Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Lê Hiếu Đằng (1944-2014)

Mới nhận tin từ một người bạn trong nước cho biết anh Lê Hiếu Đằng đã từ trần lúc 10 giờ đêm qua tại Bệnh viện 115. Anh thọ 70 tuổi. Dù anh không phải là nhân vật quyền cao chức trọng, nhưng sự ra đi của anh để lại nhiều nuối tiếc trong bạn bè và công chúng. Đúng như Hạ Đình Nguyên viết, "Anh là con người bình thường, chính đó là ý nghĩa quan trọng, nó khơi dậy, nó động viên cho số đông người bình thường trong chúng ta những cảm xúc rộng lớn, về giá trị và trách nhiệm của một công dân, của con người bình thường". 


Tôi chỉ tình cờ gặp anh một lần ở một quán cà phê bên Thanh Đa, nhưng ấn tượng về anh thì không phai nhoà. Đêm đó, tôi và một vài bạn đi ăn bánh xèo, mới ngồi vào bàn thì có người đến hỏi nhỏ có phải tôi tên là Tuấn. Người hỏi nhỏ đó là khách của bàn bên kia, nhìn sang thì thấy cả chục người tất cả đều cao tuổi, đang lai rai và thỉnh thoảng ca hát. Họ có guitar riêng. Anh Lê Hiếu Đằng là một trong những khách của bàn vui vẻ đó. Hoá ra, hôm đó anh và một nhóm bạn trong phong trào chống Mĩ ngày xưa ở miền Nam gặp mặt nhân một “đồng chí” từ Mĩ mới về thăm quê. Dù gặp anh lần đầu nhưng câu chuyện thì đã gặp nhau từ lâu. 

Bẵng đi một thời gian thì nghe tin anh vào bệnh viện. Xuất viện rồi nhập viện, và tái nhập viện. Bệnh tình càng ngày càng nghiêm trọng. Đến nay thì anh đầu hàng trước bệnh tật và ra đi. Nhưng những trăn trở cuối đời của anh thì vẫn là những chuyện thời sự chắc còn bàn tiếp trong tương lai. Cầu mong hương hồn anh thanh thản và sớm chuyển nghiệp. 

Xin giới thiệu bài dưới đây của Hạ Đình Nguyên viết về anh Lê Hiếu Đằng. Bài đã đăng trên Diễn Đàn (Paris).

====




http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/chao-anh-dang

Thế là xong !
Chào anh Đằng !

Thế là xong !
Anh đã từ biệt !

Anh thực sự đã yên nghỉ, đã khép lại một chu kỳ hoàn hảo : “ Trăm năm trong cõi người ta ”.

Lúc nầy, chúng ta lại nhớ lời nói đầy ý nghĩa của con người nổi tiếng Mandela, đúng với trường hợp của Anh :

“ Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều người đó coi là trách nhiệm với dân tộc mình, với đất nước mình, người ấy có thể yên nghỉ.

Chúng ta có thể nhất trí, “ biểu quyết ” rằng anh Đằng đã hoàn thành trách nhiệm của mình với dân tộc và đất nước,  theo cái nghĩa là anh hết mình cho đến giờ phút trước khi hôn mê và chấm dứt hơi thở.

Anh không phải là nhân vật quan trọng ghê lắm, hay là người có chức vụ cao. Anh là con người bình thường, chính đó là ý nghĩa quan trọng, nó khơi dậy, nó động viên cho số đông người bình thường trong chúng ta những cảm xúc rộng lớn, về giá trị và trách nhiệm của một công dân, của con người bình thường, nó tạo nên mối liên thông của một làn sóng tích cực về tinh thần yêu nước và yêu dân chủ. Giờ đây, với sự so sánh, chúng ta có thể coi thường cái lớn mà rỗng, cái cao mà bên trong có chất lượng thấp. Chúng ta đều biết là anh rất tỉnh táo, sống thật với lòng mình. Trong những tháng ngày cuối, khi không nói về tình hình xã hội, thì anh hát những giai điệu bolero yêu đời với tình cảm đời thường, bằng tiếng khào khào đứt quãng của một người bịnh. Anh đi từng bước nhỏ, vui vẻ với chiếc gậy mây do anh B tặng.
Chúng ta đều yêu cái bình thường và chân thật ấy. Không ai thích sự giả dối, Đúng vậy ! Chúng ta tôn vinh những giá trị đích thật, và có quyền từ chối những gì không thật. Đó là nét truyền thống của văn hóa nuôi dưỡng dân tộc, dù một nghìn năm bị đô hộ, bởi tinh thần lạc quan và chân thực ấy mà không bị đồng hóa.

Anh đã để lại một tấm lòng, với sự chia sẻ của tất cả những ai yêu cuộc sống nầy, và yêu tận đáy lòng sự công bằng của một xã hội dân chủ. Anh đã đi bước đi tiền phong của một giai đoạn chuyển hóa, vượt lên trên và không để ý tới mọi hình thức o ép của chủ thể vô minh.

Những tiếng hô của sân hận và hẹp hòi từ đâu đó, giờ đây tiếp tục vô nghĩa !

Tất cả chúng ta đều nghe thấy tiếng sóng gào thét ở Biển Đông, tiếng gió độc rít lên từ phương Bắc. Vì nghĩa cả mà con người phải dấn thân. Lẽ nào, vì sự nhỏ nhen mà thân phận con người hóa thành cỏ rác ? Người Nhật Bản nắm chắc tay nhau sau cơn đại họa, mà chẳng tham của rơi. Lẽ nào trước nguy biến, lại tranh nhau bổng lộc không hơn kẻ dân đen “ hôi bia ” ngoài lộ ?

Anh để lại sau một điều ray rứt : một dân tộc, một đất nước, chẳng thể sống cùng nhau trong một góc trời mà lại không có cùng nhau một “ khế ước ” ? Thực dân, đế quốc còn trả lại cho dân tộc bị trị một Hiến Pháp sau khi cuộc đâm chém chấm dứt. Lẽ nào một đảng chính trị cầm đầu cuộc kháng chiến gian khổ đã thành công, lại lạm dụng thời cơ, áp đặt cho cả dân tộc phải sống đời đời dưới sự cai trị bởi một nhóm người nhân danh đảng ấy, dười hình luật do nhóm người ấy lập ra, sống cho tới già chết, bịnh chết và giao lại cho kẻ được chọn làm truyền nhân kế thừa ? Ở Việt Nam ngày nay lại mọc lên khá nhiều những ngọn núi Paektu (*) để có những giòng máu thần thánh truyền ngôi ở các tỉnh thành.

Thật là buồn cười và đáng xấu hổ trong thời đại hôm nay !

Anh cũng thường nhắc đến ông Mandela – một người dân Nam Phi bình dị mà cao cả, được thế giới kính cẩn tôn vinh – bởi những lời nói ra từ một trái tim chân thật, một tinh thần rắn rỏi, cương nghị, yêu công bằng, cũng là lúc thế giới ngoái đầu nhìn về Bắc Triều Tiên với nỗi kinh hoàng, về những chuyện giết người ở đây. Người bình thường không thể tránh nổi xót xa và ray rứt tự hỏi về một mô hình “độc tài toàn trị” của một đảng xưng là “Cách Mạng”. Nhân dân thế giới đang nghĩ ngợi trong lương tâm mình, về thân phận của người dân Bắc Triều Tiên. Nó bộc lộ một cách quá hiển nhiên sự tàn bạo mang tính quy luật của độc tài.

Nhân Dân Việt Nam chưa rơi vào tình cảnh ấy, nhưng biết rõ mình đang ở đâu trên lộ trình đi từ nô lệ đến tư do, và từ độc lập đến dân chủ ? Nơi thiếu dân chủ sẽ không bao giờ là điểm đến. Chắc chắn một điều, tâm thức Việt Nam luôn hướng về phương Bắc để cảnh giác, canh phòng cao độ,  chứ không bao giờ nhầm lẫn là điểm đến tin cậy.


Anh Đằng,

Anh đã mong muốn và tích cực đấu tranh cho một xã hội dân sự được chuyển hóa theo cách hòa bình, như kiến nghị 72 mà anh ký tên trong đó. Anh mong muốn một xã hội dân sự vì đó là nền tảng vững chắc cho độc lập dân tộc, đó cũng là nền tảng để một quốc gia phát triển. Anh đã gởi lại tâm tình của mình trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi nầy, với tinh thần đấu tranh không ngừng, như rất nhiều người con dân yêu nước khác. Anh ra đi như họ đã ra đi, vì hai chữ độc lập – dân chủ. Thái độ chọn lựa cuối cùng của anh về một sự chia ly đã củng cố và làm sáng rõ lý tưởng mà anh đã trọn đời theo đuổi.

Anh đã sống trọn vẹn với suy nghĩ của mình.

Anh không cô đơn. Anh nằm xuống có bạn bè chung quanh, có nhiều bạn trẻ tiếc thương anh và những giọt nước mắt.

Trong khi anh nằm xuống, dân tộc vẫn bước tiếp cuộc hành trình về hướng dân chủ !

Tất cả vẫy chào anh trong niềm thân thiết.

Anh có quyền an nghỉ.

 
Lúc 2 giờ, ngày 23-1-2014
Hạ Đình Nguyên

(*) Paektusan hay Trường Bạch Sơn là ngọn núi lửa ở biên giới Triều Tiên và Trung Quốc. Theo truyền thuyết Triều Tiên, đây là nơi Thiên tử xuống trần và sáng lập vương triều đầu tiên. Kim Nhật Thành đã tiếm dụng huyền thoại này, bày đặt ông ta ra đời ở đó (chú thích của Diễn Đàn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét