Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Chuyện cũ nói tiếp: Vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam

Xin giới thiệu một vài ý kiến của tôi liên quan bài viết của Gs Trần Văn Thọ về sự nhập nhằng giữa đào tạo tiến sĩ và nhà quản lí, công chức.  Trong bài này tôi chỉ ra những vấn đề liên quan đến việc hành chính hóa, đề tài nghiên cứu, người hướng dẫn, và đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ. 


Gần đây có nơi có chủ trương “tiến sĩ hoá” cán bộ cấp trung và cấp cao trong hệ thống công quyền. Có người nghĩ rằng rằng cán bộ phải có bằng tiến sĩ mới “đột phá tư duy”. Suy nghĩ này rất thú vị, nhưng tôi sợ là có sự ngộ nhận giữa văn bằng tiến sĩ (chủ yếu làm khoa học) và quản lí. Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda) về sự nhập nhằng giữa tiêu chuẩn đề bạt quan chức và đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Tôi cũng ủng hộ kiến nghị của Giáo sư Thọ: “Phải đoạn tuyệt quan hệ giữa văn bằng tiến sĩ với tiêu chuẩn, tư cách, trách nhiệm của một quan chức. Cần quyết định chấm dứt ngay việc xem văn bằng tiến sĩ là một tiêu chuẩn để đề bạt quan chức, cấm quan chức học tại chức để lấy bằng tiến sĩ, cấm quan chức tham gia việc đào tạo tiến sĩ.” Ngoài ra, cần phải chấn chỉnh lại qui trình và chương trình đào tạo tiến sĩ sao cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. 

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố qui chế về đào tạo tiến sĩ, nhưng trong thực tế thì hệ thống đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam có vấn đề. Đó là những vấn đề liên quan đến qui trình tuyển chọn nghiên cứu sinh, tuyển chọn đề tài nghiên cứu, chọn người hướng dẫn, đầu ra của chương trình đào tạo. Những vấn đề này làm cho văn bằng tiến sĩ từ Việt Nam chưa được đánh giá cao trong thế giới học thuật quốc tế. 

Hành chính hoá 

Tuyển chọn nghiên cứu sinh nhìn bề ngoài thì rất chặt chẽ và nghiêm túc, từ thi đầu vào và qua xét duyệt của một hội đồng chuyên môn. Nhưng nếu nhìn kĩ thì đo là một cách trình diễn hình thức và hành chính hoá học thuật. Nhiều người trong thành viên trong các hội đồng “ngồi nhầm chỗ”, nhưng lại có tiếng nói quan trọng mang tính quyết định sự nghiệp của một thí sinh. Nhìn qua những hồ sơ dự thi, dễ dàng thấy thí sinh phải tốn khá nhiều thì giờ để có những giấy tờ và công chứng, giấy xác nhận cấp cơ sở, thậm chí cả ảnh của thí sinh! Có nơi còn đòi hỏi thí sinh phải thi môn như xác suất thống kê! Nếu là nghiên cứu sinh về khoa học cơ bản thì thiết nghĩ môn học này không quá cần thiết đến phải thi. 

Sự hành chính hoá còn chi phối đến những khía cạnh mang tính học thuật thuần tuý, như cách đặt tựa đề của công trình nghiên cứu (vd phải có động từ), thậm chí số trang và số tài liệu tham khảo. Những cách hành chính hoá như thế gò bó thí sinh phải làm trong khuôn khổ, và cũng là một cách giết chết tính sáng tạo học thuật. 

Một điều đáng chú ý là ở Việt Nam, ở phần lớn các ngành đào tạo tiến sĩ không theo mô hình tập trung. Sau khi bảo vệ xong đề cương nghiên cứu và được chấp nhận, nghiên cứu sinh làm việc bình thường hay tiến hành nghiên cứu mà người hướng dẫn ít khi nào biết đến! Nghiên cứu sinh chẳng cần đến trường, mà chỉ thỉnh thoảng thì làm các “báo cáo chuyên đề”. Phải nói rằng đó là một cách đào tạo tiến sĩ rất lỏng lẻo, chẳng giống các đại học tại các nước tiên tiến nơi mà phần lớn các nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu toàn thời gian và được theo dõi & giúp đỡ thường xuyên (Box 1).

Có nơi qui định rằng đào tạo tiến sĩ chỉ cần 2 năm nếu đã có bằng thạc sĩ. Tôi chưa biết có nơi nào trên thế giới đào tạo tiến sĩ trong vòng 2 năm. Thật ra, thời gian đào tạo tiến sĩ không tuỳ thuộc vào ứng viên có bằng gì hay kinh nghiệm ra sao, mà tuỳ thuộc vào thời gian hoàn tất nghiên cứu. Ở Úc, thời gian đào tạo tiến sĩ thường là 4 năm toàn thời gian, bất kể ứng viên có bằng thạc sĩ hay không. Nếu ứng viên theo học bán thời gian, thì thời gian đào tạo dao động trong khoảng 6 đến 8 năm. 

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ 

Ở Việt Nam, các đại học chưa có những chuẩn mực đào tạo tiến sĩ. Người ta chỉ nói chung chung rằng tiến sĩ phải có năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu, và có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn. Nhưng cách hiểu về tiến sĩ như thế e rằng hơi lệch. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ thì không thể độc lập được, ngay cả sau khi tốt nghiệp tiến sĩ đại đa số vẫn chưa thể độc lập được hay hướng dẫn nghiên cứu khoa học, vì họ vẫn phải qua một giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ. 

Trước đây, tôi đã đề nghị 6 tiêu chuẩn cho một luận án tiến sĩ (Box 2). Để có được văn bằng tiến sĩ, ứng viên phải đạt hai điều kiện. Thứ nhất, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học. Thứ hai, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải tìm đọc và am hiểu tất cả những gì đã viết hay công bố về đề tài đó. 

Không phải như bậc cử nhân, kiến thức thường có thể tìm thấy trong sách giáo khoa , đối với bậc tiến sĩ kiến thức thường được tìm trong các tập san khoa học. Để mở rộng kiến thức về một đề tài, nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu khoa học theo sự hướng dẫn của thầy cô. Chính phần nghiên cứu khoa học này phân biệt giữa tiến sĩ và các chương trình cử nhân hay thạc sĩ. Học tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học. Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được.

Vấn đề chọn đề tài nghiên cứu 

Trong khi đó thì việc chọn và thẩm định đề tài nghiên cứu bị lu mờ. Mặc dù đã qua một hội đồng khoa học tuyển chọn, nhưng trong thực tế nhiều đề tài nghiên cứu thiếu cái mới và thiếu tính khoa học. Rất nhiều đề tài tiến sĩ có những tựa đề như “bước đầu đánh giá”, “đánh giá hiệu quả”, “nghiên cứu thực trạng”, “nghiên cứu đặc điểm”, “nghiên cứu áp dụng”, “nghiên cứu tác dụng”, “Giải pháp”, v.v. nhan nhản trong các luận án tiến sĩ. Theo một thống kê công bố trước đây, trong số 97 đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở một trường đại học kinh tế, có đến 57 đề tài về giải pháp, không xứng tầm luận án tiến sĩ. 

Rất nhiều đề tài dưới danh nghĩa “nghiên cứu khoa học”, nhưng trong thực tế đó là những việc làm thường qui của các quan chức, các bác sĩ, chứ không hẳn là nghiên cứu khoa học. “Bước đầu đánh giá” thì khó có thể xem là khoa học. Nghiên cứu khoa học phải được xây dựng trên giả thuyết và giả định, và giả thuyết phải được phát biểu dựa trên những kiến thức hiện hành. Đề tài nghiên cứu phải theo sát tri thức hiện hành, và đóng góp vào tri thức khoa học. Những đề tài như “giải pháp” (rất nhiều) thiếu cái mới trong câu hỏi nghiên cứu, thiếu cái mới trong cách tiếp cận, và thiếu cái mới trong phương pháp luận. Vì thế có lúc công chúng đã từng đặt câu hỏi: “Việt Nam có bao nhiêu luận án tiến sĩ … vô bổ?” 

Cũng cần phải mở ngoặc ở đây để nói thêm rằng đề tài nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức mới cho chuyên ngành. “Tri thức mới” ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v. Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn. 

Ở Việt Nam, nhiều luận án tiến sĩ nếu đánh giá một cách nghiêm chỉnh có thể xem là chưa đạt chuẩn mực của một luận án tiến sĩ. Chẳng hạn như trong ngành y, đại đa số những luận án người viết đã đọc qua chỉ là tập hợp 2 hoặc 3 báo cáo của một nghiên cứu duy nhất. Nội dung thì rất đơn giản, đơn điệu, phần lớn chỉ mang tính kiểm kê lâm sàng, chứ không có đóng góp gì cho tri thức khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Trần Văn Thọ nhận xét rằng “Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở Việt Nam chỉ làm cho luận án thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành”. Kinh nghiệm trong ngành y tôi thấy nhận xét này quá đúng. 

Vấn đề chọn người hướng dẫn 

Ở Việt Nam, người hướng dẫn nghiên cứu sinh thường do hiệu trưởng chỉ định. Đó là một qui định khá bất bình thường, vì đáng lí ra người hướng dẫn phải do nghiên cứu sinh chọn với sự thoả thuận về đề tài nghiên cứu giữa người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Tiêu chuẩn chọn người hướng dẫn thường không rõ ràng, mà chỉ chung chung là có học vị tiến sĩ 3 năm trở lên hay có “nhiều kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng, đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu khoa học”. Trong thực tế, có bằng tiến sĩ cho dù là 10 năm vẫn chưa thể hướng dẫn luận án tiến sĩ nếu không có một chương trình nghiên cứu nghiêm chỉnh và có hệ thống. Một thực tế khác ở Việt Nam là nhiều người hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ là quan chức đang chủ trì một dự án của Nhà nước chứ không hẳn là nhà khoa học, và đó là một điều lạ lùng. 

Cộng đồng khoa học mang tính kế thừa, và người ta đánh giá giá trị của bằng tiến sĩ không phải qua qui trình hành chính, mà qua người hướng dẫn và lab nghiên cứu. Người hướng dẫn phải có tư cách khoa học và uy tín khoa học, chứ không phải đơn giản có bằng tiến sĩ hay có chức danh như GS/PGS. Tư cách khoa học thể hiện qua tính độc lập (như đứng đầu một chương trình nghiên cứu) và từng hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh với vai trò người hướng dẫn phụ hay chính. Uy tín khoa học thể hiện qua công bố quốc tế và uy danh trong chuyên ngành. Ở nước ngoài, không một ai có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh nếu chưa bao giờ có công bố quốc tế. Qui chiếu theo những tiêu chuẩn trên, số người có khả năng và tư cách khoa học để hướng dẫn nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ có lẽ không nhiều. 

Một hướng giải quyết vấn đề là mời các nhà khoa học nước ngoài. Nhưng các đại học Việt Nam chưa sẵn sàng mời các giáo sư nước ngoài, vì những lo ngại có tên là "yếu tố nước ngoài". Tôi sống và làm việc ở Úc, nhưng vẫn đóng vai trò hướng dẫn nghiên cứu sinh ở Hà Lan và Thuỵ Điển, nhưng chẳng có quan chức nào của hai nước đó xem tôi là "yếu tố nước ngoài" với hàm ý tiêu cực. Khoa học mang tính quốc tế, nên “yếu tố nước ngoài” không có ý nghĩa gì trong hoạt động và đánh giá khoa học. 

Đầu ra 

Rất nhiều người nghĩ rằng học tiến sĩ chủ yếu là hoàn tất một luận án, nhưng thực tế thì không hẳn như thế. Luận án chỉ là một phần của chương trình đào tạo. Luận án là một báo cáo có hệ thống những phương pháp và kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Do đó, luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng tiến sĩ.

Nếu một luận án khi hoàn tất mà chỉ để trên giá sách của thư viện trường cũng chỉ là một mớ tài liệu ít người biết đến. Vì ít người biết đến và nằm trong thư viện, nên chẳng có bao nhiêu người biết được luận án đó có cái gì mới hay xứng đáng với cấp tiến sĩ hay không. Những lùm xùm về đạo văn, đạo luận án trong tuần qua cho thấy vì nghiên cứu sinh không công bố kết quả nghiên cứu nên hội đồng duyệt luận án không biết rằng nội dung của luận án có phần “trùng lập” với một luận án trước đó. Nếu có công bố thì có lẽ tình trạng đạo văn đã không xảy ra. 

Do đó, nghiên cứu sinh cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho nghiên cứu sinh, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh. Thật ra, công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ ở các đại học bên Âu châu, Mĩ châu, và Úc, những nơi mà họ khuyến khích (có nơi gần như bắt buộc) nghiên cứu sinh phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ. Ở một số nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, v.v. cũng có qui định tương tự.

Ấy thế mà có trường ở Việt Nam ra qui định rằng nghiên cứu sinh không được công bố kết quả nghiên cứu trước khi đệ trình luận án. Qui định này hoàn toàn đi ngược lại qui trình đào tạo tiến sĩ mà các đại học muốn áp dụng (công bố trước rồi mới đệ trình luận án). Thật ra, ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không có qui định nào “ngược đời” như thế. 

Ở Việt Nam, có nhiều người nghĩ rằng xong chương trình tiến sĩ là đạt đỉnh cao học thuật, không cần học gì thêm nữa! Quan điểm này hết sức sai lầm. Xong tiến sĩ có thể ví von như là xong học nghề. Người học cần phải trau dồi tay nghề mới có thể trở thành độc lập. Nhưng rất tiếc là đại đa số tiến sĩ được VN gửi ra ngoài đào tạo chưa qua chương trình hậu tiến sĩ, vì theo qui định họ phải về nước. Vì thế, phần lớn chưa có cơ hội thực tập sau tiến sĩ, và trình độ có khi cũng còn hạn chế. Còn ở Việt Nam thì không có chương trình hậu tiến sĩ. Theo tôi, cần phải gửi nghiên cứu sinh xong tiến sĩ ra ngoài để theo đuổi chương trình hậu tiến sĩ để đào tạo những người này thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Điều này có thể không dễ, vì xin được một học bổng hay suất học hậu tiến sĩ rất khó và cạnh tranh ác liệt. Nhưng nếu nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trên các tập san tốt thì việc xin nghiên cứu hậu tiến sĩ cũng dễ dàng hơn.

Nỗi khổ của nghiên cứu sinh 

Ở Việt Nam, ngoài những bất cập trong hệ thống đào tạo tiến sĩ, còn có những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến nghiên cứu sinh. Có lẽ Việt Nam là nơi duy nhất (?) trên thế giới mà nghiên cứu sinh phải tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu khoa học. Ở nước ngoài, nghiên cứu sinh được nhận vào học tiến sĩ đều có tài trợ qua hình thức học bổng hay tài trợ của dự án mà người hướng dẫn nhận được. Có nơi thì chi phí nghiên cứu lại được đùn đẩy cho … bệnh nhân. Có khi và có nơi những xét nghiệm phục vụ cho nghiên cứu của nghiên cứu sinh lại do chính bệnh nhân chi trả mà họ không hề hay biết! Có thể xem đó là một vi phạm nghiêm trọng về đạo đức khoa học. 

Một điều lạ lùng khác là nghiên cứu sinh ở Việt Nam phải đứng ra “chăm sóc” cho những người ngồi trong hội đồng chấm luận án! Qua phản ảnh của nhiều bạn, tôi được biết là nghiên cứu sinh thường phải lo chi phí ăn ở và đi lại (kể cả vé máy bay) cho các chuyên gia phản biện. Đáng lí ra đó là phạm vi của đại học, nhưng không hiểu sao nghiên cứu sinh phải đứng ra lo liệu tất cả. Có thể xem đó là một mâu thuẫn về lợi ích (conflict of interest). 

Một số giáo sư thay vì đóng vai trò cao quí là hướng dẫn thì lại đóng vai trò như “gia sư”. Họ phụ trách một số khâu trong công trình nghiên cứu, và ép nghiên cứu sinh phải dùng các dịch vụ của họ với cái giá khá cao. Các nghiên cứu sinh vì muốn “nín thở qua sông” nên phải chi thêm tiền để sử dụng các dịch vụ đó và để luận án được thông qua dễ dàng. Đó là một vi phạm đạo đức khoa học từ phía người hướng dẫn. 

Sai mục tiêu 

Sự định chế hóa tiến sĩ như là một điều kiện để được đề bạt chức vụ trong hệ thống công quyền là có vấn đề. Vấn đề là vì mục đích của chương trình đào tạo tiến sĩ. Tiến sĩ là một văn bằng xuất phát từ nghiên cứu. Như trình bày trên, học tiến sĩ có nghĩa là nghiên cứu. Người tốt nghiệp tiến sĩ sẽ trở thành một nhà khoa học độc lập, và một số sẽ trở thành giảng viên / giáo sư đại học. Dĩ nhiên, có rất nhiều người, nhất là trong y khoa, không qua tiến sĩ nhưng vẫn có thể làm nghiên cứu độc lập, nhưng tiến sĩ nói chung là một cái passport (giấy thông hành) để làm nghiên cứu khoa học. Đó là những mục tiêu của đào tạo tiến sĩ: để làm nghiên cứu hoặc/và giảng dạy. Đào tạo tiến sĩ không phải để làm quan chức trong hệ thống hành chính công quyền.

Thế nhưng trớ trêu thay, ở Việt Nam, tiến sĩ lại là một điều kiện để thăng quan tiến chức. Hệ quả là chúng ta thấy có quá nhiều người có bằng tiến sĩ nhưng không làm nghiên cứu khoa học hay giảng dạy. Có nhiều người có chức danh giáo sư nhưng không giảng dạy mà giữ chức vụ ngoài khoa bảng. Những con số làm chúng ta giật mình. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 24 ngàn tiến sĩ, nhưng chỉ có khoảng 9 ngàn (số liệu 2012) làm trong các đại học. Trong số khoảng 11 ngàn giáo sư và phó giáo sư thì chỉ có 3 ngàn đang làm việc trong các đại học. 

Hệ quả là năng suất khoa học Việt Nam còn thấp so với các nước trong vùng Đông Nam Á. Theo ước tính của tôi, năm 2013 Việt Nam công bố khoảng 2100 công trình khoa học trên các tập san quốc tế trong thư mục ISI. Tuy nhiên, so với vài nước trong khối ASEAN, số bài báo khoa học của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Ước tính trong năm 2013, Thái Lan công bố được 6390 công trình, Malaysia công bố được ~8500 công trình, và Singapore là 11400 công trình. Nói cách khác, số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore. 

Tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”. Chương trình huấn luyện tiến sĩ là nhằm mục đích đào tạo một cộng đồng nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao cần thiết cho việc phát triển khoa học và công nghệ của một nước. Những người này đóng vai trò then chốt trong nền khoa học, và là nguồn cung cấp nhân lực khoa bảng cho các trường đại học của nước nhà. Do đó, có một chương trình đào tạo và huấn luyện có chất lượng cao là một bước đầu cực kì quan trọng trong việc chấn chỉnh và phát triển giáo dục đại học ở trong nước. Nước ta đang trên đà hội nhập và gia tăng giao dịch, kể cả quan hệ hợp tác khoa học, với thế giới bên ngoài, nhất là thế giới Tây phương. Các nhà khoa học tương lai của ta cần phải được đào tạo và huấn luyện qua một chương trình có qui củ quốc tế, mà trong đó họ được trang bị bằng những tri thức và kĩ năng chuyên môn không những mới nhất, mà còn phải sâu nhất, để sao cho họ không cảm thấy mặc cảm, mà còn tự hào cầm trong tay một học vị tiến sĩ từ Việt Nam.



Box 1: Đào tạo tiến sĩ ở Úc

Ở các đại học Úc, qui trình đào tạo tiến sĩ khá nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm chỉnh. Các đại học Úc xem tiến sĩ là văn bằng nghiên cứu, nên ứng viên chỉ tiêu thời gian làm nghiên cứu chứ không học coursework. Bước đầu, ứng viên liên lạc với một giáo sư, và viết đề cương nghiên cứu khoảng 2-3 trang. Đề cương sẽ được gửi ra ngoài cho 2-3 chuyên gia bình duyệt xem chủ đề có xứng đáng với văn bằng tiến sĩ. Khi được thông qua, nghiên cứu sinh sẽ theo học và nghiên cứu toàn thời gian trong lab của giáo sư.

Thời gian theo học thường 3-4 năm. Trong thời gian đó, mỗi tuần nghiên cứu sinh phải tham dự các buổi sinh hoạt (như seminar và workshop) của lab, của bộ môn, và của viện/trường. Mỗi năm, nghiên cứu sinh phải báo cáo tiến độ, và có sự thẩm định độc lập từ hội đồng học thuật. Khi nghiên cứu sinh đã hoàn tất và công bố khoảng 2-4 bài báo khoa học, thì sẽ được cho phép viết luận án. Luận án sẽ được gửi cho 3 nhà khoa học (trong số này phải có ít nhất 1 người là nước ngoài) bình duyệt. Thông thường sau 3 tháng bình duyệt, nghiên cứu sinh sẽ phải chỉnh sửa theo yêu cầu, và hội đồng học thuật của trường đại học sẽ họp và quyết định trao bằng. Khác với các nước Âu châu, Úc không có buổi lễ bảo vệ luận án, nhưng có buổi trình bày luận án trước toàn bộ viện.




Box 2: Tiêu chuẩn cho một luận án tiến sĩ
Trong cuốn Chất lượng giáo dục đại học (nhà xuất bản Tổng Hợp, 2011), dựa vào tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm cá nhân, tôi đề nghị nghiên cứu sinh khoa học thực nghiệm phải đáp ứng sáu tiêu chuẩn sau:
·      Có kiến thức cơ bản về khoa học, và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà nghiên cứu sinh theo đuổi;
·      Am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi, có khả năng cập nhật hoá kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
·      Phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình;
·      Làm chủ được phương pháp nghiên cứu khoa học hay phương pháp thí nghiệm cơ bản;
·      Đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học;
·      Nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và tiến đến độc lập trong nghiên cứu.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét