gió / Tôi xây lại mộng mơ năm nào


Ban đêm, nằm trong phòng đọc báo và nghe sóng vỗ rì rào, chẳng hiểu sao làm tôi mộng mơ đến thời mà ông Yersin ghé qua đây. Thì thời xưa (hay bao đời nay) cũng có những con sóng rì rào bất tận đó thôi, nhưng chắc là buồn lắm vì thời đó còn hoang vắng, chứ đâu có đông người và vui nhộn như ngày nay. Vậy mà ông Yersin đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai thì đủ biết ông yêu mến mảnh đất này như thế nào.

Tôi cũng yêu Nha Trang. Thật ra, Nha Trang cũng như Sài Gòn, tức là nơi lập nghiệp của cư dân trên khắp mọi miền đất nước. Đến đây sẽ nghe tiếng Bắc, tiếng Nam, và nhất là giọng Huế rất dễ bị hút hồn. Đến đây và có lẽ sống trong khung cảnh thơ mộng của biển, nên người Nha Trang hiền hoà và dễ mến. Ít nghe những câu chuyện chặt chém du khách ở đây. Câu chuyện thú vị của tôi về Nha Trang là lần trước ăn ở quán bún cá, chị chủ quán "phát hiện" tôi là "Việt kiều" nên hỏi có biết ca sĩ Hạ Vy (cô này người Nha Trang); tôi lúng túng vì lúc đó chưa biết cô ấy. Chiều về khách sạn tìm trên mạng mới biết thêm một cô ca sĩ dễ mến người gốc Nha Trang! Do đó, nếu tìm một khuôn mặt đại diện cho Nha Trang, chắc tôi sẽ chọn ca sĩ Hạ Vy.

Đây là lần thứ hai tôi ghé qua Đại học Nha Trang (NTU); lần trước chắc cũng trên dưới 5 năm. NTU bây giờ đã khác xưa, có nhiều phòng ốc hơn, và trông cũng sạch sẽ hơn xưa. Tôi đoán ở Việt Nam không có một đại học nào có khuôn viên lí tưởng như NTU. Trường toạ lạc trên một triền đồi với diện tích khoảng 24 ha. Mặt trước và sau của NTU đều nhìn ra biển. Dĩ nhiên, khuôn viên của NTU thừa hưởng từ một tu viện công giáo nổi tiếng trước 1975, và trường vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn những “di sản” của tu viện. Tôi nói đùa với các bạn ở NTU là làm việc ở đây chẳng khác gì đi “holiday” suốt ngày này sang ngày khác!

Hôm nay có độ 130 bạn đến tham dự buổi seminar nguyên ngày. Tôi nói 4 bài liên quan đến câu hỏi tại sao giảng viên nên nghiên cứu khoa học, những kinh nghiệm trong việc viết bài báo khoa học, và cách dùng tiếng Anh trong khoa học. Có nhiều câu hỏi thú vị và hay, và tôi cố gắng giải đáp các câu hỏi. Các bạn ấy rất thiết tha có một lớp học về R trong tương lai tại đây. Tôi đang suy nghĩ về thời gian thích hợp cho một lớp học như thế. Kể ra thì tổ chức một lớp học như thế ở Nha Trang cũng hay vì kết hợp được việc học hành với … nghỉ mát. Chỉ tiếc lần này thời gian ở Nha Trang ngắn quá và biển hơi động nên chẳng tắm biển được, chỉ biết nhìn từ xa.

12/1. Một buổi sáng ở Nha Trang. Sáng nay có chút thì giờ rảnh rang tôi đi dạo phố Nha Trang. Đi dọc theo đường Trần Phú, rồi lang thang trong Chợ Đầm, vòng qua khu quán ăn, đến khu quán cà phê, và rồi … trời mưa. Nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị. Xin chia sẻ vài hình ảnh tôi ghi lại được trong một buổi sáng ở Nha Trang.



Dấu ấn Nga. Đi dọc theo những con đường chính sẽ thấy nhiều hàng quán quảng cáo bằng tiếng Nga. Người dân ở đây cũng rất linh hoạt trong kinh doanh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi thấy hơi “đau mắt” chắc tại mình quen với loại ngôn ngữ sử dụng mẫu tự Roman.



Cơm tấm bình dân. Lang thang một hồi thì cũng kiếm gì lót bụng. Tôi có chủ trương khi đến nơi mình không quen là nhìn vào chỗ nào có nhiều người ăn uống là tôi ghé. Quán này là quán ven đường với cái bàn thấp lè tè, nhưng tôi thấy rất đông khách, nên cũng ngồi xuống thưởng thức món cơm tấm. Tất cả chỉ có 33 ngàn đồng. Anh tính tiền còn ân cần nói với tôi: “Tên em là Khang”. Cám ơn Khang!



Bán gà. Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy cảnh bán gà trong chợ. Dưới quê tôi, người ta cũng bán gà như thế này. Đây là “gà thật” chứ không phải loại gà công nghiệp được bơm hormones mà thịt cứ như là bột. Nhìn cảnh những người bán gà ngồi co ro buổi sáng tôi cảm thấy chạnh lòng, bởi vì chỉ vài bước là đến một khu sang trọng mà có lẽ những người tiểu thương này khó có điều kiện vươn tới.


Một cảnh Chợ Đầm: rất tiêu biểu cho chợ Việt Nam, có chút gì đó bề bộn, hỗn độn, và cái mùi không thể lầm lẫn được từ một cái chợ ở Việt Nam. Lang thang khu này tôi nghiệm ra một điều là có 2 Nha Trang trong Nha Trang: một bên mặt tiền là những khách sạn 4-5 sao, hàng quán thứ tự, sang trọng và chủ yếu dành cho du khách; và phía bên trong là nơi luộm thuộm, thiếu trật tự, hơi dơ dấy và chủ yếu là nơi sinh hoạt của người địa phương. Nhìn bề ngoài thì phồn vinh đấy, nhưng nhìn sâu hơn thì sẽ cho ra một bức tranh hoàn toàn khác. Nơi đây chính là phản chiếu của một Việt Nam thu nhỏ.



Súng ống. Đây là một bức tượng đậm nét … XHCH. Cái motif tạc tượng này có lẽ được các nghệ nhân miền Bắc chịu ảnh hưởng Liên Xô du nhập vào Việt Nam. Tôi không biết phân tích bằng chữ, nhưng nhìn nó có cái gì đó vừa thô vừa imposing và vừa phi dân tộc tính. Motif này thường có đặc điểm là đối tượng được cho giơ tay cao, hay tay nắm chặt, và đặc biệt là có súng ống. Thấy ghê ghê và u ám. Thử so sánh mấy bức tượng này với những bức tượng (như Trần Hưng Đạo, Phù Đổng, Trần Nguyên Hãn, v.v.) do các nghệ nhân Sài Gòn sáng tác trước 1975 thì sẽ thấy bên nào mang tính dân tộc hơn.



Cổng trường an toàn. Xong dĩa cơm tấm là cà phê. Ngồi nhâm nhi tách cà phê tôi chú ý đến cái trường mầm non (?) đối diện quán. Tôi chú ý vì những cái cột mô phỏng theo hình cây bút chì. Nhìn cái mũi cột xi măng nhọn hoắt và những cây cột sắt cũng nhọn bén làm tôi có cảm giác gờn gợn, giống như đối diện với một công cụ có thể gây thương tích và chết chóc. Càng “thú vị” khi bên cạnh những cây cột gờn gợn đó là câu “Cổng trường em sạch và an toàn”!



Khắc cốt ghi xương. Nhìn sâu một chút vào sân trường mầm non sẽ thấy câu “Đời đời nhớ ơn anh hùng Lý Tự Trọng” trên tượng của đương sự. Tìm hiểu một chút thì biết “Năm 1923, chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, và hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí” và “Ngày 9 tháng 2 năm 1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình ngày 20 tháng 11 năm 1931 khi mới 17 tuổi.” Cậu bé này còn quan trọng hơn cả vua Gia Long vì ông vua phải “nhường đường” cho cậu ấy ở Sài Gòn.



Bãi biển Nha Trang. Có lẽ là một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam.



Tranh thủ. Đi xa hơn một chút là những người công nhân đang tranh thủ ngủ trưa. Họ ngủ một cách vô tư và say sưa. Có người chui vào cái tượng ngủ luôn. Phải nói ngủ trưa ở đây rất tuyệt vì gió biển và sóng biển rì rào.


Đánh bài. Một nhóm công nhân khác thì tranh thủ giờ nghỉ trưa đánh bài trong khi một nhóm khác thì nằm thẳng cẳng ra ngủ. Người Việt Nam thật mê đánh bài. Đánh bài có khi xem là một hội chứng. Cũng có thể người Việt Nam mang gen đánh bài, nên đi đâu họ cũng thích bài bạc.


  
Khách Nga. Trong khi các công nhân Việt Nam đang tranh thủ giấc ngủ trưa thì các khách du lịch Nga nằm nghỉ mát thoải mái. Cảnh người Nga nằm nghỉ mát trên ghế và cảnh công nhân Việt Nam ngủ trên bãi cỏ trông thật tương phản.


Sang trọng. Càng tưng phản hơn khi ở bên kia đường là những khách sạn sang trọng, kể cả Sheraton.


Em cho anh xin chút tình. Dọc theo bãi biển có nhiều cảnh sinh hoạt rất thú vị. Một trong những cảnh đó là đôi trai gái này đang nói chuyện. Anh chàng thì ở tư thế van xin, và cô nàng thì có chút e thẹn. Trông từ xa thấy dễ thương ra phết!


Chào hàng. Cách cặp tình nhân đó không xa là cảnh người bán tranh đang chào hàng một cô gái, và cô này thì đang chờ anh chàng kia nướng tôm. Anh chàng bán tôm là một “nhà hàng di động”, chỉ có vài con tôm còn sống, cái lò than, và cái xe Honda. Chú ý trang phục màu đen và màu tím của cô gái, rất nổi, và nụ cười cũng rất xinh!


0 nhận xét:

Đăng nhận xét